Tìm kiếm Blog này

11 tháng 7, 2011

CUỘC THI VIẾT VÀ TRẠI " EM TẬP VIẾT VĂN , LÀM THƠ" 2011

      Để các em  thiếu nhi yêu văn thơ Thủ Đô làm quen, có điều kiện phát triển khả năng sáng tác thơ văn và có một sân chơi để bày tỏ suy nghĩ,  tình cảm , ước mơ của mình với cuộc sống xung quanh , Cung thiếu nhi Hà Nội tổ chức cuộc thi "Em tập viết văn, làm thơ" - 2011 cho các em thiếu nhi Thủ Đô . Đây là một sự kiện quan trọng đối với các em thiếu  nhi yêu văn học. Từ cuộc thi này,  ban tổ chức đã chọn những tác giả xuất  sắc tham dự hội trại "Em tập viết văn, làm thơ"
  Hội trại được diễn ra từ ngày 5 đến 9/7.tại Cung Thiếu nhi Hà Nội và hồ Núi Cốc, Thái Nguyên. Trong những ngày này, trại của các em được đón các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi: nhà thơ Định Hải, nhà văn Lê Phương Liên, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Đức Quang..33 thành viên của trại rất phấn khởi được các nhà văn, nhà thơ nói chuyện, hướng dẫn  và trao đổi tận tình về cách cảm thụ  văn học, về phương pháp, kỹ năng sáng tác. Ngày kết thúc trại cũng là ngày tổng kết cuộc thi, các em ai cũng phấn khởi và thấy trưởng thành hơn sau trại sáng tác này, đây sẽ là quãng thời gian không bao giờ quên của mỗi người.


NHỮNG MẦM NON VĂN HỌC MỚI
                                                 Nhà văn  Lê Phương Liên

 

      Trải qua hơn nửa thế kỷ, Cung thiếu nhi Hà Nội với Thư viện và Câu lạc bộ Văn học thiếu nhi đã là vườn ươm tài năng văn học của lớp lớp các thế hệ thiếu nhi thủ đô Hà Nội. Nơi đây cũng đã nơi các nhà văn lớn của đất nước như Nguyễn Đình Thi,Hoàng Trung Thông, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh, Võ Quảng, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Hà Ân… đã từng đến trò chuyện , hướng dẫn nhiều lớp thiếu nhi yêu thích văn học trưởng thành qua từng thời kỳ lịch sử.
    Mùa xuân năm 2011, thủ đô Hà Nội vượt qua ngưỡng cửa nghìn tuổi , non sông gấm vóc lại đón xuân về ,bên Hồ Gươm thiêng liêng cây cối lại đâm chồi nảy lộc.Vượt qua những suy nghĩ bi quan về tình cảm của trẻ em với văn học hiện nay, cuộc thi “Em tập viết văn làm thơ”một lần nữa lại được Cung thiếu nhi phát động rầm rộ trên toàn thành phố. Chỉ trải qua mấy tháng từ xuân sang hè, đã có 8475 bài văn, thơ của các em gửi đến dự thi. Ban sơ khảo cuộc thi do các cán bộ và cộng tác viên của Câu lạc bộ Văn học đọc loại vòng 1 chọn ra 4000 bài bước vào sơ khảo vòng 2 .Việc lựa chọn ở vòng 2 có thêm sự tham gia của các biên tập viên Phòng biên tập Văn học-Nhà xuất bản Kim Đồng.
  Có thể nói rằng công việc Sơ khảo đã được các anh các chị phụ trách, các thầy cô giáo và các cán bộ văn học chuyên về thiếu nhi tiến hành rất nghiêm túc , chọn lọc và phát hiện những tác phẩm xứng đáng tiêu biểu cho phong trào sáng tác của các em thiếu nhi Hà Nội hiện nay.
  Đã có 122 bài văn và thơ của 33 tác giả nhỏ tuổi được lựa chọn vào vòng chung khảo.Ban chung khảo gồm các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng ,quen thuộc và chuyên sâu trong lĩnh vực thiếu nhi, đó là nhà thơ Định Hải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Lê Phương Liên và nhà thơ Nguyễn Đức Quang.
  Tất cả các nhà thơ, nhà văn đọc bài của các em trong cuộc thi này đều rất vui.Chúng tôi thật sự xúc động trước những trang văn tươi tắn tình cảm chân thật, tuy cách viết còn vụng về, giản dị . Trong cuộc thi lần này những bài viết nổi bật nhất là những bài viết về tình cảm gia đình.Chúng ta đều biết rằng, bước vào thế kỷ XXI, cuộc sống của nhân dân ta đã có sự đổi mới nhanh chóng.Những tiện nghi hiện đại thâm nhập và chi phối sinh hoạt của  từng gia đình, “đô thi hóa” đã làm co hẹp nông thôn, làng quê thân thương ngàn đời với các gia đình Việt Nam.Trong nhịp sống gấp gáp của xã hội  tình cảm gia đình đã trở nên mong manh như đang rung rinh trong làn sóng của lối sống vô cảm ích kỷ càng ngày càng nhiễm vào tâm hồn thơ trẻ.Cuộc sống sum vầy ông bà, con cháu càng ngày càng xa, càng nhạt…Chính vì thế đọc các bài văn “Người ông nội của tôi” của em Phạm Bảo Ngọc, “ Ông ngoại con” của em Thiều Ngọc Trâm, “Những chiếc kẹo trong đêm mưa” của em Huỳnh Mỹ Hiếu Kiên và những bài thơ “Mẹ” của Lại Trương Cẩm Trang, “Ông em” của Đỗ Hoàng Quân…Chúng tôi thật sự cảm động và thấy mừng lắm.
  Những bài văn trong cuộc thi năm 2011 thể hiện tình ông bà, cha mẹ, anh em,bè bạn, hàng xóm , người qua đường…đã có phần khác với những bài văn cũng cùng một chủ đề như thế cách đây 5 năm , 10 năm, 20 trước  (Các vị giám khảo chúng tôi cũng đã từng chấm các cuộc thi của Cung thiếu nhi từ những năm 80, 90 ở thế kỷ đã qua.)
 Hình ảnh “người ông” của các em nhỏ hôm nay là hình ảnh người ông cựu chiến binh, là anh bộ đội của ngày xưa. Hình ảnh người ông dậy sớm tập thể dục,ông kể chuyện chiến đấu ngày xưa, ông yêu vườn cây và dặn dò cháu giữ lấy vườn cây, ông “dấm” quả hồng xiêm cho cháu, ông tiết kiệm và giản dị giữ gìn từ cái mũ cũ đến thích các món ăn quê nhà…Tất cả những chi tiết đời thường ấy đã trở thành quý giá, trở thành vô giá trong đà phát triển ào ạt của cuộc sống hiện đại khiến người với người nói năng, ứng xử với nhau trong quan hệ hàng hóa, mua bán, khiến tình người thành “lạnh giá như đồng”…Trẻ thơ cần tình cảm biết bao, các em cần tình người trong từng cử chỉ , ánh mắt ,lời nói ấm áp… có lẽ vì thế hình ảnh người già đã được các em khắc đậm trong tâm trí , hiện ra rõ mồn một trong văn thơ của các em.Phải chăng “ người già” đang giữ lại bản sắc tình cảm Việt muôn đời trong tâm hồn trẻ thơ hôm nay.
 Ở đây tôi muốn nói sâu thêm về truyện ngắn “Những chiếc kẹo trong đêm mưa” của em Huỳnh Mỹ Hiếu Kiên.Đây là một truyện ngắn có nhân vật chính không phải là “người già” mà là một câu bé và em trai nhỏ của cậu ta. Cậu bé (nhân vật chính) khi mở đầu câu chuyện ở tình huống mẹ đẻ thêm em bé , như vậy tình cảm của em đã bị chia sẻ .Cậu bé (nhân vật chính) đã thể hiện một tâm trạng ích kỷ , bực dọc, ghen ghét với em ruột mỗi khi em tỏ ra “đáng yêu” và  mọi người lớn yêu chiều hơn mình. “Cây bút nhí”Huỳnh Mỹ Hiếu Kiên đã chân thành giãi bày tâm lý bản năng tự nhiên của trẻ nhỏ.Chính sự chân thành đó đã khiến cho đoạn kết của câu chuyện thật cảm động , đầy sức thuyết phục. Việc chia sẻ cái kẹo của em bé rất ngây thơ trong đêm mưa với người anh đã làm cho người đọc thêm tin yêu rằng dù xã hội có hiện đại đến đâu tình em anh ruột, tình huyết thống vẫn bền chặt, vẫn gắn bó, vẫn là vĩnh viễn trong tình người Việt Nam.
 Lòng trắc ẩn, “thương người như thể thương thân” vẫn là một tình cảm xuyên suốt trong nhiều bài văn bài thơ của các em tham gia dự thi năm nay.Nhiều bài văn cảm động của các em về những cảnh ngộ mà các em tình cờ được biết như hình ảnh một ông già bất hạnh trong bài văn của em Nguyễn Thu Thủy, hình ảnh một cử chỉ cho một đôi giầy cho một bà cụ đi chân đất trên một chuyến xe…trong bài văn của  Hồ Thị Yến Chi.
  Có thể nói ở phần văn các em đã có những bước phát triển về cách viết, cách diễn đạt đáng chú ý. Có em đã dùng hình thức một bức thư để thể hiện truyện ngắn(Ông ngoại con của Thiều Ngọc Trâm), có em đã học hỏi cách viết giống như một kịch bản phim (Làm lành nhé của Ngô Minh Hằng)…Em Nguyễn Phương Thảo đã mạnh dạn viết cả một truyện dài và thể hiện được hai chương đầu tiên có tên “Tuổi thơ” và Giá như… thời gian trở lại”.Ban giám khảo chúng tôi đã đọc kỹ bản thảo này và rất tiếc không thể đưa vào giải vì lý do tác phẩm chưa hoàn thành.Chắc là trong dịp tham gia trại sáng tác em Phương Thảo sẽ được gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ để học hỏi những kinh nghiệm cho việc viết một truyện dài.
  Phần thơ trong cuộc thi này có phần “đuối” hơn phần văn.Như nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “ Hình như thơ đã có một bước lùi”.Chúng tôi thấy rằng ngay cả những bài thơ nổi trội nhất cũng không có gì mới về tứ thơ, ý thơ và đặc biệt là cách gieo vần thơ của các em đã thể hiện sự lúng túng…Có lẽ trong đời sống tình cảm gia đình hiện nay các em thiếu nhi thời hiện đại đã bị thiếu hụt vốn sống văn hóa dân gian.Các em đang thiếu những lời ru mộc mạc, thiếu những câu hát đồng dao, những câu tục ngữ “cửa miệng” của những người thân trong gia đình.Nếu thiếu đi cái nôi văn hóa dân gian thì làm sao những bài thơ hai chữ, ba chữ, bốn chữ , năm chữ hồn nhiên kỳ diệu của tuổi thơ Trần Đăng Khoa, của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, của nhà thơ Định Hải lại có thể xuất thần ra đời và sống mãi trong đời sống tâm hồn các thế hệ?
  Ban giám khảo chúng tôi cũng cảm thấy không vui khi gặp phải hiện tượng chép thơ của các tác giả để dự thi.Đây không phải là hiện tượng của một cuộc thi mà là hiện tượng đã tái diễn nhiều lần trong nhiều cuộc thi của các em thiếu nhi.Chúng tôi hy vọng rằng các vị phụ huynh , các thầy cô giáo hãy vì tương lai tốt đẹp cho con em mình nên góp phần xóa bỏ hiện tượng “đạo văn” để các cuộc thi của các em thiếu nhi thực sự lành mạnh trong sáng.
 Vượt lên những hạn chế , những khó khăn, cuộc thi “Em tập viết văn làm thơ” của Cung thiếu nhi Hà Nội năm 2011 đã ghi đậm một dấu ấn mới trong phong trào sáng tác của thiếu nhi hiện nay.Để có được sự thành công hôm nay chúng tôi xin trân trọng cám ơn nhiệt tình tâm huyết của các đồng chí cán bộ phụ trách đội Văn học Cung thiếu nhi Hà Nội , chúng tôi xin trân trọng cám ơn sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời công tâm của các đồng chí lãnh đạo Thành Đoàn Hà Nội.Xin cám ơn các em thiếu nhi, những người đang mạnh dạn thể hiện tình cảm non xanh của mình thành những dòng chữ  truyền cảm rung động lòng người.Các em tập viết văn làm thơ hôm nay có lẽ chưa phải là việc các em đến với một “nghề”.Các em viết để tâm hồn mình đẹp hơn , chân thật hơn và thiện tâm hơn.Đó cũng là lời nhăn nhủ của chúng tôi đến với các vị phụ huynh, các thầy cô giáo và các anh chị phụ trách.
  Xin chân thành cám ơn các nhà văn nhà thơ trong Ban giám khảo và toàn thể các bạn.
                                                                 Hà Nội tháng 7/2011.
                                                                           L.P.L                             
    
     GIẢI A


NHỮNG CHIẾC KẸO TRONG ĐÊM MƯA

 Huỳnh Mỹ Hiếu Kiên
      Lớp 6A4 THCS Thành Công
Quận Ba Đình

       Cách đây lâu lắm rồi, đã năm mùa hè kể từ khi ấy, ngày mà tôi được làm anh, em tôi ra đời. Cái tên của nó vô cùng đáng yêu : Minh Khiêm. Tôi được hào hứng, phấn khởi trải qua những giây phút làm anh quý báu của hạnh phúc. Nhưng rồi.....
  Thấm thoát bốn năm trôi qua, em đã dần đứng vững được. Sức khỏe của nó rất kém. Chính vì vậy mà nó phải vật lộn với bệnh tật và thuốc men. Nó sinh ra khó tính và nhõng nhẽo với tất cả mọi người, nên được ba mẹ tôi dỗ dành, yêu chiều. Đã không biết bao lần, tôi bị mắng oan vì nó, và mỗi một lần như vậy, tôi cjir muốn khóc...
     Khiêm rất gầy gò, còi cọc. Nhờ vào đó mà nó kiếm được bao sự thiên vị từ không ít người trong nhà tôi. Cái đầu tròn và trán dô nghịch ngợm. Mái tóc tơ hơi hoe vàng, ngày một dày hơn, bờm xờm luôn luôn mọc dựng đứng mà tôi hay chọc nó "đầu chôm chôm". Trông nó quá ư lôi thôi, nhếch nhác trong bộ quần áo lúc nào đen sì sì vì hay nghịch bẩn.
    Tuy vậy, nhưng làn da nó vô cùng trắng, trắng như trứng gà bóc, trắng hồng mịn màng đến lạ. Đúng như làn da em bé có khác! Đôi lông mày rậm rạp và lông mi cong vút tạo cho nó một đôi mắt đáng yêu đầy sức hút. Đấy là niềm tự hào của nó. Chỉ như vậy thôi, nó cũng đủ làm tôi"lép vế" trước con mắt mọi người. Cho dù tôi có cao lớn còn nó thì lùn tịt như máy nước đi với cột đèn đi chăng nữa, nó luôn được khen là thông minh và hiếu động"đáng yêu". Tôi luôn cảm thấy mình bị đẩy ra ngoài....
    Và tôi cũng lớn dần lên theo thời gian. Tôi thể khóc mãi được. Như thế thì"chán" lắm! Tại sao mình không "trả thù" nó nhỉ? Nhưng nếu làm gì to tát thì mẹ và mọi người sẽ mắng tôi, thậm chí đánh nữa. Vậy thì hãy làm gì cho nó cảm thấy khó chịu. Tôi thầm nghĩ....
Rồi cứ thế, mỗi ngày, mỗi giờ, tôi trêu, chọc ghẹo làm nó tức điên lên. Mỗi lần như vậy, mặt nó đỏ nhừ như gà chọi, chau mặt nhăn nhó. Nó đập tay, gậm chân , thình thịch. Nó nghiến răng, rít lên như quái vật rồi lao vào đánh, đấm lia lịa vào tôi. Nó đánh đau ghê lắm! Mẹ tôi phải  ra  can rồi mắng cả hai anh em.Nó thì động tí là khóc rồi lại cong lý sự này nọ nữa chứ. Còn tôi thì trở lại công việc bình thường, trong lòng vui sướng âm ỉ.
   Ngày này qua tháng khác, anh em tôi sinh ra thù hận lẫn nhau, cứ giáp mặt nhau lại hầm hè, đôi lúc còn giống như hai con thú dữ sắp ăn tươi nuốt sống lẫn nhau vậy. Khi ai hỏi có yêu anh không nó không, nó chỉ xịu mặt xuống, dẩu miệng ra đáp " không!" 
   Tới một ngày nọ, trời mua lớn mà tôi phải đạp xe đi học  một mình nên mắc mưa. Khi về nhà, tôi run cầm cập, vừa đói vùa rét. Nhưng tôi vô cùng bất ngờ  khi mẹ tôi vẫn thản nhiên xem vô tuyến mà cơm chưa có. Đến lúc tôi hỏi::Mẹ ơi có cơm chưa ạ" thì mẹ tôi mới giật mình vừa ba chân bốn cẳng chạy vào bếp, vùa thanh minh mải xem phim. Tôi giận dữ ngồi phịch xuống gường  và gắt um lên. Còn Khiêm, nó lại dán mắt vào máy vi tính.tôi cảm thấy chẳng ai quan tâm đến tôi cả. Bỗng nhiên Khiêm chạy đến bên tôi, tay móc từ trong túi quần ra bao nhiêu là kẹo với bánh, đầy cả hai nắm tay, đưa ra trước mặt tôi:
   Anh ăn kẹo đi cho đỡ đói!
  Khiêm mắt tròn xeo ngơ ngác nhìn tôi, rồi nó cười cài cái nụ cười đáng yêu mà trước nay tôi vẫn chẳng thể nghĩ ra , vì cho rằng nó rằng nó lấy hết cả tình thương và sự quan tâm của mọi người mà lễ ra cũng có một chút dành cho tôi. Hai bàn tay bé nhỏ của nó ôm lấy mặt tôi. Nó bảo:
      - Hôm nay, lớp em có hai bạn làm sinh nhật, em lấy phần về cho anh đấy!
      Chỉ nghe có thế thôi đã hiểu, em yêu tôi thật.Tôi cảm thấy ngỡ ngàng, rồi vô cùng xấu hổ. Gục đầu vào người nó mà tôi bặt khóc. Tay tôi ôm nó thật chặt...

                                   
                                           ------------------------------------------
GIẢI B                

                                                   KHÔNG ĐỀ
                                                       
                                                               Trần Quỳnh Phương
                                                               Lớp 7A4 THCS Lê Lợi
                                                  Quận Hoàn Kiếm

                                       Có những mùa hè sẽ đi qua
                                       Bằng những bước chân của thời gian lặng lẽ
                                       Màu lá non trên những càng phượng vĩ                                                 
                                       Hong nắng mai đỏ thắm tự bao giờ
                                       Cơn mua chiều găng sợi mịn như tơ
                                       Đan chiếc áo phủ mờ trên phố vắng
                                       Có những mùa vội qua trong sắc nắng
                                       Lặng lẽ về rồi lặng lễ ra đi
                                       
                                       Tuổi học trò tính bằng những mùa thi
                                       Mới năm nào giờ chúng mình đã lớn
                                       Mầm xanh cây đã vườn lá đầy cành
                                       Cánh chim non chập chững bước mây xanh
                                       Giang cánh nhỏ, tung bay trời xa thẳm.

                                       Chỉ còn nơi đay một mái đầu bạc trắng
                                       Lặng lẽ dìu những năm tháng ra đi

   
                                      ----------------------------------------------


 GIẢI TÁC GIẢ NHỎ TUỔI

                                                         CÂY BÀNG
                                                 
                                                       Lê Hồng Khánh Ngọc
                                                       Lóp 2G Tiểu học Lê Ngọc Hân
                                                       Quận Hai Bà Trưng

                                                      Không biết tự bao giờ
                                                      Cây bàng đứng góc sân
                                                       Năm em vào lớp một
                                                       Đã thấy cây bàng rồi

                                                       Năm nay lên lớp hai
                                                       Em sang phòng học mới
                                                       Riêng cây bàng vẫn vậy
                                                      Đứng nguyên của chỗ mình

                                                      Cây bàng đứng trong sân
                                                      Mùa đông phải chịu rét
                                                      Chúng em đều có áo
                                                      Một mình bàng thì không

                                                       Mùa hè lại che nắng
                                                      Cho chúng em đùa vui
                                                      Cái nắng chiếu vào bàng
                                                      Có nóng không bàng ơi

                                          -----------------------------------------------


Giải B
                                                      BÚP BÊ BẰNG VẢI
                                                                                   
                    Phạm Thị Mai Anh                                                    
               Lớp 7B THCS Vân Hồ
               Quận Hai Bà Trưng
     
Ở một làng nọ, có một cô bé tên là Lan. Lan rất thích chơi búp bê.Trong lớp học, những người bạn của Lan đều có những con Rô-bốt, búp bê rất đẹp và lạ mắt.Những chú Rô-bốt khi được" kích hoạt" phát ra tia ánh sáng đủ màu rất nổi bật, lại còn kèm theo những tiếng"chíu, chíu" như bắn súng. Còn những nàng búp bê thì có mái tóc dài ,vàng óng ả. Mắt to tròn, môi tô son đỏ, đặc biệt là các nàng búp bê có thể thay nhiều bộ quần áo.giày dép khác nhau. Trông đến lạ mắt! Lan là một học sinh khá giỏi. Mỗi lần Lan đạt học sinh giỏi,em được mẹ cho đi công viên chơi. Lan rất muốn có một cô búp bê xinh đẹp như một cô các bạn, nhưng điều kiện hoàn cảnh gia đình em không cho phép. Bố Lan mất đi khi em còn nhỏ. Anh trai Lan đang học cấp hai. Mẹ Lan làm thợ may tại nhà, một mình mẹ phải nuôi hai anh em.Lan biết mẹ em còn vất vả nên em cũng không nói cho mẹ biết ước muốn của mình. ngày lễ Giáng sinh sắp đến, đây là ngày mà mọi điều ước của của trẻ em trở thành hiện thực. Lan không biết chia sẻ mong muốn của mình cùng ai, em láy búp và viết dòng chữ tròn trịa vào tờ giấy :" Ông già Nô-en  yêu quý, cháu muốn có một cô búp bê, mong ông biến điều ước đó thành hiện thực". Rồi em cất tờ giấy vào vỏ gối và ước nguyện. Một lần mẹ của Lan don dẹp phòng và đã thấy tờ giấy mà Lan viết. Biết được mong muốn của con gái mình, mẹ Lan đã nảy ra một ý. Bà thu gom lại những mảnh vải vụn ghép lại, và dùng bông đẻ làm đầu con búp bê. Dùng những sợi len làm tóc và hai chiếc cúc làm mắt cho búp bê. Dùng chỉ đỏ khâu thành miệng cười cho búp bê. Giáng sinh đã đến, trong khi Lan ngủ, mẹ Lan đặt búp bên bên cạch em và đặt một nụ hôn lên trán Lan. Sáng hôm sau tỉnh dậy. Lan rắt bất ngờ và vui mừng khi thấy một cô búp bê bên cạch mình và một tờ giấy ghi:"Nó là dàng cho Lan". Em cũng biết rằng con búp bê do mẹ làm vì lần trước em đã thấy mẹ giữ những mảnh vải giống với vải của búp bê. Lan chạy ra phòng may của mẹ và ôm chầm lấy mẹ. Em cười thật tươi và rạng rỡ. đôi mắt trong và đen ngước lên nhìn mẹ:" Con cảm ơn mẹ nhiều lắm!" Mẹ Lan mỉm cười hạnh phúc vì đã thực hiện được mong muốn của con gái mình. Dù đó chỉ là con búp bê bằng vải giản dị, không quá đẹp hay quá nổi bật nhưng bên trong nó chứa đựng tình yêu vô hạn của mẹ dành cho Lan



GIẢI C

NÓI VỚI THIÊN NHIÊN

           Tạ Phương Thảo
                                Lớp 5A Tiểu học Lê Ngọc Hân
             Quận Hai Bà Trưng


                    Em nói với gió
                    Cảm ơn gió nhé
                    Đã cho chúng em
                    Những ngày mát mẻ

                                          Em nói với cây
                                           Cảm ơn cây nhé
                                             Đã cho chim nhỏ
                                                   Trò chuyện trên cành

                       Em nói với chim
                       Cảm ơn chim nhỏ
                       Cất tiếng hát trong
                       Chào em tới trường

                                                                     Em nói với nắng
                                                                     Cảm ơn nắng nhé
                                                                     Đã cho chúng em
                                                                     Cái vui ngày hè

                          Thì thầm em nói
                          Cảm ơn thiên nhiên
                          Cho gió cho cây
                          Cho chim, cho nắng

                                                                      Dịu dàng em hát
                                                                      Cảm ơn thiên nhiên
                                                                     Cho em nhảy nhót
                                                                     Cho em vui cười
                                                                     Cảm ơn thiên nhiên




GIẢI B



CÔ BÉ HIẾU THẢO

                                                                                 
                  Nghiêm Nguyệt Ánh             
               Lớp 5A Tiểu học Lê Ngọc Hân
               Quận Hai Bà Trưng

Lớp tôi ai cũng chan hòa,đoàn kết. Vậy mà chỉ có Lan, lúc nào cũng thu hẹp mình lại, tránh tiếp xúc bên ngoài. Lan gầy, mảnh mai, bạn lúc nào cũng mặc đơn sơ chiếc áo sơ mi và quần ngắn, kể cả khi trời rét. Lan ít nói, chỉ khi cô gọi mới trả lời, bạn như vậy, nên ai cũng trêu chọc . Nhưng đó chỉ là vẻ bên ngoài, còn tính cách của Lan, khiến ai cũng phải thán phục. Người phát hiện đầu tiên chính là tôi. Hôm đó, khi trời vừa hửng sáng, tôi vẫn còn nằm trong chăn bông ấm áp, chỉ khi mẹ giục tôi dậy để đi chợ, tôi mới vùng vằng thức giấc, với vẻ mặt khó chịu . Trời rất lạnh, tôi phải mặc áo len ra ngoài đường. Vừa vào đến phiên chợ, tôi không khỏi bất ngờ khi thấy Lan ngồi bán cá, vẫn mạc bộ quần áo cộc như khi Lan đến trường. Tôi định chạy ra hỏi, nhưng nghĩ rằng bạn sẽ không trả lời. Sự tò mò không ngăn nổi tôi, tôi quyết định hỏi bạn sự thật. Lan trông thấy tôi, định chạy, nhưng còn phải trông hàng, nên bạn đành phải ở lại, với vẻ mặt sợ sệt. Tôi hỏi Lan, lúc đầu bạn còn ngần ngừ như không  nói, xong bạn kể cho tôi hết mọi việc. Tôi bỡ ngỡ, gia cảnh của Lan thật đáng thương. Mẹ Lan bị tai nạn giao thông và qua đời từ mấy tháng trước. Bố Lan khi nghe tin đã sốc nên phát bệnh , nằm liệt gường. Vì nhà nghèo, Lan phải đi bán cá kiếm sống cho gia đình, bạn chỉ có một bộ quần áo cũ. Lan phải chụi rét qua ngày để lo tiền thuốc cho bố và tiền học cho mình. Thế mà tôi có thể vô tâm đến như vậy. Mặt trời vừa lên , khi tôi vẫn còn ngủ, thì Lan đã phải ra chợ bán hàng.
     Tôi nảy ra một ý. Đến lớp, khi cô vừa vào lớp, tôi bước lên bục giảng kể hết sự việc về Lan cho cả lớp nghe. Có bạn xúc động, có bạn thì khóc. Cô nghe xong, liền chạy xuống phòng hiệu trưởng. Một lúc sau, tiếng loa của trường vang lên, nội dung thông báo kêu gọi mọi người cùng chung tay quyên góp quần áo, tiền cho Lan – một cô bé hiếu thảo. A tiếng trong loa là tiếng của cô giáo. Hoan hô cô! Lan không hề biết gì về buổi học hôm đó, vì bạn nghi. Hôm sau, khi lớp tôi nhận được nhiều quần áo và tiền từ những nhà hảo tâm, cả lớp thống nhất khi tan học về sẽ đến thăm và tặng quà cho Lan. Lan rất bất ngờ, cảm động tấm lòng của các bạn, hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Cả lớp tôi ngồi nói chuyện với bạn một lúc rồi về. Từ đó trở đi, bạn học giỏi hơn, hòa đồng với các bạn. Mọi chi phí trong trường Ban giám hiệu trả hết cho bạn.
      Lan quả là người con hiếu thảo, con ngoan, trò giỏi. Chúng ta hãy học tập Lan, hãy bắt đầu với việc có hiếu với cha mẹ nhé!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét