Tìm kiếm Blog này

3 tháng 12, 2011

EM YÊU HÀ NỘI (Tiếp theo)

PHẦN VII

HOA BẰNG LĂNG

    Sáng nay, trên đường đi từ bể bơi về nhà, đường phố trở nên yên tĩnh sau những cơn mưa đầu hè. Đi dưới hàng bằng lăng nở rộ tôi lại 
 nhớ những kỷ niệm cách đây mấy năm… 
      Tôi sinh ra và lớn lên tại Matxcơva. Từ bé cho tới khi đi học, tôi sống cùng với các bạn người Nga. Ở khu tập thể nhà tôi các cô chú thường xuyên đến nhà tôi chơi. Trong các câu chuyện của họ, bao giờ cũng nhắc tới Hà Nội, nhưng tôi vẫn chưa có nhiều ấn tượng về thủ đô này, vì khi đó tôi còn bé.

    Khi cả nhà về Hà Nội, thời gian đầu, tôi cảm thấy buồn vì phải xa Matxcơva. Trong mắt tôi lúc đó, Hà Nội là thành phố chật hẹp, đầy bụi bặm, ồn ào với xe cộ đông đúc.
     Nhưng vài năm ở Hà Nội đã dần dần làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Tôi đã yêu Hà Nội! Những buổi chiều đi bơi thuyền Hồ Tây, ăn kem Thủy Tạ, đến nhà bạn bè tôi càng thấy rõ vẻ đẹp Hà Nội. Ở Matxcơva, có loài hoa Tử đinh hương. Vào những ngày đầu hè, tử đinh hương nở rộ khắp nơi. Những chùm hoa tím như đuôi sóc, với cành nhỏ và hương thơm nhè nhẹ luôn gây  niềm hưng phấn. Mẹ tôi thương mua hoa tử đinh hương về cắm. Thấy vậy tôi hỏi mẹ: có bao nhiêu hoa đẹp, sao mẹ thích Tử đinh hương thôi? Mẹ cười và trả lời: “Tử đinh hương không đẹp mà chỉ thơm, mà nó còn làm cho mẹ nhớ tới hoa Bằng lăng – loài hoa của tuổi học trò Hà Nội.
   Đối với đông đảo học sinh Hà Nội, hình ảnh hoa phương tượng trưng cho mùa hè, nhưng với tôi lại là hoa bằng lăng. Tôi yêu mến loài hoa bằng lăng của Hà Nội vì nó rất giống hoa tử đinh hương của Matxcơva – thứ hoa yêu thích của tôi.
    Chúng có nhiều điểm giống nhau: cùng nở vào khoảng tháng 5, nở thành chùm, hoa màu tím…Bố tôi bảo gần đây, người ta mới trồng thêm nhiều hoa bằng lăng ở Hà Nội. Ở Matxcơva, tôi thấy nhiều nhà cắm cành hoa Tử đinh hương vào trong lọ trông rất đẹp, còn ở Hà nội, tôi chưa thấy nhà nào ngắt một hoa bằng lăng để đem về nhà cắm, song, tôi tự nhủ rằng, nên giữ gìn thiên nhiên, môi trường không nên ngắt hoa.
    Mỗi khi nói chuyện, các bạn Nga hay hỏi tôi về Hà Nội, ban đầu tôi cong trả lời thiếu chính xác, thậm chí còn có câu không trả lời được. Nhưng qua sách vở, thầy cô bạn bè, tôi đã tự phát hiện được nhiều nét đẹp của Hà nội: phong cảnh , con người. Niềm yêu Hà nội thấm dần vào tôi khi nào không hay. Tôi đã yêu Hà Nội nhiều hơn lúc về. Bây giờ nếu các bạn Nga có hỏi tôi về Hà Nội, thì tôi sẽ cố gắng trả lời chính xác, đầy đủ để các bạn cùng yêu Hà Nội như tôi.
   Sau này, dù có đi đâu, tôi cũng sẽ trở về Hà nội – quê hương của mình, nơi những người thân và cả những chùm hoa bằng lăng tím nữa.
                                                                   NGUYỄN PHƯƠNG TRÀ MY


                               HỒ GƯƠM          

Hồ Gươm lung linh
Mây trời in bóng
Mặt nước xinh xinh 
Lăn tăn gợn sóng

Cầu Thê Húc đỏ
Cong cong như tôm
Nhìn xa cầu nhỏ
Dưới những chiều hôm

Kìa còn Tháp bút
Trên đá chơi vơi
Hương nhang nghi ngút
Đỉnh cao chọc trời.

Tháp Rùa trôi nổi
Trên mặt nước xanh
Hình như muốn nói
Từng trang sử xanh
                                       VŨ HƯƠNG MAI


THU VÀNG

   
    Chim tha nắng, ân cần trải nhẹ trên từng con phố. Con phố nhỏ xào xạc tiếng lá rơi. Những chiếc lá nhuộm vàng đường. Mặt trời lên, có con chim non hòa tiếng hát véo von, hòa tiếng nói dễ thương. Cô bé đi dạo quanh Hồ Gươm… Cô nhìn thấy một cụ già đang lom khom nhặt những chiếc lá vàng. Bà đã cần mẫn nhặt những chiếc lá héo úa, đặt vào cái hộp sắt đã rỉ.
- Bà làm nghề gì thế ạ? – Cô bé ngạc nhiên hỏi.
- Cháu giúp bà nhé!
   Cụ già ngẩng lên, bây giờ cô bé mới nhìn kỹ bà cụ. Những nếp nhăn khiến co bé cảm thấy thật đáng thương. Có vẻ như đôi mắt bà không còn nhìn thấy gì nữa. Cô bé không dám hỏi, cô tự hỏi mình: “Tại sao bà cụ không nhìn thấy nữa, tại sao cụ lại đi nhặt những chiếc lá vàng nhỉ?” Bao câu hỏi bỗng ùa về cô bé.
- Cháu này! – Bà cụ lên tiếng làm cô bé giật mình.
- Dạ, à vâng, để cháu nhặt giúp bà! – Cô bé ấp úng.
   Cô bé vừa nhặt vừa nhìn bà cụ. “Con cụ đâu mà để cụ đi một mình thế này?” Cô bé thầm nghĩ.
- Nhà bà ở đâu cháu đưa bà về.
    Bà cụ nhoẻn miệng cười. Rồi cô bé. Rồi cô bé dẫn bà cụ đi. Những chiếc lá vàng vẫn rơi rơi.
    Cô bé bước vào nhà,ngôi nhà nhỏ bé, chật hẹp. Trên tường toàn những giấy khen, trên bàn thờ là ảnh một người chiến sĩ. Trong nhà bà, chỉ có một chiếc gường và một chiếc tủ nhỏ.
-  Cháu ngồi đi!
     Cô bé nhẹ nhàng ngồi vào chiếc gường đã cũ kỹ.
- Bà ơi, trên kia là…! – Chưa kịp nói hết câu,bà cụ đã trả lời:
- Là con của bà đấy, nó hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ!
 Bà cụ nghẹn ngào nói:
- Bà có duy nhất một đứa con, nó nhập ngũ từ ngày ấy không quay về. Nó viết thư vào những chiếc lá vàng rồi gửi về cho bà. Bà nhờ người khác đọc rồi viết thư gửi cho nó, cũng những chiếc lá vàng này. Chỉ có hai mẹ con ta mới gặp nhau.
    Cô bé cảm động và thấy thương bà cụ quá! Bà cụ nhờ cô giới viết hộ. Cô nắn nót viết từng nét chữ: “Con ở trên đó chắc có nhiều bạn, quần áo mẹ gửi cho con lần trước con có mặc vừa không? Bây giờ mẹ làm thêm chiếc mũ len, con đội vào cho ấm kẻo cảm lạnh…” Đó là những gì mà người mẹ muốn gửi cho con. Cô bé không biết nói gì hơn, chỉ biết làm theo lời bà cụ. Cô đem đi đốt  chiếc lá đó cùng một chiếc mũ len bằng giấy mà bà cụ lấy ra từ trong tủ. Cô bé nhìn thấy những chiếc lá vang ghi: “Mùa thu năm 1954. Mẹ kính yêu của con…”Đó là những bức thư của người con.bà cụ rưng rưng nước mắt. Bây giờ, cô bé chợt hiểu. Bà thật dũng cảm vì đã trao đưa con của mình cho Tổ quốc, bà đã phải chịu nỗi đau quá lớn. Cô bé thốt ra:
- Bà ơi, cháu sẽ mãi là người cháu ruột của bà, bà nhé!
    Cô bé ôm chặt lấy bà cụ:
- Bà hay coi cháu là cháu của bà, bà nhé!
Bà cụ nước mắt trào ra:
-  Ừ, ừ, vậy thì tốt quá!
     Cô bé cười , bà cụ cũng cười – nụ cười hạnh phúc đầu tiên có trong đời.
     Kể từ ngày ấy trở đi, hôm nào cô bé đi học về cũng sang nhà bà cụ chơi, nấu cơm giúp bà. Nỗi cô đơn của bà cụ mù lòa đã không còn, bởi bà đã có cô bé. Bà cụ và cô bé chờ đợi đến ngày mùng mười tháng mười – ngày giải phóng Thủ đô, bà và cô bé sẽ tổ chức bữa tiệc mời người con ấy về. Khi đó, ba người sẽ mãi mãi bên nhau. Niềm hạnh phúc được toát lên từ mọt ăn nhà nhỏ bé, nơi có những chiếc lá vàng ngày đêm vẫn rơi rơi.

                                                                              NGÔ PHƯƠNG ANH

NHÀ TẬP THỂ

Em ở nhà tập thể
Cao những bốn năm tầng
Cầu thang chung đi giữa
Nghe rõ từng bước chân

Phòng bên bác họa sĩ
Đeo kính trắng thật dày
Tường treo toàn tranh vẽ
Mát màu xanh cỏ cây

Cô hương ở tầng dưới
Có cu Tý , cái Hoa
Bố mẹ đi làm vắng
Bị khóa giam trong nhà

Cuối năm em chuyển nhà
Xa cái Hoa, cu Tý
Lại nhớ bác họa sĩ
Rơi kính không biết tìm
             
                                            NGUYỄN THU TRANG


ĐIỀU TƯỞNG NHƯ KHÔNG THỂ CÓ

   “Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó…” Từ khi nghe lời bài hát vang lên, tôi đã chọn ngay để giới thiệu căn nhà xinh xinh của mình.
    Nhà tôi ở ngõ Bảo Khánh, lại tít ở tầng 3. Bố mẹ tôi thường đùa “nhà mình không có một tấc đất”. Bởi vậy chẳng có chỗ nào để có thể trồng được một chậu cây. Nếu có cây thì toàn là cây cảnh ở Hàm Long mua về. Chỉ có lọ hoa tươi là dấu hiệu của một thiên nhiên mà thôi.
  Thật may mắn, góc học tập của 
tôi nhìn ra Hồ Gươm, qua một chiếc cửa sổ nhỏ. Hồi tôi còn bé, gió từ hồ thổi vào mát lộng. Còn bây giờ các căn hộ đua nhau tăng chiều cao nên chẳng nhìn thấy Tháp Rùa mà gió cũng ít vào tới nơi.
   Thật ra tôi cũng không muốn nói gì về nơi ở của mình cả vì nó chả có gì đặc biệt. Thế nhưng lại có một điều thật thú vị mà chỉ có tôi mới cảm nhận được sự kỳ diệu của nó.
    Chuyện là thế này…
    Sau tiết học sinh vật lớp 6, “Tìm hiểu về sự nảy mầm của hạt”. Cái cửa sổ của tôi xuất hiện ba chậu cây. Nói là chậu cây cho oai chứ mỗi chậu cây tí hon ấy chính là một vỏ hộp sữa chua.
     Một chậu trồng hạt đỗ xanh
     Một chậu trồng hạt lạc
     Nhờ làm đúng theo chỉ dẫn của cô giáo nên tất cả các hạt đều nảy mầm thành cây con, trông thật thích mắt. Cây hai lá, ba lá rồi nhiều lá, cao dần từ 3 đến 5cm rồi tới hơn 30cm.
     Hàng ngày, tôi vẫn dành thời gian để chăm sóc, tưới nước và thưởng thức tác phẩm của mình. Thế rồi một sáng ngủ dậy, thật ngạc nhiên khi tôi nhìn thấy những bông hoa vàng xinh xinh mọc trên thân cây lạc. Tôi sung sương bê chậu cây đậu ra kiểm tra. Thật sửng sốt khi trên kẽ lá đã có một quả đậu non và một bông hoa tím dang lấp ló. Khỏi phải nói niềm vui của tôi tới mức nào. Có lẽ tôi là người hiểu hơn ai hết niềm vui của các bác nông dân khi được mùa. Vẫn chưa đủ nếu tôi không nhắc tới sự kiện này. Sau đó một tuần, vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, bỗng đâu quanh cây lạc xuất hiện một cánh bướm trắng rập rờn bên hoa. Thật lạ lùng, tôi không thể nào ngờ được, một chiếc cửa sổ lọt thỏm trong lòng Hà Nội, nơi ồn ào náo nhiệt đó cũng có được những giây phút êm dịu cho bướm và hoa gặp nhau. Cánh bướm ngập ngừng có vẻ ngạc nhiên rồi cứ quanh quẩn mãi bên hoa như không muốn rời xa. Thiên nhiên quả là kỳ diệu. thế mới biết con người, động vật, cây cối luôn gắn bó, gần gũi với nhau không thể tách rời. Chả thế mà xung quang Hồ Gươm, dưới những bóng cây râm mát, tên thảm cỏ xanh mượt, từ sáng sớm tới chiều tà mọi người thi nhau tới để hóng mát, để tận hưởng vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên.
    Chỉ tiếc rằng vẫn còn có những người chưa biết giá trị của thiên nhiên, còn nỡ giẫm chân, đá bóng trên thảm cỏ,bẻ cành hái lá khi mùa xuân về. Giá như ai cũng biết chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên thì chúng ta sẽ còn được thưởng thức thức nhiều điều tuyệt vời nữa của thiên nhiên ban tặng.
     Nhìn những bông hoa lạc, càng thích thú với chậu cây của mình tôi càng mong muốn mình sau này sẽ học  một nghề gì đó về sinh vật để có thể trở thành người góp phần làm cho Hà nội của chúng ta xanh và đẹp mãi.
                                                                                    BẢO KHÁNH


TẶNG ÔNG NGOẠI

Ông nội thì ở quê xa,
Ở gần cháu có bà ngoại thôi
Từ lúc cháu mới chào đời
Ông chăm, bà bế chẳng ngơi chút nào.
Lương hưu chẳng được là bao
Quà ông cho cháu dạt dào tình thương
Lớn rồi cháu phải đến trường
Đón đưa ông chẳng ngại đường xa xôi
Cháu yêu ông lắm ông ơi
Gia lâm hai phía bồi hồi nhớ mong.
Mong sao chóng đến cuối tuần
Ông lên, cháu xuống vợi phần nhớ mong.
Yêu ông cháu viết mấy dòng
Cầu mong ông khỏe vui cùng cháu con
                                                         HỒNG VÂN




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét