Tìm kiếm Blog này

23 tháng 3, 2013

HOA TÌNH BẠN


  Trời tháng ba. Mấy chú chích gọi nhau: “Lích chích! Lích chích!” đem nụ cười dệt nên nắng mùa xuân. Và nắng mùa xuân lại dịu dàng vuốt má những đứa trẻ đang chơi trên cái sân của bệnh viện làm má chúng đỏ hồng lên xinh quá.
   Hơ Len là một cô bé người dân tộc rất dễ thương nhưng một tai nạn đã làm cho đôi mắt đáng yêu của cô bé không còn biết cảm nhận những tia nắng tươi vui. Từ bấy đến nay, Hơ Len lắng nghe cuộc sống bằng trái tim của mình.
   Bây giờ Hơ Len đang tưới nước cho những cây hoa sữa của cô bé...
-  Ối trời mưa, mưa rồi bà ơi! – một tiếng nói vọng lên từ ban công tầng dưới.
Hơ Len đưa tay ra ngoài trời, vài đốm nắng be bé, xinh xinh đậu trên tay cô bé hệt như mấy cánh bướm đang khẽ khàng đung đưa
-  Không đâu bạn ơi, nắng ấm thế này, đâu có mưa?.
À… xin lỗi – Hơ Len nhấc bình tưới nước lên - Mình vẫn chưa quen dùng cái bình xịt này, xin lỗi bạn nhé!
- Mình không sao đâu…Cậu là Hơ Len phải không?
- Ừ sao biết?
   Nga tên cô bé ở ban công tầng dưới – không muốn nói rằng chính lúc này đây cô bé đang nghĩ về Hơ Len, về lời kể của bà và chuyện hôm qua nữa. Chiều qua, khi đi qua hành lang phòng của Hơ Len, Nga đã nghe thấy tiếng nức nở và những lời lo lắng của mẹ Hơ Len,  những lời chan chứa yêu thương từ trái tim một người mẹ, những lời mà sẽ chẳng bao giờ Nga được nghe từ mẹ thân yêu. Và cô bé chợt nghĩ nếu đôi mắt của Hơ Len được chữa lành thật sớm chắc bố mẹ Hơ Len sẽ mừng vui lắm.
-  Này, sao bạn biết mình tên là Hơ Len?
-  À… bạn là bệnh nhân người dân tộc mới vào viện chứ gì?
-  Ừ còn bạn?
-  Mình tên Nga.
-  Nga lên chơi với mình được chứ?
-  Cũng được. Hơ Len chờ mình.
Từ buổi hôm đó, Nga hay lên chơi với Hơ len rồi chúng trở thành đôi bạn thân, lúc nào cũng ríu rít như đôi chim non trên cành.
-  Hơ Len à, Nga bỗng thấy… sao mà nhớ quá bãi cát bỏng giãy chân người, nhớ quá tiếng sóng vẫy gọi bờ những đêm thổn thức, nhớ quá tiếng gió vẫn vọng về chăn trở… nhớ quá, nhớ quá đi sóng biển quê Nga.
-  Nga nhắc làm Hơ Len cũng thấy nao nao trong bụng. Hơ Len thương sao những buổi vàng hoe nắng, Hơ Len theo mẹ lên rẫy bẻ ngô, thương sao những cơn mưa rừng làm dạy lên mùi thơm của đất, thương sao những cánh hoa ê-pang sáng chói mặt trời, thương sao tiếng cồng chiêng đêm đêm dập dìu…
-  Quê Hơ Len đẹp thật, dịp nào Nga sẽ đến thăm.
-   Hơ Len cũng muốn đến vùng biển quê Nga, nghe con sóng ngoài xa gọi bờ, nghe xem cái bờ cát nó có bỏng hay không?
-  Hơ Len hứa nhé!
Hai cô bé cùng hướng lên bầu trời, cười thích thú. Cả Nga và Hơ Len đều không biết các vì sao trên kia cũng đang nháy mắt với nhau, cười vui vẻ, rồi ngày Hơ Len mổ mắt cũng đến. Ca mổ đã thành công, hết sức thành công. Giờ Hơ Len chỉ còn chờ tháo băng nữa. Những ngày này, Nga vẫn đến chơi với Hơ Len. Hai cô bé cùng tưới hoa và trò chuyện.
-  A!, giờ Hơ Len mới nhớ Nga bị bệnh gì mà phải vào đây thế?
-  Nga bị…bị gãy chân phải nằm theo dõi đó. Nhưng Nga không sao, Hơ Len đừng lo lắng quá. Bác sĩ đã dặn Lơ Len không được xúc động mà.
- Nga biết không thực ra có hai cô bé bị mù trong viện là Hơ Len và một cô bé nữa. Nhưng cô bé kia đã nhường cho Hơ Len mổ trước bởi ca mổ này khó lắm, cả viện chỉ có một phòng mổ được trang bị đầy đủ thôi. Cô ấy thật tốt. Bố mẹ Hơ Len hỏi mãi mà không biết được cô bé đó là ai để cảm ơn. Bác sĩ bảo cô bé ấy không muốn cho biết tên.
-  Dù sao cô bé ấy cũng sẽ được mổ. Hơ Len đừng nghĩ nhiều quá!.
-  Nhưng cô bé ấy đã nhường ánh sáng cho Hơ Len. Cô ấy tốt thật đấy.
-  Ngày Hơ Len tháo băng, bố mẹ, nhất là Hơ Len mừng lắm. Hơ Len thấy vui nhưng cũng không thấy Nga. Tại bác sĩ không cho Hơ Len rời khỏi phòng nên Hơ Len không tìm Nga được. Sao Nga không đến thăm Hơ Len? Hơ Len đang nằm một mình trong phòng, mắt cô bé vẫn nhắm lại, cô bé muốn tặng Nga sự bất ngờ. Bỗng nhiên Hơ Len nghĩ đến cô bạn đã nhưng ch cho Hơ Len mổ trước. Hơ Len đang nghĩ thì…
- Hơ Len ơi!
  Nhận ra giọng thân quen, Hơ Len ngồi dậy:
- Nga đấy à?
- Bước vào căn phòng là một cô bé nhỏ nhắn với hai bím tóc đáng yêu và làn da rám nắng:
- Nga lại gần đây,, ngồi đây…- Hơ Len cuống quýt, cô bé mừng quá. Rồi Hơ Len mở choàng mắt, tia nắng dịu dàng không làm cho Hơ Len thấy chói như khi bác sĩ chiếu đèn vào mắt Hơ Len.
- Ôi Nga cậu đấy ư?
- Hơ Len! Chúc mừng Hơ Len nhé!
- Cậu dễ thương thật đấy, hơn Lơ Len nghĩ trong bụng nhiều.
- Nga ơi…- Nhận ra điều gì đó trong mắt Nga, nụ cười Hơ Len vụt tắt.
- Ơ!, Nga…
Nga vẫn nhìn Hơ Len mỉm cười:
- Sao vậy Hơ Len?
Hơ Len vẫn nhìn chăm chăm vào đôi mắt đen láy của Nga…một giây…hai giây…ba giây…thảng thốt, mắt Hơ Len nhòa đi…
Hơ len ôm choàng lấy Nga:
-  Nga ơi !mình không ngờ, mình xin lỗi… Hơ Len không biết Nga là…
-  Không sao đâu Hơ Len – Nga vẫn cười hiền hậu – Giờ thì Hơ Len đã nhìn thấy rồi. Vui quá Hơ Len ơi.
-  Nga ơi, dù chúng mình cách nhau nhiều con sông, cái suối, cách nhau nhiều đường ngắn đường dài, mình vẫn mãi không quên nhau, mãi thương nhau, mãi giúp nhau Nga nhé!
   Hơ Len vẫn đang ngồi nói với Nga những điều cô bé thấy.
Những bông hoa ngoài kia đã nở đẹp tươi như tình bạn của hai cô bé. Chỉ có chúng mới hiểu: Nga là cô bé mù đã nhường ánh sáng cho Hơ Len…
                               Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                                NGUYỄN NGỌC DIỆP
                                                 LỚP 7 M - THCS TRƯNG VƯƠNG - HÀ NỘI
                                                   NĂM HỌC  2004 - 2005    


 BỨC TRANH XINH XINH

Con ong ăn sữa bông hoa
Vừa ăn vừa đứng lấy đà bay lên
Hoa sen ăn sữa cành sen
Vừa ăn vừa cấy ngọn đèn xuống đêm
Con tằm trốn gió nằm nan
Vừa ăn vừa kéo tơ làm chỉ khâu
Con vịt mày vội đi đâu
Vừa ăn vừa rửa mỏ vào máng ngô
Kiếm được hạt tấm thơm tho
Vừa ăn con kiến vừa bò tìm con
Chú bò chở cá về thôn
Vừa đi vừa rứt cỏ non dọc đường
Chú ngựa đi giữ biên cương
Vừa phi vừa ngoạm màn sương trên trời.

                                       Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                                NGUYỄN NGỌC ANH
                                                 LỚP 7 E - THCS TRƯNG NHỊ - HÀ NỘI
                                                   NĂM HỌC  2004 - 2005    

NHỮNG ĐÁM MÂY ẤM ÁP

  Ai ăn kẹo bong không”? Ai ăn kẹo bông k..hôn..ng?”
…Mỗi sáng bố mẹ đều bắt đầu bằng những tiếng rao ấy. Cái xe đạp cọc cạch đưa bố đến khắp các ngõ hẻm từ các trường học đến cho đến những con phố xa xôi tít tắp. Trước khi đi bao giờ bố cũng chằng cái dụng cụ lên xe. Bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh: nào đường, nào máy quay, nào hộp đựng tiền… thế nên bố luôn vội vã.
   Hồi đó, nhà tôi rất nghèo nhưng mỗi khi xe kẹo của bố dừng lại trước cổng trường thì những que kẹo bông to tướng ngọt ngào bố dành cho tôi luôn là niềm tự hào, hãnh diễn với tụi bạn. Còn tôi, cứ nghĩ bố phải  “thần thông” lắm mới làm được những chiếc kẹo bông từ những hạt đường nhỏ xíu.
Những que kẹo mang lại nụ cười trên môi tôi.
Mẹ hay kêu ca bố hay tham công tiếc việc quá, có hôm tối mịt mới về. Bố mủm mỉm cười giải thích “là để chọn cho cậu bé quyển sách này”. Quyển truyện Anđécxen tôi ao ước từ lâu, nằm lọt thỏm trên bàn tay bố. Đôi bàn tay quay kẹo nhanh thoăn thoắt, đôi bàn tay chai sần nứt nẻ bỗng trở nên lúng túng, ngượng ngập khi cầm một quyển sách trẻ con, kể cũng lạ thật. Bố đi sớm hơn, về muộn hơn và tôi có thêm cái bút, quyển vở. Nhưng kéo theo đó là gương mặt bố thêm gầy gò, hốc hác. Với cái xe kéo đơn giản hơn, với cái hộp đựng toàn tiền lẻ, bố đã dắt tôi qua thời thơ ấu thiếu thốn mà đầy ắp tình thương.
Chẳng khi nào tôi quên được hình ảnh bố gắn liền với những que kẹo bông trắng trắng hồng hồng. Bố đã bán chúng trên khắp nẻo đường rong ruổi ấp áp cả cuộc đời tôi.

                                      Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                                VŨ CÔNG THÀNH
                                                 LỚP 8B - THCS TRƯNG NHỊ - HÀ NỘI
                                                   NĂM HỌC  2004 - 2005    


9 tháng 3, 2013

BẦY CHIM BỒ CÂU CỦA CÔ TẤM


     Mặt trời đã lên cao. Những tia nắng ấm áp chiếu rọi khắp mặt  đất. Sau khi đã chuẩn bị quần áo, đầu tóc tươm tất. Sau khi đã chuẩn bị quần áo, đầu tóc tươm tất, tôi chào bố, chào mẹ rồi tung tăng  chân sáo tới trường.

Lớp học của tôi là một căn phòng nhỏ, biệt lập khỏi trường, ở phố Bắc Sơn, vì cơ sở vật chất của trường còn nghèo. Mỗi năm một lớp phải “đổi phiên” ra “vùng sâu, vùng xa”. Năm nay là lớp tôi. Giờ vào lớp ở trong trường báo hiệu bằng tiếng trống, chứ chúng tôi thì nghe tiếng gõ thước của cô giáo là ùa về, hệt như bầy chim cổ tích của cô Tấm cất tiếng gọi!Cô chép đề lên bảng: “Hãy kể một việc tốt mà em đã làm”. Mình đã làm bao nhiêu việc tốt rồi? Việc tốt nào có thể kể được? Đi mua rau cho mẹ có phải là việc tốt không?Kể chuyện mua rau cho mẹ thì chán chết - Tôi nghĩ. Bỗng cô giáo đi ra ngoài cửa. Thập thò ở đó một mái tóc hoe vàng. Ghé mắt nhìn ra, tôi bắt gặp một đứa con gái chừng mười tuổi. Trông nó có vẻ gầy yếu. Nó ngước cặp mắt lo ngại về phía cô, chìa hai bàn tay trơ xương vẫn đang còn run cầm cập. Nhưng không phải vì nó rét. Vẫn  giữ thái độ ngạc nhiên, cô giáo hỏi:
Em có việc gì thế?
- Dạ, thưa cô! Em ở huyện lên. Em phải đi nuôi mẹ ốm ở bệnh viện. Vì vậy em muốn….muốn… cô giúp cho để em có tiền cho mẹ thuốc thang chữa bệnh.
Cô lại gần còn bé và hỏi vài câu gì đó. Lũ học sinh chúng tôi đứa nào cũng tò mò dõi mắt ra cửa. Lát sau cô trở vào lớp:
- Bạn nhỏ này bằng tuổi các con đấy!Nhưng bạn ấy phải nghỉ học đi nuôi mẹ bị liệt đang điều trị dài ngày ở bệnh viện. Bạn ấy cần giúp đỡ!
    Thằng Khang béo chợt thốt lên:
- Con bé này nó lừa đấy cô ạ, mẹ em bảo ăn mày toàn thế!
Cả lớp xôn xao. Đứa con gái nghe vậy, mặt tái xám, đứng bíu tay vào cánh cửa, ánh mắt tuyệt vọng.
Nhưng cô ra hiệu trật tự:
-  Cô kiểm tra rồi! Bạn nhỏ này quê ở Quốc Tuấn, Nam Sách. Và cô đọc bài thơ “ Dặn con” của Trần Nhuận Minh, và giải thích cho cả lớp nghe đại ý : nếu ăn mày đến cửa, con đừng thả chó ra: “lòng tốt gửi vào thiên hạ - biết đâu nuôi bố sau này”
Chúng tôi nghe cô giảng bài học đạo đức mà như nghe cô kể chuyện. Lặng đi. Bỗng  thằng An giơ tay:
- Thưa cô, em có 1000 đồng.
Thằng An nhà nghèo, tính lại hà tiện, xưa nay chẳng thấy nó cho bạn bè cái gì, thế mà… Từ thằng An cả nhóm cái Ly, cái Hoa nữa:
- Dạ, thưa cô em cũng có 1000 đồng!
- Em có 1500đồng!
Cô giáo mỉm cười hiền hậu gật đầu:
- Cảm ơn các em nhiều lắm!
Đứa con gái cũng không còn run nữa, nó nhìn chúng tôi, vẫn cái nhìn lặng lẽ “Phong trào”của cô phát động được cả lớp hưởng ứng. Cả tiếng Khanh béo:
- Cho tớ mượn 1000 đồng!
Tôi cũng sờ vào cặp. Hôm nay mẹ cho 2000 đồng ăn sáng tôi vẫn chưa tiêu gì. Thế là tôi chạy lên nộp luôn cho cô. Khi “Phong trào” kết thúc cô gom tất cả số tiền đưa cho dứa bé gái. Con bé xúc động:
- Cảm ơn cô! Cảm ơn các bạn!
Cô đặt lên vai đữa con gái dặn dò:
Thôi em mau về đi kẻo mẹ lại mong.
Đứa con gái chào chúng tôi rồi ra về. Cô giáo trở lại lớp học.
- Các em ngoan lắm, như vậy là các em đã biết giúp đỡ bạn bè, làm được việc tốt. Còn bây giờ tiết học kết thúc rồi, bài văn các em sẽ về nhà làm. Chắc đề văn này với các em chẳng còn khó khăn gì nữa.
Cô lại gõ thước. Lũ học trò ùa ra sân vui sướng hệt như bầy chim câu vừa nhặt xong thóc cho cô Tấm.

                                               Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                               LÊ THANH XUÂN
                                          LỚP 7/2 THCS LÊ QUÝ ĐÔN- TP HẢI DƯƠNG
                                              NĂM HỌC  2004 - 2005    


 MIỀN CỔ TÍCH

Con về đây về miền cổ tích
Gặp cánh đồng lắm tấm vàng cỏ dại
 Xa xa một dải đê dài

Con lần về miền cổ tích
Với căn nhà hễ trời mưa là dột
Bên ngoài gió rít từng cơn
Con đường làng đã mấy lần thân quen

Con về đây về miền cổ tích
Gặp lũ bạn thân quen
Bùn đất lắm lem.
Niềm vui nụ cười.

Con về đây
Đồng lúa mêng mông
Cánh hoa đồng nội bỏ ngỏ
Con nhớ nơi đây
Miền cổ tích hôm nào.

Với những trưa nắng hè gay gắt
Dưới tán lá bàng cũng lũ bạn thân
Tiếng gà trưa, gợi lại nỗi nhớ.
Nỗi nhớ nơi đây.

Với những buổi sớm tinh mơ
Tiếng chim hót lòng con mơ màng quá
Tuổi thơ con của nơi đây
Cùng những buổi chăn trâu.

Vui cùng những con sông
Giếng nước mênh mông
Tình yêu dào dạt
Làm con tiếc nuối
Những ngày xanh…

Quê hương yêu dấu ơi!
Những trưa hè
Lặng yên nghe tiếng ve
Ngân nga điệp khúc làng quê trong vòm lá.

                                             Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                                DƯƠNG THU LIÊN
                                            LỚP 8A7 THCS NGÔ GIA TỰ - HÀ NỘI 
                                        NĂM HỌC  2004 - 2005    


SAU CƠN MƯA TRỜI LẠI SÁNG


      Tôi tên là Hiền. Năm nay tôi đã lớn, mà lúc nào cũng chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường. Tôi chưa bao giờ được đến trường nhưng tôi cũng mong muốn một ngày nào đó, tôi sẽ được tung tăng cắp sách tới trường như bạn bè cùng trang lứa.
    Thực ra, trước đây tôi đã từng được nhảy nhót, vui chơi cùng chúng bạn, nhưng rồi một việc xảy đến với tôi. Năm tôi lên sáu tuổi, mắt tôi mờ dần, mờ dần. Tôi được mẹ đưa đi kiểm tra thị giác ở bệnh viện rồi họ có ý muốn cho tôi làm một xét nghiệm gì đó. Một tuần sau, tôi được bác sĩ kết luận: đã nhiễm chất độc màu da cam từ người cha. Cha tôi trước đây đã tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam – Hoa Kỳ trực tiếp chiến đấu ở mặt trận B ác liệt. Khi nghe được tin đó, cả tôi và mẹ đều suy sụp, mẹ  tôi đã khóc rất nhiều.
   Mắt của tôi cứ tiến triển theo chiều hướng xấu đi, và một ngày kia, bóng tối bao trùm trước mắt tôi. Kể từ đó, tôi như cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Nhưng chỉ có duy nhất Lan là người bạn hàng ngày vẫn sang chơi với tôi, đọc sách, kể chuyện cho tôi chẳng khác nào người chị gái. Nhưng rồi thời gian học tập đã chiếm hết thời gian Lan dành cho tôi. Tôi buồn, tôi muốn khóc, muốn hỏi tại sao ông trời lại bất công cướp đi đôi mắt sáng của tôi, để bây giờ tôi trở thành người thừa, người tàn tật, không có ích cho xã hội. Lúc đó tôi tự ti, mặc cảm, mẹ tôi đến bên tôi, an ủi tôi, dỗ tôi.
    Mẹ tôi hiểu tôi mơ ước được đến trường tới mức nào. Rồi mẹ mua nhiều sách chuyện cho tôi, mẹ nhờ Lan đọc cho tôi nghe, mẹ còn dẫn tôi ra ngoài chơi. Nhưng chuyện đâu có được như ý, tôi bị đám trẻ con trong xóm trêu trọc, hắt hủi. Tôi buồn, và từ đó tôi lại chỉ ở nhà với cha mẹ, với Lan.
   Thế rồi, chắc ông trời cũng đã hiểu được lòng người, biến giấc mơ của tôi trở thành hiện thực. Tôi được vào học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, nhờ sự giúp đỡ của các bác Ủy ban nhân dân phường. Tôi được học chữ nổi, được giao lưu, trò chuyện với thầy cô giáo và các bạn giống tôi. Họ không châm chọc mà động viên tôi cố gắng. Bước đầu, những con chữ nổi quả là một thách thức lớn đối với tôi. Gia đình tôi chẳng khấm khá gì, nhưng mẹ tôi đã chắt chiu để mua cho tôi chiếc máy chữ. Thế rồi tôi ở nhà đánh máy thuê cho mọi người. Tôi cũng biết, tôi làm vậy,  sao sống bằng những đồng tiền ít ỏi được, nhưng dù sao cũng nên góp được chút đỉnh để giúp cho gia đình.
    Về sau, mẹ tôi xin được đan thuê những đồ may tre, kiếm thêm cho thu nhập. Tôi cũng đòi mẹ cho học nghề. Lâu dần, tôi thành thạo cũng đan được những chiếc mũ nan đầu tiên, rồi rổ rá giúp mẹ. thế là gia đình tôi có thêm thu nhập ngoài đồng lương ít ỏi của bố mẹ và công đánh máy chữ của tôi.
   Do có thành tích tốt, tôi được nhất trường cho đi học tin học và tôi có tấm bằng tin học trong tay. Tương lai tôi được mở rộng hơn trước.
   Tuy sự cố gắng và thành công của tôi còn ít ỏi lắm, nhưng đó cũng là nguồn động viên tôi nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống. Tôi thấy hạnh phúc đã mỉm cười với tôi, hơn bao giờ hết tôi mong muốn một ngày nào đó, tất cả các bạn giống tôi đều có một cuộc sống tốt hơn. Tôi còn mong ước đừng bao giờ có chiến tranh xảy ra, bởi nó đã gây ra nhiều đau khổ cho mọi người
                                  
                                              Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                               NGUYỄN DIỆU LINH
                                                 LỚP 6C THCS TRƯNG NHỊ - HÀ NỘI
                                             NĂM HỌC  2004 - 2005