Tìm kiếm Blog này

22 tháng 10, 2011

EM TẬP LÀM BÁO KHÓA II (TIẾP THEO)

QUÊ HƯƠNG

    Đã từ lâu lắm rồi quê hương đã in đậm trong tâm trí tôi. Từ những cánh đồng xanh mướt, mượt mà với đàn cò trắng bay dập dờn, với những người nông dân cần mẫn làm ra những hạt thóc, hạt cơm cho con người.
   Tôi yêu quê hương bởi nhiều lẽ, bởi nó là nơi ba tôi cất tiếng khóc chào đời, là nơi chứa đậm tuổi thơ khốc liệt của ba tôi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là nơi sinh ra bao nhiêu những chiến sĩ cách mạng hi sinh vì chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc.
    Một buổi sáng mùa hạ ở quê tôi đẹp biết bao! Những phiên chợ bắt đầu từ mạt trời chưa hé rạng. Các bà con nông dân bắt tay vào một ngày làm mới. Mấy cụ già rủ nhau đánh cờ hoặc ra vườn uống trà dưới gốc cây bàng xanh lá. Tụi trẻ con rủ nhau ra sân đình chơi, đứa thì chơi chuyền, đưa lại trốn tìm trông thật là vui tươi, hạnh phúc.
   Phong cảnh thiên nhiên ở quê tôi thật thơ mộng! Những đám sen tỏa hương nhè nhẹ, những hàng tre đu đưa rì rào trong gió như khúc nhạc làng quê. Các mái đình cong cong, tôn vẻ trang nghiêm cho ngôi làng. Những dãy núi trùng điệp sừng sững nhìn ra ngoài bờ sông với những con thuyền đang xuôi dòng, những bông hoa dại và thảm cỏ mơn mởn đang lung linh trong nắng.
   Quê tôi đang ngày càng phát triển. Tôi mong sao khi lớn lên, tôi sẽ học giỏi về xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp

                                                                                 PHẠM VŨ QUỲNH CHI

                                         MÙA XUÂN 

   Mùa xuân cho tôi một màu xanh của hy vọng với cây cối đâm chồi nảy lộc để tôi có thể chạy thật nhanh ra vườn ngắm những nụ hoa hé nở sau một mùa đông dài ngủ quên. Đó cũng là lúc mỗi gia đình sắm cho mình một cây đào, cành mai chuẩn bị đón Tết. Thử hỏi ai không thích màu hồng mượt của đào, sắc vàng tươi của mai.
   Mùa xuân cho tôi thêm một tuổi hồng. Thêm một tuổi mới là thêm một trách nhiệm mà sao ai cũng mong Tết đến thế. Chẳng hiểu tôi có duyên với mùa xuân không mà mười mấy năm về trước, một đứa bé(là tôi đó) đã chào đời vào ngày mùng 3 Tết? Nhờ có mùa xuân mà tôi càng yêu mẹ, biết ơn mẹ nhiều hơn.
   Mùa xuân cho tôi một cái tết vui vẻ, ấm cúng bên gia đình. Mùa xuân cho tôi một cái tết ở nông thôn, không ồn ã, không cầu kỳ cũng chẳng có pháo hoa nhưng mang đậm vẻ đẹp của dân gian cổ truyền.
   Mùa xuân cho tôi một cái tết bên gia đình nhưng không quên gửi tới các thầy, cô giáo những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc các thầy các cô An khang – Thịnh vượng và có sức khỏe tốt để dạy những đứa “nhất quỷ nhì ma” như chúng con.
    Mùa xuân cho tôi một tình thương đối với những cậu bé bán báo, đánh giày được chia sẻ dù chỉ một mẩu bánh mỳ với em bé gái co ro một góc đường vì rét.
    Mùa xuân cho tôi có lẽ nhiều hơn thế. Tôi có thể tự hào nói to với tất cả mọi người: Tôi yêu mùa xuân                                                                                                                                                                                                                                    
                                                                                                                                PHÍ KHÁNH LINH


TÔI KHÔNG THỂ
     
     Cách đây khoảng ba tháng, lớp báo của chúng tôi có một tiết đặc biệt, cô giáo phát cho chúng tôi một túi quà, trong đó có có một chiếc kẹo socolate, ba tờ giấy trắng và hai quả bóng bay. Cô bảo chúng tôi viết lên một tờ giấy tất cả những việc mà chúng tôi cho rằng mình không thể làm được và dùng cụm từ “Tôi không thể”

  Cả lớp hí hoáy ngồi viết say sưa, ai cũng muốn viết nhiều và nhanh hơn các bạn khác. Quanh tôi, các bạn đang viết rất nhiều điều“Tôi không thể”.
 “Tôi không thể học giỏi”
   Tôi không thể xinh hơn
   Tôi không thể hát hay”
    Nhìn lên phía cô, tôi thấy cô dường như cũng đang bận rộn với cái danh sách “Tôi không thể” của riêng mình.
Vậy là tôi bắt đầu viết những “Tôi…” của riêng tôi.
   “Tôi không thể lắp hết bộ xếp hình 3000 mảnh”
   “Tôi không thể vào lớp luyện văn”
    Khoảng 10 phút trôi qua, cô giáo bảo cả lớp ngừng bút, và gấp tờ giấy của mình lại rồi cho vào một chiếc hộp trên bàn cô. Cô cũng trịnh trọng bỏ vào đó tờ “Tôi không thể…” của mình. Rồi cô tiếng hành đốt chiếc hộp đó. Xong xuôi cô bảo cả lớp dành 5 phút để tiễn biệt “Tôi không thể”của chúng tôi.
   “Các em, hôm nay chúng ta ở đây để tưởng nhớ đến “Tôi không thể”. Khi còn sống “Tôi không thể” luôn hiện diện xung quanh ta.. Mọi người nhắc đến tên các ngài mọi lúc mọi nơi. Hôm nay, tại nơi này chúng ta sẽ nói lời vĩnh biệt với ngài “Tôi không thể” và chào đón ngài “Tôi có thể” “Tôi muốn”. Tuy họ không được nhắc đến nhiều như ngài “Tôi không thể” nhưng một ngày nào đó với sự giúp đỡ của các em họ sẽ mạnh mẽ hơn và được nhắc nhiều hơn. Chúc ngài “ Tôi không thể” yên nghỉ bình an. Và cô mong các em có mặt hôm nay sẽ tiếp tục sống thật tốt mà không cần sự hiện diện của
“ Tôi không thể…” Còn hai mảnh giấy còn lại sẽ viết những điều mà ta sẽ làm trong năm tới và trong tương lai rồi nhét vào quả bóng thổi nó lên. Chính chúng ta sẽ là người thực hiện những điều đó. 
Những ngày sau đó tôi thấy rằng cuộc sống của chúng ta mỗi một thách thức là một cơ hội, nếu bạn nói “Tôi không thể…” là bạn từ chối cơ hội đó.
                                                                   PHAN THÙY TRANG



CHUYỆN LỚP TỚ

1.Lớp tớ làm thơ                    
      Vừa nghe cô phát động phong trào là thơ 4 chữ tính điểm 15’ văn, bọn tớ nô nức kéo nhau dự thi. Mặt đứa nào cũng đắc ý, coi thơ thẩn chỉ là chuyện vặt. Hỏi ra mới biết tá hỏa: tụi nó mở sách xem ít niêm luật rồi phóng tác đại từ một bài thơ nổi tiếng nào đó của một tác giả nào đó tên tuổi, rồi đề tên mình phía dưới, vậy là xong! Thế là trong khi chờ đợi cô trả bài bọn nó cứ xì xào: “làm thơ dễ ợt”.
 Cuối cùng tới khi cô giáo trả bài, đến hơn nửa lớp không được chấm điểm. Lý do thật thê thảm : Thơ dở quá y như tấu hài, đến khi đọc thì cười ra nước mắt. Cô thương tình nên chỉ phê 3 chữ "cố gắng hơn". Cô còn đọc một số bài thơ tiêu biểu cho lớp nghe, đứa nào cũng ôm bụng cười bò. Mấy bài đại loại kiểu :
Đêm nay trăng sáng
Em cầm cái nong
Ra sân học bài
Cùng với đàn ong 
                 (Việt Đen)
Vụt qua sân gạch
Chuột chạy vèo vèo
Mèo ta đuổi theo
Sợ chi hiểm nghèo
                (Thủy Heo) 
Rồi còn cả một bài thơ dài phóng tác từ bài thơ “Lượm” của Tố Hữu
Chú Chuột 
   Ngày cống bị lấp
Chú từ đồng về
   Tình cờ chú cháu
        Gặp nhau gần đồng
          Chú chuột loắt choắt
      Cái mắt gian gian 
          Cái chân thoăn thoắt
       Cái răng vàng vàng
    Cháu đi ăn vụng 
Vui lắm chú à
  Ở nhà rộng lắm 
           Thích hơn ngoài đồng
                                           (Quý Tử)
        2. Lớp tớ thi hoa hậu.
      Hi hi, chắc nghe tới hao hậu là các ấy nghĩ đến ngay là hoa hậu nam hay hoa hậu nữ chứ gì?Nhầm bọn tớ tổ chức quái chiêu hơn cơ: Hoa hậu nam giả nữ.
     Vì là tổ chức ngày noel nên bọn con trai thoát nạn mặc váy, nhưng bù lại chúng nó phải đội tóc giả, trang điểm nhái giọng eo éo như con gái. Đến ngày thi bọn con gái phải xúm lại chăm sóc các “Chí Phèo” làm sao để hóa thành Thị Nở. Nào là tô son, thoa phấn, nào là đội tóc giả…đủ thứ. Xong xuôi mấy Thị Nở đồng loạt lôi lên sân khấu để vấn đáp. Về vấn đề này mới thấy bọn con gái lớp tớ thật ác ôn: Câu hỏi toàn bọn con gái quan tâm như:đầu tóc, bếp núc, mua sắm…Mà có nằm mơ bọn con trai cũng không nghĩ ra cách trả lời. Ví như tên Đức ngốn sách như con mọt, học đỉnh cao không thằng nào trong khối địch kịp, đột nhiên lớ ngớ như thằng bù nhìn về trước câu hỏi trời đánh về cách trị mụn. Lắp ba lắp bắp một hồi hắn mới đưa ra câu trả lời “kinh dị” đến mức phải ăn một con 0 to tròn: nhúng mặt vào nước sôi, nhiệt độ sẽ làm chết các loại vi khuẩn gây mụn.
       Cuối cùng danh hiệu hoa hậu lớp tớ thuộc về Nghĩa với giọng nói cò lả trứ danh. Phần thưởng là một vương miện óng ánh và một tuần trêu là “đồ con gái”.
       Híc! chắc là không có tổ chức lần thứ hai đâu!
                                                                                                                                   LÊ HỒNG TRANG


  BÀN TRỐNG

 
    Sáng nay đến lớp sớm. Tôi chậm chạp tiến tới cái bàn quen thuộc. Rồi lôi sách vở ra làm bài như bao ngày khác.
   Thời gian trôi qua.. Căn phòng học ngày một trở nên nhộn nhịp và náo nhiệt hơn. Học sinh đến đầy lớp khiến cảm thấy nơi đây dường như quá chật hẹp
   Chuông truy bài. Vì đã làm xong bài và đã được kiểm tra, tôi thảnh thơi lôi len ra đan. Cũng dài ra phết đấy! Tôi đan một cái khăn tặng Nam.
   Tôi quay sang khoe:
- Nam ơi!
    Trống.
    Vắng
   Chẳng có ai cả. Tôi thắc mắc:
- Nam đâu rồi, hả Hạnh
Hạnh ngơ ngác trả lời tôi:
- Nam đi Mỹ rồi mà!
Tôi giật mình. Buông que đan. Cạch.
Buồn quá
Tôi đã từng ngồi hai tuần một mình nhưng khi nghe Hạnh nói, chẳng hiểu sao…
Ư! Chảy nước mắt rồi!
 Vậy mà hôm chia tay Nam chẳng khóc tí nào. Tôi là vậy!
Nắng chiếu vào lớp học, đúng chỗ Nam, khiến cho cái bàn của tôi và Nam trơ trọi hơn.
Nắng chiếu trên bàn chỗ Nam vẫn viết bài, trên ghế chỗ Nam hay ngồi, trên tường chỗ Nam, trên tường chỗ Nam hay tựa lưng. Tất cả vẫn còn đó, chỉ có người là không còn đó.
Nam à! Đối với một con bé như tôi, tù trước đến nay, Nam vẫn chỉ là người bạn bình thường. Vậy mà lúc Nam chẳng còn ở đây nữa, tôi mới thấy ân hận biết chừng nào. Nam thực sự rất quan trọng với tôi.
  Không có Nam, phải tự thân vận động nhiều hơn. Không có Nam chẳng có ai giải toán bài tập cùng. Không có Nam, mỗi khi mệt, chẳng có chỗ để ngả đầu. Không có Nam, chẳng có ai đưa về. Và thực tế, không có Nam…chẳng có ai ngồi cạnh.
Lớp chỉ có 29, sẽ khó chia đội, nhóm trong mọi trò chơi, công việc, sẽ khó có nguồn tư liệu tin cậy và nhanh chóng trong các giờ thực hành. 
Không có Nam, tất cả sẽ buồn! Nam à. Tớ không muốn ngồi một mình đâu!. Nhưng tớ sẽ chấp nhận ngồi một mình với điều kiện sang Mỹ cậu phải học thật giỏi, phải vào Havard cho tớ. Cậu làm được chứ? Tớ tin là cậu làm được! Nếu không tớ sang tận đó lôi cổ cậu về, nhớ đấy! 
 Và còn một điều bắt buộc nữa: Không được quên A1!!!
Lòng tôi bình lại. Đâu đó, dường như nhân nào trong lớp tôi đang hát “A1 của tôi”
     ….Dù sau này có lớn khôn 
         Thì lòng vẫn nhớ thương 
          Bên A1….thật ngọt với cái giọng “xém ca sĩ”
          Tặng Nam và A1 của tôi



CẢNH TẾT



     Giáp Tết nó cùng mẹ đi chợ. Tết rồi phải mua nhiều thức ăn cho mấy ngày. Vào chợ nó thích lắm, không khí xuân tràn về náo nức hiện lên tươi sáng trong tầm mắt mỗi người. Nó hình dung về cái tết ấm áp bên gia đình, nhận những phong bì lì xì may mắn và nở nụ cười tươi tắn mặc dù gió lạnh làm run lên. Đào, quất bán khắp nơi, dòng người táp nập đi mua sắm. Mẹ nó mặc dù bận cũng không quên thưởng cho nó cái bánh rán nóng để trả công cho việc giúp mẹ xách đồ.


 Ra đến cổng, nó thấy một bé gái ăn xin ngồi co ro trong bộ đồ rách rưới. Cô bé ngước nhìn nó với đôi mắt ngây thơ, tội nghiệp. Bỗng dưng nó cảm thấy khóe mắt cay cay và đưa cho bé gái chiếc bánh mà mẹ thưởng cho nó. Em bé nhìn nó với lòng biết ơn. Nó cười rồi nghĩ liệu em bé có được ăn một cái Tết như nó không nhỉ? Trời không mưa, sao nó thấy mắt ươn ướt.

                                                                                            NGUYỄN NHƯ TRANG

                                                                                           


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét