Tìm kiếm Blog này

21 tháng 2, 2014

MƯA XUÂN

 
Mùa xuân, muôn hoa khoe sắc, trong ánh nắng ban mai, những ánh mắt nụ cười đầy hân hoan của cỏ cây sau khi trút bỏ những bụi trần để trở lại sự trong trẻo, tươi xanh. Trong sự thay đổi kỳ diệu, có sự chuyển động lặng thầm yêu thương của mưa xuân.
 Đất cằn khô, nứt nẻ suốt một mùa đông dài. Những cành cây rũ lá, khẳng khiu, khô héo hứng chịu sự khắc nghiệt của gió sương. Mưa xuân đến, những hạt mưa nhẹ bay bay giữa đất trời, êm ái bao dung, lay gọi những mầm lộc, an ủi, để cây tin yêu vào một ngày xanh. Phải hiểu lắm những nỗi buồn, phải biết lắm những gian truân của cỏ cây, mưa xuân mới dành sự chăm chút, cứ thấm dần, thấm dần hết ngày này qua ngày khác trên các cành cây khô như một lời thì thầm...tí tách....sẻ chia..., nhẹ xoa làm dịu nỗi đau, lay động thần kỳ truyền vào cảm xúc, kết nối những tín hiệu niềm tin bằng một sự  bền bỉ yêu thương, luôn bên cỏ cây từ lúc nảy mầm và đến khi cây đã xum xuê lá cành. Dù trong gió rét giá băng, những hạt mưa nhẹ nhàng, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho một sự sống lại nở lộc đâm chồi. Cỏ cây cảm động, những giọt lệ chảy dài trên khắp thân cành khi được mưa xuân sẻ chia, vỗ về, thấu hiểu những nỗi niềm.
 Mưa xuân âm thầm, chẳng náo nhiệt, ồn ào mang đến một tình yêu mãnh liệt, để rồi nắng mới bừng lên, một không gian thoáng đãng, một khung cảnh mới hiện ra rực rỡ sắc lá, sắc hoa và những chùm quả ngọt trong cuộc sống bình yên...
                                                                            B.T.H

16 tháng 1, 2014

CẢM NHẬN ĐÔNG HÀ NỘI

Hà Nội đang chìm trong những ngày đông buốt giá. Trong cái rét thấu sương, dù là ban ngày hay ban đêm đều cảm thấy tuyệt và yêu Hà Nội.
Mùa đông, mùa của những con phố vắng...mùa của những cây bàng rực đỏ...tranh nhau đua cành khẳng khiu trụi lá chỉ để vươn tới hòa lấy cái sương mù lạnh giá hững hờ...che chở cho những mái nhà cũ kỹ có ai đó đang yên giấc cuộn trong chăn bông... vừa thích thú vừa e ngại cái lạnh.
Mùa đông thi vị và nét đặc trưng riêng biệt, cái lạnh khiến cho ta thấy ấm áp khi nhâm nhi một món ăn...bắp ngô nướng bỏng tay kèm theo tiếng xuýt xoa phì phù...bát phở đêm khói tỏa mù mịt...người ngồi chen chúc...vừa ăn vừa nhìn nhau cười xuýt xoa... chén nước trà nóng làm ấm đôi tay lạnh cóng...hay tiếng rao bánh  khúc vơ vẩn đâu đâý...Tất cả những điều đó để lại nỗi niềm yêu thương mong nhớ hoài cảm.
Đông Hà Nội mang chút lạnh lùng nghiêm nghị nhưng cũng không kém phần đáng yêu và duyên dáng...Viết cho mùa đông yêu dấu, để khe khẽ thấy trái tim mình đập một nhịp bình yên.
                                                                                                                                              
                                                                                                                                                   B.T.H















25 tháng 12, 2013

BÉ THI VÀ ĐÊM NOEL.


Từ câu chuyện ngày xửa ngày xưa về cô bé bán diêm giữa trời đông giá rét, cô đứng bên hiên nhà của một gia đình xa lạ, quẹt từng chiếc diêm lên mong tìm chút hơi ấm và nguyện ước. Cô ước một chiếc lò sưởi bằng đồng bóng nhoáng tỏa ra hơi nóng dịu dàng, một cây thông Noel trang trí lộng lẫy, rồi cô ước được gặp lại người bà hiền từ…Rồi que diêm vụt tắt và ước mơ của cô lịm dần, lịm dần cùng sự thờ ơ của những người xung quanh...

Đến câu chuyện có thật ngày nay, trong cái lạnh tê tái của mùa đông Hà Nội. Tại   một căn nhà ở cuối ngõ, vẫn còn le lói ánh đèn. Bé Thi không tài nào ngủ được. Nó ngồi thu lu một mình trong góc nhà để mường tượng lại những cảnh phồn hoa, lộng lẫy mà nó thấy trên các đường phố ngày ngày đi bán vé số. Rồi nó lôi dưới gầm giường ra một cây thông Noel nhựa đã cũ, nó nhặt được trong một thùng rác sau Noel năm ngoái. Lâu lắm rồi, nó có dịp ngắm nghía thứ đồ chơi quý giá này. Nó ước gì có một ông già Noel để treo lên ngọn cây, để rồi gửi vào đó bao điều ước.
Bố mất sớm, mẹ Thi gửi em cho bà ngoại vào Sài Gòn từ khi mới 6 tuổi. Lên 8 tuổi, Thi đã phải một mình đi bán vé số. Từ bấy đến nay, nó vẫn thế, nhỏ bé, đen đủi, duy chỉ có mái tóc là mưa nắng đã nhuộm vàng hoe. Cả ngày đi bán vé số, tối về gặp bà, trò chuyện được một lát thì hai bà cháu tắt đèn đi ngủ.
Cuộc sống đã tập cho Thi thói quen ít nói, dễ mặc cảm. Tâm hồn tuổi thơ sớm chai sạn bụi đời đã khiến cho nó trở nên khó gần và lì lợm. Ngay cả những giấc mơ của nó cũng mặn chát như muối, khi thì thấy bị người này đá đít, khi lại bị người khác bạt tai. Nhưng những giấc mơ ám ảnh nó nhất là cảnh bị giật mất xấp vé số, để rồi cả hai bà cháu phải nhịn đói..…
Vậy mà lúc này, nghe tiếng chuông nhà thờ xa xa vọng tới, nó lại cảm thấy bay bổng đến lạ kỳ. Dường như mọi gánh nặng cuộc đời bỗng tan biến, chỉ còn lại niềm vui mơ hồ nhưng trong vắt như pha lê. Nó ôm lấy cây thông cũ nát, mơ màng…
Đang miên man suy nghĩ, chợt nó giật mình vì một bàn tay đặt lên vai. Bản năng tự vệ khiến nó quay ngoắt lại suýt hét lên vì vui sướng: Trước mặt nó là một ông già Noel bằng xương bằng thịt. Trong ánh sáng lờ mờ, nó vẫn thấy rõ chòm râu trắng như tuyết, cái mũ đỏ như lửa. Nó lấy tay véo vào mạng sườn để xem mình đang mê hay tỉnh. Ông già Noel cất tiếng, dịu dàng đến lạ lùng:
 - "Sao bé lại ngồi một mình ở đây?".
 -"Nhà cháu ở đâu?". 
Nó chỉ tay vào nhà. Căn nhà tồi tàn bên trong vẫn le lói ánh đèn, thấp thoáng bóng cây thông cũ nát chơ vơ trên nền đất.
"Cháu ơi, ông già Noel tặng quà cho cháu này..…". 
Cầm trong tay gói quà, nó chưa kịp cảm ơn thì ông đã vội vã đi.
Trong nó trào dâng một cảm giác khó tả. Trời ơi, toàn những bánh, kẹo mà cả đời nó chưa một lần được sờ tới.Vào nhà, nó ngồi một mình bên cây thông, nó lôi hết quà ra, tìm cách treo lên cây thông. Cây thông của nó giờ đây sáng rực, lộng lẫy. Đây là cây thông đẹp nhất mùa giáng sinh này. Ngồi một mình bên cây thông, nó lắng nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thót từ xa xa vọng lại. Rồi nó ôm cây thông, thiếp đi. Nó mơ thấy mình có đôi cánh, bay lên, bay lên giữa không trung đầy hoa và nắng ấm. Phía trước là cha nó trong bộ quần áo ông già Noel đang vẫy tay cười. Chuông nhà thờ đổ dồn. Và từ đâu đó vọng lại lời ca "Jingle bells, Jingle bells…".
...Nhưng rồi, một cơn gió lạnh lùa qua manh áo mỏng khiến nó sực tỉnh. Bên cạnh nó vẫn là cây thông cũ và tập vé số ế.... 

                                                                                                                               B.T.H

16 tháng 11, 2013

NHỮNG CỦ RIỀNG



                                                                             Bài giải nhất - Cuộc thi viết và 
                                                                Trại“Em tập viết văn làm thơ” lần thứ III/2013    
 
  Quê tôi có một món ăn rất đặc biệt, cứ nhà nào có cỗ là không thể thiếu món đó. Món ăn còn được “khách” gọi là đặc sản của Cổ Loa. Nguyên liệu chính của món ăn là chuối xanh, nấu với xương sườn và gia vị chủ yếu là riềng.Tên gọi của món ăn thật đặc biệt “giả cầy”. Những ai đến Cổ Loa được thưởng thức món ăn này thì đều có ấn tượng và đều có cảm nhận là rất “khoái khẩu”.
 Năm nay giỗ nội tôi, mẹ và bố đã lên danh sách các món ăn và tất nhiên móm “giả cầy” là không thể thiếu được rồi. 
Chiều hôm ấy. Một buổi chiều lạnh giá. Cơn mưa sáng nay đem theo gió mùa Đông Bắc làm cho cái lạnh càng thấu xương. Mặc áo ấm mà tôi vẫn lạnh cóng cả chân tay. Sau khi dọn dẹp xong, mẹ bảo tôi cùng ra chợ với mẹ để xách đồ, chuẩn bị một số nguyên liệu trước để ngày mai làm giỗ. Chợ cách nhà tôi không xa nên hai mẹ con tôi đi bộ. Sau khi mua xong những thứ cần thiết tôi và mẹ xách làn ra về. Bỗng nhiên tôi thấy mẹ dừng lại bên đường. Một bà cụ già nua, tay nhăn nheo, các ngón tay nứt nẻ tím bầm. Trời rét thế này mà bà cụ mặc cái quần sa tanh cũ, cái áo bông đã sờn rách vài chỗ. Đôi bàn chân bà ướt nhoét và còn dính cả đất sét màu vàng. Bà nhìn mẹ tôi tha thiết: 
- Chị mua riềng giúp tôi đi. Tôi bán rẻ thôi. 
Thấy mẹ tôi ngập ngừng bà nói tiếp: 
- Mua giúp tôi đi, riềng vàng ngon lắm tôi vừa đào xong. 
Nhìn bà cụ lèm nhèm, hấp háy, môi bà tím bầm lại đang ru rẩy. Mẹ tôi đặ làn xuống và bảo:- Bà bán bao nhiêu cháu mua tất cho. Trời rét thế này sao bà không bảo con hay cháu bà đi bán cho.
Bà cụ vui sướng vì bán được hàng nên bà không để ý đến câu hỏi của mẹ tôi. Thế là bà tất riềng vào túi ni lông và đặt vào làn cho mẹ tôi. Cầm ba chục ngàn trong tay sau khi vừa bán được 5kg riềng bà cụ có vẻ sung sướng cắp cái rỗ đứng dậy đi về. Bước đi mà tôi thấy dáng bà liêu xiêu, dò dẫm trên con đường gồ ghề. Bà đi rồi tôi lền hỏi mẹ:
- Mẹ ơi vừa nãy con thấy mẹ mua riềng rồi mà sao mẹ lại mua nhiều thế, ăn sao hết hả mẹ?
Mẹ tôi bình thản trả lời:
- Hôm nay ăn không hết thì để sau cũng được con ạ, không hỏng đâu mà lo. Mẹ thấy bà cụ tội nghiệp quá nên mua giúp bà thôi.
Và thỉnh thoảng tôi thấy mẹ lại xách riềng về rồi lấp vào đống cát. Không cần hỏi tôi cũng biết là mẹ mua giúp bà cụ hôm trước. Tôi chợt nghĩ mẹ thật tốt bụng.
Thế rồi vào một ngày. Sau khi cơn mưa dầm kéo dài hàng tuần lễ mới dứt. Trời vẫn còn âm u và nặng trĩu nước. Tôi và mẹ đang sưởi lửa bằng bếp củi, trên bếp là nồi ngô nếp đang sôi sùng sục thơm nức. Bỗng tôi nghe tiếng gọi cổng:
- Cô Hoa ơi ra lấy riềng này. 
Mẹ tôi chạy ra, tôi cũng ngóng ra theo. Một cô gái trạc tuổi mẹ tôi đưa ra một bọc riềng và nói:
- Bà Thái ở xóm Chùa có gửi cho cô riềng. Nói nhà cô hay ăn riềng nên bà nhờ tôi đưa cho cô. Bà cụ bị mệt.
Mẹ tôi có hỏi cô về địa chỉ của bà và nói sẽ gửi đến bà sau vì không còn tiền lẻ. Mấy ngày sau, trời tạnh ráo mẹ tôi đạp xe xuống xóm Chùa đến thăm một người bạn, tiện thể rẽ vào nhà bà Thái để trả tiền riềng. Khi hỏi thăm mẹ tôi mới vỡ lẽ bà vừa mất đêm qua. Qua lời kể của người hàng xóm mẹ tôi biết, bà sốn đọc thân con gái thì lấy chồng xa, gia cảnh nghèo khó chẳng mấy khi chị về thăm mẹ. Bà sinh sống bằng việc thỉnh thoảng bán riềng hay nhặt phế liệu trong những túi rác thải. Hôm đó sau khi đào riềng thì bà bị cảm lạnh và ốm. Do bị ốm quá nặng lại không có người chăm sóc kịp thời nên bà đã ra đi. Nghe đến đây tôi thấy mẹ tôi nghẹn ngào và từ từ rơi nước mắt.
Không hiểu sao mẹ tôi lại khóc. Mẹ đâu có phải người mau nước mắt. Vả lại bà có họ hàng gì với mẹ tôi đâu. Hay bởi tại mẹ nghĩ đến mẹ của mình? Hay tại bởi mẹ thương bà?...Tôi đặt ra hằng bao nhiêu câu hỏi. Tôi chỉ biết rằng sau ngày hôm ấy mẹ trở về chỗ đống riềng. Có đến hàng mấy chục kg riềng. Nhưng riềng đã mọc mầm. Mẹ đem riềng đi trồng vào vườn nhà. Chẳng bao lâu, riềng mọc lên xanh tốt. Mỗi lần ra vườn, tôi thấy mẹ lại lặng ngắm luống riềng. Từ mới khóe mắt mẹ lại ngấn lệ. Tôi thấy mẹ thật lạ.
                                                                           Bùi Thị Bích Duyên
                                                                                  Lớp 6C-THCS Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội  
                                                                                                                             Năm học 2012- 2013


                           
                                                                                                                                                                                                                           
                           
                               

3 tháng 11, 2013

BÀI HỌC TỪ LOÀI CỎ


                                                                                               Bài giải ba - Cuộc thi viết và    
                                                                               Trại“Em tập viết văn làm thơ” lần thứ III/2013    
 
 Một hôm Thượng đế quyết định tổ chức một cuộc thi hùng biện để tìm ra loài cây có thể đem lại bài học có ích nhất trong cuộc sống. Khỏi phải nói cả khu rừng vui như mở hội, ai cũng bàn tán xôn xao và chuẩn bị thật kỹ cho phần dự thi của mình để mong có cơ hội chiến thắng. Riêng chỉ có Cỏ là đang khóc vì tủi thân ở một góc rừng. Cỏ thấy mình vừa nhỏ bé lại vừa yếu đuối, từ trước đến nay mọi người đều nói Cỏ chỉ ăn hại, chẳng làm được việc gì có ích thì đi thi với các loài cây khác thế nào bây giờ. Cỏ càng nghĩ lại càng buồn… 
Rồi cũng đến cái ngày diễn ra hội thi. Ai cũng tự tin bước lên biểu diễn tài năng của mình. Đầu tiên là Lim, Lim bước ra với dáng vẻ hùng dũng hãnh diện nói:
- Như mọi người cũng biết tôi được ví như người anh hùng của khu rừng vậy. Tôi vừa cao to lại khỏe mạnh. Tôi là một người bạn của con người, là một trong những loại gỗ quý giá được con người yêu thích, luôn đem lại bài học cho mọi người bài học là luôn phải cứng rắn, mạnh mẽ. Vì vậy tôi xứng đáng đạt giải Nhất.
Thượng đế gật đầu chưa kịp nói gì thì chị Lát Hoa liền nhanh nhảu đầy Lim ra vùng vằng nói:
- Anh nói thế nào chứ tuy là anh có to thấy đấy nhưng đâu phải chỉ riêng mình anh mới có ích đâu, tôi cũng có ích mà. Nói chẳng phải khoe chứ, tôi vừa khỏe vừa đẹp đây mày. Chính thế con người mới tin tưởng lấy tôi để làm ra những sản phầm đồ dùng tốt nhất chứ. Thử hỏi xem nếu như không có những người đẹp như tôi thì cuộc sống tẻ nhạt như thế nào?
 Mọi người ai nấy đều gật gù tán thưởng. Cuộc thi cứ thế diễn ra mà Thượng đế vẫn chưa quyết định được ai là loài cây thích hợp để trao giải. Ai cũng muốn mình dành được giải thưởng cao quý đó. Và khi Thượng đế còn đang bối rối, các thí sinh thì vẫn đang tranh cãi thì từ xa một hình dáng nhỏ bé từ từ bước lên. Đó chính là Cỏ - loài cây bé nhỏ nhất nhất mà mọi người vẫn luôn coi thường. Ai cũng ngạc nhiên rồi phá lên cười. Anh Sến đứng đó liền bước lên cười nhạo:
- Ha…ha…! Chú mày thì làm được gì hả? Vừa nhỏ bé lại yếu như sên đẩy cái là ngã. Có làm được gì đâu mà lên tiếng dạy cho chúng tôi một bài học cuộc sống? Ha…ha…
Mọi người ầm ầm lên tiếng chê bai Cỏ…Cỏ bối rối mặt tái xanh. May Thượng đế đã lên tiếng:
- Nào! Tất cả trật tự, dù sao ta vẫn chưa công bố người thắng cuộc mà. Ai cũng được tham gia cuộc thi này. Mọi người hãy lắng nghe Cỏ nói xem nào.
Người nói bằng giọng uy nghiêm khiến cho ai nấy đều phải im re. Cỏ bước lên, giọng nói nhẹ nhàng:
- Kính thưa Thượng đế và tất cả các anh chị em trong khu rừng! Tôi biết mình chỉ là loài cây nhỏ bé. Tôi không được to lớn cứng cỏi như anh Đinh, không có thân hình khỏe mạnh như anh Lim, anh Sến, không đẹp như chị Lát Hoa…Nhưng thưa mọi người tôi nghĩ mình cũng muốn có giãi bày tâm sự với mọi người và đó cũng là một bài học nhỏ mà tôi muốn gửi đến. Tôi biết tôi bé nhỏ và không được mọi người để ý và coi trọng. Thậm chí tôi còn luôn bị giày xéo và chà đạp nhưng mọi người thấy đấy, dù thế nào tôi vẫn có thể sống. Tôi có thể mọc ở khắp mọi nơi, ngoài vườn, sân bóng, dưới ruộng… Tôi biết mình mỏng manh, bé nhỏ nhưng tôi không nề hà, không kén chọn đất ở. Dù ở đâu tôi vẫn tự hào đón nắng gió. Mọi người có thể giẫm lên tôi, thân mình nhỏ bé oằn đau, trái tim bị tổn thương nhưng rồi tôi vẫn mạnh mẽ đứng lên. Tôi chưa bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn. Dù giông gió bão bùng chẳng gì lay chuyển được tôi. Sau mỗi lần vấp ngã là lại một lần tôi đứng dậy tự rút ra cho mình kinh nghiệm sống. Ngọn lửa trong tôi chưa bao giờ tắt. Nếu được chọn tôi vẫn cứ chọn mình là Cỏ dại, tôi muốn cho con người niềm tin, niềm hi vọng vào cuộc sống. Tôi muốn cho mọi người thấy được sức mạnh của chúng tôi vì chúng tôi không bao giờ đơn độc. Chúng tôi luôn bên nhau để tạo nên sức mạnh mà sống và luôn thấy cuộc đời tươi đẹp.
Từ khi Cỏ nói cả đám đông bỗng trở nên yên lặng và giờ đây tiếng vỗ tay nổ lên rào rào. Mọi người bắt đầu tán thưởng và thấy Cỏ nói thật có lý.
Thượng đế mỉm cười bước lên hãng diện nói:
- Ta tuyên bố người chiến thắng chính là Cỏ.
Tất cả mọi người đều vỗ tay tán thưởng bài hùng biện vô cùng xuất sắc của Cỏ và công nhận kết quả của Thượng đế.
Cỏ đã dạy cho mọi người thế nào là sống, truyền cho họ ngọn lửa nhiệt huyết về sự tự tin, niềm hy vọng, giúp cho họ đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Như vậy, đâu phải cứ là Cỏ là có hại.
                                                                                        
                                                                                            Nguyễn Minh Giang
                                                                                                             Lớp 8A2  - Năm học 2012- 2013 
                                                                                                            Trường THCS Phủ Lỗ  - Hà Nội.
                                                                                                                                                

                                                            

2 tháng 10, 2013

MẸ NUÔI !!!



                                                            Bài giải nhì - Cuộc thi viết vàTrại 
                                                                                                              “Em tập viết văn làm thơ” lần thứ III/2013

         Mưa! Hôm nay trời đang nắng bỗng nhiên đổ mưa to. Mọi người cuống cuồng tìm chỗ trú mưa. Ngoài vườn, đàn gà con nháo nhác, cố rúc vào dưới cánh gà mẹ trú mưa. Hình ảnh gà mẹ đứng giữa trời mưa, dang đôi cánh ra che chở cho lũ con làm tôi chợt nhớ đến mẹ nuôi của tôi.
Mẹ nuôi là bạn thân của mẹ ruột tôi và cũng là con nuôi của bà ngoại tôi. Hồi nhỏ, do thường xuyên phải đi công tác xa nên bố mẹ tôi gửi tôi sang nhà mẹ nuôi. Tôi sinh ra nhờ công mang nặng đẻ đau của mẹ ruột nhưng lại lớn lên nhờ công chăm sóc, dưỡng dục của mẹ nuôi. Tuổi thơ tôi gắn liền với người mẹ nuôi và những bài học quý giá mà mẹ dành cho tôi.
Mẹ nuôi tôi mới ngoài 30, nhưng dường như nắng gió cuộc đời đã làm mẹ già hơn tuổi. Khuôn mặt trái xoan, mũi cao doc dừa, nụ cười nhân hậu, đôi mắt sâu luôn ánh lên niềm yêu thương và dòng suối tóc đen nhánh luôn phảng phất mùi bồ kết... Đó là tất cả những gì mà tôi nhớ khi nghĩ về mẹ. Mẹ nuôi hồi xưa đang đi học thì phải bỏ dở giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình, bỏ dở luôn ước mơ làm cô giáo của mẹ. Có lẽ vì ước mơ thực hiện được mà mẹ luôn cổ vũ, động viên tôi cố gắng phấn đấu, con đường mà mình đã chọn, đừng vì lí do gì mà bỏ dở ước mơ như mẹ: “Con không có cơ hội làm quá nhiều điều và mọi thứ con làm phải thật sự tuyệt vời, bởi vì đấy là cuộc đời của con, vì con đi qua cuộc đời này chỉ một lần. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, và rồi một ngày nào đó, con không còn trên thế giới này nữa, con biết chứ? Chúng ta đều được lựa chọn cho cuộc đời của mình. Vì vậy. điều con làm nên thật tốt, thật ý nghĩa, và thật đáng giá, vì rằng con không thể quay lại cuộc đời này một lần nữa.” Đó là câu nói mà mẹ hay dùng để khuyên nhủ tôi mỗi lần tôi đứng trước những sự lựa chọn.
Tôi, khi còn là một đứa trẻ con rất hay làm nũng, giận dỗi mẹ. Có những lần là vì tôi sai, mẹ để tôi một mình trong căn phòng trống trơn cho đến khi nào nhận lỗi mới được ra. Mẹ để tôi trong đó, để tôi tự kiểm điểm lại mình, để tôi suy nghĩ lại về những việc mà tôi đã làm. Tôi trưởng thành hơn sau những lần như vậy. Cũng có những lần, lỗi là do mẹ, mẹ cũng vào căn phòng trống trơn đó và tự kiểm điểm. và mẹ thường xin lỗi tôi mỗi lần ra khỏi phòng chứ không đổ lỗi vì thế này, tại thế kia như những ông bố bà mẹ khác hay làm để giữ hình ảnh của mình trong mắt con. Mẹ tôi không như vậy!
Mẹ tôi biết rất nhiều câu nói hay và thường dùng chúng để răn dạy tôi. Khi tôi cáu gắt với em vì nó làm phiền tôi, mẹ nhắc nhở: “Hãy nhẹ nhàng với trẻ, sẻ chia với người già, cảm thông với người khó khăn và khoan dung với người sai. Vì trong đời mình, con khó tránh khỏi coa những lúc trở thành người như thế.” Khi tôi quyết tâm làm một việc gì đó, mẹ động viên: “Để làm nên những việc kỳ diệu, con không những phải thực hiện mà phải biết ước mơ, không những phải hoạch định mà phải biết tin tưởng.” Khi tôi thất bại, mẹ ở bên: “Lòng can đảm, sự quyết tâm không chỉ thể hiện qua những lời hô hào mạnh mẽ, mà có khi nó chỉ là một câu nói nhẹ nhàng vào cuối mỗi ngày: ngày mai con sẽ cố gắng hơn. Thất bại là mẹ thành công, thua keo này ta bày keo khác.” Và còn rất nhiều những câu nói mà mẹ dành cho tôi.
Tôi nhớ có một lần tôi nghịch ngợm lấy dao cứa vào cổ tay. Máu chảy lênh láng. Tôi không đau, nhưng sợ. Và thế là tôi khóc toáng lên. Lúc đó mẹ đang đi chợ nên tôi ở nhà một mình. Tôi đã khóc rất lâu và lả đi vì mất máu. Trước khi ngất đi, tôi thấy khuôn mặt lo lắng của mẹ hiện ra. Tôi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trong bệnh viện. “Mẹ…mẹ…” không thấy mẹ đâu, cảm giác sợ hãi xâm chiếm lấy tôi. Tôi lại òa khóc. “Đừng khóc nữa con, mẹ đây rồi, mẹ đây rồi…”- không biết từ bao giờ, mẹ đến và nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng, vỗ về tôi. Tôi ngả vào lòng mẹ thút thít mà không để ý đến khuôn mặt tái nhợt của mẹ và vì sao giữa ngày hè nóng bức, mẹ lại mặc chiếc áo dài tay như vậy . Sau này tôi mới biết, vì tôi mất máu nhiều, bệnh viện lại hết máu nên phải lấy máu của bố mẹ đẻ để truyền nhưng bố mẹ tôi lại đang đi công tác xa nên chính mẹ nuôi là người cho tôi máu. Mẹ cho nhiều máu đến nỗi chính mẹ cũng ngất đi. Mẹ nằm ở phòng bên cạnh, nghe thấy tôi khóc nên sang dỗ dành tôi mặc dù mẹ cũng cần phải nghỉ ngơi. Vậy là tôi mang trong người thêm một dòng máu: dòng máu của mẹ nuôi. 
Một thời gian sau, không biết vì lí do gì mà bố mẹ ruột đột nhiên đón tôi về nhà sống. Lúc đầu, tôi cũng không hiểu vì sao nhưng học chính, học tăng cường, rồi lại học thêm, bù đầu vào việc học nên thắc mắc đó cũng bị lãng quên dần. Tôi chỉ còn được gặp mẹ nuôi vào mỗi buổi tối, qua những cuộc điện thoại. Một buổi chiều đi học về, bố mẹ bảo tôi thay quần áo rồi bố mẹ đưa sang nhà mẹ nuôi. Khỏi nói tôi đã vui thế nào vì suốt mấy tháng qua tôi không được gặp mẹ nuôi. Thay bộ quần áo đẹp nhất rồi lên xe bố mẹ chở đi.  Đến nơi tôi bấm chuông và háo hức đợi mẹ nuôi ra mở cửa. Đáp lại sự háo hức của tôi, một cô trạc tuổi mẹ ra mở cửa. Tôi ngạc nhiên nhưng niềm vui sắp được gặp mẹ lại lớn hơn. Tôi chào cô rồi đi vào nhà. Vào trong nhà, tôi thấy có khá nhiều người nhưng tuyệt nhiên không thấy mẹ nuôi đâu. Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy mẹ. Mẹ nằm trên chiếc giường mà trước đây tôi và mẹ hay ngủ. Xung quanh, nào là thuốc, nào là nước truyền,… Mọi người tản ra cho tôi vào. Bà ngoại gọi khẽ: “Con ơi, dậy đi, con gái của con đến với con rồi này…con…”-  bà nói, mà như sắp khóc. Mẹ từ từ mở mắt ra một cách nặng nhọc… “Mẹ ơi, mẹ làm sao thế này, mẹ bị bệnh à, mẹ có làm sao không…”- tôi hoang mang. “Mẹ…mẹ không sao, chỉ là…chỉ là mẹ sắp đi xa thôi. Nhưng con hãy nhớ:…hôm qua…là quá khứ…ngày mai…là tương lai…chỉ có hôm nay…là hiện tại…là món quà…mà cuộc sống ban tặng…cho con…vì vậy…hãy trân trọng …từng khoảnh khắc…mà con đang có…đừng bỏ lỡ…bất kỳ cơ hội nào…con nhé. Mẹ yêu con..nhiều..lắm…”-  giọng mẹ hổn hển, ngắt quãng, nhỏ dần rồi tắt hẳn, giọt nước mắt lăn trên gò má. “Mẹ con bị bệnh rất nặng, phải nằm viện mấy tháng nay. Mẹ con rất nhớ con nhưng không dám cho con đến vì sợ con biết chuyện sẽ lo lắng, ảnh hưởng đến việc học nên đành phải cho con về nhà ở rồi gọi điện cho con mỗi tối. Hôm qua bệnh viện trả về và nói là nên hoàn thành nốt những tam nguyện của mẹ con. Từ sáng nay, mẹ con đã rất yếu nhưng cố để đợi con đến, dặn dò con. Giờ mẹ con đi chắc cũng thanh thản…”- bà nghẹn ngào nói với tôi như để tự an ủi chính mình. Tôi hụt hẫng, không tin vào những gì đang xảy ra: “Không, mẹ không đi đâu cả, mẹ chỉ đang ngủ thôi. Chút nữa mẹ sẽ tỉnh dậy với con, mẹ sẽ lại dạy con những điều tốt đẹp nhất. Con vẫn chưa sẵn sàng với cuộc sống không có mẹ đâu mà…mẹ ơi…mẹ dậy với con đi…”- giọng tôi như lạc đi , tôi lay lay người mẹ, lúc này vẫn đang nhắm nghiền mắt như ngủ. Mọi người bật khóc, còn tôi đã không rơi nổi một giọt nước mắt nào cả. Có lẽ, nước mắt của tôi đã chảy hết vào trong tim. 
Mẹ ơi, mẹ có biết không? Thế giới không cần thêm những ngọn núi để cao hơn nữa, cũng không cần thêm những vùng biển rộng lớn hay những vì sao để tỏa sáng bầu trời. Điều duy nhất thế giới cần là những nụ cười rạng rỡ của mẹ mỗi ngày. Vậy mà giờ nụ cười đó đã mãi không còn nữa. Giờ đây, con đã quen với cuộc sống không có mẹ. Nhưng mỗi đêm, con vẫn khóc khi nhớ về mẹ. Mỗi buổi sáng thức dậy, con đều mỉm cười thật tươi để cảm ơn đời vì con vẫn còn sống, vì con còn có việc để làm, vì con có thể tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, vì con vẫn còn bạn bè, người thân để tìm đến những khi hạnh phúc và đau khổ. Mẹ ơi, dù mẹ không sinh ra con nhưng công ơn nuôi dưỡng, dạy dỗ của mẹ con sẽ không bao giờ quên. Không có mẹ làm sao có con, không có mẹ không có hạ nóng đông lạnh, không có mẹ cũng không có xuân ấm, thu vui. Cảm ơn mẹ đã cho con cuộc đời để trưởng thành, để nếm trải và để yêu thương. Con sẽ cố gắng sống thật tốt để xứng đáng với những gì mẹ dạy bảo, để xứng đáng với dòng máu của mẹ đang chảy trong tim con, vì con biết, ở phương trời nào đó, mẹ cũng mong con như vậy và ở phương trời nào đó, mẹ vẫn luôn dõi theo con.
Con yêu của mẹ!
Tháng 05/2013
                                                                                         Nguyễn Thu Hương 
                                                                                 Lớp: 8A - Năm học 2012- 2013 
                                                                        Trường THCS Cổ Loa - Đông Anh  Hà Nội.

27 tháng 9, 2013

MỘT MÙA VĂN MỚI NỞ HOA



  CUỘC THI "EM TẬP VIẾT VĂN LÀM THƠ"- LẦN THỨ III
 CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI - Hè 2013

                                                                                  
                                                                                                                                                                                                                        LÊ PHƯƠNG LIÊN                                                                                                                         
  Mùa hè năm 2013 , Cung thiếu nhi Hà Nội lại phát động cuộc thi "Em tập viết văn làm thơ" lần thứ III.Trong một thời gian ngắn số bài các em ở cả nội và ngoại thành Hà Nội gửi đến hưởng ứng cuộc thi đã đến con số hơn 11000 bài.Ban sơ khảo cuộc thi đã làm việc nỗ lực và cẩn trọng để lựa chọn vòng 1 với 2500 bài và sau đó chọn lọc vòng 2 để có hơn 100 bài vào chung khảo. Đến với cuộc thi , chúng tôi rất vui được gặp gỡ với các em và các anh chị phụ trách Cung thiếu nhi và còn vui hơn vì được hội ngộ những người bạn đồng hành suốt bao nhiêu năm với phong trào Văn học thiếu nhi Việt Nam, hôm nay lại cùng có mặt trong ban chung khảo: nhà thơ Định Hải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Nguyễn Đức Quang, và cuối cùng là tôi (Lê Phương Liên). Trong bao nhiêu cuộc vật đổi sao dời hình như Cung thiếu nhi Hà Nội vẫn giữ được nếp xưa. Cái mới là ở trên nét mặt, dáng đi của lớp thiếu nhi bây giờ và cái mới hiện hình trong bài viết của mùa văn năm nay.

  Có thể nói rằng văn thơ các em thiếu nhi ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 này đã khác với thế kỷ cũ. Những mảng mầu của cuộc sống phần sáng phần tối  phong phú và đa dạng dưới cách nhìn của tuổi thơ đã ùa vào trang viết của các em. Ở thời hiện đại con người sống vớí máy móc động cơ khói bụi, với những dụng cụ điều khiển từ xa, với kỹ thuật số... , tưởng rằng mọi tình cảm của tuổi thơ cũng sẽ bị số hóa, bị khô kiệt với những ký hiệu, ngôn từ tiếng Việt của các em sẽ bị ô nhiễm với những lối dùng từ kỳ quặc được gọi là ngôn ngữ thời @. Không hoàn toàn bi quan như thế,có thể nói rằng phần trong sáng , phần tốt đẹp của các em vẫn rất dồi dào nếu người lớn biết quan tâm và gợi mở.Cuộc thi "Em tập viết văn làm thơ", thật sự là một sáng kiến đẹp, một quyết tâm lớn của Cung thiếu nhi Hà Nội.

   Như chúng tôi cũng đã có lần phát biểu , các em tham gia viết văn, làm thơ hôm nay không phải chỉ đơn thuần là tập theo nghề văn chương, mà điều lớn hơn là các em tập hướng những cảm xúc của mình đến với cái thiện, cái đẹp và sự chân thực.  Làm văn không chỉ để "làm văn" mà là để trẻ thơ lớn lên về trí tuệ , tâm hồn và nhân cách.Chúng tôi vui mừng nhận thấy một số nét tiến bộ của các bài dự thi năm nay.Các bài viết đã biết hướng ánh mặt nhìn, sự quan tâm của mình không chỉ thu gọn dưới mái trường, dưới mái nhà của mình, các em biết thương yêu cả những số phận thua thiệt bên ngoài xã hội. Các em không chỉ có vốn sống đời học sinh với sách vở, với những giờ học và những nỗi vui buồn điểm số thấp cao, các em đã biết đến cỏ cây hoa lá, biết mùi vị của những món ăn đặc sản dân tộc, biết những phong tục giỗ chạp hương thôn...( truyện ngắn Những củ riềng của em Bùi Thị Bích Duyên, lớp 6C, trường THCS Cổ Loa- Đông Anh).Các em biết thông cảm và suy ngẫm về những số phận bất hạnh như những cụ già, em nhỏ sống lang thang nơi xó chợ đầu đường trong (truyện ngắn Người xấu, người tốt  của em Hồ Thiên Hương, lớp 7A1, trường THCS Thành Công, Ba Đình )

  Điều nổi bật nhất của những bài dự thi có thể nói trong một chữ : chữ "tình" là chữ khởi đầu. Rất nhiều những trang viết xúc động về tình cảm với thầy giáo, cô giáo như truyện ngắn Cô vẫn luôn bên tôi ( của Đào Thúy Ngà- lớp 9A, trường THCS Cổ Loa- Đông Anh).Có thể nói rằng đây là một truyện ngắn có giọng kể chuyện lưu loát và cái kết có dư âm...Văn của các em bây giờ tuy vẫn là lối văn truyền thống nhưng chất hiện đại đã khá rõ.Tình bạn vẫn là đề tài được nhiều em thể hiện hơn cả, truyện ngắn Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò ( của Trương Quỳnh Anh, lớp 8A, trường THCS Cổ Loa- Đông Anh) đã thể hiện một tình cảm tươi vui, nghịch ngợm mà cũng đã pha một chút bâng khuâng giữa một bạn trai và một bạn gái cùng lớp.Đây là một lối viết khá là mạnh dạn mà vẫn gìn giữ được cái duyên dáng kín đáo tế nhị của một em gái vùng quê. Cũng viết về tình bạn những truyện ngắn Nắng và Mưa ( của Hồ Vân Anh, lớp 8A3, trường THSC Phù Lỗ- Sóc Sơn) lại đi sâu thể hiện tình cảm của hai người bạn gái có tính nết trái ngược nhau như Mưa với Nắng...Tưởng chừng như sự khác biệt đó sẽ là một cái hố ngăn cách không thể lấp đầy...Rồi cũng thật bất ngờ với câu nói của nhân vật trong truyện :"Sự khác biệt tạo nên đẳng cấp" để rồi các cô bé có "cái tôi" khá là to, đã bỗng nhiên phát hiện ra cái thú vị của nhau , các em đã hòa hợp để cho Nắng với Mưa bỗng hóa Cầu Vồng. Tính hiện đại trong văn của các em đã không chỉ ở mạch văn,  mà còn là sự  bộc lộ cá tính trong tâm hồn một lớp trẻ mới mẻ ý thức được bản ngã của mình. Với một tâm lý sớm có ý thức, các em đã nhận ra cả mặt trái trong tình yêu thương của các bậc sinh thành. Truyện ngắn "Tao ước gì...mày " (của Huỳnh Mỹ Hiếu Kiên lớp 8A4, trường THCS Thành Công- Ba Đình) đã mạnh dạn phác họa chân dung một bà mẹ quá chú trọng vào điểm số học tập của con mà ngăn cản con tham gia những sinh hoạt vui chơi thông thường đến nỗi nhân vật cô bé học trò trong chuyện đã sa vào một tâm lý đau khổ thất vọng sợ hãi không dám gặp mẹ vì sợ mẹ trách móc do làm bài kém, có thể bị trượt vào "đội tuyển toán" của trường...Tôi thiết nghĩ, nếu đọc truyện ngắn này, các vị phụ huynh sẽ có dịp suy nghĩ lại về những áp lực , những tham vọng của mình đối với con cái.Chúng tôi cũng đã bắt gặp khá nhiều truyện ngắn và cả thơ của các em viết về nỗi buồn, nỗi khổ khi cha mẹ chia tay...Phải chăng đó cũng là một hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội hôm nay? Trẻ em sẽ là nạn nhân chịu những thương tổn tâm lý nặng nề nhất nếu các em phải sống trong một gia đình tan vỡ.

 Nếu ở phần Văn các em đã có nhiều tiến bộ mới thì ở phần Thơ tình hình khá là ảm đạm. Ban giám khảo hầu hết là các nhà thơ hàng đầu chuyên viết cho thiếu nhi đã thật sự không chọn nổi một bài thơ hay. Đáng buồn hơn là hiện tượng chép thơ của người khác để dự thi vẫn còn tồn tại. Để động viên sự cố gắng của các em,  giải thưởng phần thơ không có giải nhất và giải nhì, chỉ có giải ba và giải khuyến khích.Làm sao để có "thơ thiếu nhi" của thế kỷ mới, có lẽ đó là một việc lớn của ngành giáo dục, của mọi gia đình và của toàn xã hội.

 Qua tâm sự trò chuyện với các em, chúng tôi cũng đã được biết để đi đến những bài viết đạt giải thưởng hôm nay, nhiều cô giáo , thầy giáo và nhà trường đã quan tâm, bồi dưỡng, gợi ý và chăm chút câu chữ cho các bài dự thi. Có nhiều truyện các em sáng tác bắt nguồn từ việc đọc Facebook của người chị gái ( truyện ngắn Cô vẫn luôn bên tôi ). Có truyện các em lại bắt đầu từ việc nghe cô giáo kể chuyện, ấn tượng của câu chuyện quá xúc động, nên các em đã thể hiện lại thành truyện ngắn của mình ( truyện ngắn Những củ riềng). Tuy nhiên cũng có khá nhiều truyện ngắn hoàn toàn là những suy nghĩ trăn trở độc lập của các em như các truyện "Tao ước gì ...mày ạ" và "Người tốt, người xấu", ở những bài dự thi này các em chưa đạt tới sự hoàn thiện, cách viết còn nhiều mộc mạc ngây ngô, nhưng với con đường sáng tạo dài lâu,chắc các em sẽ còn tiếp tục với nhiều cảm hứng... Đạt giải thưởng cao chưa phải là cái đích duy nhất của việc viết văn làm thơ. "Văn chương thiên cổ sự"Văn chương là chuyện ngàn năm...(*) nên con đường viết văn làm thơ là một con đường dài đầy thử thách.

  Khép lại một cuộc thi, một trại sáng tác HÈ 2013 đầy kỷ niệm thương yêu, những kỷ niệm cùng với thời gian là những ấn tượng quý giá lưu giữ mãi mãi trong ký ức tuổi thơ của các em. Xin chúc mừng các em được giải thưởng cuộc thi "Em tập viết văn làm thơ" lần thứ III của Cung thiếu nhi Hà Nội, Xin chúc mừng các nhà trường cũng các thày cô giáo , các vị phụ huynh đã âm thầm làm "bệ đỡ" cho những sáng tác tuổi thơ. Xin trân trọng cám ơn các nhà văn, nhà thơ đã nhiệt tình tâm huyết và đày trách nhiệm với các em nhỏ.Xin trân trọng cám ơn Cung thiếu nhi Hà Nội, một trung tâm văn học thiếu nhi có bề dầy lịch sử đáng tự hào đã một lần nữa thành công trong sự nghiệp bồi dưỡng các tài năng trẻ cho đất nước.
                                                                                                  16/7/2013.  L. P. L

 (*) Thơ Đỗ Phủ 
 Văn chương thiên cổ sự
Đắc thất thốn tâm tri
Tác gia giai thù biệt
Thanh danh khởi lãng thùy
                                     
   HÌNH ẢNH LỄ TỔNG KẾT VÀ TRAO GIẢI
  CUỘC THI "EM TẬP VIẾT VĂN LÀM THƠ"- LẦN THỨ III/2013
 CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI  






13 tháng 8, 2013

CÔ VẪN LUÔN BÊN TÔI



(Kính tặng cô giáo Hoàng Thị Bích Hiệp)

                                                                                                    Bài giải nhì - Cuộc thi viết và
                                                                                       Trại “Em tập viết văn làm thơ” lần thứ III/2013

- Alô, Trân à? – Giọng Mai lớp trưởng vang lên trong ống nghe.
- Ừ, tớ đây. Sao giọng câu hôm nay lạ thế? Cậu ốm à? – Tôi hơi lo.
- Cậu biết tin gì chưa? Tin về cô Hiệp dạy Sinh tụi mình năm lớp 9 ấy.
- Có chuyện gì thế? – Tôi càng thêm lo lắng.
- Cô …cô bị… ung thư xương… Nghe mẹ tớ nói thì cô vừa về nhà, kết thúc đợt điều trị và có lẽ sẽ… - Giọng Mai trầm hẳn, tôi không thể nghe được tin cuối cùng..
- Cái gì? Sao lại thế được – Tôi sửng sốt, không thể tin nổi vào những gì mình đang nghe.
- Bác sĩ nói cô …khó có thể …qua khỏi…trong tháng này – Mai vừa nói vừa nấc lên.
   Tôi  loạng choạng, mặt đất như đang chao đảo dưới chân…
 - Cậu còn nghe chứ, Trân? – Mai vẫn sụt sịt.
   Tôi im lặng.
 - Chiều nay, lớp mình đi thăm cô, cậu có đi không? Nếu đi thì hai giờ đến nhà tớ nha!
 - Ừ, tớ sẽ tới.
     Nói rồi, tôi cúp máy. Đôi chân không giữ vững tôi được nữa, tôi ngồi phịch xuống sàn, miệng lẩm bẩm như mê sảng: “ Không thể nào! Không thể như thế được…Không phải sự thật! Chỉ là mơ thôi…” Tôi cố không tin nhưng … “Á!”. Tay tôi va phải mảnh thủy tinh, đau nhói. “ Đừng chảy máu…!”.  Mắt tôi nhòa đi…
- Không, cô Hiệp sẽ không sao cả, chắc là nhầm lẫn gì đó thôi! - Tôi an ủi mình…
   Dù không được cô chủ nhiệm năm nào nhưng lớp tôi vẫn dành cho cô tình cảm rất đặc biệt. Mà cũng không riêng gì lớp tôi, tôi biết có nhiều thế hệ học trò yêu mến cô. Dễ hiểu thôi, cô là một giáo viên trẻ có gương mặt khả ái, cô cũng vui tính nên các tiết học cô dạy đều rất vui và ai cũng muốn học. Đặc biệt cô có giọng nói ngọt ngào nên đôi lúc chúng tôi tự hỏi sao cô không dạy Văn nhỉ?
  Chiều đến, hai giờ, tôi tới nhà Mai, các bạn tôi đã đến khá đủ, chỉ còn thiếu một, hai người ở xa. Ít phút sau, chúng tôi đến nhà cô. Mọi lần, khi đi với nhau, lớp tôi nói chuyện rôm rả lắm nhưng lần này, chẳng ai nói với ai câu nào. Đến nơi, tôi cảm thấy lần này nhà cô rất khác, hay là vì tâm trạng mà chúng tôi thấy điều đó? Đứng đợi một lát, mẹ cô ra mở cửa cho chúng tôi vào. Bà dẫn chúng tôi vào một căn phòng khá rộng. Cả lớp tôi ngơ ngác nhìn bà rồi nhìn nhau vì không ai thấy cô đâu. Bà tiến vào góc phòng, nhẹ nhàng vén rèm lên.
-  Cô…
 Mai bất ngờ chạy lại bên giường, ôm lấy cô – Sao cô lại như thế này hả cô? - Mai nghẹn ngào.
- Cô có sao đâu… - Cô thều thào
      Tôi nghe bên tai những tiếng sụt sịt của tụi con gái và nhìn thấy những cặp mắt đỏ hoe của lũ con trai. Tôi ngước lên trần nhà, cố không để những giọt nước mắt rơi ra lúc này, đơn giản vì tôi vẫn nhớ lời cô hồi nào.
 - Sao cả lớp mình đều đỏ mắt thế kia? – Không lẽ phòng cô bụi vậy à? – Cô cố nhẹ mỉm cười.
      Tôi nhận ra rằng, dù da cô không còn trắng hồng như trước mà đã đen sạm đi do những đợt xạ trị, dù tóc cô không còn đen óng ả như trước và dù khuôn mặt cô cũng không còn đầy đặn mà hốc hác chỉ còn da bọc xương thì tôi vẫn thấy đôi mắt và nụ cười của cô vẫn đẹp như xưa. Đôi mắt ấy vẫn sáng, vẫn đen và vẫn tràn đầy hi vọng. Nụ cười của cô vẫn duyên, vẫn tươi tắn. Rồi lớp tôi, từng người đến cầm tay cô và chúc cô mau khỏe, ai cũng nấc lên. Đến lượt tôi, tôi cố nắm chặt tay cô không muốn buông. Cô bất chợt hỏi tôi:
  - Trân, em còn giận cô không?
  - Cô… Giọng tôi lạc hẳn, giọt nước mắt đầu tiên của tôi bắt đầu rơi.
  -  Cô xin lỗi…Cô không nên làm thế, cô đã quá nóng tính..
  - Không cô ơi, là tại em…tại em đã sai…Tôi ôm lấy cô, nức nở    
  - Em xin lỗi cô, em xin lỗi…
       Tôi biết là cô đang nhắc đến lần đó, lần đầu tiên tôi bị đánh. Tôi là con một nên được cưng chiều từ nhỏ, cũng là học sinh chăm ngoan nên bạn bè và thầy cô quý mến. Nhưng lần đó, vì mải giảng cho bạn bài toán nên tôi không chú ý cô đã vào lớp từ bao giờ. Chuẩn bị vào bài mới mà vẫn còn nghe tiếng nói bên dưới, cô rất tức giận và mặc lời giải thích của đứa bạn ngồi cùng bàn, cô đã đánh tôi. Từ đó, tôi giận cô và cũng một phần vì thế mà không quan tâm nhiều đến môn của cô nữa. Tôi không ngờ, cô nhận ra điều đó.
  -  Đừng khóc nữa, cô đã bảo em rồi phải không, em cười đẹp lắm nên đừng khóc… Cô đưa tay, lau nước mắt cho tôi - Hay em quên lời cô dặn rồi?
   - Em nhớ mà, em không khóc đâu… Nước mắt tôi vẫn giàn giụa.
  - Các em cũng vậy nhé, cười lên đi, đừng lo cho cô… Cô sẽ ổn thôi mà. Lên trên kia, cô sẽ cầu Thượng Đế che chở, bảo vệ cho các em nhé! Cô vẫn mỉm cười, ánh mắt cô tràn đầy yêu thương.
      Cô nói nhỏ với tôi:
  - Lau nước mắt đi nào, cô sẽ thương em như ngày hôm qua được chứ? Nhưng em phải cười thật nhiều, cười thay cô em nhé! Cô tin ở em, bác sĩ nhỏ của cô!
      Rồi chúng tôi ra về. về đến nhà, tôi chỉ kịp chào bố mẹ rồi chạy thẳng lên phòng. Tôi không muốn cho bố mẹ biết tôi đang khóc. Vào phòng, tôi chốt cửa rồi ngồi gục đầu xuống bàn học. Nước mắt rơi, trang giấy trên bàn tôi ướt. Bất chợt, tôi nhận ra, đó là quyển lưu bút lớp 9 và đó chính là trang cô viết cho tôi. Và tôi nhận ra, trang giấy đó dày hơn bình thường. Đó là hai trang giấy. Nét chữ của cô: “ Trân à, cô xin lỗi vì đã đánh em. Hôm đó, cô biết tin mình không thể đứng lớp được nữa. Cô  mong em hiểu được. Cô vẫn yêu thương em như ngày hôm qua.”
          Tôi khóc, khóc rất nhiều và thiếp đi lúc nào không hay…
                                                      
                                                       Đào Thúy Ngà-Lớp: 9A - Năm học 2012- 2013
           Trường THCS Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội.