Tìm kiếm Blog này

22 tháng 12, 2012

CHÓ BI LÊN THÀNH PHỐ


    Mấy hôm trước, chó Bi không ăn uống gì cả, cô chủ dỗ dành mãi nay chú mới ăn một bát cơm. Bi là con chó của ông cô chủ, nên chú được cô chủ rất yêu quý. Nhưng Bi không sao quên được ông, nó được ông chăm sóc từ nhỏ. Hôm xa quê, ông bế nó lên dặn dò kỹ “Bi lên trông nhà và chơi cùng chị Hà nhé, phải ngoan đấy”.
 Đây là lần đầu tiên chó bi lên thành phố vì thế nó thấy cái gì cũng mới lạ. Ngoài đường có rất nhiều những những con vật bốn mắt kêu “bíp bíp” rất to, cứ đến tối là mắt của chúng lại sáng lên. Khi nào thấy con vật ấy, bi lại chúi vào gốc bác Si Già. Ở thành phố rất ồn ào lại còn đông người nữa.
  Bi nằm trong một góc nhà, và nhớ đến Bác Trâu, Bác Bò, nhớ đến chị Hoa Nhài nở thơm ngát vào những đêm trăng và các bạn chó  thân thương, nhớ đến mảnh vườn quê thân thuộc, và nhớ nhất là ông. Có lần, Bi thấy bố mẹ và cô bé Hà về quê, muốn đón ông lên thành phố ở cùng chăm sóc, nhưng ông bảo ông quen ở quê rồi, ông không thể xa mảnh vườn nhỏ, không thể xa bầy chó, bầy gà…
  Có một chuyện làm Bi nhớ mãi: Hôm đó Bi đang chơi trong vườn thì đột nhiên chú thấy một con bướm vàng rực rỡ, chú thích thú đuổi theo chẳng may làm đổ chậu nhài của ông. Chú sợ ông mắng nên chạy vội vào đống rơm, một lúc thấy ông bước ra và hỏi:
- Ai làm vỡ chậu nhài của ông đấy? Bi nằm im thít, rồi ngủ quên luôn. Mãi tận lúc trời tối mịt, chú thấy đói bụng quá nên lò dò chạy vào bếp tìm cái ăn. Bi không ngờ ông cũng để phần một bát cơm đầy cho nó ở chỗ mọi hôm. Mâm cơm đậy lồng bàn còn nguyên chưa ăn. Bi thấy bóng ông cầm đèn pin thấp thoáng đầu ngõ, rồi tiếng ông lẩm bẩm đầy lo lắng “không biết con Bi nó đi đâu rồi?”. Bi chợt thấy hối hận qúa lon ton chạy vào nhà cúi đầu xuống xin lỗi ông…

- Bi ơi, ngày mai chị về quê thăm ông rồi , Bi ở nhà phải ngoan nhé, chị sẽ có quà cho em!
Chí Bi khẽ “gâu” một tiếng đáp lời cô bé.
Mấy hôm sau, vào một hôm trời nắng đẹp, chó Bi bừng tỉnh giấc, chú chạy ra ban công ngạc nhiên thấy một cây nhài giống hệt ở quê. Chú vội chạy đến bên cây nhài, một làn hương thơm mát dịu phảng phất trong gió làm bi thấy nao nao…
                                      Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                                                 PHẠM THÁI HÀ
                                               LỚP 5B -  TRƯỜNG TIỂU HỌC TRƯNG VƯƠNG – HÀ NỘI
                                                                         NĂM HỌC  2004 – 2005
    
NA

Tôi vừa đi học về, chạy vọt vào nhà. Tôi thấy một con bé da găm đen, gầy và hình như nó trạc tuổi tôi. Mẹ tôi từ trong nhà bếp nói vọng ra. “Từ hôm nay, Na sẽ giúp việc nhà cho mẹ. Con chào Na đi, bạn bằng tuổi đấy”. Rồi sau đó, tôi chào Na, chạy tót ra ngoài nhà chơi.
Hằng ngày, mẹ đi làm, dặn nó ở nhà nấu cơm nước, giặt quần áo, dọn dẹp phòng khách. Tôi được mẹ giao nhiệm vụ dạy Na cách dùng bếp ga, nồi cơm điện, máy giặt…Nó cũng chẳng giỏi gì nhưng cuối cùng mọi việc cũng êm xuôi. Vào một buổi tối, tôi xuống dưới  bếp để uống nước bỗng tôi gặp một cái bóng đen đang lụi cụi làm gì đó. Tôi vốn sợ ma, với trí tưởng tượng phong phú về cái bóng đen đó, tôi đánh vỡ cốc nước và chạy nhanh vào nhà tắm. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng cái Na. Lúc đó, tôi mới thực sự hoảng hồn trở lại. Tôi ra khỏi nhà tắm rồi tiến đến cái máy giặt đặt ở góc trong của cái nhà gần gian bếp. Tôi chỉ tay về cái máy giặt “ Dại thế, sao không vơ hết quần áo vào trong cái máy này, làm thế tổ cực thân, mệt người thôi.” Nó đi đến cái máy giặt, lệch người ôm thau quần áo giặt dang dở, bỏ vào máy. Nó nhìn tôi với ánh mắt giận dỗi.
Một hôm, tôi bị mất cái ví màu nâu cánh gián, trong đó tôi có để ít tiền dành dụm và vài thứ lặt vặt. Tôi xáo tung mọi thứ trong các phòng, nhưng kết quả là chẳng có. Rồi tôi đoán già, đoán non, nghĩ ra đối tượng là Na. Tôi lao xuống nhà như tên bay và hỏi nó nhưng nó lắc đầu. Tôi tức quá, tôi đi mách với mẹ, rồi tôi còn lục tung những đồ cũ kĩ, nhàu nát của nó. Tôi vùng vằng chạy về phòng, còn cái Na, nó không phản ứng gì cả. Nó chỉ ngồi bệt xướng đất khóc rưng rức.
Kể từ đó, tôi coi cái Na như kẻ thù; mặc cho mẹ đã giải thích, khuyến cáo tôi. Cuối cùng, ít lâu sau, mẹ cũng đành gửi nó về quê và cho một bọc quần áo lành lặn nhưng nó không chịu nhận. Nó về quê, khóc rưng rức, nghẹn đắng. Tôi thở phào, nhẹ nhõm. Vào một buổi trưa nọ, khi tôi lấy gạo nấu cơm, tôi phát hiện ra ở trong thung gạo có cái gì đó. Oa! Đố là cái ví màu nâu cánh gián, mọi thứ trong đó vẫn còn nguyên và kèm theo một tờ giấy nhỏ, nét chữ nguệch ngoạc: “Tao thấy phòng mày bẩn, luộm thuộm quá, tao dọn dẹp rồi thấy cái ví, mà sao cái ví mày bẩn thế. Tao bỏ hết vào máy giặt nhưng chưa kịp trả lại thì mày lại nghĩ xấu về tao. Tao buồn. Mà tao cũng chẳng để bụng chuyện đó nữa đâu. Chúc mày ở lại mạnh khỏe, học giỏi”.Tôi ngồi im, tôi khóc. Tôi thật là ích kỉ, nhỏ nhen. Nhiều lúc tôi chỉ mải mê nghĩ cho mình nhưng không biết bên cạnh mình, xung quanh mình có người bạn thật buồn khổ, cô đơn. Bây giờ đây, tôi không thể gặp lại Na để xin lỗi nữa, ngàn lần tôi xin lỗi Na vì đã hiểu lầm Na.
                             Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
NGUYỄN HẠNH LIÊN
LỚP 9E -  TRƯỜNG THCS TRƯNG NHỊ – HÀ NỘI

NĂM HỌC  2004 – 2005
                                        
               
                     
                                                    NGƯỜI BẠN MỚI

 Gia đình tôi không khá giả nhưng cũng không gọi là nghèo. Tôi nói thế bởi ba mẹ vẫn có đủ tiền cho tôi đi học và cả nhà cũng đủ ăn và có một chút tiền tiết kiệm. Hôm nay chủ nhật, cũng như mọi ngày chủ nhật khác. Mẹ tôi lại tất bật với công việc bếp núc còn ba tôi lại xắn tay áo giúp mẹ một tay. Chắc vì thế nên gia đình tôi luôn đầm ấm và hạnh phúc. Tôi lại trở về không gian riêng của mình. Ngồi trước bàn học nhìn ra bầu trời sau khung của sổ, một bầu trời xanh biếc đầy hy vọng. Bỗng nhiên tôi lại muốn giở những cuốn sách cũ ra đọc lại. Giở những bài cũ tôi ngớ ra: “Ôi! Những bài này cũng đơn giản nhưng mà sao hồi xưa mình không giải được nhỉ? Ngốc thật!” Đang say sưa với những dòng suy nghĩ mông lung, bất giác tôi ngước lên: “ Úi! Giật cả mình! Trước mặt tôi là một thằng bé gấy gò, ốm yếu, xanh xao, quần áo vá chằng đụp. Không ai khác chính là Tùng. Tùng là một thằng bé nhà quê. Cha mẹ mất sớm Tùng ở với bà, nhưng người phải làm việc tần tảo để được bữa rau, bữa cháo để nuôi cháu, nên bà cũng ốm nặng rồi qua đời. Vì nghèo đói nên Tùng đã lên thành phố để xin rửa bát thuê ở hàng phở cạnh nhà tôi. Nó làm việc rất chịu khó, lễ phép và dễ hòa đồng, nên mọi người trong khu phố rất quý mến nó. Hôm nay hàng phở dọn hàng sớm nên chủ hàng phở cho nó chạy chơi một lát - Tùng kể với tôi khi tôi hỏi nó, đôi mắt của nó cứ nhìn chằm chằm vào cuốn sách tôi đang cầm. Xem ra cu cậu muốn đọc đay. Tôi hỏi: “ Muốn đọc hả?”. Tùng lúng túng: “Dạ…vâng… nhưng…”. “ Thôi được rồi! Đi vào đây cái đã!”. Tôi bảo Tùng: “ Thế đằng ấy bao nhiêu tuổi?”. Dạ…chỉ mười hai thôi ạ!”. “ Thế thì đằng ấy phải gọi đây bằng chị rồi” Tôi nói, rồi đưa cho Tùng cuốn sách để em đọc. Xem ra cu cậu có vẻ thích thú, đọc rất chăm chú. Một lát sau, cu cậu đọc xong liền đưa sách trả tôi. Tôi giữ Tùng lại để muốn kiểm tra kiến thức của cu cậu. Không ngờ tôi hỏi câu nào Tùng trả lời rất nhanh, rõ ràng mà lại đúng. Tùng kể : “ Lúc cha mẹ còn sống cậu cũng được đi học  bằng bạn, bằng bè, nhưng từ khi cha mẹ mất, vì nhà nghèo nên Tùng cũng không được đi học nữa” Nói đến đây, Tùng cười khiến tôi đang chăm chú nghe giật cả mình. Rồi hai chị em cùng cười vang. Từ hôm đó cứ lúc nào rảnh việc Tùng lại xin phép chủ hàng phở sang nhà tôi đọc sách , cu cậu cứ đọc xong tôi lại kiểm tra. Dần dần số sách tôi cho Tùng mượn cũng nhiều dần đến mức tôi chẳng còn sách để cho Tùng đọc nữa. Tùng thông minh thật. Đọc đến đâu hiểu đến đấy. Cho đến một ngày tôi không biết kiếm cái gì cho Tùng học nữa thì bất ngờ đọc được một thông tin ở trên báo: “ Có mở một lớp học thêm buổi tối cho trẻ lao động”. Lúc ấy tôi rất vui mừng kể cho ba mẹ tôi nghe. Họ đồng tình với tôi. Vấn đề ở đây là tôi phải thuyết phục chủ hàng phở. Ba mẹ và tôi đã nói cho chủ hàng phở hiểu, thật may mắn bác ấy đồng ý. Tôi cho Tùng mượn sách vở để nó đi học. Từ đó Tùng thoát khỏi cảnh nghèo khổ, khốn khó của mình. Còn trong lòng tôi rất vui và sung sướng bởi lần đâu tiên tôi đã làm được việc có ý nghĩa đến như vậy. Tôi đã trưởng thành hơn trước rất nhiều. Tôi mong rằng sẽ không có những cậu bé có hoàn cảnh éo le như Tùng.
                                  Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
NGUYỄN NGỌC TRÀ MY
LỚP 7E -  TRƯỜNG THCS TRƯNG NHỊ – HÀ NỘI
NĂM HỌC  2004 – 2005


                

15 tháng 12, 2012

VỀ NHÀ


   Hạnh nhìn ra khoang cửa sổ máy bay, mắt ngấn nước. Cố bé đang cố tìm lại những kỷ niệm xưa trong sự đau khổ vô bờ.
 Hạnh là một Việt kiều. Nó chưa bao giờ về Việt Nam. Nhưng trong lòng nó, đất nước ấy rất gần gũi, thân thương. Có lẽ vì bà, bà của Hạnh thường kể cho cô bé nghe rất nhiều điều về Việt Nam. Ở đó có những hàng tre cao vút, có con sông trong xanh, có bóng đa cổ thụ…và có nhiều thứ nữa thật bình dị mà nơi thành phố náo nhiệt như Hạnh đang ở không thể có được.

    
  Khác với những cô bé cùng tuổi luôn được bố mẹ kể truyện cổ tích mỗi tối, câu truyện cổ tích của Hạnh là những câu truyện về quê hương. Mỗi hôm bà lại kể cho nó một truyện mới, tất cả đều hấp dẫn, đều toát lên phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam. Nó cũng được biết nhiều về Bác Hồ. Người là vị lãnh tụ, vị cha già của dân tộc. Cô bé thường mơ thấy mình đứng giữa cánh đồng làng, giữa sự thân thiện của người Hà Nội, giữa núi rừng bát ngát của Tây Nguyên hay dòng sông Cửu Long nặng phù sa. Hạnh cũng mơ thấy Bác, Bác ôm nó và cười.
  Trường của Hạnh phát động cuộc thi viết về đề tài tự do. Cô bé rất muốn tham gia nhưng không biết nên viết gì. Nó liền hỏi bà. Bà nói: " Cháu hãy viết về điều gì cháu thích nhất, hiểu nhất, thân thương nhất.” Tối đó Hạnh ngồi viết thật say mê. Nó nhìn vào bài viết, vào từng nhân vật, lời nói. Và một câu truyện nó rất ưng ý đã ra đời. Hạnh tung tăng về nhà. Hôm nay, cô giáo đã thông báo bài viết của Hạnh rất xuất sắc và đạt giải nhất toàn trường. Vừa đi cô bé vừa nghĩ, về nhà, đầu tiên nó sẽ khoe với bà. Chắc chắn bà sẽ khen nó, thưởng cho nó. Cô bé bước vào nhà. Thật trống vắng, sao chẳng có ai cả? Hạnh gọi bà nhưng không có tiếng trả lời. Nó tìm bà khắp nhà, ra ngoài sân, sang nhà hàng xóm hỏi, chẳng ai biết ba đi đâu. Nó gọi điện cho bố mẹ, không ai nghe máy. Trong lòng Hạnh bỗng cảm thấy xốn xang lạ lùng. Rất lâu sau thì bố Hạnh về, bố nói: “ Bà ra siêu thị mua thức ăn để làm món con thích. Lúc về thì bị tai nạn giao thông. Bà đang cấp cứu ở bệnh viện, chẳng biết có qua khỏi không. Bà muốn gặp con”
 Hạnh sững sờ. Trên đường đi, nó không nói được lời nào. Mắt nó cứ dõi về phía trước, cầu mong cho đến thật nhanh.
 Lúc nó đến nơi thì bà đã qua đời vài phút trước. Cô bé đến bên bà, nói: “ Bà ơi, bà dậy đi. Sao bà ngủ sớm thế? Bà vẫn chưa kể truyện cho cháu nghe mà. Bà ơi, cháu đói rồi, bà nấu cho cháu món cháu thích đi. Bà biết không, hôm nay, cô nói bài viết về quê mình của cháu được giải nhất cả trường đấy. Bà có vui không? Sao bà không khen cháu, bà ơi!”
     Bây giờ, nó đang ngồi trên máy bay trở về Việt nam. Gia đình đã làm theo ước nguyện của bà là được an nghỉ tại quê hương. Việt Nam đang hiện dần ra trước mắt Hạnh. Cô bé bỗng nghe văng vẳng lời bà: “ Đừng buồn nữa cháu, chúng ta về đến nhà rồi!”.

                                                 Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                                     NGUYỄN THƯỜNG DUNG
                                               LỚP 7M TRƯỜNG THCS TRƯNG VƯƠNG – HÀ NỘI
                                                                        NĂM HỌC  2004 – 2005

TIN VUI NGƯỢC NÚI

Cô giáo tận quê xuôi
Lần đầu lên với bản
Dép suối nghịch cuốn trôi                       
Cành cây chia cho vịn

Cô đi cùng già bản
Lên cầu thang từng nhà
Người lớn dừng cần rượu
Trẻ ngó nhòm từ xa

Chỉ thích học múa hát
Cái chữ khó lắm mà
Thương cô giáo vất vả
Trẻ dần dàn nết na

Nghỉ hè về quê xa
Đồng bằng ngồi nhớ núi
Bấm đốt tay người già.
Trẻ bần thần mong đợi

Tin vui bay ngược núi
Cô giáo đã lên rồi
Ngọn gió xanh dẫn lối
E ấp bao nụ cười.
                                       Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
ĐING THỊ THU HIỀN
LỚP 8A1 -  TRƯỜNG THCS TÂM SƠN  – HÀ GIANG
NĂM HỌC  2004 – 2005


CÁI CHẾT CỦA CHỊ TÔM

     Vào một buổi chiều mát mẻ, nhạc sĩ Dế Mèn tha thẩn dạo chơi khắp xóm. Chợt Dế Mèn thấy mọi người tụ tập rất đông ở trong sân nhà chị Tôm, Dế Mèn lại gần và nhìn thấy bác sĩ Cá Chép đang phủ khăn trắng lên người chị Tôm. Dế Mèn quay lại hỏi anh Nhái Bén :
-  Chị Tôm làm sao đấy? Sao chị ấy lại chết?
  Nhái Bén trả lời một cách buồn rầu: 
   - Chị Tôm bị trúng độc
   Bác Cua Đồng tiếp lời:
  - Thật khổ thân chị Tôm, sáng nay chị ấy còn sang biếu tôi cái bánh. Vậy mà…
    Chợt nhà báo Họa My đén muốn viết bài về cái chết của chị Tôm. Nhà báo hỏi cụ Trê già:
- Thưa cụ! Cụ có thể cho biết sự việc được không ạ
     Cụ Trê nấc nghẹn ngào và kể:
  - Hôm nay trong cuộc thi bơi của xóm “Ao”, chúng tôi chịTôm cũng thi. Ở vòng một chị ấy dẫn đầu, tiếp theo là anh Ễnh Ương và nhiều người khác. Đến vòng sau, vì bơi tụt lùi nên chị ấy đã chui tọt vào lọ thuốc trừ sâu do con người ném xuống, hậu quả là chị Tôm đã… tắt thở ngay lập tức và chị được mọi người đưa đến sân nhà để chuẩn bị mai táng. Nhiều vận động viên khác cũng bị ngộ độc nhưng rất may là họ đã qua khỏi.
     Kể xong cụ Trê bật khóc.
    Hôm sau, trên tờ báo của của xóm “Ao” có đăng bài viết của nhà báo Họa My. Thông điệp mà tôi gửi đến mọi người là “Mỗi chúng ta, cần phải biết bảo vệ môi trường của chính chúng ta. Nếu không  bảo vệ thì sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường, mà bài học chính là sự ra đi trong đau đớn của vận động viên bơi lội – Chị Tôm”
                                Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
LÃ ÁNH TUYẾT
LỚP 61 -  TRƯỜNG THCS YÊN HÀ  – HÀ GIANG
NĂM HỌC  2004 – 2005

8 tháng 12, 2012

DÂN NHÀ BÈ


   Ai cũng bảo mẹ tôi là “dân nhà bè” thế mà lại ăn học được đến như thế…Tôi thắc mắc không hiểu “dân nhà bè” thì có gì khác? Mẹ tôi nó: “so với những người trên đất, dân nhà bè thiệt thòi đủ thứ. Họ không có nổi một mảnh đất để làm nhà, đến một mảnh vườn nhỏ để trồng một luống hoa, hay ít nhất một luống rau thơm cũng không có. Được gọi là “dân nhà bè” cũng vì họ sống trong những ngôi nhà được dựng lên trên những cây tre ngâm, cốn lại thành bè, nổi trên mặt nước, neo dọc hai bên bờ sông Lô….
  Mẹ tôi đã từng sống ở khu dân cư như thế, sau khi gia đình ông ngoại bị một quả pháo Trung Quốc bắn trúng nhà tại thị xã Hà Giang năm 1979, phải sơ tán về Tuyên Quang. Những năm đầu ông ngoại để cả gia đình sống trong một chiếc thuyền nhỏ làm nghề đánh cá. Sau đó mới làm một chiếc nhà bè để chuyển sang làm nghề cát sỏi. Từ đó, mẹ bắt đầu cuộc sống của “dân nhà bè” – một cuộc sống trên sông nước với tất cả sự vật lộn, không phải chỉ với những khó khăn, nghèo túng, mà còn là với cả cái sống và cái chết.
   Cho đến giờ mẹ vẫn không thể quên được những năm tháng nhọc nhằn ấy. Mẹ nói :" Sợ nhất là những ngày mưa lũ. Nước sông lên to, nếu ngủ quên không biết, ngôi nhà lúc chiều còn đang leo cạnh bờ , đến nửa đêm đã lênh đênh giữa dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Nguy hiểm nhất là ngôi nhà sẽ bị cuốn phăng đi, nếu sợi dây cáp neo nhà không đủ sức chịu đựng”
  Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, tôi đều thấy mắt mẹ ngân ngấn nước: “ Hình như cho đến tận bây giờ, đôi khi trong giấc mơ, mẹ vẫn như nghe thấy tiếng ông ngoại, quát lạc đi trong tiếng gió rít và tiếng nước chảy ầm ầm : “ Bè ra giữa sông rồi! Đây e căng bè lên để tháo cáp…cố lên đừng để bè tụt…đứt cáp bây giờ..nhanh lên…được rồi”. Thật khủng khiếp! Dòng sông vào mùa lũ hung dữ khác thường. Mặc dù mãi thì rồi cũng quen, nhưng lần nào cũng vậy, phải sau khi chiếc bè được leo chắc chắn vào bờ, trận kinh hoàng tạm trôi qua, mẹ mới thở phào: Thế là thoát”.
   Những tháng ngày sống trên nhà bè, lúc nào mẹ cũng phập phồng lo lắng. Ngày đêm bập bềnh cùng sóng nước, những câu hỏi cứ xoáy sâu trong tâm chí mẹ: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như dây cáp bỗng nhiên bị đứt? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như nữa đêm ngủ mơ bước ra ngoài bè – chiếc sân rộng mênh mông nhưng chẳng đứng nổi một giây? Rồi chuyện gì sẽ xảy ra nếu gió bão mạnh làm bay tung mái nhà? .v..v..v.Mẹ từng đau đớn chứng kiến, đã có gia đình chỉ vì lơ đễnh mà đánh rơi cả con nhỏ xuống sông để chẳng bao giờ gặp lại…
    Nghe mẹ kể đến đây tôi bắt đầu hiểu. Thì ra những gì mẹ làm lâu nay cho “ dân nhà bè”, kể từ khi mẹ bảo vệ xong luận án tiến sĩ trở về quê, đều hướng đến một mong muốn duy nhất, là làm sao cho
“dân nhà bè” bớt khổ, bớt lạc hậu. Những học sinh là con em “dân nhà bè” từ lớp học miễn phí của mẹ, sẽ tiếp tục bằng con đường học hành, để thực hiện cho được cái khát vọng bứt khỏi cuộc sống chật vật, gian nan của họ, giống như cái cách mẹ đã từng phấn đấu để có ngày hôm nay.
    Giờ đây, mỗi lúc được bố đèo đi học qua cầu Nông Tiến, qua con sông Lô, tôi không thể không hướng cái nhìn vào dãy nhà bè bên bờ sông. Nơi đó đầy ắp những kỷ niệm một thời, mẹ đã từng vươn lên từ cuộc sống lam lũ của “dân nhà bè”. Tôi thầm ước tất cả những ai được gọi là “dân nhà bè” sau này cũng phấn đấu và đạt được ước mơ trong cuộc sống như mẹ tôi. Đặc biệt mỗi khi có ai đó thành công trong cuộc sống và sự nghiệp sẽ chẳng ai ngạc nhiên vì họ là“dân nhà bè”.
         
                                  Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
ĐỖ DIỆP ĐAN LINH
                                            LỚP 9D - THCS LÊ QUÝ ĐÔN – THỊ XÃ TUYÊN QUANG
                                                                    NĂM HỌC  2004 – 2005

                                                                                  BUỔI SÁNG



Ông mặt trở chưa dậy
Gà con đã đã gáy rồi
Hoa mười giờ đỏ tươi
Như nụ cười buổi sáng

  
  Chú Mực con lông trắng
    Chạy tung tăng ngoài sân
Chị Mèo vẫn còn nằm
          Khoanh mình trên cành bưởi

Hàng cây ông đang tưới
Nước rắc đều từng cây
Bao hoa vàng, hoa đỏ
Thành từng chùm đẹp mắt

Bố mẹ ra đồng gặt
    Đi giữa biển mạ xanh
      Em đi trước bình minh
  Chim bay theo rối rít

Ôi! Buổi sáng thân thiết
Tiếng trống trường rền vang
Từ bao giờ chẳng biết
Yêu vô cùng quê hương
    
Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
TRƯƠNG THỊ HỒNG DUYÊN
LỚP 6D-3 TRƯỜNG THCS HOÀNG HOA THÁM  – BẮC GIANG
NĂM HỌC  2004 – 2005

BÀ NGOẠI

Những ngày còn thơ dại
Bà ngoại cõng đi chơi
Trong lòng bà tôi ngồi
Được nghe bà kể chuyện

Chuyện gì bà cũng biết                  
Mà bà kể thật hay
Đã xa cách bao ngày
Nhưng giờ tôi còn nhớ

Mỗi lần bà đi chợ
Mua cái bánh đa vừng
Hai chị em ăn chung
Sao mà thơm bùi thế!

Như đã thành thường lệ
Nhưng hôm trời đỏ mưa
Xâu kim rồi tôi đưa
Bà khâu quần vá áo.

Tôi hư bà khuyên bảo
Bà chẳng đánh bao giờ
Đêm ngủ tôi còn mơ
Trong vòng tay bà ngoại

Không bao giờ trở lại
Những ngày của ấu thơ
Nhưng dù đến bao giờ
Tôi không quên bà ngoại
                                                Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                            NGUYỄN MINH NGỌC
                        LỚP 7D-  TRƯỜNG THCS ÁI MỘ  – HÀ NỘI
                                                                                              NĂM HỌC  2004 – 2005                                        

1 tháng 12, 2012

XƯƠNG RỒNG CÓ GAI


  
     Như bao ngôi nhà nằm ven bờ biển Quảng Bình gió lào cát trắng, chỉ khác là nó ọp ẹp, xiêu vẹo và bên trong trống trải. Cái mà mẹ con nó gọi là nhà chẳng khác nào một cái chòi lẻo khẻo trông dưa
   Ngày trước, gia đình nó khá giả lắm chứ. Nó còn nhớ loáng thoáng gương mặt ba nó làm con ngựa cho nó cưỡi, nhăn nhó nhưng hớn hở. Nó nhìn ra biển xa và gọi ba nó trong tiếng nấc thổn thức. Cái gò cát mà nó ngồi đã có từ lâu cùng mấy bông hoa tím lởm chởm giữa cái nóng khát khô của mảnh đất miền Trung này. Cái gò mà mẹ nó ngày xưa ngồi trông ba giữa cơn bão táp điên cuồng. Nó len lén nhoài người bên mẹ khóc réo rắt trong cơn mưa tầm tã và gió rít lạnh buốt sống lưng. Lúc đó nó mới thật sự biết rằng ba nó vĩnh viễn không về để  lại cho mẹ nó nỗi đau lớn lao và khuân mặt đen ngòm nhỏ bé của nó - con bé làng chài và món nợ mà khi còn sống ba nó vay sắm con tàu đi đánh cá. Nó còn nhớ như in cái cảnh mẹ nó vật vã giữa cơn đau lòng buồn khổ tưởng chừng như không thể đứng lên nổi trong ngôi nhà sẽ là nơi nó ở sau này và mãi mãi. Mẹ nó bán hết nhà để gán nợ…Từ đó cuộc sống của mẹ con nó cứ bấp bênh như cái bẹ chuối muốn vượt qua đại dương xa xôi. Nó không có bạn bè dựa dẫm lúc buồn, vui. Không biết họ xa lánh nó hay chính nó tự tránh né họ. Nó chỉ có cái gò đất là “ người bạn tri kỷ”. Tất cả… tất cả mọi thứ tốt đẹp đều chào nó rồi “ cuốn gói” vĩnh viễn ra đi. “ Đứa bạn tri kỷ” của nó ngày nào cũng phải nghe nó than thở đến nỗi mấy bông hoa tím cứ lởm chởm như bông gà chọi chứ chẳng xum xuê tí nào. Mẹ nó ngày ngày nhập cá từ các tầu rồi đem lên chợ bán. Có lẽ vì vậy nên “ cái mà người ta thường gọi là nhà của nó”  cứ hum hủm mùi tanh. Nhưng nó chịu được tất , miễn là nó vẫn cảm thấy : dù sao đó cũng là cái hạnh phúc còn lại mà cuộc sống ban tặng cho mẹ con nó và nó cứ tự nhe cái hàm răng trên chín dưới mười mà tự cười một mình với bạn: “tri âm tri kỷ” của nó cho bõ tức. Xung quanh cái gò nó chơi vẫn là mấy cây xương rồng đầy gai góc thấy phát ghét . Trên bãi cát trắng này chỉ có xương rồng với cây hoa tím là tranh nhau ngự trị. Mỗi khi  một làn gió nào đó hờ hững lướt qua trên đám lá hoa tím là y như rằng nó nghe thấy tiếng than vãn đầy bất công là những cái gai xương rồng  hằm hè bắt nạt chúng, ngay cả nó đôi khi sơ ý cũng bị gai đâm đau ơi là đau. Nó lại thì thầm với mấy bông hoa lởm chởm: “ Các bạn đẹp lắm chỉ có xương rồng la ác độc” . Đôi lúc một ý nghỉ chớt thoáng qua rằng tại sao nó cứ ác cảm với loài cây gai góc đó. Nó đọc sách thấy xương rồng mọc trên cát , khí hậu nóng nên lá của nó biến thành gai để ngăn sự bốc hơi nước ra ngoài. Nó thấy cây xương rồng cực khổ quá- cũng giống nó vậy nó ghét xương rồng lắm. Rồi một hôm nó quyết định làm xương rồng trở lên hiền lành và dễ gần hơn. Kiếm được ở gò cát cây xương rồng nhỏ nhắn, xinh xắn nhất, nó liền mang trồng vào cái máng sứt mẻ. Có lẽ vì không muốn thấy nó như chính mình trong bộ quần áo đen đúa bẩn thỉu nên nó dùng kéo cắt phăng mấy cái xương xẩu nhọn hoắt đó. Ngày ngày, nó tưới nước đều cho xương rồng “ không gai”. Xương rồng vẫn xanh tươi cho đến ngày thứ ba thì “ bệnh nhẹ”. Nó cảm thấy hơi buồn vì mẹ nó an ủi là một ngày nào đó  sẽ kiếm nhiều tiền mua hẳn một cây xương rồng nhiều màu trong tiệm kiểng cho nó. Nhưng nó không thích. Nó ra sức tưới nước và ra sức cắt bỏ hết tất cả những cái gai mà nó tình nghi là gai. Ngày thứ tư rồi thứ năm cây xương rồng “ bệnh nặng” và rồi xương rồng gục xuống, ủ rũ héo hon và rồi bỏ nó một mình giữa căn nhà heo hút. Căn nhà vốn rất chật hẹp nhưng hôm nay nó lại thấy trống trải và rộng đến kỳ lạ. Xương rồng ra đi ngay trước mắt nó. Nó cảm thấy đau đơn y như khi ba nó qua đời. Nó cứ khóc hoài. Mẹ nó biết nó đang thiu thỉu trong góc nhà. Nó ngước đôi mắt đỏ hoe lên và bắt gặp ánh mắt sầu sầu của mẹ. Thường ngày mẹ không có vẻ âu yếm nó. Có lẽ vì mẹ là một phụ nữ làng chài quen nắng gió lên lòng mẹ cũng khô khan như làn da trên đôi bàn tay chai sạn quen cát nóng và hơi muối mặn nồng của biển. Nhưng nhình như đó chỉ là cái cảm nhận về bề ngoài thô thô của mẹ bởi vì hôm nay, mẹ đã đánh gục vẻ cứng cỏi và cái nhìn buồn buồn mọi ngày để đến bên ôm nó vào lòng:
     - Con răng (sao) mà ngốc rứa (thế)?Cuộc đời đã ban tặng cho mỗi người một số phận, chỉ khác là có những cuộc đời trải dài một cách bằng phẳng nhưng cũng có cái hắn (nó) gồ ghề như con đường rứa (vậy) đó. Cây xương rồng hẳn cũng có một quy luật tự nhiên là sống giữa nắng nóng và tồn tại cùng những cái gai mà cuộc sống ban cho, tuy nhiên nó khó chịu lắm chớ! Nhưng chúng ta không nên làm trái với quy luật của cuộc sống. Cây xương rồng có gai để sống được cả những nơi khô cằn, nóng bỏng nhất. Con ạ! Căn nhà lá này cũng sẽ là nơi giúp con vượt qua những khó khăn trước mắt. Mẹ thì không được học hành nhưng mẹ vẫn hiểu được cái sự thật đó là: đường đời hết sức vất vả và gian khổ, muốn đạt được thành công trước tiên chúng ta phải vượt qua được chính bản thân mình và khó khăn thách thức trước mắt. Đừng bao giờ luyện mình trưởng thành trong sự sung sướng để rồi lười biếng, hèn nhát, chọn con đường bằng phẳng nhất mà đi thì rồi cũng sẽ có số phận như vậy xương rồng không gai đó. Con hãy nhớ mấy lời mẹ nói nhé! Xương sồng có gai của mẹ! Phải cứng rắn lên!
  - Nó chợt hiểu ra rằng tự làm cho xương rồng không gai là sự sai lầm. Nó bỗng yêu cây xương rồng ngoài gió cát xiết bao. Nó tin chắc rằng khi nó vượt hết tất cả mọi khó khăn thì thế giới tươi đẹp sẽ hiện ra vẫy chào mẹ con nó. Nhưng việc trước tiên nó phải làm là luyện mình thành một người cứng cỏi như mẹ- cây xương rồng có gai.
                                          Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                         VÕ THỊ MINH TÂM
                                                               CLBPVN – NHÀ THIẾU NHI QUẢNG BÌNH
                                                                               NĂM HỌC  2004 – 2005


LÁ THƯỜNG XUÂN CỦA CỤ BƠ MEN


         Nó - một kẻ bất hạnh. Nó - một thằng bé mồ côi. Nó - một đứa ăn cắp. Tiềm thức của gia đình đối với nó đơn giản là một dấu chấm hỏi màu đen to tướng, xám xịt. Nhưng rồi cuộc đời của nó đã rẽ qua một hướng mới khi gặp bà.
    Bà đối với nó còn khó hiểu hơn cả cái “tiềm thức” về gia đình kia. Nhưng có một điều nó rất hiểu đó là tình thương của bà dành chó nó…Nó sống cùng với bà trong trong một căn gác xép tận tít tầng tám của một khu dân cư. Cũng được đi học, cũng có cơm ăn áo mặc chỉ khác mỗi lần nó và bà một thứ quà gì đấy thì thay vào đó nó sẽ được tiếp tục nghe một câu chuyện cổ tích mang cái tựa đề ngồ ngộ: “Chiếc lá cuối cùng”. Không hiểu sao, đối với bà câu chuyện này có sức hấp dẫn đến thế! Còn nó tuy đã học bài này cùng với cô với thầy, cũng đã hiểu giá trị nhân văn, nghệ thuật của câu truyện. Nhưng nó cũng chẳng thấy câu truyện đẹp vì cái gì và đẹp ở chỗ nào. Nhìn thấy lũ bạn kháo nhau muốn có một cái lá thường xuân. Nó bĩu môi, trong đầu gạt phắt ý tưởng ấy cho dù không nói ra sợ bị chê là kẻ khô khan và tối dạ. Nó nghĩ sao ư? Đơn giản, chiếc lá, là chiếc lá làm sao có thể là một linh hồn là tình thương "tuyệt vời” cơ chứ? Cũng giống như một là một và hai là hai. Nó tự nhủ: “ Chao ôi! Ăn với mặc thì chưa đủ chớ ngồi mà mơ tưởng, tốn thời gian.”Cũng có lẽ do “ác cảm” với môn Văn mà nó cho là “thiếu thực tế” chẳng khác gì “ mía ngọt bị nhai đi chỉ còn cái bã đắng ngắt”nên nó tu tâm học theo cho kì được môn Toán. Xem vậy, mà nó luôn đứng đầu lớp về môn Toán còn môn Văn thì luôn chót bảng vì bài nào liên quan đến “ Bơ men, Giôn xì” là nó lại bỏ giấy trắng kèm theo một câu triết lý của chính mình: “ một là một và hai là hai”. Mỗi ngày chủ nhật nó lại cùng bà  làm mọi việc và ngồi nghe câu chuyện cụ Bơ men cứu sống Giôn xì chỉ bằng một chiếc lá. Mỗi lần hình dung về chiếc lá thường xuân thì hẳn trong đầu nó là một hình thù màu đen ngoạch ngoạc.Nhưng để chiều lòng bà nó vẫn tiếp tục nghe và tiếp tục ngái ngủ. Nó tham gia vào đội tuyển toán của toàn trường để thi tỉnh và ngồi mong mỏi sẽ có giải để “ theo đuổi” “ môn Toán thực tế” của quốc gia. Rồi, bất chợt nó được chọn vào đội tuyển tỉnh. Nó mừng lắm! Bà cũng vui theo! Bà lên chợ tỉnh sắm cho nó ít áo quần mới và mấy quyển sách nó vòi tư lâu gói gém cẩn thận trong cái ba lô to đùng cho nó. Cái ngày nó đi luyện thi tới gần. Nó ôm chầm lấy bà. Lúc này nó mới thấy những giọt nước mắt nóng hổi của bà chảy dài trên gò má. Nó an ủi: “Bà à! Cháu đi thì sẽ đem giải cao về cho bà mà!” Bà vẫn mỉm cười, đôi mắt sâu thẳm nhìn nó. Rồi nó lên xe và vẫy tay chào bà…Mấy tháng sau, nó trở về, gương mặt hớn hở vì ẵm được giải nhì, nó định khoe với bà đầu tiên. Về nhà, nó không thể ngờ rằng bà đã mất do bị nhồi máu cơ tim. Ai cũng bảo bà không cho người nào báo cho nó biết khi họ thấy bà đang ngã vật xuống đường nếu không bà chết chẳng thể nhắm mắt. Nó chạy vụt lên căn hộ của mình. Mọi thứ vẫn còn đó riêng bà không còn. Rồi nó thấy trên bàn là một bức thư của bà đã sơn màu chắc bà viết từ lâu. Nó đọc và nó khóc. Nó ngồi sụp xuống và bắt đầu vẽ…Đến bên mộ bà,nó đào bới một lớp đất trong tiếng ncs và chôn vào đó một tờ giấy, không ai biết nó đã vẽ vào đó một chiếc lá thường xuân màu hồng. Trời mưa, nó vẫn ngồi đấy, bên cạnh mộ bà, mưa làm nhòa nước mắt trên mặt nó. Đối với nó bây giờ hình ảnh bà lại hiện lên với câu chuyện của Giôn Xi và cụ Bơ Men. Nó thèm muốn. Nó ao ước một lần nhìn thấy bà, chỉ một lần thôi cũng được. Mưa cứ tí tách rơi nhưng nó chẳng hề thấy lạnh, nó chỉ thấy xót xa sao mỗi lần bà kể chuyện nó lại ngái ngủ…Xót thay! Đau đớn thay! Nó lại ghét cụ Bơ Men và Giôn  Xi. Nhưng bây giờ ngay tại mộ bà thì hoàn toàn khác, đối với nó một vẫn là một hai vẫn là hai nhưng chiếc lá không chỉ còn là chiếc lá. Mà là tình thương, là sự sẽ chia, là hi sinh vì nhau. Với nó, chiếc lá thường xuân của cụ Bơ Men đang được nhuộm một màu mới – màu hồng…

                         Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                          TRẦN KHÁNH TRANG
                                        CLBPVN NHÀ THIẾU NHI QUẢNG BÌNH
                                                        NĂM HỌC  2004 – 2005


24 tháng 11, 2012

CHÚ MÈO CỦA TÌNH THƯƠNG



     Gia đình tôi không giàu mà cũng chẳng quá nghèo để mở một cửa hàng nhỏ. Mẹ tôi ngày ngày trông coi cửa hàng và bán những thứ tinh tinh như bánh, kẹo, kem, ổi… Sáng nay vừa thức giấc, tôi đã nghe thấy tiếng nện búa chan chát ngoài đường. Tôi lững thức bước ra thì thấy bố tôi đang cặm cụi làm cái gì đó ở trên cao. Tôi bước lại gần và hỏi :
Bố ơi! Bố làm gì trên đó thế?
 Bố từ trên cao nói vọng xuống:
- Bố đang treo biển con ạ.
Treo biển gì vậy hả bố?
-  À, thì bố chỉ viết mấy chữ “ở đây bán mèo con” để người ta biết mà đến mua thôi.
-  Ơ! Bố định bán mèo hả? Chúng còn nhỏ lắm ai thèm mua chứ.
-  Con không biết đó thôi, người ta thường nuôi mèo để dạy nó mà.. Với lại nhà ta còn túng thiếu không đủ để nuôi nó lớn lên được. Nếu giữ mãi chúng không sống được thì cũng tội nghiệp lắm!
   Tôi thở dài buồn bã, đằng nào cũng chẳng ngăn nổi quyết định của bố, vì bố vốn là người quả quyết trong công việc.
   Tấm biển của bố linh nghiệm thật, mới treo lên mà đã có khách vào mua. Một cô bé thân hình mảnh dẻ, ốm yếu đã đứng trước cửa từ lúc nào. Cô bé lên tiếng nhỏ nhẹ:
-  Chú ơi! cháu mua một chú mèo con.
-  Bố tôi từ trong bước ra:
-  Ồ! Cháu mua mèo hả?
-  Vâng ạ! cô bé nhanh nhảu đáp
Thế giá mỗi con là bao nhiêu hả chú?
-  Cũng tùy, từ hai mươi ngàn đến bốn mươi ngàn. Tùy vào kích cỡ của chúng để trả giá cháu ạ.
   Có bé mở nắp khóa, móc ra từ trong cặp sách một ít tiền lẻ.
Cháu chỉ có mười ngàn đông thôi. Chú cho phép cháu xem chúng nhé.
  Bố tôi mỉm cười hiền hậu, vừa kêu “meo…meo…” bố vừa gõ gõ cho lũ mèo con ra chào khách. Ngay lập tức, sáu chú mèo con lon ton chạy ra vây quanh bố, một chú chậm chạp theo sau.
Cô bé kêu lên:
-  Ôi đẹp quá!
Và sau một hồi ngắm nghía, cô bé chỉ vào con mèo khập khễnh:
-  Con mèo ấy làm sao thế ạ?
Bố tôi ngập ngừng trả lời:
-  Tội nghiệp, sinh ra nó đã thế, chân nó bị khiếm khuyết nên phải khập khễnh  suốt đời.
- Đây chính là con mèo cháu muốn mua.
Cô bé tỏ vẻ rất thích thú.
- Không, chú nghĩ cháu không muốn mua nó đâu. Còn nếu cháu thật sự thích nó thì chú tặng cháu đó.
Cô bé chìa tay đáp một cách quả quyết:
- Cháu không muốn được chú tặng. Nó cũng đáng giá như những con mèo khác và cháu sẽ trả tiền cho chú.
-  Không đâu cháu sẽ ghét nó cho mà xem. Nó không thể chạy nhảy vui đùa với cháu được.
Cô bé không nói gì, cặp mắt mở to như muốn khóc. Và từ từ cô đưa tay kéo ống quần lên để lộ chiếc chân trái bị teo. Cô bé ngước nhìn ba tôi chậm rãi nói:
- Cháu cũng đâu thể chạy nhảy vui đùa, và con mèo nhỏ này cũng cần một ai đó thông cảm chú ạ!
  Bố tôi sững người trước câu nói của cậu bé. Và bỗng nhiên ông cúi xuống đặt hai bàn tay lên đôi vai gầy của cô.
- Cháu đúng là một cô bé ngoan và giàu lòng nhân hậu nữa. Thôi được, chú sẽ bán cho cháu con mèo đó.
   Cô bé sung sướng và cảm ơn bố tôi rối rít. Đôi mắt thật ngây thơ ứa ra những giọt nước mắt – giọt nước mắt của tình thương.
Tôi lặng đi đứng nhìn theo cái bóng nhỏ của cô bé bước ra khỏi cửa, và dần khuất sau tán lá bàng xanh thẳm. Tôi chợt nghĩ: “ Cuộc sống thật vui tươi và ấm áp làm sao”
                                            Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                                   ĐỖ THỊ KIM CHI
                                                LỚP 8/1 THCS VĨNH NINH – QUẢNG BÌNH
                                                              NĂM HỌC  2004 – 2005



                                    NÓI VỚI DẾ
                                          
Ơ chú dế mèn lạ quá
Kêu inh ỏi một góc trời
Sao không đi phiêu lưu ký
Mà nằm đàn cho hạt sương

Ừ nhỉ những nhạc sĩ dế
Kéo đàn mê mài không thôi
Ung dung nhai vài lá cỏ
Đằng ấy là sướng nhất rồi.

Tớ có cái lọ nho nhỏ
Thêm vài ngọn cỏ non tươi
Cái nhà cho “đằng ấy” đó
Chắc là ấy thích mê thôi!

Tớ nhón tay bắt vào lọ
Đằng ấy chẳng thèm đàn ca
Hay muốn nói gì với tớ?
Nói rằng “Dế thích tự do”.      
                                                                     
                                                                   TRẦN THU VÂNLỚP 
                                                         8G – THCS NGUYỄN TRƯỜNG TỘ 
                                              NĂM HỌC 1998 – 1999                                                                                                          
                                         
                                              BƯỚC VÀO THU
                                                                                                                                                                   
                             
Nắng hè như người thợ
Bắc nhịp cầu qua sông
Đón thu về đầy gió
Trong chiếc cặp căng phồng.

 Ba tháng vui mong đợi
     Tấp nập ngày khai trường
     Bước chân chúng em vội
   Nét mặt nhìn để thương

Trời như vầng chán rộng
Lòng em cứ nao nao
Sân trường vang tiếng trống
Mùa thu đang bước vào…
                                                                                 TRẦN THU VÂN
                                                LỚP 8G – THCS NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
                                                                               NĂM HỌC 1998 – 1999                                                                                                           

                       CÂU THƠ EM VIẾT

                                                                 Câu thơ mùa hạ
                                                                 Rối bời tiếng chim
                    Cỗ chuyền ngủ quên             
                    Trò chơi đi chốn.

                    Này, đi nhà một
                    Này, đi nhà hai
                    Cầu ngắn, cầu dài
                    Trồng hoa, trồng nụ


Bông làm bụt đỏ
Ven giậu vườn nhà
Chuồn chuồn bay ra
Bay cao bay thấp

Nắng hè sắp tắt
Chiều thấp xuống đồi
Câu thơ em viết
Tiếng chim rối bời…
                                                                                
                                                                      TRẦN THU VÂN 
                                                LỚP 8G – THCS NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
                                                                  NĂM HỌC 1998 – 1999