Tìm kiếm Blog này

30 tháng 12, 2011

EM YÊU HÀ NỘI (Tiếp theo)

PHẦN XI

CHIM CU GÁY

      Ôi! một chú chim gáy thật tuyệt, chắc chú gáy thì hay phải biết. Tôi liền mang lên nhà và treo chiếc lồng chim lên cửa sổ phòng tôi. Từ hôm đó trở đi, tôi coi chú như một người bạn tốt vậy. Hàng ngày, những lúc rảnh rỗi, tôi thường ngồi trò chuyện với chú, cho chú ăn và lấy nước cho chú uống. Đến chiều, tôi đưa chú ra vườn để hít thở không khí ngoài trời, tắm nắng và vui chơi thỏa thích cùng cỏ cây hoa lá. Tối đến tôi đưa chú vào nhà kẻo đêm xuống, chú sẽ bị lạnh và có thể ốm. Đôi khi, mẹ thường bảo tôi là vụng về nhưng khi tôi chăm sóc chú chim gáy này thì cũng không đến nỗi đấy chứ - Tôi thầm nghĩ vậy. Ngày tháng cứ dần trôi qua, và thế đã được hai tháng kể từ khi chú đến ở nhà tôi. Có tin vui hay chuyện buồn tôi đều kể cho chú nghe. Chú nhảy nhót ca hát thay cho những lời chúc mừng mỗi khi tôi có chuyện vui, nhưng những khi tôi có chuyện buồn thì chỉ cần nhìn ánh mắt của chú là tôi đã cảm nhận được những gì chú giành cho tôi mặc dù chú không thể nói để tôi hiểu được. Và tới một hôm, chuyện không may xảy ra với chú chim gáy. Vào một buổi chiều, khi tôi đưa lồng chim ra vườn thì lạ thay lông đuôi của chú đã bị rụng hết, tôi vô cùng lo lắng mặc dù chú vẫn có thể bay nhảy được. Và đến tối thì…Chú chim gáy đã không còn nữa. Mắt tôi nhòa đi và không tin vào mình nữa. Lúc đó, tôi đứng lặng đi nhưng chị tôi kêu lên: “Ôi! Chú chim gáy nhà mình làm sao thế kia, tôi liền bỏ chạy lên gác, tôi cố kìm nước mắt mà không sao làm nổi. Đêm hôm đó, hình ảnh của chú chim gáy luôn xuất hiện trong đầu tôi. Tới sáng, tôi cùng chị ra vườn tiễn chú chim Gáy về nơi an nghỉ cuối cùng ở dưới gốc cây lan để cứ đến mùa hoa là cây lan sẽ tỏa hương thơm ngào ngạt khắp vườn, để cây lan mau lớn sẽ rủ vào phòng tôi, cùng tôi trò chuyện. Và cũng dể tôi coi cây lan như một phần của chú chim cu Gáy, đã từng là người bạn thân thiết của tôi. Cho dù cây lan không thể thay thế hoàn toàn được. Hàng ngày, tôi luôn ngồi ngắm chiếc lồng nhớ lại hình ảnh chú chim Gáy đã cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống càng khiến cho tôi xúc động và chỉ có một điều ước, đó là vào một ngày nào đó chú chim Gáy sẽ quay trở lại làm bạn với tôi. Tôi luôn mơ ước tới cái ngày đó, cái ngày dù chỉ trong tưởng tượng.
                                                                                         ĐỖ THÙY LINH


CHƠI ĐỒ HÀNG

Hôm nay bé ốm
Bé nghỉ ở nhà
Trán như lửa đốt
Nóng bỏng hơi người                    

Chị muốn em vui
Làm nàng công chúa
Mang trái ngọt thơm
Em ăn cho mát

Chị làm ô tô                          
Pin pin qua phà
Chở bé về nhà
Vui mừng ăn Tết

                                                                          Mắt em mở tròn
                                                                          Môi cười khúc khích
                                                                          Vẫy tay em nói
                                                                           Pin pin pin pin

Chị làm cô giải phóng
Em làm thương bệnh binh
Bế em lên gường nằm
Đeo ống nghe khám bệnh

                                                                  Em giả nghiến răng chịu
                                                                  Trán nóng hơi lửa bỏng
                                                                  Lấm tấm hạt mồ hôi
                                                                  Trong cơn mê em vẫy
                                                                  Pin pin – ô tô phà…
                                                                            
                                                                             HUỲNH PHƯỢNG HOÀNG
      

CÔ CHỦ VÀ MIU CON

     nhà kia có chú mèo mà em rất thích. Chủ của chú mèo đó là cô bé cáu kỉnh tên là Hương. Con bé đó suốt ngày hành hạ chú Miu tội nghiệp.

    “ Miu ơi! Ra đây chơi với chị nào”. Em gọi Miu ra. Em vuốt ve Miu, âu yếm nó. Miu thì nhắm mắt lại, tận hưởng những phút giây hạnh phúc hiếm hoi đó. Chợt có tiếng gắt gỏng: “Con Miu đâu rồi! Ra đây nhanh lên không thì bảo”. Miu cứ ôm lấy em, đôi mắt sợ hãi nhìn về cô chủ “dễ thương” của nó. Con bé từ trong nhà chạy ra giằng lấy miu mang vào nhà. Miu quay lại nhìn em với sự buồn rầu. Nó vẫy gọi em tới khi cánh cửa đóng rầm lại. Trong một đêm mưa rét, sấm nổ rung trời, chuyển đất, em bỗng nghe thoang thoáng đâu đây tiếng kêu cứu của ai đó. Em ra mở cửa, mở xem thì chẳng thấy ai. Em cúi xuống thì thấy Miu đang run lên cầm cập. Em bế Miu vào nhà, ủ ấm cho chú. Miu ngủ ngon lành đến tận sáng. Em mang Miu trả thì Miu nhất định không chịu đi. Miu chạy vào nhà đứng vẻ mặt không muốn đi. Lúc em đi học về ngang qua nhà cái hương thì thấy nó đang ủ rũ. Nhì em cái hương chạy tới hỏi và tâm sự
- Cậu có thấy con Miu nhà tớ đâu không? Suốt từ đêm qua nó không có nhà.
Rồi bạn lại nói:
-  Chỉ tại mình mải xem phim quên mất Miu vẫn ở ngoài sân. Cả đêm mưa to hôm qua không biết nó đi đâu, tội nghiệp nó quá.
    Em an ủi hương và ra về. Vừa bước chân đến cửa Miu đã lao đến ôm lấy em vì mừng. Chợt một người nữ xuất hiện giữa mắt Miu, đó là Hương. Em đã nói hết cho Hương biết. Miu nhìn thấy Hương vẻ vừa mừng vừa sợ. Mừng vì đã gặp lại chủ. Sợ vì bị như đêm qua.
-  Miu ra với cô chủ đi, cô chủ của em yêu mến miu lắm, sẽ không làm Miu buồn nữa đâu.
     Mắt Hương nhòa đi, dang tay ra đón chào Miu. Miu đầu tiên thì rụt rè, sau sung sướng lao tới cô chủ của mình.
      Hương bế Miu lên tay, vui vẻ ra về. Thế là từ bây giờ, em sẽ tự hào khi nghĩ và kể cho mọi người nghe về chuyện của hương và Miu nữa.
                                      

ĐI CHỢ CHIỀU BA MƯƠI

Mưa phùn lất phất bay
Hai mẹ con đi chợ                            
Chợ nhiều thứ làm sao
Mùa xuân về lộng lẫy
Mâm quất quả vàng tươi
Gánh chuối vàng trứng cuốc
Mộc nhĩ dỏng cao tai
Phật thủ chụm bàn tay
Miến gọn gàng từng bó
Bóng vàng rực đứng cười
Thấp thoáng đằng kia nữa
Những bó hương đỏ tươi
Gánh bưởi đẫm nước mưa
Quả xanh tròn lông lốc
Các anh gà trống hoa
Ngơ ngẩn nhìn trời đất
Bó hoa làng Ngọc Hà
Tím mượt Vi-ô-lét
                                  NGUYỄN MINH TÂM

23 tháng 12, 2011

EM YÊU HÀ NỘI (Tiếp theo)

PHẦN X

TRONG MƯA
  
   Chưa bao giờ tôi cảm thấy yêu hay ghét người ở đâu đó, nhưng sau khi sự việc xảy ra, tôi đã nhận thấy một điều rằng, mình yêu người Hà Nội hơn bao giờ hết.

      Chủ nhật, sau khi học xong tiết văn, tôi bước ra cửa và bỗng một cơn gió ở đâu ập tới, cuốn đi bao nhiêu là lá khô. Trời lúc này tối sầm lại, giông tố nổi lên, tôi phải lấy lấy xe và đạp nhanh về. Nhưng người đây nhanh bằng trời? Thế là cơn mưa ập xuống, tôi phải trú tạm ở một nhà có mái che. Trời mưa mỗi lúc một to, to đến nỗi tôi không thể nghe thấy cái gì ngoài tiếng mưa rơi. Thỉnh thoảng, một cơn gió đi qua, đẩy những hạt mưa tạo thành một vệt trắng xóa chạy trên đường. Tiếng sấm cứ ầm ầm đánh trên đầu tôi. Thỉnh thoảng , một tia chớp lóe lên, làm sáng cả mặt đường đang tối lại bởi một “mạng lưới” mưa.
    “Thôi chết rồi! Hôm nay mình phải đi học toán. Sắp tới giờ rồi, làm thế nào bây giờ” tôi tự băn khoăn
     “Thôi thì kệ mưa, giông kệ giông, việc mình đi cứ đi”.Ý kiến nảy ra trong đầu tôi.
     Tôi bước xuống bậc và nhảy lên xe, phóng thật nhanh cho kịp giờ. Lúc này mưa giông không ủng hộ tôi, cứ đổ nước ầm ầm như chưa bao giờ được đổ nước. Nhưng tôi vốn dĩ rất lì nên vẫn cố đạp xe. Xe càng càng lúc càng nặng, mua cứ tạt vào mặt tôi khiến tôi không thể mở được mắt. Lúc này, người tôi ướt như chuột. Nhưng tôi vẫn cố. Tôi gồng mình lên đạp một cách khó khăn. Đến ngã tư, một cơn gió ập tới, quật đầu xe tôi khiến tay lái tôi văng ra và ngã xuống nền đất đang ngập nước. Vừa đau đớn, vừa tuyệt vọng, tôi không biết làm gì thì bỗng dưng, một bàn tay chạm vào tôi, nhấc tôi lên.
    “Ai đây nhỉ?”. Tôi tự hỏi.
    “Một người mình không quen biết”
      Câu trả lời vừa vang lên trong óc tôi thì bác ấy nói:
- “Cháu dắt tạm xe lên vỉa hè đi cho đỡ ướt”
   Tôi dựng xe và dắt lên nhưng tôi vẫn chẳng hiểu gì cả…Xe lúc này đã được dựng cẩn thận, bác ấy đưa tôi vào đồn. “Thì ra bác công an, nhưng quân phục của bác đâu?” Tôi chưa nghĩ ra thì giọng nói trầm lúc nãy lại vang lên:
-  Cháu ướt hết rồi, chắc lạnh phải không? Khoác tạm cái áo của bác vào cho ấm.
  Tôi hết sức sửng sốt vì lời bác ấy nói nhưng tôi vẫn bật ra một câu hỏi:
-  Bác là công an ạ?
-  Ồ không phải đâu cháu. Bác chỉ là người nhà của chú công an canh gác ở đây thôi, chú ấy có việc nên bác phải canh gác hộ. Thế cháu vừa đi học về à?
- Vâng ạ! Cháu vừa đi học văn và chuẩn bị đi học toán.
- Thế à! Vậy cháu mặc tạm cái áo mưa này, đi học kẻo muộn.
- Vâng ạ!
    Tôi mặc áo mưa và lên xe, đi một mạch đến lớp. Đến nơi tôi bị muộn 15 phút nhưng tôi cũng không buồn vì nếu không gặp bác canh đồn thì có lẽ phải nghỉ học rồi. Và lúc này tôi nghĩ:
“ Người Hà Nội thật tốt, mình yêu Hà Nội biết bao!”

                                                                                     VI VƯƠNG ANH


CUỘC VUI CỦA MÀU XANH

Bình minh sớm nay sao thật đẹp!
Bác Mặt trời đạp xe qua những dãy nhà san sát
Vẫy tay chào những cô cậu học sinh
Những tia nắng rực vàng nhảy nhót
Vui đùa trên hàng cây xanh um
Chà, hàng cây đang rì rầm trò chuyện
Bàn chuyên chi mà cười rung cả người
Chị Gió đến tò mò hỏi chuyện:
 “Này hàng cây có gì mà vui thế?”
 “Chúng em đang tổ chức cuộc họp
Cuộc họp vui của những màu xanh”
Chị Hoa Sữa trịnh trọng tuyên bố:
 “Nào, hãy phát biểu ý kiến của mình”
Bác Bàng già đứng lên nói trước:
 “Lũ sâu róm gặp nát từng chiếc lá
Khiến chúng tôi nhức buốt xót xa”
 “Ồ, đừng lo – Chị Hoa Sữa an ủi
 “Ngày mai, chúng ta sẽ được quét vôi
Lũ sâu kia sẽ không lên được nữa
Các bạn cứ an tâm, an tâm”.
Rồi anh Phượng đứng lên cảm khái
 “Thật tội nghiệp cái anh Trứng Cá
Nắng cháy đầu, cháy lá, cháy thân
Giờ không còn chút khoáng, bụi nào
Làm sao đây để giúp anh ấy”
Cô Me mỉm cười kêu có cách: 
“Chúng ta sẽ nhờ những người bạn của ta
Nhờ bác Đất, biếu anh ấy khoáng chất
Nhờ mặt trời biếu anh ấy bụi mỡ màng
Nhờ chị gió ngày đêm quạt mát
Rồi anh ấy cũng khá lên thôi”.
Và Hoa Sữa trịnh trọng tuyên bố:
 “cuộc họp đã kết thúc thành công
Giờ thì mỗi người một việc
Cô Me nhờ Mặt Trời
Anh Phượng nhờ bác Đất
Còn chúng ta an ủi Trứng Cá
Giúp anh ấy thêm niềm tin”.
Em đứng dưới gốc cây
Nghe thấy hết

Nhảy chân sáo đến trường
Lòng em thấy vui vui                                                                                                                                                                                                                                                                               

                            NGUYỄN MINH PHƯƠNG


ĐÔI MẮT CHÚ THƯƠNG BINH


Cháu đến thăm chú
Thương chú làm sao                  
Chú không còn thấy
Bao nhiêu sắc màu

Lúa vàng tre xanh
Hoa hồng, hoa cúc
Sắc màu đất nước
Có chú góp công

Chú cho chúng cháu
Đôi mắt sáng trong…
                                          PHẠM BÍCH THỦY
      

GỐI ĐẦU TAY MẸ

        Đêm nay một đêm hè
        Con gối đầu tay mẹ
        Ôi cánh tay mẹ mát
        Như ngàn giọt sương đêm                           

        Mẹ ơi trăng lên rồi
        Trăng gối đầu trên mây
        Con còn sướng hơn mây
         Gối đầu trên tay mẹ
                                                      
                                                                                                          ĐỖ QUỲNH MAI
      





17 tháng 12, 2011

EM YÊU HÀ NỘI (Tiếp theo)

PHẦN IX


“ĐÈN LỒNG”


     Cô bé đang sống ở một khu xóm nhỏ, các gia đình ở đây hoàn cảnh đều không mấy khá giả. Vì thế, bọn trẻ con luôn biết thương yêu nhau, dù cúng có lần hít le, giận dỗi. Nhưng bây giờ, tất cả hờn ghen ấy đã tan biến để nhường chỗ cho tình thân ruột thịt. Bởi chúng biết, sắp tới là Trung Thu cuối cùng – Trung Thu cuối cùng chúng được ở bên nhau. “Họ sắp lấy mảnh đất này, giải phóng mặt bằng làm dự án lớn. Kể ra giải phóng là phải, giữa Hà Nội khang trang hiện đại thế, lại tồn tại cái khu lúp xúp lụp sụp, khấp khểnh như “răng ông lão” vậy thì…song, phải rời xa mái nhà gắn bó thân thương thật không dễ dàng gì. “Sau này, xóm mình sẽ đi đâu, ở đâu?”-Trong đầu Giang luôn xuất hiện suy nghĩ về ngôi nhà mới.Vài hôm nữa,“họ”sẽ tới“lấy nhà”giống mọi người,Giang thấy sợ.
     Bỗng, tiếng gọi của Trung Thu làm Giang giật mình!
  ….Ánh trăng đùng đục mọi khi len lỏi qua xóm, hôm nay lại sáng bừng, trong trẻo lạ. Bọn trẻ cố ngửa cổ lên đợi thời khắc trăng tròn nhất mà phá cỗ. Mâm cỗ đơn giản vẫn đủ vị mùa thu. Bưởi này, đu đủ này, hồng này, còn chè lam, bánh cốm nữa…Bao cặp mắt lay láy, bao nét mặt ngây thơ hân hoan vui mừng, như thể chúng không còn nhớ rằng ba ngày nữa sẽ chia tay. Có lẽ chúng đã dồn hết tình yêu nhà, yêu bạn thiết tha nhất vào lúc này.
      Trung thu không thể thiếu lễ rước đèn cho trẻ. Mười một chiếc đèn lồng tựu chế vừa chuẩn bị xong. Khung đèn toàn bằng hộp xà phòng nhựa Viso, Omo đã tháo mác, chỉ cần xuyên que tre qua quai xách, đặt ngọn nến vào lòng hộp. Thế là thành đèn! Đứa nào cũng khấp khởi, nói cười ríu rít, nối đầu nhau tới bờ sông đầu xóm. Chúng nảy ra ý định viết điều ước thả theo đèn cầu may. Một đưa cuống quýt:
- Cứ để đèn ở đây, về lấy bút nhanh!
- Nhỡ mất thì…? – Đứa khác chen vào.
- Không sợ đâu, mau mau, sợ đèn tắt này!
   Và, cả bọn thực hiện theo kế hoạch. Mỗi đứa cầm trong tay một mẩu giấy ôli gấp gọn ghẽ, tủm tìm cười. Nhưng chúng bỗng hoảng lên khi đếm đèn chỉ còn mười chiếc. Chúng tớn tác:
-  Ai mang “tèn” “ti” ấy?Có ai “đệ ợ”nhà không? – Con “Ngọng” hỏi to.
- Không! Không có!.. .- Chúng đáp.
    Chiếc đèn bị bất sứt quai – của Giang. Nhà chỉ có duy cái hộp đó thôi. Vậy là, nó không còn đồ chơi nữa. Nó thấy tủi thân, rồi ngồi xuống ôm mặt khóc nấc thành tiếng. Lũ trẻ xung quanh an ủn nó, chúng tiếc rẻ, giá như đưa ở trông, “phí cả đèn”!. Giữa lúc ấy, một con bé lạ hoắc bước đến gần, tay cầm chiếc đèn sứt quai. Nó gầy rộc, ăn mặc lôi thôi, nên bọn trẻ nhìn nó thoáng vẻ nghi ngại:
- Em xin lỗi – con bé run run – em không có đèn…nhưng, em muốn…chơi Trung Thu. Giọng nó nhỏ, nghẹn dần đi. Nó cúi xuống để giấu giọt nước mắt đang rơi lã chã.
   Nói tới đây, bọn trẻ đã hiểu, nhà con bé kia chắc không khác chúng. Chúng nghĩ, con bé không phải đứa xấu. Tình thương chân thành từ trái tim, tâm hồn những đứa trẻ ngây thơ đang hòa làm một, khiến chúng như mang chung một suy nghĩ. Giang đứng lên:
- Mình cùng chơi nhé? Càng đông càng vui!
    Con bé nở nụ cười hạnh phúc, tụi nó cũng vui lây. Tất cả lại nối đuôi ra sông, hát bài “Rồng rắn…”
     ….Chẳng mấy chốc, trên mặt sông đã lấp lánh ánh nến “đèn lồng”. Những chiếc đèn bình thản trôi xa, mang theo điều ước của mười một, và nay là mười hai đứa trẻ. Không biết cái gì sẽ thành thật, cái gì chỉ trong mơ. Nhưng hôm nay, ngày Trung thu đặc biệt này, chúng có thêm bạ mới, làm thêm được việc tốt. Chúng truyền nhau niềm tin tưởng sâu thẳm, rằng chúng, mà không, cả gia đình chúng sẽ gặp nhiều may mắn, sẽ có một mái nhà!
                                                                                      VŨ LAN ANH


                                                         TAM ĐẢO

                   Ba đỉnh núi kề nhau                                
                   Sáng sớm mây vờn đỉnh dốc
                   Nhởn nhơ hái quả thông reo
                   Suối chơi trò đuổi bắt
                   Nước vui cười trắng phau
                   Chị gió tinh nghịch quá
                   Thổi tung bay khăn quàng
                   Rừng rậm rạp dây leo chằng chịt
                   Vực thẳm sâu đường dốc ngoằn nghèo

                    Dốc cao chóng mặt
                    Ô tô lên khó nhọc như cua bò
                    Tài chưa! Tháp đài vô tuyến
                    Đứng chênh vênh trên đỉnh núi cao
                    Không biết các chú công nhân
                    xây bằng cách nào
                    Chỉ biết rằng
                    Những vì sao còn thấp hơn nhiều đấy.

                                                                            HOÀNG NGỌC CHÂU


NGÔI SAO MAY MẮN

     Tôi hướng mắt về phía tâm kính cửa sổ. Nó đang mờ dần vì hơi lạnh. Nhìn cánh cây khô cằn, cong queo, như đang bị mùa đông rút dần sự sống. Tôi quay nhìn con đường vắng teo, lặng lẽ, buồn tênh. Rồi bầu trời xám xịt với những đám mây đen đang xả những giọt mưa mưa phùn bé nhỏ nhưng lạnh giá tới tận sương tủy xuống và để mặc chúng bay theo gió bấc.
   Tôi đang mơ màng, bỗng một bóng dáng mờ ảo, chập chờn trong sương mù. Cái dáng người gầy gầy, be bé. Thì ra là mọt em bé ăn xin. Trông cô bé thật xinh xắn. Đôi má đỏ hồng như hai má đào tiên. Đôi mắt bồ câu trong veo, tròn xoe, như đang chảy nước mắt, đỏ hoe. Em khóc vì cuộc đời trớ trêu hay là vì cơn gió bấc kia đập vào đôi mắt ấy. Em chẳng có mũ, có tất hay khăn len, em chỉ mặc bộ áo mong manh, rách rưới, cái quần dài, màu xanh lơ, bạ phếch. Tôi nhìn em, nước mắt đã ướt lóp mi từ khi nào mà tôi không biết. Lại có một cái bóng khác, lớn hơn, đi nhanh hơn. Thì ra là một người đang đi xe đạp, lao vun vút. Mũ len, khăn len, áo khoác, găng tay đã che khuôn mặt của người này. Theo hình dáng, quần áo, em đoán đây là một thanh niên tầm 21, 22 tuổi. Anh này đi chẳng nhìn lối nhìn đường, chỉ cắm đầu cắm cổ lao cho nhanh. “Ối!- Một tiếng la đau đớn. Tôi chạy sát gần cửa sổ. Em bé đang nằm sõng soài, người thanh niên cũng ngã, nhưng có vẻ chẳng đau đớn là bao. Nâng xe đạp, tiếp tục đi, bỏ em bé ôm chân khóc thút thít. Tôi vội vã chạy xuống. Lấy tấm áo khoác, không phải cho tôi. Tôi chạy lại bên em, quàng tấm áo cho em rồi đỡ, đưa em ngồi trước thềm nhà tôi. Ít ra, chỗ đó còn ấm hơn là giữa đường. tôi bảo:
- Em ngôi đây nhé! Chị sẽ lấy cho em lọ dầu!
- Thôi! Em…em..! – Em bé cất giọng ngập ngừng.
-  Không phải phiền, em đừng đi đâu đấy!
   Tôi lấy lọ dầu Sao Vàng, chạy đến và xoa cho em. Em mỉm cười:
-  Ôi! ấm quá! Em đỡ lắm rồi!
-  Em ngồi nghỉ ngơi một chút rồi hẵng đi! – Tôi mỉm cười.
   Tôi và em ngôi trò chuyện một lúc. Em năm nay 6 tuổi, năm sau, nếu em được như các bạn cùng lứa, em sẽ được học lớp một. Em thích mặc đồng phục, những bộ váy như anh chị. Và em còn rất muốn trở thành cô giáo đẻ dạy các em nhỏ có số phận không may như em.
-  Em đã đỡ chân chưa?- Tôi dịu dàng hỏi.
-  Ồ! Hết rồi, chị đó! Em đi đây! Ngày hôm nay sẽ là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời em!
     Tôi cười trong những giọt nước mắt. Tôi đưa cho em một ngôi sao bằng viên kim cương nhựa màu vàng ở giữa viết chữ “Lucky”có nghĩa là “May mắn”. tôi bảo:
-  Chị tặng em ngôi sao này! Nó là ngôi sao may mắn, nó đang mang may mắn tới chị và nó sẽ mang đến cho em sự may mắn! Tạm biệt! Chi chúc em sẽ thực hiện được ước mơ.
    Em đi rồi! Tôi vẫn ngóng mắt nhìn theo.
    Cả đêm đó, tôi thức để cầu nguyện cho em.
     Thế rồi đã tới năm học mới. Tôi vẫn chưa quên được em bé ăn mày ngày xưa. Bỗng nhiên tôi nhìn thấy em. Em không lấp ló mà đang mặc váy đồng phục, đĩnh đạc. Tôi giụi mắt. Nhưng đó là hình ảnh thực. Tôi lại gần em. Em nhìn tôi mừng vui khôn xiết. Kể chuyện rằng em đã giúp một cô bé chỉ vì lúc giận dỗi mà bỏ nhà ra đi. Em đã thuyết phục cô bé đó về nhà. Mẹ cô bé rất cảm động đã nhận em làm con nuôi và cho em ăn học.
- Bây giờ em tên là Phương Ngọc Anh đấy chị ạ!
- Ồ! Cái tên thật hay!
- Em bây giờ đã có may mắn. Em xin gửi ngôi sao may mắn cho chị. - Ngọc Anh vừa nói vừa đưa cho tôi.
-  Em hãy giữ lấy ! Nó xứng đáng là của em. – Tôi đáp.
    Và từ đó, tôi đã trở thành mà em yêu quý nhất.

                                                                                 
                                                                                    PHẠM HOÀNG LAN


CỬA XANH

        Lán chú bộ đội                                    
          Ở giữa đồng xanh
          Mái lá nhà tranh
          Cửa xanh chú mở
                                        

                         MINH HẠNH

10 tháng 12, 2011

EM YÊU HÀ NỘI (Tiếp theo)

PHẦN VIII

CHUA CAY BÁNH GỐI


    Bính bong…. Bính bong…”, tiếng chuông nhà thờ điểm năm giờ cưa ngân dài, vang mãi. Bóng chiều rơi. Vắt mình lên cảnh vật. tiếng lục tục xếp ghế ra về sau buổi cầu nguyện chiều của những con chiên ngoan đạo hư báo hiệu sự kết thúc của một ngày như bao ngày khác - êm đềm và bình lặng. Vừa tan học là tôi vội vã chạy như bay tới nơi quán hàng đặc biệt thân thương, nằm nép mình thân thương, nằm nép mình bên hông nhà thờ lớn Hà nội. Quán giản dị, đơn sơ, nhưng cũng hấp dẫn đến mộc mạc, y như thức quán bán - ấy là bánh gối…

   Có lẽ đấy là cái quán bán hàng nhoe nhất mà tôi từng thấy. Nó dè dặt đặt chân vào ô đất nhỏ xíu, nép mình như tìm sự che trở dưới vòng tay vững chắc của cây đa già lưng còng. Nằm trên cùng một một con phố ngắn với những nếp nhà xưa cũ, ngói còn son nhưng tường đã rêu phong, trông quán hàng ấy bí ẩn hơn và cũng hấp dẫn hơn. Trong tâm hồn thơ ngây của tôi, đó là nét khiến tôi ấn tượng và cứ háo hức muốn tìm hiểu mãi…Những thực khách khó tính khác, chắc cũng chung cảm giác như tôi, nên lúc nào họ cũng tấp nập lui tới. Mùa nóng cũng như mùa rét, những vị khách kiên nhẫn xếp thành hàng dài đợi lấy bánh, có thể khiến bất cứ một chủ quán nào khác cũng phải ao ước.
   Tôi thấy lưu luyến quán hàng này không chỉ vì vẻ hấp dẫn của bánh, của cửa hàng, mà còn vì bà chủ cửa hàng nữa. Tính bà xởi lởi, nhưng không hề chèo kéo giành giật khách. Qua ánh mắt và nụ cười ấm áp bà gửi cho khách, tôi cũng hiểu bà tin tưởng và tự hào về cái tài làm bánh có một không hai của mình…
   Chăm lui tới quán, rồi chúng tôi cũng khiến bà hàng để ý. Thấy chúng tôi là học trò nghèo, lúc nào cũng thập thò nhìn quán hàng của bà với ánh mắt háo hức, bà thấy thương nên quyết định chiêu đãi chúng tôi một bữa no nê. Bà âu yếm nhìn chúng tôi ăn, xoa đầu từng đứa như một người bà thực sự. Chúng tôi vui quá, nên quyết định sẽ tôi quán nhiều hơn, giúp bà dọn dẹp, quét tước. Thế là từ ấy, một cách nhẹ nhàng không ai hay, chúng tôi dần trở thành người bạn thân quen ở nơi ấy.
     Từ ngày có chúng tôi, bà rảnh rỗi nhiều hơn. Khi nào chiều muộn, ít khách, bà hay tỉ tê hỏi chuyện chúng tôi, tự kể chuyện mình, và dạy chúng tôi làm bánh. Công thức cũng thật đơn giản: một chiếc vỏ bánh lấm tấm bột như phấn mịn, để dưới cùng, ta khẽ xoa đều một chút lòng trứng cho dính nhân. Rồi miến trắng từng sợi, lạp sườn đỏ tươi, tôm nõn hồng hào, thịt nạc săn chắc làm bạn với mộc nhĩ thơm lừng, thế là chiếc bánh gối sắp hoàn thiện rồi đấy! Và với bàn tay nhẹ nhàng, khéo léo, thật nâng niu gói vỏ bánh sao cho nhân cuộn tròn bên trong, và chiếc bánh cong hình bán nguyệt. Khẽ khàng uốn mép vào trong cho quyện vào nhau như những  đợt sóng lăn tăn, rồi ta thả bánh vào chảo mỡ đang vui vẻ reo sôi sùng sục kia. Chiếc bánh vàng dần, cong lên một cách kiêu kỳ, quyến rũ nhưng cũng e thẹn như vầng trăng non mới ló. Mới chỉ nhìn thôi, mà tưởng như hương thơm đặc trưng, hấp dẫn tuyệt vời ấy đã cuốn chặt mọi giác quan. Lưỡi nhanh chóng cảm thấy vị ngọt, thơm của nhân, và trong miệng, từng miếng vỏ bánh giòn tan vỡ ra lốp bốp. Lúc ấy mà có bát nước chấm pha dấm đường, ngọt ngọt chua chua, đi kèm với bát đu đủ xanh thái lát mỏng, trắng xanh như đá cẩm thạch, từng lát ớt đỏ tươi quyến rũ và chút rau sống xanh non mỡ màng thì còn gì tuyệt hơn. Bằng đôi tay vàng khéo léo và trái tim căng tràn nhiệt huyết, bà chủ hàng dần truyền cho chúng tôi mọi bí quyết nhà nghề. Và khi lần đầu tiên được thưởng thức những miếng bánh do chính mình làm ra, ngoài niềm vui và sự háo hức con trẻ, tràn đầy tim tôi còn là sự tự hào và niềm kiêu hãnh nữa…
      …. Chắc nếu không có tin buồn ấy, tôi sẽ không bao giờ bị kéo ra khỏi một giấc mơ đẹp, một giấc mơ tuyệt vời như ở xứ sở thần tiên. Tôi sẽ phải cùng bố mẹ chuyển đi đâu đó, nhưng chắc là xa lắm. Bữa tiệc chia tay chúng tôi quyết định sẽ hẹn gặp nhau ở quán hàng ấy. Bọn tôi ngồi quây thành vòng tròn, ríu ran nói cười, song ai cúng cố nuốt nỗi buồn vào trong. Tôi ngồi yên,ngẩn ngơ nhìn phố vắng, chăm chú quan sát, như muốn in hằn hình ảnh những nếp nhà cổ Hà Nội vào tâm tư. Lắng tai nghe tiếng quay đều đều và chậm rãi từ một chiếc xích lô không có khách, và từng chiếc lá đa già rụng xuống, khô khốc dưới chân, chạm đất bằng chiếc vòng xoay kỳ lạ, y như những trái tim vàng bay. Tôi không thể tin đực, chuyện buồn ấy lại xảy đến với mình. Tôi bàng hoàng nhận ra, chỉ tới đây thôi, không lâu nữa, tôi sẽ để tuột khỏi tay tất cả, tất cả kỷ niệm về một thời t5how ấu tuyệt đẹp, êm đềm như một giấc mơ. Bà hàng ngồi xuống cạch tôi âu yếm nhìn, xoa đầu tôi, rồi như không muốn tỏ ra yếu đuối, bà bật dậy, chạy xa xa, vội vã giấu đi những giọt nước mắt. tôi ngước lên bầu trời trong veo, với những đám mây lững lờ trôi, hoàn toàn vô tình với nỗi buồn của tôi. Bất giác tôi tự hỏi – mảng kỷ niệm của tôi với bạn bè, với bà hàng, với bánh gối và lớn hơn nữa, với Hà Nội thân yêu, sẽ trôi dạt về đâu?...
                                                                                        
                                                                                        NGUYỄN THU HÀ
  
  
SẮC MÀU HÀ NỘI

Hà nội xanh Hồ Gươm
Hàng cây xanh bóng mát
Liễu rủ xanh mái tóc
Nắng xuân sáng mặt hồ
                                                                             
Hè, Hà nội nắng đỏ
Trái chín đỏ vườn cây
Phượng thổi lửa đỏ cháy
Nóng bỏng đỏ nắng hè.

Hà Nội vàng hoa cúc
Vàng lây nắng mùa thu
Nắng mùa thu nhuộm lá
Nhuộm vàng cả lối đi

Hà nội nhạt mùa đông
Lạnh lẽo và yên lặng
Nhạt chùm lên cảnh vật
Lắng chìm đợi mùa xuân.
                                                             TRỊNH ANH THƯ


CHUYỆN PHỐ TÔI

     Gia đình cô Mai mới chuyển đến ngôi nhà cũ của ông Tuấn có ba người. Cô Mai , chú Long và con gái của hai cô chú năm nay mới được năm tuổi.
     Chú Long và cô Mai đều hiền, mà cũng rất tốt. Nhà của cô chú cạnh quán phở của bà Thường nên đôi lúc cô Mai cũng rất khó chịu.

     Một hôm, cô Mai đi làm về, tay cầm giỏ thức ăn, mặt mày trông vẻ thật bực bội. Lúc sau chú Long đi làm về, vừa cất đồ dùng và thay quần áo xong, thấy mặt cô Mai rất bực, chú liền hỏi thật nhẹ nhàng:
-  Có chuyện gì mà trông em hôm nay không được dễ chịu cho lắm?
Cô Mai trả lời cau có:
- Em chán lắm, sao mà cuộc sống nó lại mệt mỏi đến như thế này? Hôm nay, ở công ty thì làm biết bao nhiêu là việc. Lúc đi mua cá thì gặp phải bà cân điêu, đã thế lại còn bán đắt cơ chứ. Cái Phương lại bị đau bụng. – Cô lại nói tiếp. – Lại còn bà hàng xóm bên kia nữa chứ, hôm nào cũng quạt bếp lò làm khói bay mù mịt sang bên này, độc ơi là độc. Đêm nào cũng bán hàng ầm ĩ, không để người ta ngủ yên.
Chú Long nhẹ nhàng khuyên nhủ:
- Thôi! Em ạ. Đó cũng là để người ta kiếm được đồng tiền còn nuôi con, chứ có ai muốn làm phiền mình đâu. Cứ từ từ rồi sang nói với họ.
    Thế là mấy ngày sau đó, cô Mai chẳng thèm nói chuyện với bà hàng xóm, dù khi cô đi làm về, bà Thường vui vẻ chào hỏi thì cô lầm lì đi vào nhà không thèm để ý đến xung quanh. Dạo này bà Thường còn bán hàng cả buổi trưa và đêm làm cô Mai càng thêm bực tức.
    Một buổi trưa nóng nực, khi bà Thường đang ngồi thái rau để buổi chiều bán hàng, bà bỗng thấy một cô gái đi xe máy đến trước cửa nhà cô Mai, bấm chuông liên tục. Bà Thường chạy lại hỏi thì cô gái trả lời:
- Thưa bác, cháu là cô giáo của bé phương. Hôm nay, sau khi ngủ dậy, cháu thấy bé Phương người nóng ran, mệt mỏi, cháu gọi điện cho mẹ của bé nhưng không ai nghe máy, cháu đưa bé Phương về nhà nhưng không gặp mẹ bé. Bà thường vồn vã nói:
- Cô giáo đưa cháu vào nhà để tôi trông  cháu bé cho, bố mẹ bé đi công tác từ hôm kia, hôm nay mới về, bó mẹ đưa bé lên bà ngoại.
    Cô giáo đưa Phương vào nhà bà thường, rồi cô xin phép về lớp dạy. Bà thường lấy thuốc hạ sốt cho bé Phương uống, rồi cho bé nằm nghỉ trên gường. Khi bé tỉnh dậy, bà cho bé ăn uống để chóng lại sức…
    Năm giờ chiều, cô Mai và chú Long đi công tác về. Cô Mai định hôm nay sẽ sang nói chuyện với “bà hàng xóm tốt bụng” của mình, nhưng cô vừa đến gần nhà thì thoáng thấy ai như như con gái của cô đang ngồi cạch bà Thường. Cô dừng lại trước cửa nhà. Bà Thường dắt Phương chạy ra, kể rõ sự việc. Nghe xong cô Mai rất áy náy về chuyện mình đã nghĩ xấu về bà Thường. Rồi bà nói tiếp:
- Tôi biết rằng đã làm phiền cho gia đình cô rất nhiều, tôi đã lợp tấm mái ở đằng sau để khói không sang nhà cô rồi. tôi rất xin lỗi cô chân thành.
   Lúc này, cô Mai mới hiểu được tấm lòng tốt của bà Thường. Thật đúng là không gì quý hơn tình hàng xóm.

                                                                               NGUYỄN MỸ LINH

HOA SỮA

Hoa như giọt mưa thu
Rung rinh trong vòm lá
Nắng trên hoa lấp lóa
Rủ ong đến từng bầy


Nhớ mùa thu Hà Nội
Hương sữa dậy trời đêm
Dưới ngọn đèn chưa ngủ
Hoa sữa thơm sách em.
                                                                                            

                             NGUYỄN DIỆU HƯƠNG












3 tháng 12, 2011

EM YÊU HÀ NỘI (Tiếp theo)

PHẦN VII

HOA BẰNG LĂNG

    Sáng nay, trên đường đi từ bể bơi về nhà, đường phố trở nên yên tĩnh sau những cơn mưa đầu hè. Đi dưới hàng bằng lăng nở rộ tôi lại 
 nhớ những kỷ niệm cách đây mấy năm… 
      Tôi sinh ra và lớn lên tại Matxcơva. Từ bé cho tới khi đi học, tôi sống cùng với các bạn người Nga. Ở khu tập thể nhà tôi các cô chú thường xuyên đến nhà tôi chơi. Trong các câu chuyện của họ, bao giờ cũng nhắc tới Hà Nội, nhưng tôi vẫn chưa có nhiều ấn tượng về thủ đô này, vì khi đó tôi còn bé.

    Khi cả nhà về Hà Nội, thời gian đầu, tôi cảm thấy buồn vì phải xa Matxcơva. Trong mắt tôi lúc đó, Hà Nội là thành phố chật hẹp, đầy bụi bặm, ồn ào với xe cộ đông đúc.
     Nhưng vài năm ở Hà Nội đã dần dần làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Tôi đã yêu Hà Nội! Những buổi chiều đi bơi thuyền Hồ Tây, ăn kem Thủy Tạ, đến nhà bạn bè tôi càng thấy rõ vẻ đẹp Hà Nội. Ở Matxcơva, có loài hoa Tử đinh hương. Vào những ngày đầu hè, tử đinh hương nở rộ khắp nơi. Những chùm hoa tím như đuôi sóc, với cành nhỏ và hương thơm nhè nhẹ luôn gây  niềm hưng phấn. Mẹ tôi thương mua hoa tử đinh hương về cắm. Thấy vậy tôi hỏi mẹ: có bao nhiêu hoa đẹp, sao mẹ thích Tử đinh hương thôi? Mẹ cười và trả lời: “Tử đinh hương không đẹp mà chỉ thơm, mà nó còn làm cho mẹ nhớ tới hoa Bằng lăng – loài hoa của tuổi học trò Hà Nội.
   Đối với đông đảo học sinh Hà Nội, hình ảnh hoa phương tượng trưng cho mùa hè, nhưng với tôi lại là hoa bằng lăng. Tôi yêu mến loài hoa bằng lăng của Hà Nội vì nó rất giống hoa tử đinh hương của Matxcơva – thứ hoa yêu thích của tôi.
    Chúng có nhiều điểm giống nhau: cùng nở vào khoảng tháng 5, nở thành chùm, hoa màu tím…Bố tôi bảo gần đây, người ta mới trồng thêm nhiều hoa bằng lăng ở Hà Nội. Ở Matxcơva, tôi thấy nhiều nhà cắm cành hoa Tử đinh hương vào trong lọ trông rất đẹp, còn ở Hà nội, tôi chưa thấy nhà nào ngắt một hoa bằng lăng để đem về nhà cắm, song, tôi tự nhủ rằng, nên giữ gìn thiên nhiên, môi trường không nên ngắt hoa.
    Mỗi khi nói chuyện, các bạn Nga hay hỏi tôi về Hà Nội, ban đầu tôi cong trả lời thiếu chính xác, thậm chí còn có câu không trả lời được. Nhưng qua sách vở, thầy cô bạn bè, tôi đã tự phát hiện được nhiều nét đẹp của Hà nội: phong cảnh , con người. Niềm yêu Hà nội thấm dần vào tôi khi nào không hay. Tôi đã yêu Hà Nội nhiều hơn lúc về. Bây giờ nếu các bạn Nga có hỏi tôi về Hà Nội, thì tôi sẽ cố gắng trả lời chính xác, đầy đủ để các bạn cùng yêu Hà Nội như tôi.
   Sau này, dù có đi đâu, tôi cũng sẽ trở về Hà nội – quê hương của mình, nơi những người thân và cả những chùm hoa bằng lăng tím nữa.
                                                                   NGUYỄN PHƯƠNG TRÀ MY


                               HỒ GƯƠM          

Hồ Gươm lung linh
Mây trời in bóng
Mặt nước xinh xinh 
Lăn tăn gợn sóng

Cầu Thê Húc đỏ
Cong cong như tôm
Nhìn xa cầu nhỏ
Dưới những chiều hôm

Kìa còn Tháp bút
Trên đá chơi vơi
Hương nhang nghi ngút
Đỉnh cao chọc trời.

Tháp Rùa trôi nổi
Trên mặt nước xanh
Hình như muốn nói
Từng trang sử xanh
                                       VŨ HƯƠNG MAI


THU VÀNG

   
    Chim tha nắng, ân cần trải nhẹ trên từng con phố. Con phố nhỏ xào xạc tiếng lá rơi. Những chiếc lá nhuộm vàng đường. Mặt trời lên, có con chim non hòa tiếng hát véo von, hòa tiếng nói dễ thương. Cô bé đi dạo quanh Hồ Gươm… Cô nhìn thấy một cụ già đang lom khom nhặt những chiếc lá vàng. Bà đã cần mẫn nhặt những chiếc lá héo úa, đặt vào cái hộp sắt đã rỉ.
- Bà làm nghề gì thế ạ? – Cô bé ngạc nhiên hỏi.
- Cháu giúp bà nhé!
   Cụ già ngẩng lên, bây giờ cô bé mới nhìn kỹ bà cụ. Những nếp nhăn khiến co bé cảm thấy thật đáng thương. Có vẻ như đôi mắt bà không còn nhìn thấy gì nữa. Cô bé không dám hỏi, cô tự hỏi mình: “Tại sao bà cụ không nhìn thấy nữa, tại sao cụ lại đi nhặt những chiếc lá vàng nhỉ?” Bao câu hỏi bỗng ùa về cô bé.
- Cháu này! – Bà cụ lên tiếng làm cô bé giật mình.
- Dạ, à vâng, để cháu nhặt giúp bà! – Cô bé ấp úng.
   Cô bé vừa nhặt vừa nhìn bà cụ. “Con cụ đâu mà để cụ đi một mình thế này?” Cô bé thầm nghĩ.
- Nhà bà ở đâu cháu đưa bà về.
    Bà cụ nhoẻn miệng cười. Rồi cô bé. Rồi cô bé dẫn bà cụ đi. Những chiếc lá vàng vẫn rơi rơi.
    Cô bé bước vào nhà,ngôi nhà nhỏ bé, chật hẹp. Trên tường toàn những giấy khen, trên bàn thờ là ảnh một người chiến sĩ. Trong nhà bà, chỉ có một chiếc gường và một chiếc tủ nhỏ.
-  Cháu ngồi đi!
     Cô bé nhẹ nhàng ngồi vào chiếc gường đã cũ kỹ.
- Bà ơi, trên kia là…! – Chưa kịp nói hết câu,bà cụ đã trả lời:
- Là con của bà đấy, nó hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ!
 Bà cụ nghẹn ngào nói:
- Bà có duy nhất một đứa con, nó nhập ngũ từ ngày ấy không quay về. Nó viết thư vào những chiếc lá vàng rồi gửi về cho bà. Bà nhờ người khác đọc rồi viết thư gửi cho nó, cũng những chiếc lá vàng này. Chỉ có hai mẹ con ta mới gặp nhau.
    Cô bé cảm động và thấy thương bà cụ quá! Bà cụ nhờ cô giới viết hộ. Cô nắn nót viết từng nét chữ: “Con ở trên đó chắc có nhiều bạn, quần áo mẹ gửi cho con lần trước con có mặc vừa không? Bây giờ mẹ làm thêm chiếc mũ len, con đội vào cho ấm kẻo cảm lạnh…” Đó là những gì mà người mẹ muốn gửi cho con. Cô bé không biết nói gì hơn, chỉ biết làm theo lời bà cụ. Cô đem đi đốt  chiếc lá đó cùng một chiếc mũ len bằng giấy mà bà cụ lấy ra từ trong tủ. Cô bé nhìn thấy những chiếc lá vang ghi: “Mùa thu năm 1954. Mẹ kính yêu của con…”Đó là những bức thư của người con.bà cụ rưng rưng nước mắt. Bây giờ, cô bé chợt hiểu. Bà thật dũng cảm vì đã trao đưa con của mình cho Tổ quốc, bà đã phải chịu nỗi đau quá lớn. Cô bé thốt ra:
- Bà ơi, cháu sẽ mãi là người cháu ruột của bà, bà nhé!
    Cô bé ôm chặt lấy bà cụ:
- Bà hay coi cháu là cháu của bà, bà nhé!
Bà cụ nước mắt trào ra:
-  Ừ, ừ, vậy thì tốt quá!
     Cô bé cười , bà cụ cũng cười – nụ cười hạnh phúc đầu tiên có trong đời.
     Kể từ ngày ấy trở đi, hôm nào cô bé đi học về cũng sang nhà bà cụ chơi, nấu cơm giúp bà. Nỗi cô đơn của bà cụ mù lòa đã không còn, bởi bà đã có cô bé. Bà cụ và cô bé chờ đợi đến ngày mùng mười tháng mười – ngày giải phóng Thủ đô, bà và cô bé sẽ tổ chức bữa tiệc mời người con ấy về. Khi đó, ba người sẽ mãi mãi bên nhau. Niềm hạnh phúc được toát lên từ mọt ăn nhà nhỏ bé, nơi có những chiếc lá vàng ngày đêm vẫn rơi rơi.

                                                                              NGÔ PHƯƠNG ANH

NHÀ TẬP THỂ

Em ở nhà tập thể
Cao những bốn năm tầng
Cầu thang chung đi giữa
Nghe rõ từng bước chân

Phòng bên bác họa sĩ
Đeo kính trắng thật dày
Tường treo toàn tranh vẽ
Mát màu xanh cỏ cây

Cô hương ở tầng dưới
Có cu Tý , cái Hoa
Bố mẹ đi làm vắng
Bị khóa giam trong nhà

Cuối năm em chuyển nhà
Xa cái Hoa, cu Tý
Lại nhớ bác họa sĩ
Rơi kính không biết tìm
             
                                            NGUYỄN THU TRANG


ĐIỀU TƯỞNG NHƯ KHÔNG THỂ CÓ

   “Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó…” Từ khi nghe lời bài hát vang lên, tôi đã chọn ngay để giới thiệu căn nhà xinh xinh của mình.
    Nhà tôi ở ngõ Bảo Khánh, lại tít ở tầng 3. Bố mẹ tôi thường đùa “nhà mình không có một tấc đất”. Bởi vậy chẳng có chỗ nào để có thể trồng được một chậu cây. Nếu có cây thì toàn là cây cảnh ở Hàm Long mua về. Chỉ có lọ hoa tươi là dấu hiệu của một thiên nhiên mà thôi.
  Thật may mắn, góc học tập của 
tôi nhìn ra Hồ Gươm, qua một chiếc cửa sổ nhỏ. Hồi tôi còn bé, gió từ hồ thổi vào mát lộng. Còn bây giờ các căn hộ đua nhau tăng chiều cao nên chẳng nhìn thấy Tháp Rùa mà gió cũng ít vào tới nơi.
   Thật ra tôi cũng không muốn nói gì về nơi ở của mình cả vì nó chả có gì đặc biệt. Thế nhưng lại có một điều thật thú vị mà chỉ có tôi mới cảm nhận được sự kỳ diệu của nó.
    Chuyện là thế này…
    Sau tiết học sinh vật lớp 6, “Tìm hiểu về sự nảy mầm của hạt”. Cái cửa sổ của tôi xuất hiện ba chậu cây. Nói là chậu cây cho oai chứ mỗi chậu cây tí hon ấy chính là một vỏ hộp sữa chua.
     Một chậu trồng hạt đỗ xanh
     Một chậu trồng hạt lạc
     Nhờ làm đúng theo chỉ dẫn của cô giáo nên tất cả các hạt đều nảy mầm thành cây con, trông thật thích mắt. Cây hai lá, ba lá rồi nhiều lá, cao dần từ 3 đến 5cm rồi tới hơn 30cm.
     Hàng ngày, tôi vẫn dành thời gian để chăm sóc, tưới nước và thưởng thức tác phẩm của mình. Thế rồi một sáng ngủ dậy, thật ngạc nhiên khi tôi nhìn thấy những bông hoa vàng xinh xinh mọc trên thân cây lạc. Tôi sung sương bê chậu cây đậu ra kiểm tra. Thật sửng sốt khi trên kẽ lá đã có một quả đậu non và một bông hoa tím dang lấp ló. Khỏi phải nói niềm vui của tôi tới mức nào. Có lẽ tôi là người hiểu hơn ai hết niềm vui của các bác nông dân khi được mùa. Vẫn chưa đủ nếu tôi không nhắc tới sự kiện này. Sau đó một tuần, vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, bỗng đâu quanh cây lạc xuất hiện một cánh bướm trắng rập rờn bên hoa. Thật lạ lùng, tôi không thể nào ngờ được, một chiếc cửa sổ lọt thỏm trong lòng Hà Nội, nơi ồn ào náo nhiệt đó cũng có được những giây phút êm dịu cho bướm và hoa gặp nhau. Cánh bướm ngập ngừng có vẻ ngạc nhiên rồi cứ quanh quẩn mãi bên hoa như không muốn rời xa. Thiên nhiên quả là kỳ diệu. thế mới biết con người, động vật, cây cối luôn gắn bó, gần gũi với nhau không thể tách rời. Chả thế mà xung quang Hồ Gươm, dưới những bóng cây râm mát, tên thảm cỏ xanh mượt, từ sáng sớm tới chiều tà mọi người thi nhau tới để hóng mát, để tận hưởng vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên.
    Chỉ tiếc rằng vẫn còn có những người chưa biết giá trị của thiên nhiên, còn nỡ giẫm chân, đá bóng trên thảm cỏ,bẻ cành hái lá khi mùa xuân về. Giá như ai cũng biết chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên thì chúng ta sẽ còn được thưởng thức thức nhiều điều tuyệt vời nữa của thiên nhiên ban tặng.
     Nhìn những bông hoa lạc, càng thích thú với chậu cây của mình tôi càng mong muốn mình sau này sẽ học  một nghề gì đó về sinh vật để có thể trở thành người góp phần làm cho Hà nội của chúng ta xanh và đẹp mãi.
                                                                                    BẢO KHÁNH


TẶNG ÔNG NGOẠI

Ông nội thì ở quê xa,
Ở gần cháu có bà ngoại thôi
Từ lúc cháu mới chào đời
Ông chăm, bà bế chẳng ngơi chút nào.
Lương hưu chẳng được là bao
Quà ông cho cháu dạt dào tình thương
Lớn rồi cháu phải đến trường
Đón đưa ông chẳng ngại đường xa xôi
Cháu yêu ông lắm ông ơi
Gia lâm hai phía bồi hồi nhớ mong.
Mong sao chóng đến cuối tuần
Ông lên, cháu xuống vợi phần nhớ mong.
Yêu ông cháu viết mấy dòng
Cầu mong ông khỏe vui cùng cháu con
                                                         HỒNG VÂN