Tìm kiếm Blog này

19 tháng 8, 2011

EM YÊU HÀ NỘI

     Năm 1975 đất nước đã được thống nhất , ngôi nhà Cung Thiếu nhi Hà Nội  được xây dựng khang trang. Bên cạnh phòng đọc sách, một Câu lạc bộ Văn học thiếu nhi ra đời. Nhiều nhà văn , nhà thơ tâm huyết với sự nghiệp văn học cho trẻ em đã tự nguyện tham gia sinh hoạt văn học với thế hệ trẻ Hà Nội. Từ các nhà văn lớn tuổi Như Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Ngọc Bình, Phạm Hổ, Hà Ân…. Đến các cây bút đàn em như Định Hải, Quang Huy, Nguyễn Thị Vân Anh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Phương Liên, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Hường Lý… đã là cộng tác viên thân thiết với Câu lạc bộ Văn học. Thời kỳ này nhiều hoạt động tham quan thực tế đã được Cung thiếu nhi chức: tham quan Tam Đảo, thăm các chú bộ đội cao xạ pháo bảo vệ Thủ Đô ở trận địa Gia Lâm, Thăm Trường thương binh hỏng mắt phố Nguyễn Thái Học, thăm khu “Nuôi dưỡng bố mẹ liệt sĩ cô đơn”… Dưới sự tận tâm đặc biệt của hai nhà thơ Phạm Hổ và Định Hải, nhiều bài thơ của các em đội viên đã như mầm xanh nảy nở để lại một dấu ấn  tươi mát ghi nhận bước đi đầu tiên của Câu lạc bộ văn học – Cung Thiếu nhi Hà Nội.
   Bước sang thời kỳ đổi mới, dưới ảnh hưởng của cơ chế thị trường, nhiều cơ sở công ích phục vụ thiếu nhi tưởng chừng không thể tồn tại được. Vượt qua khó khăn thử thách, Cung Thiếu nhi Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động văn học cho trẻ em. Các nhà văn, nhà thơ  nòng cốt của phong trào văn học thiếu nhi vẫn sát cánh cùng cán bộ phụ trách Câu lạc bộ văn học duy trì từng buổi sinh hoạt bổ ích. Với tầm nhìn vào tương lai, các nhà văn lớn ở vị trí lãnh đạo văn học nghệ thuật  đã thường xuyên quan tâm và dành thời gian cho thiếu nhi Hà Nội: Nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Hoàng trung Thông, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Trần Đăng Khoa…
    Liên tục những năm 1996, 1999 các cuộc thi sáng tác thơ văn của thiếu nhi Hà Nội được phát động. Mùa hè năm 1999, Trại sáng tác thiếu nhi Hà Nội được tổ chức tại khu nghỉ mát Quảng Bá. Các em đội viên văn học ngày ấy vô cùng sung sướng được gặp được gặp các nhà văn tiêu biểu cho Văn học Việt Nam.
   Bước sang những năm đầu thế kỷ 21, một lớp thiếu nhi mới sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trẻ em được chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất cũng như tinh thần. Từ năm 2000 đến 2004 số lượng các em thiếu nhi đến sinh hoạt câu lạc bộ văn học càng ngày càng tăng lên. Cuộc thi sáng tác “Em yêu Hà Nội” do Cung thiếu nhi Hà Nội phối hợp với báo Hà Nội mới tổ chức trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng thủ đô đã thành công tốt đẹp, thể hiện bước tiến bộ đáng kể của phong trào sáng tác  thiếu nhi Hà Nội. Mỗi sáng tác của các em thiếu nhi tuy còn mong manh non nớt, nhưng đều là kỷ niệm vô giá của từng em nhỏ, đều in bóng dáng của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã đến với Câu lạc bộ văn học trong bao nhiêu ngày mưa nắng đã qua.
   Năm mươi lăm năm, mấy thế hệ vun trồng, nay đã có một vườn xanh văn học tuổi thơ Hà Nội xin gửi tặng các bạn yêu thích thơ văn những bài văn, bài thơ được tuyển chọn từ trăm ngàn bài viết của các em thiếu nhi Hà Nội trong mấy chục năm qua .

                                                                                      PHẦN I

   CÂY NẾN ĐỎ

       TUYỂN TẬP CÁC BÀI VIẾT ĐẠT GIẢI 
         “EM TẬP VIẾT VĂN LÀM THƠ" NĂM 1999

             

  
Tạ Hương Nhi
Lớp 8G THCS Nguyễn Trường Tộ
Quận Đống Đa
(Năm học 1998-1999)

CÂY NẾN ĐỎ
(GIẢI A)
                              (Tặng Vũ – cô bạn gái, nhân vật thứ hai giấu mặt)
      Có một cô bé với một cây nến đỏ thường xuất hiện mỗi tối thứ bảy ở một chân cầu thang. Cô bé đánh một que diêm, châm vào ngọn nến và cây nến cháy bùng lên. Cô bé nhín cây nén, mắt cô bé cười. Sau trong ngọn lửa, cô bé thấy khuôn mặt người bạn trai mà cô mến, người bạn gái luôn đồng cảm với cô, ban nhạc yêu quý của cô, tập thể mà cô luôn gắn bó. Cô cười bởi cô được sống đầy đủ, có gia đình, có bạn bè  để cô yêu thương và những điều để cô mơ mộng. Cô châm vào ngọn lửa tất cả những gì cô có trong tay: một chiếc lá xanh, một cành lá úa, một sợi tóc, một mảnh giấy ghi những chuyện không vui…Trời nổi gió, nhưng ngọn nến không tắt vì cô đã choàng tay che cho nó. Cô tin tưởng một cách ngây thơ rằng nếu cô chỉ rời ngọn nến một giây thôi mà nó tắt, chính là cô đã để tắt đi những hy vọng của mình. Cô là một cô bé mơ mộng. Cô bé cười và tin rằng nụ cười của mình thật đẹp. Vì cuộc đời cô phẳng lặng và êm ả. Cô bé đã không thấy, ngon lửa đã không chỉ cho cô bé thấy những khó khăn của cuộc sống ngay sát bên cô. Đến bây giờ, cô mới chỉ biết hạnh phúc và hy vọng. Ngọn nến chảy mau dần, nhưng ánh phản chiếu trên nụ cười của cô bé vẫn không bớt phần vui vẻ.
   Từ cầu thang, một thanh niên đi xuống. Cô bé ngước nhìn, rồi lại đưa mắt đi ngay. Cô đã có một ngọn nến để quan tâm, chẳng có gì làm cô chú ý nữa rồi. Anh ta cất tiếng hỏi “ Sao hả, việc gì phải để cho cây nến tắt!” rồi chẳng đợi trả lời, anh ta vội vã bước đi. Cô bé mỉm cười nhủ thầm: “Nó sẽ không bao giờ tắt”.
     Một lát sau, lại một bác trung niên: “ Cẩn thận không bỏng đấy cháu”. Cô bé hơi dịch chân ra và mỉm cười, một nụ cười bao dung như khi  ta cười một đứa bé vẽ ông mặt trời đủ cả mắt mũi. Người lớn bao giờ cũng đánh giá những việc làm của trẻ con là “rất tre con” nhưng họ chẳng bao giờ hiểu được rằng trẻ con đánh giá họ thế nào? Tại sao lại có thể đề phòng chuyện bỏng hay cháy vài sợi tóc trước trán khi ngọn nến đem lại cho ta bao niềm vui? Cô bé nói thầm với cây nến: “ ABBA ơi, bây giờ ABBA đang làm gì? Có biết ở Việt Nam em đang nghĩ tới ABBA từng phút”. Còn một cái tên nữa, cô bé rất muốn nhưng lại ngại nói ra…Rồi ngọn lử cũng lụi đi. Cô bé lại mỉm cười, chìa tay với nhũng gì còn lại của cây nến với một niềm luyến tiếc rồi nhảy lên cầu thang, bóng cô ngả dài đầy thoải mái và vô tư lự. thoán chốc, cô bé đã biến mất sau bức tường đã ám khói.
     … Bẵng đi mấy tuần, cũng có thể là mấy tháng, không nhìn thấy ánh nến chập chờn mỗi chiều thứ bảy. Rồi bỗng chủ nhật ấy cô bé lại đến. Cũng một cây nến đỏ trong tay. Ngọn lửa lại lung linh chân cầu thang. Nhưng cô bé không nhìn ngọn lửa với vẻ sung sướng ngập tràn như trước nữa. Cái nhìn ấy đăm chiêu hơn, suy nghĩ hơn, và cũng buồn hơn – không, đừng hiểu lầm! Không phải cái buồn mà các cô bé ở tuổi này thường vướng phải đâu. Chỉ vì từ bấy đến nay, cô đã đọc nhiều và hiểu nhiều. Jack, London, Gocrki… tất cả đã đưa cô đến  một chân trời mới. Và không chỉ có thế. Có những điều mà dù muốn, cô bé cũng không thể làm ngơ… Bây giờ ngọn lửa, bên cạnh tập thể lớp đây gắn bó, người bạn gái thân thiết với cô, người bạn trai mà cô mến…Cô còn nhìn thấy những cụ già lạnh cóng chân, những em bé đi nhặt rác… Họ rét, và bao nhiêu ngọn lửa này họ cũng đang cần đến? Những ngọn lửa… Cô cũng không thể quên những ngôi nhà giờ này đang bốc cháy ở một nơi xa xôi nào đó trên đất nước Nam tư… Cả lần này nữa, ngọn nến cũng chỉ cho cô điều đó, nhưng bây giờ cô đã lớn hơn nhiều. Cô bé khẽ rùng mình, mặc dù cô đã mặc mấy chiếc áo len. Chiếc lá trên tay cô đã cháy gần hết, sức nóng làm cô giật mình và hất tay ra. Đốm lửa nhỏ lóng lánh rơi xuống đất. Đẹp thật cô bé nghĩ. Một đốm lửa giữa đêm. Cô bé lần lượt châm những mảnh lá vào ngọn nến và tung lên. Những “mảnh sao” lại liên tiếp rơi xuống. Mỗi đốm lửa là một điều ước, cô bé tự nói với mình. Và chợt tiếc tại sao không nghĩ ra sớm hơn. Nếu có điều ước thật thì mình sẽ ước gì nhỉ? Cô bé tưởng tượng một cô tiên sáng bừng hiện ra bên cạnh. Cô tiên mang gương mặt của Agenetha “Ta cho em một điều ước. Một và chỉ một mà thôi”. Ước gì? Cô bé đã từng mong được gặp ban nhạc của cô. Mong lắm. Nhưng cô không nói ra. Cô nói điều khác: “Ước cho mọi em bé trên đời này đều có những điều mà yêu mà mơ ước”. Cô tiên biến mất, chỉ có một con mèo hoang đang đi chơi đêm hoảng hốt chạy đi. Người ta bảo liên hệ được với phù thủy bởi chúng biết nhìn trong đêm. Có phù thủy thật không nhỉ? Và nói chung có những điều kỳ diệu hay không? Chắc là không bởi vì nếu có thì thế giới này đã khác. Ngọn lửa chậm chờn rồi tắt ngấm. Cây nến vẫn còn một phần ba. Cô bé đánh diêm châm nến, chợt nghĩ tới cô bé bán diêm. Rồi cô nghĩ tới nước
Đan Mạch. Đó là một một nước tư bản và xã hội chủ nghĩa. Hai điều đó mới khác nhau làm sao. Vậy mà dường như không còn danh giới. Vì ở nước Nga, ở Việt Nam hay ở Cu – ba vẫn có những chủ công ty giàu có, những công nhân nghèo khổ và những người thất nghiệp đó thôi? Cô suy nghĩ. Nghĩ về những điều cô bạn gái đã nói với cô. Và cô  mơ ước. Mơ ước đến một thế giới thực sự hòa bình. “Ý nghĩ này có vẻ sáo mòn quá hả?” Cô bé tự diễu mình. Nhưng dù sao, cô vẫn muốn có một ngày thế giới được thay đổi hoàn toàn. Ai sẽ là người làm việc ấy? Giá mà cô có thể làm được điều gì…Cô bé tự hỏi mình: “Việc gì mình phải lo lắng những điều ấy chứ? Đó là những chuyện của những người lớn. Còn mình, mình chỉ cần học giỏi, thế thôi”.
 Nhưng cô biết rằng cô không nghĩ vậy…” Tại sao con người không chỉ bằng lòng với đủ, mà bao giờ cũng muốn thừa? Của cải thừa thãi… Những cuộc chém giết…Giọng của ông mục sư già hàng đêm vẫn đều đều giảng kinh về đức cam chịu…Tất cả đều thật vô ích và vô nghĩa. Những nhà tư bản kêu rằng người cộng sản là kém đức tin. Còn họ, mỗi lần lên nhà thờ đều thề thốt trung thành với Chúa, với lời răn dạy chịu nghèo khổ, nhường phần sung sương cho kẻ khác để được lên nước trời. Nhưng, về đến nhà thì lại vắt óc ra mà nghĩ xem nên dùng thủ đoạn nào để đánh bại đối thủ…Thế thì cái gì là thật? Trong trí óc và cách nhìn non trẻ của cô, điều đó khó mà quan niệm được. Mười bốn tuổi, liệu đã đủ cho người ta nghĩ đến những điều “ cao cả” như thế chưa? Không, cô bé khẳng định, để suy nghĩ thì không có tuổi nào là sớm cả.
     Cô bé liếc nhìn ngọn nến. Nó đã gần tàn. Và chắc cũng như lần trước thoi, nó sẽ bị tắt lịm đi đúng vào lúc cô kể với nó những ước mơ của mình. Cô bé thở dài và đúng dậy. Mặc dù đây là lúc ngọn lửa sáng và đẹp nhất. Cô không muốn nhìn thấy kết thúc của ngọn nến. trước khi quay đi, cô thầm thì: “Cho một trái đất xanh hơn”.
    Cô bước lên cầu thang. Mái tóc dài không tung tẩy như mọi lần. Cái bóng đổ dài cũng không còn vẻ thoải mái và vô tư lự. Cô phải đi. Ngày mai là một tuần mới với những bài học mới. Không biết trong những bài học ấy, có câu trả lời cho mơ ước của cô không?
     Và sau khi cô bé bước đi một bước lâu, lâu lắm, ngọn lửa vẫn còn sáng mãi, lung linh.
  
                                                *******************
  
Trần Thu Vân                                           
Lớp 8G THCS Nguyễn Trường Tộ
Quận Đống Đa
(Năm học 1998 – 1999)
  
                                                NỖI BUỒN
                                             (GIẢI B)

Sao mọc đầy trên những mảng trời đêm
Trẻ con thì mở xem phim đọ kiếm
Sao thật nhiều mà chúng chẳng chịu đếm
Để sao buồn lặng lẽ sao rơi


                  Mảnh vườn nhà trăng sáng chẳng ai chơ
Con dế tủi một mình  tấm tức
               Nào ai hiểu nỗi buồn thiên nhiên được
                     Ngoài tuổi thơ còn có ánh mắt tâm hồn…

Trẻ con không chơi người ta dẹp mảnh vườn
Thay vào đó quán cà phê gốc liễu
Không ai hiểu được thiên nhiên, không ai hiểu…
Trẻ con thì vẫn dán mắt xem phim.
                                                                                                                                                                                    3/8/1997
                                                 ********************
   
                                             TIỄN BẠN 
Tiễn bạn ra phi trường                                      
Đường khuya sương ướt mắt                 
Mai về miền xa lắc
Bạn có gì vấn vướng?

 Tám năm làm bạn học
Kỷ niệm đầy giọt sao
   Cách nửa vòng trái đất
Có giọt nào hư hao?

Tám năm làm bạn học
Trừ một ngày chia tay
Trả lại thời học sinh
Bạn hóa thành mây bay


       Tám năm làm bạn học 
   Day dứt bài thơ này
    Cả hai cùng òa khóc
         Như hai nhà thơ say


************************

THÔNG BÁO LỊCH HỌC
LỚP NĂNG KHIẾU VĂN KỲ III/2011
CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI

    Từ ngày 15/8/2011 bộ môn Văn học - Cung Thiếu nhi xếp lịch học 
     kỳ III như sau ( Tháng 9 - 10 -11-12 )

TT
TÊN LỚP
GIỜ HỌC
NGÀY HỌC
HỌC PHÍ
1
Văn NK lớp 5
8h00 - 9h15

Thứ bảy

525.000đ/ 3,5tháng
(300.000/tháng)
Tuần 1 buổi

2
Văn NK lớp 4
9h45 - 11h15
3
Văn NK lớp 3A
14h00 - 15h30
4
Văn NK lớp 3B
15h45 -14h00
5
Làm báo K7
8h00 - 9h15





Chủ nhật
630.000đ/3,5 tháng
(180.000đ/tháng)
Tuần 1 buổi

6
Làm báo K6
9h45 - 11h15
7
Văn NK lớp 7
14h00 -17h15
1050.000đ/ 3,5tháng
2ca – tuần 1 buổi

8
Văn NK lớp 6
17h30 -19h00
525.000đ/ 3,5tháng
(300.000/tháng)
Tuần 1 buổi



 1/  Kỳ III bắt đầu học từ 15/9
 2/  Phụ huynh học sinh và các em đăng ký học kỳ III tại phòng 
      A 205(Tầng 2 Cung Thiếu nhi HN – 36 Lý Thái Tổ)
 3/  Học sinh có nhu cầu thi tuyển năng khiếu liên hệ trực tiếp gặp 
      cô Hương ĐT: 0989915738



                                                             BỘ MÔN VĂN HỌC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét