Tìm kiếm Blog này

19 tháng 1, 2012

EM TẬP VIẾT VĂN LÀM THƠ

NĂM MỚI CHÚC CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH 
                    HẠNH PHÚC 
                                      AN KHANG 
                                                 THỊNH VƯỢNG

 
                             BÀI VIẾT CỦA CÁC EM HỌC SINH
CÂU LẠC BỘ VĂN HỌC
CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI 
NĂM 1995 - 1997


PHẦN I

                NGƯỜI MẸ
     Chiếc xe khách “Gia Lâm – Đền ngọc Sơn” dừng bánh trước cổng nhà dưỡng lão. Chú lái xe tươi cười đỡ các mẹ xuống xe. Chị Hoa nhanh chân đưa mẹ Tư  về phòng. Mẹ Tư năm nay ngoài bảy mươi, dàng mẹ mảnh mai, gầy guộc nhưng vẫn còn nhanh nhẹn. Ông tư mất trước khi anh hòa – con trai độc nhất  của mẹ hy sinh. Mẹ tư thắp mấy nén nhang. Chả là hôm nay, ban giám đốc nhà dưỡng lão tổ chức cho các cụ đi thăm đền Ngọc Sơn, trước tượng Thánh Mẫu, mẹ Tư cầu mong được gặp anh Hòa lần cuối. Nghe nói, đền Mẫu thiêng lắm. Mẹ tư cũng cầu mong như vậy.
   Thắp hương xong, mẹ Tư đi nằm…
    Mẹ ơi! Mẹ
    Có giọng nói vừa lạ, vừa quen văng vẳng bên tai mẹ Tư.
    Mẹ mở mắt.
    Không thể thế được. Mẹ dụi mắt.
   Trước mắt mẹ là anh Hòa.
   Mẹ! Con đây mà! Con của mẹ đây mà!
   Hòa! …Hòa! Con tôi!
   Mẹ tư lạc hẳn giọng, khóc nức nở.
   Mẹ nhào lên ôm chặt lấy tay anh Hòa như sợ anh sẽ tan đi lúc nào không biết.
   Đột nhiên mẹ giật mình.
-  Ôi ! Con tôi ! Sao người con lạnh toát thế này?
  Giọng anh Hòa buồn buồn, vang vang
- Bây giờ con là người cõi âm, hôm nay là tết thanh minh, có một người đàn bà đến gặp con. Bà ấy đã xin phép Diêm Vương cho về thăm mẹ chốc lát. Mẹ! Dạo này mẹ có khỏe không? Con trông mẹ gầy quá.
Mẹ tư lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt lạnh giá của anh Hòa.
Mẹ nói:
-  Mẹ không đáng lo đâu con ạ. Bấy lâu mẹ được hàng xóm láng giềng giúp đỡ chăm lo nhiều. bây giờ lại có các anh , các chị lo lắng là mẹ đã tốt phước lắm rồi. . Thế nhưng trong lòng mẹ vẫn canh cánh lo nhớ con. Bây giờ mẹ được gặp lại con là yên tâm lắm rồi.
  Anh Hòa cầm lấy bàn tay gầy guộc, ấp áp của mẹ. Mẹ tư cảm thấy lòng đau buốt. Những giọt nước mắt lại lăn dài trên gò má nhăn nheo của mẹ. Trong suốt cuộc đời mình, mẹ đã lúc nào những giọt nước mắt này đâu. Những giọt nước mắt đắng cay và những giọt nước mắt cô đơn, lạnh lẽo. Trong mắt mẹ hiện lên hình ảnh thằng Hòa ngày nào ngồi bóp vai cho mẹ, kể chuyện cho mẹ nghe. Mẹ còn nhớ rõ từng câu nói của nó trước lúc nhập ngũ: “Mẹ an tâm! Đánh giặc xong, con sẽ về đưa mẹ đi khắp nơi! À đúng rồi, con sẽ đưa mẹ về thăm ông bà nữa!...”
   Vậy mà… Bất giác tim mẹ đau nhói
   Mẹ! Con sắp phải đi rồi! Mẹ có dặn dò gì con không?
   Mẹ Tư lau nước mắt.
- Con đợi mẹ một chút!
  Mẹ lọ mọ đi vào gian trong, lấy ra chiếc áo len mẹ đã cố sức đan.
   Quay trở lại mẹ nói:
- Ở dưới đó lạnh lắm, giữ lấy mà mặc cho ấm, con ạ!
   Anh Hòa xúc động ôm lấy mẹ Tư:
- Thôi! Con đi mẹ nhé!
  Mẹ Tư nước mắt giàn giụa nhưng rồi mẹ gật đầu.
  Anh Hòa nhìn lại mẹ làn cuối.
  Bóng anh xa dần, xa dần…
   - Hòa! Con! Hòa…!
   Mẹ Tư hét to lên mông rằng anh Hòa sẽ quay lại.
  Bóng anh Hòa mất hẳn.
  Chợt, một giọng nói trầm trầm cất lên
-  Bà đã toại nguyện chưa. Ta đã đáp ứng lời cầu xin của bà rồi đấy.
-  Bà…Bà là ai?
-  Bà quên rồi sao? Mà cũng phải, người đời có bao giờ nhớ đến ta đâu! Ta là người đàn bà trong đền Thánh Mẫu đây mà.
-   A, thì ra! Cảm ơn bà đã thực hiện nguyện vọng của tôi. Đó là một ước nguyện mà trong suốt ba mươi mấy năm trời tôi cầu mong. Xin ngàn lần tạ ơn, bà đã giúp mẹ con tôi được gặp lại nhau.
-  Ấy ! Bà đừng nói thế! Ta giúp bà bởi vì hoàn cảnh của bà cũng như ta. Ngày xưa khi ta sinh ra con, ta chỉ có một ước nguyện nhỏ là mong nó sống với ta đến cuối đời. Vậy mà, lên ba tuổi  nó đã từ giã ta lên đường đánh giặc. Và rồi đánh giặc xong, chẳng một lời từ giã nó phi thẳng về trời. Ta không ăn, không ngủ suốt bao nhiêu năm để rồi cuối cùng chết đi và lên trời gặp lại nó.
-   Ôi! Tôi thật không ngờ trên đời này lại có người có số phận bi đát đến như vậy
-  Thôi! Dù sao ta cũng đáp ứng được nguyện vọng của bà…
-   Bà Tư! Bà Tư!
Bà dụi mắt tỉnh dậy
-  Ủa! Bà tám đấy à! Ủa! tôi vừa mơ ư?
-  Bà mơ thấy gì đấy! Kể tôi nghe xem nào
-  À! Không có gì đâu! À ! Sang nay bà cầu mong gì ở ở đền Mẫu đấy?
Bà Tám chép miệng
-  Tôi chỉ mong gặp lại thằng con tôi. Nó đi mà không được gặp mặt nó lần cuối.
-  Rồi bà sẽ được toại nguyện, bà Tám à
-  Cám ơn bà.
   Vậy đó, người mẹ Việt Nam là vậy đó. Họ đã cống hiến cho đất nước những người con – những thứ vô giá mà không gì có thể mua nổi. Và đó là truyền thống mà không một dân tộc nào khác có nổi.

                                                                                BÙI LAN PHƯƠNG
                                             CÂY CHUỐI
Cây chuối trước nhà em
Lá đựng đầy những gió
Quạt cho em nằm ngủ
Giữa nằng lửa trưa hè



MÁY BƠM
Chú gà đang mải chơi
Thoáng thấy máy bơm,                           
        khanh khách cười
Chú gà giật mình chạy mất
Máy bơm chạy
Phun nước như dòng thác
Mặt nước long lanh như ánh bạc
Chị khoai nước giơ tay vẫy chào
Cả đồng lúa xôn xao
A, nước về, nước về!
(Thế là hết khát)
Chú chuồn chuồn
Cưỡi trực thăng
Nhìn xuống cánh đồng
Tỏ vẻ hài lòng
Liền gật đầu:
-  Được, được, được!
                                             HOÀNG NGỌC CHÂU                                                                                      
                      
ẢO VỌNG

- Thế nào cháu bé ? Cháu muốn ở với bố hay với mẹ? – Tiếng ông chủ tọa vang lên làm thằng bé giật mình:
-  Cháu…cháu thích ở với bố mẹ cơ hu hu…ở với bố mẹ cơ…
   Thằng bé nức nở. Nó hét lên nhìn bố lại nhìn mẹ, mong sao nhận được cái gật đầu hay mỉm cười đồng ý. Nhưng bố nó chỉ thở dài, lắc đầu. Còn mẹ nó quay đi, cố trách ánh mắt van lơn, cầu khẩn của đứa con mới lên 7 tuổi. Cuối cùng tòa xử nó được ở với mẹ vì mẹ nó có điều kiện hơn bố. Thất thểu đi bên mẹ ra xe, noa cứu ngoái đầu tìm bố, khóc òa:
-  Bố ơi bố đâu rồi? Bố về với con đi bố! Bố ơi…
  Bây giờ, nó đã là thằng bé mười hai tuổi. Năm năm qua đi, nó thiếu thốn tình thương của cả cha và mẹ. Bố không một lần đến thăm nó, tuy vẫn thỉnh thoảng gửi quà nhưng mẹ nó không cho nhận. Mẹ bảo : “Để mẹ mua cái khác đẹp hơn”. Rồi mẹ nó lao  vào , quên bẵng lời nói của mình. Cả ngày hai mẹ con rất ít khi gặp nhau, ít khi được cùng ăn cơm với nhau. Nó vẫn thường trốn mẹ ra công viên, nơi mà hồi bé, nó hay được bố mẹ cho đến chơi…
   Hôm nay, nó lại tha thẩn ra công viên chơi một mình. Nó nhìn thấy hàng bón bay. Nó mưa một quả bóng có hình gia đình đang cười đùa hạnh phúc. Cầm quả bóng trên tay, trong nó bỗng nhói lên một tia hy vọng.Chợt nó vấp ngã, quả bóng tuột khỏi tay, bay lên. Nó nhìn theo, nhìn theo cho đến khi quả bóng chỉ là một chấm nhỏ lẻ loi trên bầu trời
                                                         
                                                                  CHU MINH PHƯƠNG
















14 tháng 1, 2012

EM TẬP LÀM BÁO

BÀI VIẾT KHÓA III (2007 -2008)
PHẦN II

NHỮNG BƯỚC CHÂN TRẦN…


  “…Một điều ước tuy thật nhỏ bé, ta sẽ ước có nhau suốt đời. tình bạn sẽ mãi mãi không phai, không phai bạn ơi…”. Trời ơi chắc hẳn chúng nó nghĩ không còn cách nào khác để bộc lộ sự thích thú và sung sướng khi được đi cắm trại cùng với tập thể lớp, ngoài cách phô bày hết sức chất giọng “có sức công phá” vô cùng lớn của chúng nó ra. Còn chiếc xe buýt và bác tài xế đứng tuổi thì vẫn đang cố gắng, cặm cụi đưa những con quỷ nhỏ chúng tôi đến Đầm Long – nơi mà hôm nay trường chúng tôi sẽ cho học sinh cắm trại. Không biết có phải tại cái không khí tưng bừng đang diễn ra trong xe hay tại những cơn gió đầu hè mát mẻ thổi từ cách đồng xanh mướt mà chúng tôi đang đi qua dấy lên trong tôi một sự háo hức thú vị về chuyến đi này.
    Đến nơi ai nấy đều bắt tay vào công việc của mình. Sáu thằng con trai duy nhất của lớp lao vào dựng trại, mấy đứa con gái lo trang trí trại, còn mấy đưa khác thì giúp cô sơ chế những thức ăn mang theo để chuẩn bị bữa trưa. Tôi thích cái không khí mà tất cả mọi người trong lớp cùng hợp sức  cùng làm việc, cùng phấn đấu về mục tiêu nào đó, như lúc này chẳng hạn. Dần dần, cái trại mang tên “Mùa hoa nắng” do cô giáo chủ nhiệm chúng tôi đặt cho cuối cùng cũng được hoàn tất. Ai nấy đều thấy phấn khởi và tự hào. Cả lũ cứ tranh nhau vào trong trại hát hò, nhảy múa. Vừa giúp chúng nó vừa dán giấy, treo tranh, hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho thành quả ngày hôm nay, tôi vừa đáng mắt đi để ngắm nghía khu du lịch mà lần đầu tiên tôi đặt chân đến nơi này.
  Thiên nhiên nơi đây gợi cho tôi cái cảm giác mình đang được về quê vậy. Không gian thoáng đẵng, trong lành với những ngọn đồi choàng áo nhung màu xanh lá cây, nắng như tô thêm cho lớp cỏ rào rạt dưới chân những ngọn đồi một lớp nhũ bóng mượt mà, lung linh đầy sức sống. Xa xa chếch về hướng tay phải còn có một hồ nước với hai bức tượng thần mình người đuôi cá đối diện nhau trên bề mặt hồ cùng một cái cầu màu đỏ cong cong duyên dáng phía sau làm nên một khung cảnh rất thơ mộng. Bên trong còn có khu vườn sinh thái – căn nhà của nhiều loài động vật, thực vật phong phú, đa dạng. Và tất nhiên, ngoài những nét đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban tặng cho khu du lịch này thì con người cũng thổi vào đó thêm những nét sinh động như khu vui chơi, sân khấu, nhà sàn…Đặc biệt là hôm nay, hơn một nghìn học sinh chúng tôi đến đây góp phần làm cho không khí lại càng thêm náo nhiệt hơn. Tất cả làm nên điểm du lịch vừa thơ mộng, vừa nguyên sơ lại vừa sôi động và nhộn nhịp.
    Tuy nhiên, tôi tự hỏi lòng mình có phải tạo hóa đã ban quá nhiều đặc ân cho thiên nhiên, cây cỏ mà quên đi con người nơi dây chăng? Họ dường như không mang cái hồn của cảnh vật nơi mà họ sinh sống. Tôi đặc biệt chú ý đến những em bé ở đây. Mới nhìn thấy lần đầu nhưng trong đầu tôi đã hiện lên một sự hình dung, một sự so sánh với các em, với trẻ con trên thành phố. Nếu các bạn cũng có mặt ở đó cùng tôi, chắc hẳn bạn cũng sẽ suy nghĩ giống tôi mà thôi. Tre em nơi đây có nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng trong tôi cũng có một cảm giác: các em đang thiếu thốn trong cuộc sống, các em không được chăm lo chu đáo mà ít nhất là sự chăm lo cần thiết cho một đứa tre ở độ tuổi ấy, các em không được sự giáo dục như những đứa trẻ mà tôi vẫn hay gặp xung quanh mình. Do những đôi chân trần đang bước đi trước mặt tôi kia, do bộ quần áo mỏng manh cũ kĩ và vá lỗ chỗ kia, hay do thân hình gầy gò, xanh xao và nước da sạm đen kia, hay cũng có thể do khuôn mặt lạ lẫm, bâng khuâng có vẻ gì đó ngơ ngác không biết phải làm gì của những em bé đang đi qua trước mặt tôi khiến cho tôi có suy nghĩ như vậy. Trên các bãi cỏ, các em đang làm “nhiệm vụ” của mình, đó là nhặt nhạnh những vỏ lon bia, vỏ chai, thùng cát –tông, những thứ đồ mà người ta bỏ đi nhưng các em lại bán lấy tiền hay tận dụng để sử dụng lần thứ hai…Cứ thế, những đôi chân nhỏ bé vẫn bước đi…Nếu là những đứa tre trên thành thị, thì chúng đang vui cơi, chúng đang được dậy dỗ, được bảo vệ trong vòng tay của cha mẹ, thầy cô, trong những mái trường tiện nghi mà cha mẹ yên tâm gửi gắm vào đó. Đối lập hẳn với cuộc sống và công việc của những thiên thần nhỏ chốn này.. Thay vì được học và vui chơi thì các em lại phải giúp bố mẹ kiếm tiền bằng những công việc này. Không biết có một lúc nào đó, chúng nghĩ đến những mái trường khang trang, những lớp học rộng rãi với nhiều bạn bè, thầy cô hay đơn giản chỉ là niềm vui nho nhỏ mà các em đáng được hưởng như trẻ em trên thành phố chưa nhỉ? Tôi đoán là có, nhưng có lẽ chỉ thoáng qua như những mong ước đẹp mà thôi. Chính cuộc sống khó khăn, thiếu thốn ở vùng đất này đã bó hẹp trí tuệ, tâm hồn và cả những ước mơ của các em nhỏ. Chúng có lẽ chỉ nghĩ đến chuyện làm việc giúp bố mẹ để lo cho chính cuộc sống của mình trước đã. Điều kiện sống ở đây không cho phép những ước muốn xa xôi hơn…
  Và cuối cùng đã đến lúc chúng tôi phải ra về, tạm biệt một ngày vui chơi thoái mái, tạm biệt khu du lịch để về thành phố. Đứa nào cũng cảm thấy thời gian trôi thật nhanh và ai cũng chưa muốn về. Tôi cũng vậy! Tay cầm một khẩu súng phun nước vừa mới mua định mang về làm quà cho em, nhưng tôi chợt có một ý định, liền chạy đến một em nhỏ, nhẹ nhàng nói: “Cho em này”. Đứa bé trai nhìn tôi một giây rồi như giật lấy cái súng đồ chơi và chạy đi không nói một lời nào…
  Thoát ra khỏi những tiện nghi hiện đại của thành phố Hà Nội, lần này tôi mới có dịp hiểu thêm những vùng đất mới và đặc biệt là biết thêm về những cảnh ngộ của những đưa trẻ ngoại thành. Thật khó mà tưởng tượng ra tương lai của các em sau này. Chúng ta thật may mắn khi được sinh ra trong điều kiện đầy đủ, nên phải biết quý trọng nó. Nhưng cũng đừng quên giúp đỡ những mảnh đời  khóa khăn xung quanh ta. Nghĩ về những em nhỏ nơi đây, tôi rất mong mình có thể là gì đó để giúp các em có được cuộc sống tốt, một nền giáo dục tốt.
    Chuyến đi này để lại trong tôi một kỷ niệm khó quên, một kỷ niệm đẹp với tập thể lớp của mình. Và bên cạch đó, nó nuôi dưỡng trong tôi một ước mơ, một hy vọng tốt đẹp cho tương lai của mình  và những em nhỏ tương lai của những em nhỏ còn đang chịu thiệt thòi trên khắp đất nước này…
                                                                        TRƯƠNG ĐỨC HẠNH


NẮNG THÁNG NĂM

   Tháng năm lại đến rồi. Đây chắc là tháng năm đặc biệt nhất mà tôi đã từng trải qua. Vậy là tôi sắp phải chia tay bạn bè, thầy cô, mái trường thân yêu. Tôi đã quá quen lớp học này. Làm sao có thể quên đi những kỷ niệm đáng yêu, những khoảng khắc có một không hai với lớp học này? Từng khuôn mặt, từng giọng nói ấy đã khắc sâu vào trái tim tôi, làm sao tôi có thể quên được đây? Nhưng dù thế nào thì tôi cũng phải chia tay mái trường này đẻ bước vào cấp hai với bao điều hứa hẹn.
    Cả ngôi trường đều óng lên trong cái nắng nhẹ nhàng, chưa quá gay gắt của đầu mùa hạ. Ve kêu râm ran khắp những tán là xanh mát rượi. Qua khỏi tuần kiểm tra căng thẳng, lo âu, mái trường như rộng rãi hơn. Sắp nghỉ hè đến nơi nên ai cũng háo hức, kể cả đám học sinh cuối cấp chúng tôi. Nhưng những niềm vui đó chỉ giúp cho tôi đỡ buồn. Bao nhiêu kỷ niệm cả vui lẫn buồn đều đổ về.
    Nhớ lại lần đầu tiên đến lớp, có nhiều bạn khóc lóc đòi về. Tôi nhớ có lần tôi làm bài xong sớm, tôi lên nộp bài, cô giáo hỏi thăm vậy mà tôi cũng khóc. Rồi kỷ niệm về cô giáo tôi – một cô giáo dạy văn thật hay, thật truyền cảm, cô luôn làm tôi xúc động. Khi cô kể chuyện “Cô bé bán diêm”, một câu chuyện mà tôi đã biết, nhưng tôi vẫn không kìm nổi nước mắt. Tôi vẫn luôn mong những ngày tháng nghe cô kể chuyện còn dài mãi mãi. Chính nhờ có cô mà tôi yêu quý môn văn, coi đó như một phần trong tôi…Vô vàn những kỷ niệm đẹp đó đã làm tôi không sao quên được những năm tháng tiểu học này.
   Đi dưới hàng phượng vĩ đỏ rực, tôi nhớ những câu văn tả phượng của nhà văn Xuân Diệu: “Nhưng phượng càng đỏ, lá lại càng xanh.   Vừa buồn mà lại vừa vui mới là nỗi niềm bông phượng”. Đúng là như vậy, hiếm thấy những cây nào mà lại bộc lộ rõ tình cảm  của học sinh như thế, vậy hoa phượng mới được ví là hoa học trò. Đang đi, bỗng rơi xuống trước mặt tôi một bông phượng đỏ thắm, cánh hoa bay là là như con bướm đang quay tròn trên không rồi mới hạ xuống đất. Nắng tháng năm nhẹ nhàng chiếu vào từng kẽ lá, có lẽ sẽ không bao giờ tôi thấy lại được cảnh ấy và được về nơi đây nữa.
    Tôi sắp bước vào ngôi trường cấp hai với bao điều bỡ ngỡ, có bao điều tôi muốn biết nhưng chỉ trả lời được khi đã học thôi. Nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm với mái trường này. Gấp lại quyển lưu bút với bao điều luyến tiếc vì sắp phải xa bạn bè, thầy cô và ngôi trường tiểu học.
   Mãi nhớ về mái trường thân yêu.
                                                                     NGUYỄN LAN HƯƠNG


SÁCH VÀ ĐỜI SỐNG

     Trong thời đại ngày nay, công nghệ thông tin đang ngày càng trở nên phổ biến với mọi gia đình. Con người dần quên đi sở thích đọc sách, một thói quen có từ lâu đời. Để mọi người  thêm chăm chỉ đọc sách, Mác-xi Gooc-ki đã khuyên: “Hãy yêu sách. Nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.
    Từ ngàn đời xưa, người nguyên thủy đã biết ghi lại những hiện tượng kỳ lạ xung quanh, cách làm nông, đánh bắt cá…Họ đã khắc những chứ tượng hình trên vách đá, lên mặt đất, ở mọi nơi. Cho đến nay, giấy được sản xuất, con người đã được ghi những tri thức đó lên giấy. Các tập ghi tri thức được tích tụ dần dần rồi được đóng thành sách. Vậy sách là gì?
     Ta có thể hiểu nôm na là sách là sản phẩm tinh thần, là kho báu trí tuệ nhân loại. theo định nghĩa của khoa học, sách còn là kiến thức, những tư liệu đã được khám phá về sự sống của vạn vật xung quanh, về con người để truyền lại cho các thế hệ mai sau, tiếp nối và thừa hưởng.
     Sách là kiến thức, vậy kiến thức là gì?
     Kiến thức là những kỹ năng, kỹ xảo, những hiểu biết của con người được khám phá, tích lũy sau bao nhiêu năm sống và tồn tại.
     Nhiều người hiện nay vẫn yêu và giữ thói quen đọc sách. Phải chăng họ đọc sách để mở mang kiến thức, tìm hiểu nguồn kiến thức quý giá? Thật vậy, sách ẩn chứa một nguồn tri thức dồi dào, thông tin quý báu giúp ta hiểu thêm về con người, về thế giới xung quanh, tự nhiên xã hội. Nhờ sách mà con người tìm được chân lý thực sự. Những điều mà con người đã tìm tòi, khám phá trong quá khứ được ghi lại trong sách. Thế hệ sau này đọc sách tiếp tục phát huy, phát triển những tri thức này theo theo một chiều hướng mới, đúng đắn và xác thực hơn. Điều này làm mở ra một trang tri thức mới cho kho tàng kiến thức mênh mông. Sách như cầu nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai. Đọc sách cho ta hiểu biết rõ hơn về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, những mốc son vàng chói lọi của đất nước. Qua những trang sách, ta còn biết về nguồn gốc, giống nòi, về câu chuyện truyền thuyết Âu cơ – Lạc Long Quân, hay truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước bao đời nay của ông cha ta, để rồi ta có thể tự hào là “Con Rồng cháu tiên, “Con cháu Lạc Hồng”. Ta có thể học nhiều từ những trang sách, sách góp phần mở rộng tầm nhìn của con người, giúp nâng tầm hiểu biết của con người về địa lý, lịch sử.
     Đọc sách là cách giải trí lành mạnh, giúp hình thành nhân cách con người. Đọc sách ta như hào mình vào thế giới của  của những nhân vật đó. Đôi lúc, ta có thể nhận ra nhiều khi mình “Vội vàng” như Xuân Diệu, lắm khi cũng thơ mộng như Hàn Mạc Tử trong “Đây thôn Vĩ Dạ”, hay thỉnh thoảng  cũng gặp những người có số phận bi thảm như chị Dậu, Lão Hạc. Sách là công cụ giao tiếp giữa con người với con người, là người bạn trung thành. Một quyển sách hay có thể là một món quà rất ý nghĩa để tặng một người bạn trong ngày sinh nhật. Cha mẹ tặng con sách với mong muốn với mong muốn mở mang kiến thức để bổ trợ cho việc học; thầy cô tặng học sinh sách mong trò chuyên tâm vào con đường học hành.
     Đọc sách thật sự rất tốt, vậy làm thế nào để ta tiếp nhận trí thức một cách tốt nhất? Đây là câu hỏi bao người đã và đang đặt ra.
    Chúng ta nên chọn cuốn sách có nội dung hay, lành mạnh, tránh sách có nội dung xấu, gây hại cho bản thân. Khi đọc sách ta cần tập trung, gặp một câu văn hay, một ý thơ đẹp hay đôi khi là một mẹo vặt nhỏ cần thiết cho đời sống, ta nên ghi lại. Và đặc biệt, phải vận dụng những điều đã học vào thực thế một cách đúng đúng đắn, sáng tạo và linh hoạt. Để giữ cho sách luôn được bền, mới, ta phải bọc bìa cho0 sách, giữ sách cẩn thận, tránh gấp nếp,làm nhàu, quăn mép sách.
    Sách đống vai trò rất lớn trong cuộc sống của con người. Chúng ta hãy đọc nhiều sách để mở mang kiến thức. Nên nhớ: “ một cuốn sách hay có thể làm thay đổi con người. Cuốn sách mang nội dung xấu đủ làm hư hỏng người đọc, nhưng không ai thành công với chỉ một cuốn sách hay”.
                                                                                        VŨ LAN HƯƠNG

BỐN MÙA
     Mùa xuân
   Cái không khí lạnh và ẩm ướt, đặc trưng của xuân miền Bắc,  xuân về, thiên nhiên và cuộc sống thật đẹp. Mùa xuân còn được đón cái Tết có bánh trưng xanh “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”; có đào biếc mai vàng. Nhưng đối với nó mùa xuân chỉ là chuỗi dài lê thê, đắp đổi từ mùa đông sang mùa hạ. Mùa xuân nắng không, ấm không, mát mẻ cũng không. Rốt cuộc, mùa xuân chỉ biết khóc xuống những giọt mưa phùn. Đối với Nó cuộc sống không có mùa xuân cũng chẳng làm sao.
Mùa hạ
    Cái nóng ngột ngạt làm mọi người bí bách và khó thở. Mùa hạ phả ra những tia sáng, những quả cầu đỏ như bất tận. Nắng vàng, trời trong vắt và thăm thẳm. Cây xanh bóng dù không tươi như mùa xuân. Tàn đóm đỏ bắt đầu được khơi dậy trên những tán lá. Một cây, hai cây…ngập trường và ngập trời là cái nóng rực rỡ ấy.
Năm học sắp kết thúc, bài thi dồn dập kéo đến, nhanh như đi với vận tốc ánh sáng. Quay cuồng giữa hàng núi sách vở, bài tập, Nó bỗng mơ hồ nhận ra một điều gì đó khác lạ. Cái cảm giác xao xuyến, gờn gợn ấy không sao lý giải nổi. Một con bọ rùa hậu đậu(y như Nó vậy) vội vàng phi thẳng vào cốc nước của Nó. Nó giật mình lại nghĩ đến ngày mai.
    Ngày mai là ngày thi cuối. Ngày mai là lễ bế giảng. Ngày mai nó sẽ đi chơi với đám bạn. ngày mai nó sẽ đi bơi. Ngày mai…. nó lại đi học.
     Có chăng ngày mai là ngày cuối cùng, nó thấy cánh phượng rơi? Ngày mai là ngày nó cuối nó được cười với lũ bạn bè tinh nghịch quỷ quái? Hay đơn giản, mai chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác. Nó lại học, lại ôn bài, lại thi.
    Có một hạt bụi vương vào mắt nó, day dứt, khó chịu. Dường như hạt bụi ấy muốn đọng lại, vấn vương như lời nhắc nhở: “Ngày mai không bao giờ là ngày cuối. Dù sao đi nữa bầu trời vẫn xanh và hy vọng...”.
…Mùa thu
    Mùa lá vang xôn xao khơi gợi bao cam xu. Đối với nó, những ngày hạnh phúc nhất đã qua đi trong mùa này đây. Đi trên đường, mỗi khi có cơn gió vụt qua làm lá bay xào xạc, nó lại bâng khuâng đến nao lòng. Nó mong xiết bao được theo những chiếc lá ấy về nguồn cội, ngược dòng thời gian để trở về ngày xưa. Cái ngày tươi đẹp ấy…
     Cậu ấy có đôi mắt rất đẹp. Đẹp như ánh trăng tỏa sáng trong rừng, cái vẻ lung linh trên những con suối nhỏ. Cậu ấy đem lại sức sống mới cho trái tim buồn rầu của nó, đem lại tình yêu thương mà nó tưởng đâu đã đánh rơi mất, đem lại nụ cười nở mãi trên môi mọi người. Ai cũng yêu cậu ấy, bất cứ ai. Và dĩ nhiên cả nó nữa.
Hương hoa sữa đêm nay sâu lắng quá, quyện vào không gian và lòng người. Nơi xa ấy chắc không có cái vị nồng nà thế này đâu, ấy nhỉ…
     Mùa đông
    Cành khô trơ trụi, trông thật mảnh khảnh và quá đỗi yếu ớt. Lá rụng được gom vào rồi đốt mà chẳng biết để làm gì? Mùi khối hăng hăng, khen khét làm nó bỗng muốn khóc. Ngoài trời mưa lạnh , khói may mù mịt trắng xóa làm Nó đôi lúc tự hỏi mình có đang thực sự tồn tại không…
    Mùa đông ở đây không có tuyết, nhưng cái sự buốt cóng đến tê dại cũng đủ để trùm chăn bông kín ở nhà, chẳng muốn đi đâu. Trên ô cửa kính khu chung cư có bàn tay nghịch ngợm nào đó vẽ lên ngoằn nghèo.
    Lại một mùa đông vắng bóng cậu ấy. nhưng sao mùa đông năm nay lại qua nhanh thế nhỉ…
… Và mùa xuân.
     Sàn nhà nồm, “đổ mồ hôi” liên tục khiến nhà Nó đang sạch lại bẩn. Năm nay nhà Nó lại gói và luộc bánh trưng, giống năm ngoái.
      Quất lúc lỉu vàng cam, cây mai nhà Nó rụng trắng cả gốc, đào thì thắm ngọt, được cắm trên bàn thờ. Mùa xuân lại đến rồi, và Nó luôn nhớ, mai là ngày chia tay. Nhưng Nó chưa khóc, chưa buồn. Ít nhất là chưa. Bởi nó đã có bốn mùa để chuẩn bị, và sẽ có tám, mười sáu, hay tám mươi, và thậm chí là một trăm hai mùa nữa để nhớ, để hoài niệm lại ngày ấy.
                                                                        NGUYỄN KHÁNH CHÂU

11 tháng 1, 2012

EM TẬP LÀM BÁO


 BÀI VIẾT KHÓA III (2007 -2008)

PHẦN I

MÙA ĐÔNG

   Từng đợt gió lạnh rít bên tai…
    Lạnh…
    Rét…
    Mới mấy ngày qua đây thôi, hơi ấm của mùa thu vẫn lan tỏa, vương vấn trong đất trời Hà Nội. Con phố nhỏ ngoài kia vẫn e ấp hương hoa sữa, lẩn trong đâu đấy bông hoa sữa nhỏ li ti cong sót lại cuối cùng của mùa thu. Thế mà hôm nay đông đã về. Về một cách bất chợt, nhanh chóng. Về dịu dàng kín đáo như một nàng công chúa cổ tích.
    Mùa đông là mùa tôi yêu thích nhất. Nó khác hằn với các mùa khác bởi cái giá lạnh nó đem về. Phải nói thật, thiên nhiên vào mùa đông không có gì đặc sắc như các mùa khác: cây cối khẳng khiu, trụi hết lá còn bầu trời thìn âm u sám xịt làm cho con người ta dễ cảm thấy buồn chán và mệt mỏi. Nhưng mùa đông cũng có cái đẹp, nó cho ta  thấy tâm hồn mình ấm áp, vui vẻ .
    Cơn mưa đầu mùa đông dai dẳng lạnh thấu đôi vai như có chút gì đấy đáng yêu vô cùng. Cứ thử nhìn những hạt mưa rơi như những viên đá pha lê lấp lánh ngoài kia nó nhẹ nhàng ấp ủ bên trong niềm hạnh phúc mà phía bầu trời dịu dàng đặt xuống trần gian.
     Tôi thích cái cảm giác mùa đông khi nghe tiếng gió lạnh vi vu như những khúc nhạc đặc biệt. Mùa đông, cây cối cỏ hoa dường như mất hết sức sống, nó cần đến mùa xuân để cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái , thế mới biết rằng, các nàng tiên của bốn mùa thương yêu nhau, giúp đỡ nhau là thế.
    Cuộc sống luôn biến đổi theo thời gian nên mùa đông cũng vậy, nó cũng có biến đổi khác lạ. Vào những năm kháng chiến, mùa đông như bao chùm lên sự đau khổ của nhân dân Việt nam, nó càng thêm lạnh lẽo khi có biết bao nhiêu máu xương của những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc. Còn ngày nay khi đất nước đã hòa bình thì mùa đông cũng khác, nó không lạnh như trước đây nữa mà thay vào đó là sự yên vui đầm ấm của mọi nhà.
    Dòng người qua lại trên phố thật náo nhiệt làm cho mùa đông như ấm ấp thêm. Lũ trẻ con xúng xính tong bộ quần áo ấm đủ màu, sắc hai cái má hồng với nụ cười duyên của chúng đủ làm tôi thêm ấm lòng trong những mùa đông giá lạnh này.
     Đi trên đường, tôi càng cảm thấy tôi thấy tâm hồn mình phới phới. Nhưng bất chợt phía bên kia đường có một em bé chừng 7- 8 tuổi, bế đứa em mới chỉ khoảng 6 tháng tuổi đi trên phố. Hai đứa trẻ co ro trong cái giá lạnh của mùa đông. Thằng bé vừa đi vừa bế  em vừa hát : “Thân nghèo đói, đi hát kiếm tiềm nuôi em…”. Cái bài hát cứ xoáy mãi vào tai tôi. Nó như một lời van xin cầu cứu tất cả những người xung quanh. Tôi đặt vào chiếc mũ rách của thằng bé vài đồng tiền lẻ ít ỏi của mình, thằng bé nhìn tôi cảm ơn rồi đi tiếp. Chao ôi! lúc ấy, đôi mắt của thằng bé ngây dại vô cùng. Đôi mắt mờ đục, bờ môi tím lại vì rét và đói. Khổ thân hai anh em!!!
   Cuối mùa đông, từng đàn chim én từ phương Nam bay về, chúng như báo hiệu một mùa xuân mới đến, vạn vật tốt tươi. Mùa xuân sẽ đến, tạm biệt mùa đông, mùa đông để lại cho tôi những nỗi nhớ, những kỷ niệm không quên mỗi khi đông qua.
    Rồi bất chợt đứa bé hát rong hôm nọ đi qua ngõ hẻm phía sau nhà. Nhưng hôm nay không thấy có đứa em trên tay. Chắc là thằng bé để đứa em của mình ở một góc nào đó….
      Càng nhìn thằng bé, càng thấy thương! Khổ thân nó!!
      “ Thân nghèo đói, đi hát kiếm tiền nuôi em…”
          Lạnh…
          Rét…
          Kinh khủng…
                                                                         
              TỰ SỰ              

    Tôi tự nhận mình là người rất lười, vậy nên dù đã biết là chủ nhật phải nộp bài nhưng mãi đến tối hôm nay tôi mới tự ép mình phải nghĩ ra một cái gì đó để nộp. Thế là tôi nghĩ gì là viết, có lẽ chẳng đâu vào đâu, mong các bạn bỏ chút thời gian đọc , nó như ly cà phê buổi sáng – đắng nhưng vẫn uống.
    Gần một tháng trời tô đã định viết bài. Thế nhưng bao thứ nào là  bài kiểm tra, phim ảnh, hay truyện tranh và cả những thứ khác nữa khiến tôi lãng đi. Rồi từng tuần trôi qua, chẳng đâu vào với đâu cả. Cứ thế thời gian lẳng lặng trôi đi mà tôi không hề ý thức hay cảm nhận. tôi đã bỏ lỡ không biết bao nhiêu ngày , tuần , tháng…thật vô ích!

     Tự nhiên tôi lại nhớ đến một câu nói của Nguyễn thị Minh Châu: “Cuộc đời thật lắm những điều vòng vèo và chùng chình.”. Dù đã học thuộc lòng câu truyện cũng như cách phân tích câu nói này, nhưng có lẽ bây giờ tôi mới thật sự hiểu nó. Bạn có nghĩ rằng con người luôn mong muốn quá nhiều không? Hay chỉ đơn giản là họ không biết mình muốn gì. Những cái điều vòng vèo và chùng chình đấy chỉ là cái cớ để cho tôi cố tình quyên đi bài viết này cũng như nó khiến bạn để cho một điều gì đó quan trọng với mình đi rơi vào sâu trong ký ức. Tôi đã mất nhiều thứ vì lý do vớ vẩn ấy. Vậy nhưng tôi cũng không đủ tỉnh táo hay lý trí để nhận ra bản thân mình. Thực tế đó là nguyên nhân chủ yếu để mỗi chúng ta lấy làm cớ mà lừa dối chính mình.
    Trong một bài kiểm tra, cô giáo đã phê vào bài của tôi thế này “Chưa cách biết lôi cuốn được người đọc. Bắt đầu từ cảm nhận được những vấn đề siêu hình”. Đọc xong những dòng ấy tôi chẳng biết nên vui hay nên buồn. Đúng là tôi chưa bao giờ và cũng không bao giờ có ý nghĩ là muốn người khác đọc bài của mình(tất nhiên là cô dạy văn của tôi phải đọc nó) Vậy mà lúc này tôi thật mong muốn bạn đọc những điều tôi viết cho dù với bạn nó vô nghĩa.
     Một nhân vật đã nói thế này: “Con người ai cũng có mong muốn. Nếu ai đó nói là không thì họ chỉ đơn giản là chưa hiểu mình muốn gì”. Tôi biết rõ mình khao khát và mong muốn điều gì nhưng tôi bị lôi kéo vào vòng xoáy nhàm chán của cuộc sống thường ngày mà không cách nào thoát ra được. Nào học hành, thi cử, cãi cọ thậm chí cả yêu đương. Nó thật rắc rối, lằng nhằng, và nhức đầu. Thế mà không chỉ có tôi là nạn nhân thôi đâu mà còn biết bao nhiêu người khác nữa đấy.
      Thật buồn khi phải thừa nhận rằng cuộc sống luôn đầy dẫy điều cám dỗ con người, nhưng nếu bạn biết điều trái tim mình thật sự mong muốn thì bạn cố gắng giữ nó . Hạnh phúc như cánh chim chợt đến lại chợt đi. Hãy biết  hạnh phúc với những gì mình đang có. Nhất là bây giờ nhấm nháp tách cà phê và đọc và viết nhé

                                                                                     TRẦN PHƯƠNG THẢO

NIỀM TIN CHIẾN THẮNG

    Mẹ ơi! con muốn những lời viết trên đây được mẹ đọc. Con yêu mẹ! Mẹ là tất cả của con cũng như con là tất cả của mẹ vậy. Mẹ hay yêu con, hay nựng con nhưng con lại hay dỗi, hay hờn như một đứa con nít. Con thấy hạnh phúc khi sinh ra trong vòng tay yêu thương của mẹ. Nhưng mẹ ơi, sao con có mẹ mà nhiều bạn lại không có mẹ, con thấy nhiều bạn phải đi trên đường một mình, phải tự kiếm sống, phải làm những công việc mà con không phải làm như vậy. Con cũng được sinh ra như các bạn, đều có cha và có mẹ, nhưng Mẹ ơi! Con muốn mẹ nuôi tất cả các bạn ấy, con muốn các bạn ấy cũng như con, cũng được mẹ chăm sóc như chăm con vậy.

     Những lời này tôi đã viết trong trái tim, và bây giờ, tôi viết lên giấy trắng để tất cả chúng ta có thể đọc được, hiểu được những suy nghĩ của tôi. Tôi thấy thương các bạn cùng trang lứa như chúng ta mà không được đi học, không được cha mẹ chăm sóc như chúng ta. Đã có dịp tôi được nhìn những bạn đi với những túi hàng rong trên các con phố Hà Nội. Nhưng chẳng ai để ý đến các bạn, mọi người thờ ơ. Lần đầu tiên khi nhìn thấy cảnh các bạn mời mọi người mua hàng, tôi không hiểu các bạn làm gì. Sau này khi hỏi mẹ, mẹ nói cho tôi nghe. Tôi thấy hạnh phúc trong làn nước mắt và thương các bạn. Quả thật đó là những điều mà tôi chưa từng biết, phải chăng một đứa trẻ luôn sống trong sự bao bọc của bố mẹ, sự che trở của gia đình như tôi không bao giờ hiểu được những cảnh tượng đó. 
   Nhưng không! Tôi đã hiểu rồi. tôi thấy thương các bạn. Những lời này tôi viết tặng các bạn. Các bạn cố gắng vượt qua khó khăn, hãy vui lên dù bên cạnh không có ba, có mẹ, nhưng hãy nhớ rằng, ba mẹ không phải lúc nào cũng hiện hữu bên ta, ba mẹ luôn trong trái tim ta. Ba mẹ chính là giọt nước mắt khi bạn buồn, những nụ cười khi bạn vui. Và hãy có niềm tin,… “niềm tin chiến thắng, sẽ đưa ta đến bến bờ vui, niềm tin chiến thắng,…luôn mãi trong tim mỗi chúng ta”.

                                                                               NGUYỄN THANH TÂM

MƯA MÙA HẠ

   Chắc hẳn ai cũng nghe cái tiếng “tí tách” hay “ào ào” của mưa. Mưa phùn, mưa bụi mùa xuân, cơn mưa mùa hạ,…Nhưng đặc biệt nhất với tôi vẫn là cơn mưa rào đầu mùa hạ.
     Buổi chiều, không khí bao trùm vẻ nặng nề như muốn sập đổ xuống. Bầu trời tối sầm lại. Những đám mây kéo lại với nhau tạo thành một khối đen sì, nặng trịch và dày đặc che kín cả một mảng trời. Trong làn gió nghe như những hơi nước. Những con mối bay tứ tung trong không khí. Đàn kiến nặng nề rời tổ. Người đi đường càng lúc càng thưa thớt bởi họ biết rằng sắp có một cơn mưa lớn.
    Rồi “lẹt đẹt, lẹt đẹt”;: mưa đến, nhanh như một cái chớp mắt. Mưa ào ạt rơi xuống như những mũi lao. Trời và đất hòa vào nhau tạo thành cái mùi nồng nồng, ẩm ướt. Mưa hối hả, hối hả rơi. Mưa từ lưng trời tuôn xuống xối xả như cơn thịnh nộ của trời. Các giọt mưa đan vào nhau tạo thành một bức tường khổng lồ trắng xóa.
    Trước giờ trời khô khan bao nhiêu thì bây giờ lại khoan khoái, mát mẻ bấy nhiêu. Những tán lá rũ bỏ bụi trần, lộ ra chiếc áo xanh mơn mởn tuyệt đẹp. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe lao nhanh làm bắn nước mưa lên vỉa hè. Nước cuồn cuộn chảy vào cống rãnh đục ngầu mang theo rác rưởi. Mái nhà vang lên những tiếng “lộp độp” thật mạnh. Một tia chớp lóe lên, xé ngang bầu trời. Kế đến là những tiếng sấm vang rèn cả không gian. Mưa vẫn cứ rơi, cứ rơi…
     Mưa ngớt hạt rồi tạnh, cúng nhanh như lúc nó đến. mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran. Còn lũ chim sẻ thì thi nhau chuyền cành, ríu rít gọi bạn. Mặt trời bắt đầu ló ra, chói lọi trên những vòm lá lấp lánh nặng trĩu nước đón chào một ngày mới.
                                                                                                     
                                                                                                                             PHẠM LAN CHI