Tìm kiếm Blog này

28 tháng 4, 2012


NHỮNG NGÔI SAO LẤP LÁNH

      Như một quãng lặng của dòng chảy, bẵng đi trong một thời gian dài, văn đàn Việt Nam bỗng thưa thớt những tác giả viết cho thiếu nhi và đặc biệt thiếu vắng những nhà thơ nhỏ tuổi nổi tiếng một thời như Hoàng Hiếu Ngân, Hoàng Dạ Thi…, hay đặc biệt“thần đồng thơ ca” Trần Đăng Khoa. Thật đáng quý, giữa ngàn vạn âm thanh náo động và vẻ dửng dưng cuộc sống của xã hội phát triển, vẫn có những tâm hồn nhạy cảm nghe nhận được tiếng thì thầm của Nàng Thơ . Đáng quý hơn, tiếng thì thầm khiến người ta phải rung động ấy được cất lên từ những trái tim bé bỏng! những em bé yêu thơ, những đứa trẻ biết làm thơ không còn là “nỗi nhớ xa xưa”  mà đang hiện diện giữa cuộc đời, song hành cùng chúng ta.
     Ngô Gia Thiên An sinh năm 1999, năm nay em 13 tuổi. Như một quà tặng bẩm sinh, ngay từ khi còn rất nhỏ, em đã có một ngôn ngữ nói giàu hình ảnh và chất thơ. Lớn lên một chút, Thiên An bắt đầu say mê viết, với lối viết hết sức tự do. Đọc thơ của Thiên An, người ta nhận thấy những suy nghĩ của con trẻ thời hiện tại. Những bài thơ viết theo cảm hứng rất độc đáo của trẻ nhỏ, chưa đựng vẻ hồn nhiên trong sáng, mơ mộng, bay bổng … của một cô bé giàu tưởng tượng , nhiều suy tư và nhiều ước mơ.
    Với mong muốn mang đến những cảm nhận mới về thơ thiếu nhi, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giải tập thơ đầu tay của tác giả nhỏ tuổi Ngô Thiên Gia An.

    Nguồn  “Những ngôi sao lấp lánh”- Nhà xuất bản Kim Đồng
  
PHẦN I

ĐÀN KIẾN NHỎ

Đàn kiến nhỏ
Một đàn kiến nhỏ                                  
Chạy ngược chạy xuôi
                                                                  Nhảy múa ca vui
                                                                  Cùng nhau ăn bánh
                                                                  Đến trưa nắng gắt
                                                                  Thì về ngủ trưa

                                                                                          20-6-2006


ĐỒNG LÚA

Trong trưa nắng gay gắt
Một cánh đồng lúa vàng

                                Những chú chim nho nhỏ   
                                Sà xuống từng gốc lúa
                                Mổ thóc kêu chíp chíp
                                Tiếng hót ríu rít vui

                                                                                                   2007


ANH MEO LƯỜI BIẾNG

                                     Anh Meo! Ta cho ngươi cá này
      Anh Meo! Ta cho ngươi sữa này
      Anh Meo! Ta cho người lò sưởi này
      Anh Meo!  Ngươi thật là vui tính             

      Lông của ngươi thật là xù
      Nhưng Anh Meo! Người thật là lười
                                                    Vì ngươi không bắt chuột
                                                    Suốt ngày ngươi chỉ mộng mơ!

                                                                                         24-10-2007

NHỮNG NGÔI SAO LẤP LÁNH


Những ngôi sao trên bầu trời thật đẹp
Chúng lấp lánh như những bóng đèn
Dải Ngân Hà chứa đựng trong mình bao nhiêu vì sao,
                                                       không thể đếm nổi
Những vì sao đó chiếu sáng vạn năm
Sau đó chúng trở về với giấc ngủ bóng tối
Những ngôi sao to sống hàng triệu hàng triệu năm
Rồi chúng va vào hố đen vũ trụ, và bị rơi khủng khiếp
                                                                     đó hút vào
Những ngôi sao đó đã chết đi trong bầu trời đen tối
Chúng đã chết đi một cách yên lặng và đẹp đẽ.

                                                                                         30-10-2007


MƯA MÙA HẠ

Mưa đến
Bác ếch nhảy ra khỏi bờ ao
Mẹ đang làm việc                            
Bố rửa bát
Còn em đi học bài
Ngoài hành lang
Mùi mưa cứ vương thoang thoảng
Mấy ngồng vạn niên thanh đung đưa theo gió
Ngoài đường đèn đã bật sáng
Xe cộ đi nườm nượp
Ở Hồ Tây sóng tung bọt trắng xóa
Ánh trăng dịu dàng biến đâu mất
Như đang chơi trò trốn tìm cùng sao
Những chú cá quẫy đuôi
Những quả trứng cá chép li ti như hạt cườm vàng
Hoa khép cánh đi ngủ
Gói thổi ào ào làm cành lá rung rinh tiếng nhạc
Tiếng nhạc của bài hát trong mưa…
                                                                                             3-4-2008

21 tháng 4, 2012

            
BÀI VIẾT CỦA CÁC EM HỌC SINH
CÂU LẠC BỘ VĂN HỌC – CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI 
NĂM 1995 - 1997
                                                               (Phần VI)

BẤT NGỜ

      Đầu năm lớp 6 tôi có một bạn mới tên Hoa . Thấy bàn tôi ít người, thầy giáo liền cho Hoa ngồi cạch tôi. Lúc đầu tôi thấy chán nản toàn quay đi một chỗ, nhưng về sau tôi thấy Hoa hiền lành chăm chỉ thì thôi kết thân với Hoa.
    Ở lớp Hoa học rất giỏi, về nhà lại chăm chỉ giúp đỡ gia đình nên tôi rất yêu quý Hoa và đặt niềm tin vào cuộc thi văn ở quận, người đoạt giải sẽ là Hoa.
  Một hôm Hoa đến lớp với vẻ mặt buồn rầu, nhiều bạn trong lớp hỏi Hoa nhưng hoa không nói gì. Giờ đầu  tiên của của hôm đó là là tiết sử, cô Kim gọi Hoa lên đọc bài, Hoa nói:
-       “ Thưa cô em không thuộc bài”
  Câu nói của Hoa vừa dứt làm cho lớp tôi sững sờ, lần đầu tiên Hoa không thuộc bài và bị điểm kém. Hoa về chỗ vẫn cứ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có mấy hôm như vậy thôi mà sức học của Hoa sút hẳn.
  Hôm ấy tôi về ,mẹ tôi chưa đi làm về, ba tôi bảo tôi ra đầu ngõ mua cháo cho em. Tôi đến đó thì quán đóng cửa, nghe nói sau ngõ nhà tôi có một hàng cháo rất ngon, tôi liền đến đó mua. Tôi vừa bước chân vào quán thì…kìa…ai vậy? Đó là Hoa, Hoa đang bê những chồng bát nặng trĩu ra rửa. Hoa đang mải làm việc nên không nhìn thấy tôi. Tôi mua cháo về đến nhà, trong đầu tôi vẫn cứ hiện lên cái dáng mảnh khảnh bé nhỏ của Hoa đang bê những chồng bát nặng trĩu. Tôi không hiểu tại sao Hoa phải đi rửa bát thuê? Những câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong đầu tôi.
   Hôm sau đến lớp, tôi nói cho các bạn biết chuyện của Hoa, nghe được các bạn ai cũng muốn giúp đỡ Hoa, tôi nói với các bạn: “ Việc đầu tiên, bây giờ phải tìm hiểu tại sao Hoa phải đi rửa bát thuê?”. Có một số bạn cho rằng vì nhà nghèo, ba mới mất. Nhưng không gì hơn là phải tìm hiểu được hoàn cảnh của Hoa. Chúng tôi liền cử Thủy và Thúy hai bạn nhanh nhẹn của lớp đi hỏi mấy người hàng xóm, được biết ba của hoa vừa mất, mẹ hoa lại ốm đau bệnh tật nên hoa phải rửa bát thuê để lấy tiền nuôi mẹ, nên Hoa không có thời gian học bài. Hoàn cảnh của Hoa lớp tôi ai cũng động lòng. Tôi bàn với cả lớp mua một con lợn đất làm quỹ lớp, mỗi người bớt chút tiền quà sáng vào đó để giúp Hoa. Ý kiến của tôi đưa ra được các bạn hưởng ứng. Một tuần sau con lợn đất của chúng tôi đã đầy, đập ra lấy số tiền ít ỏi đó để giúp Hoa. Hoa cảm động  trước những tấm lòng chân tình của cả lớp bạn nói : 
- “ Mình cảm ơn mọi người, đã giúp mình trong lúc khó khăn, mình hứa với các bạn sẽ cố gắng vươn lên để học cho thật giỏi”.
   Hoa vừa dứt lời, một tràng pháo tay nổi lên, khu nhà của Hoa thật náo nhiệt. Hôm sau Hoa đến lớp với vẻ mặt rặng rỡ, từ đó trở đi Hoa luôn dẫn đầu lớp trong học tập. Và một tin vui đến với lớp chúng tôi, Hoa đoạt giải nhất cuộc thi văn ở quận. Chúng tôi càng yêu quý Hoa hơn và kể từ đó các bạn thay phiên nhau giúp đỡ Hoa việc nhà và chăm sóc mẹ Hoa để Hoa có thời gian học bài và kiếm tiền nuôi mẹ.
                                                                             TRƯƠNG THU THỦY


SƯƠNG XUÂN

Sương xuân giăng mờ mịt
Nghi ngút cả bầu trời
Hàng cây me thấp thoáng
Mờ mờ xanh chơi vơi…                      

                                            Phải chăng hơi của đất
                                            Lan tỏa khắp bầu trời
                                            Hay khói mây của trời
                                            Tỏa lan mờ mặt  đất

Xuân ơi ta hỏi thật
Hay hơi ấm của người
Hòa quyện cả đất trời
Cùng với xuân ngây ngất…
                                              

                                         CÂY CƠM NGUỘI


Người ta “Kim phượng”, “Bằng Lăng”
Mà em “Cơm nguội” buồn chăng hỡi buồn
Cây xanh làm đẹp Hồ Gươm
Còn em rắc lá vàng ươm bên Hồ…!
Làm thân cơm nguội ngu ngơ
Em buồn…! Tô điểm mùa thu… lá vàng

                                                                                 BÙI THU TRANG
                                     Lớp 8G  - Chu văn An – năm học 1997 -1998
                                                                                            Bài dự thi viết “Em yêu Hà Nội”



BẾN BỜ HẠNH PHÚC

     Nó còn nhớ là nó đã từng có một gia đình hạnh phúc. Một gia đình mà bất cứ đứa trẻ nào cũng hằng mong ước. Nó có bố, có mẹ và một đứa em gái xinh xắn. Bố nó là kỹ sư, mẹ nó là công nhân với đồng lương ít ỏi, kinh tế gia đình nó cũng tạm đủ. Tối đến gia đình nó lại quây quần bên nhau để quyên đi những giây phút mệt mỏi sau một ngày làm việc, học tập căng thẳng. những giây phút ấy mới tuyệt vời làm sao! Nó được nũng nịu ngồi trên lòng mẹ mặc dù nó đã lớn rồi, còn em nó thì sà vào lòng bố cười lên khanh khách. Nó còn nhớ là nó có một phòng riêng, một căn phòng xin xắn. Gọi là phòng chứ thực ra chỉ là căn gác xép mà bố nó đã làm khi nhà nó mới chuyển về. Đây chính là thế giới riêng của nó, đâu đâu cũng thấy búp bê và truyện, tất cả đều được sắp xếp gọn gàng. Góc học tập của nó được đặt bên cửa sổ, nơi mà nó có thể nhìn ra phố, nhìn thấy cây hoa sữa trước cửa nhà nó. Nó yêu hoa sữa, cái mùi thơm nồng nàn ấy đã quyến rũ nó ngay từ lần đầu nó thấy chùm hoa. Tối tối, hương hoa sữa lại nó đi vào giấc ngủ êm đềm. Nó học chăm và rất giỏi, cuối năm bao giờ nó cũng hãnh  diện và sung sướng khi đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc. Và lần sinh nhật lần thứ 12 bố mẹ nó đã dành cho nó một sự bất ngờ tuyệt diệu! Bản nhạc “Chúc mừng sinh nhật” vang lên khi nó bước vào nhà. Nó sung sướng hét lên: “Ôi! bố mẹ !” rồi sà vào vào vòng tay của  nó.
    Sinh nhật của nó không có bánh kẹo ngon, nhưng nó thật sự cảm thấy sung sướng đến trào nước mắt! Bố mẹ nó đã chuẩn bị một bữa ăn sinh nhật trong gia đình với những món ăn giản dị do mẹ nó nấu. Đó thật sự là một ngày hạnh phúc nhất trong đời nó. Cái ngày mà nó không bao giờ quyên. Nhưng rồi một ngày bố mẹ nó đã cãi nhau, mặc dù không hiểu gì, nhưng nó cũng lờ mờ hiểu ra rằng một cái gì đó đã phá vỡ hạnh phúc gia đình nó. Rồi một ngày… hai ngày nó không thấy bố về, nó thường ngóng ra cửa để tìm cái bóng dáng thân quen của bố nó. Mắt mẹ nó đỏ lên, đêm đêm nó thường thấy mẹ nó khóc thầm, Còn em nó thì cứ nhắc đi nhắc lại một câu hỏi: “Mẹ ơi! bao giờ bố mới về?”. Mẹ nó không trả lời, chỉ lắc đầu với hai hàng nước mắt. Dường như mỗi một câu hỏi đó như mũi kim đâm vào lòng mẹ nó. Rồi một hôm, bố nó về, em nó mừng lắm, nhưng bố nó chẳng nói gì với chị em nó.
   Mấy ngày sau, bố nó bảo nó thu dọn đồ dặc rồi đi theo bố. Đến lúc này thì nó đã hiểu ra, nó đã mất tất cả. Nó mất cả cái gia đình hạnh phúc ngày nào. Còn em gái nó thì vẫn hồn nhiên: “ Chị Hương với bố đi nhanh rồi về nhé”. Nó nhìn em ngậm ngùi mà không dám khóc.
    Thời gian trôi qua nhanh quá! Thoắt cái đã 3 năm rồi. hôm nay là ngày sinh nhật làn thứ 15 của nó. Nó ngồi một mình trên chiếc ghế sa lông . Ngày sinh nhật không bánh cũng không hoa, cũng không có những món ăn giản dị mà mẹ nó nấu ngày nào. Những kỷ niệm ùa về trong ký ức của nó thật dịu dàng. Rất ít ngày bố nó ở nhà với nó và cả ngày hôm nay nữa, bố lại đi với người đàn bà xinh đẹp ấy mà chỉ vì bà ta mà bố đã bỏ mẹ. ngồi kia những giọt mưa thu đang rơi rơi. Sinh nhật lần thứ 12 nó đã khóc trong sung sướng, còn sinh nhật lần này nó đã khóc trong cô đơn. Nhưng bông hoa sữa li ti rơi xuống như sao xa, nó run rẩy xòe bàn tay đón lấy những bong hoa xinh xắn đang rơi rơi trong mưa. Trên chiếc bàn sang trọng là 15 ngọn nến đang lung linh trong mắt nó đã nhòa lệ từ bao giờ. Sáng nay trời oi oi, không dịu nắng, cho chiếc áo mưa tím vào cặp, nó khóa cửa rồi rảo bước trên con đường Nguyễn Du dài ngút tầm mắt. Dưới chân nó hoa sữa rơi đầy sau trận mưa đêm qua. Cái gia đình mà nó hằng yêu quý không còn nữa và đã lùi vào dĩ vãng. Nó luôn hướng về tương lai để đón chào một cuộc sống mới , nhưng đâu sẽ là bến bờ để nó nương tựa giữ cuộc đời mênh mông này.
                                                             LÊ THANH HẢI
                     Lớp 7M – THCS Trung Vương- năm học 1997 -1998
                                                                                  Bài dự thi viết “Em yêu Hà Nội”


14 tháng 4, 2012

BÀI VIẾT CỦA CÁC EM HỌC SINH 
CÂU LẠC BỘ VĂN HỌC CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI 
           NĂM 1995 - 1997          
 
PHẦN V (Tiếp theo)
   

ĐỔI CHỖ
                                                                    
       
      Giờ sinh hoạt, cô giáo quyết định chuyển chỗ cho Nhân – cậu học sinh vừa kém , vừa hay gây sự, đánh nhau rất bướng. Để không ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn, cô đành phải để Nhân ngồi một mình ở bàn cuối lớp.
     Từ khi bị cô giáo đổi chỗ, Nhân trở thành một nhân vật“Cá biệt”và bị bạn bè xa lánh. Nhân đã tự nhủ với lòng sẽ thay đổi cách nhìn của các bạn đối với mình.
     Một tháng đã trôi qua, hôm nay, lại vào giờ sinh hoạt, cô nói với tất cả học sinh:
-  Các em ạ, trong một tháng qua, bạn Nhân đã có một số tiến bộ về đạo đức lẫn học tập. Tuy không đáng kể nhưng chúng ta hãy mừng cho bạn bằng một tràng pháo tay.
  Nhân nhìn cô giáo bằng ánh mắt rạng rỡ. Nó hy vọng các bạn sẽ động viên nó. Nhưng không, lớp bỗng xì xào:
-  Chỉ từ điểm một, hai, lên điểm năm, sáu thôi mà!
-   Đúng rồi, vẫn là điểm trung bình. Vài tiếng đế theo:
-   Vẫn còn đội sổ! Chỉ thấy đáng chê chứ chưa thấy đáng khen!
   Nhân cúi gầm mặt xuống. Nó tự hỏi: “Tại sao các bạn lại đối xử với nó như vậy?”
    Cô giáo thở dài và tiếp lời:
-  Lớp ta còn nhiều bàn trống chỗ cô sẽ chuyển chỗ cho nhân…
   Cô chưa kịp hết câu, lớp đã nhao lên:
-  Thưa cô, cô đừng chuyển chỗ bạn ấy!
-  Cô cứ để bạn ấy ngồi đấy, cô nhé!
-  Cô đừng xếp bạn ấy ngồi cạnh em .
-  Thưa cô! ….Thưa cô…
    Nhân hoàn toàn thất vọng. Nó gục mặt xuống bàn. Nó đã cố gắng và cố gắng rất nhiều, nhưng tại sao, các bạn lại không thể cho nó một cơ hội, chỉ một cơ hội? Nhân giận mình, nó càng trách các bạn.
     Cô giáo nhìn cả lớp, và nói:
- Phải chăng, các em đã cho rằng điểm năm, sáu chỉ những con số vặt vãnh và không đáng tôn trọng. Nhưng thử hỏi, trong các em, có bạn nào không cần năm điểm đó mà vẫn được điểm tối đa không? Các em tưởng rằng, từ điểm một hai lên điểm năm, sáu là dễ lắm sao? Và… có ai trong các em nghĩ rằng sẽ có ngày bạn Nhân sẽ đạt điểm mười?
   Cả lớp lặng im. Nước mắt Nhân trào ra. Thương, cậu học sinh giỏi nhất lớp đứng dậy, Thương nói:
-  Thưa cô, nếu các bạn không muốn ngồi cùng Nhân, em có thể xuống ngồi cùng bạn.
   Nhân quyệt nước mắt. Nó biết, ngoài cô giáo vẫn còn là người hiểu và thông cảm cho nó. Và nó cũng biết, đây chính là một cơ hội để nó khẳng định lại chính mình.
      Nó sẽ cố gắng…..
                                                                                  NGUYỄN HIỀN THƯ


CHIẾC QUẠT
Vù vù vù vù
Chiếc quạt nhà em
Đang làm việc đấy
Quạt chạy nhanh quá!                     
                                                 
                                                 Chẳng thấy cánh đâu
                                                  Quạt đem gió mát
                                                  Đến cho mọi người
                                                  Nhưng quạt thì nóng
                                                  Trán đã ấm rồi
                                                  Cho quạt nghỉ thôi
                                                  Mai “làm việc tiếp”
                                                       

BẠN THÂN
Tớ và ấy chơi thân
Mà sao hay chòng chọe
Hai đứa đâu còn bé                       
Thế mà vẫn “hít le”

                           
               Sáng hôm sau cười toe
               Thôi lại làm lành vậy
               Tớ lấy dây cùng nhảy
               Rồi tí lại “hít le”
                                                             


                                  BÙI LAN PHƯƠNG


HẢI

-  Cậu …Cậu cho tớ vay 5000 được không?
-   Để làm gì vậy
-  À…à…tớ mang thiếu tiền học, mà hôm nay là ngày cuối cùng rồi!
-  Thế mà cậu cũng phải lắp bắp mãi!
   Tớ có đây! Khi nào cậu trả cũng được. Tôi móc tờ 5000đồng trong túi ra
-  Cảm ơn…
  Hải cầm tiền rồi chạy vụt đi. Tôi bỗng thấy vui vui. Đấy là chuyện lúc đầu giờ. Còn lúc này đang giờ ra chơi…
-  Lan cho mình vay 5000 được không?
-  Cậu vay làm gì vậy?
-  Tớ…tớ mang thiếu tiền học…Hôm nay là là ngày cuối cùng. Tớ…
-  Thôi cậu không phải giải thích – Lan cười. Này cậu cầm lấy đi.
  Tôi đi ngang qua, nghe vậy liền hỏi:
-  Ủa! Cậu vẫn còn thiếu tiền học à?
-  Sao cậu biết tài vậy Linh – Lan hỏi tôi với vẻ ngạc nhiên
- Lúc nãy, Hải cũng vay tớ tiền mà…
   Hải phân bua:
-   À…ừ…lúc vay của Linh thì tớ không biết còn thiếu 1000, nên…
-  Thôi được rồi, tiết sau là tiết của cô giáo chủ nhiệm đấy, cậu nhớ nộp nhé!
    Nói xong, tôi kéo Lan ra chỗ chơi dây, Hải bối rối nhìn theo lo lắng.
                                                     *
                                            *                 *
    - Lớp ta còn bạn Hải chưa đóng tiền học. Sao vậy hả Hải?
    - Em thưa cô, em sẽ đóng ạ! Hôm nay…à…sáng nay…bố em đi làm sớm nên em không kịp xin.
   Tôi và Lan ngây người, chẳng đứa nào hiểu gì cả. Tan học, Hải tránh mặt chúng tôi, cố tình bỏ về trước.
    Hôm sau,, tôi loáng thoáng nghe Hải và Tuấn nói chuyện:
-  Á à! Dạo này cậu chơi bi-a à?
- Đâu, đâu có! Tớ cần mua mấy cuốn sách nhưng kẹt tiền, còn thiếu 10.000đồng nữa
- Xui quá, tớ có 3000, cậu cầm tạm
-  Vậy cũng được!
   Thoáng thấy tôi nhìn về phía mình, Hải giật tờ tiền trên tay Tuấn và chạy vụt đi, quên cả cảm ơn. Mối nghi ngờ trong tôi lớn dần. Tan học, tôi rủ lan đến nhà Hải sao. Chúng tôi đang định gõ cửa thì
Bốp! Bốp!
-  Mày cãi tao hả? mày mang bằng này tiền về thì tao ăn bằng gì? Hay là mày muốn tao chết theo mẹ mày ? hả
-  Bố con đâu dám thế…con…không dám nói dối! Con không thể lừa dối các bạn con được! tiền học con còn chưa đóng nữa…
-  Học cái gì mà học! Hôm qua mày đã không mang tiền về, hôm nay mày chỉ mang có 3000 đồng, tao nói cho mày biết, từ giờ trở đi, nếu không mang ít nhất 10.000 về đây thì đừng có trách tao. Cút!
   Cánh cửa mở ra rồi sập lại nhanh chóng tôi đứng chôn chân tại chỗ. Hải cúi mặt xuống , di di ngón chân. Một lúc sau, Hải bỗng cho tay vào túi
-  Tớ trả lại cậu 1000 đồng này.
                                                                                          CHU MINH PHƯƠNG
                          

7 tháng 4, 2012

   BÀI VIẾT CỦA CÁC EM HỌC SINH 
CÂU LẠC BỘ VĂN HỌC CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI 
                                           NĂM 1995 - 1997                                                
(PHẦN IV)


                           KỶ VẬT
 
        Mai  đã là ba mươi Tết, gia đình tôi náo nức dọn nhà để chuẩn bị cho năm mới. Nhanh thật ! ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết một năm. Và chỉ tối mai thôi đã hết một năm với biết bao kỷ niệm vui buồn. Nghĩ tới đó, quên bẵng tính lười biếng thường ngày.
-   Mẹ có cần con giúp gì không? 
    Mẹ tròn xoe mắt rồi chợt mỉm cười.
-     Được, con quét phòng con đi
   - Hừ - tôi giận dỗi. Lần nào cũng vậy, hễ tôi “đột xuất” là mẹ lại bắt tôi dọn phòng. Nào! đầu tiên là moi hết rác trong gầm gường ra đã. Dễ đến cả năm rồi tôi chưa quét dọn. Chà! Nào giấy, nào rác, nào hạt na…túa mồ hôi. Tôi “mới” “moi” được đầy một xô rác, tôi cúi đầu một vòng xem còn tí rác nào không. Ơ! Hình như tít sâu trong gầm gường có một khúc gỗ. Một khúc gỗ nhỏ. Hay là… tôi lặng lẽ nhìn lên bàn thờ.
   Câu chuyện xảy ra cách đây ba năm. Hồi tôi mới bảy tuổi, nhưng vẫn còn nhớ như in. Hôm đó là đêm giao thừa sau khi chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng, gia đình tôi “cụng ly” đón mừng năm mới. Mẹ cười tươi:
- Năm mới mẹ chúc con gái học giỏi, ngoan ngoãn!
  Rồi mẹ mở tủ lấy ra một gói giấy bóng kính. Tôi mở ra. Ồ! Một chiếc áo khoác hồng. Đẹp quá!
   Tôi chưa hết ngạc nhiên bố đã mở túi xách, lấy ra chiếc ba lô vàng có in hình chú chuột Míc- ki đang “đá lông nheo”.
- Đây ! Phần thưởng của bố cho con gái rượu đây!
- Bố!
   Tôi reo lên và ôm choàng lấy cổ bố. tôi chợt nhìn sang ông. Ông mỉm cười trìu mến.
- Úm ba la! Úm ba la! Búp bê đâu hiện ra!
    Ôi !Con búp bê !Có phải con búp bê cô dâu ở cửa hàng mà lần trước mình chỉ cho ông xem không nhỉ ?
    - Đây quà của ông đây! Ông biết cháu thích búp bê nên tặng cháu đấy! Ông định mua cho cháu cô búp bê cửa hàng nhưng không đủ tiền nên đẽo cho cháu cô búp bê này đây.
    Ông cười và đưa cho tôi một cô búp bê bằng gỗ xấu xí, đen xì, chẳng có váy vủng gì cả. 
      Tôi hậm hực:
-  Trời ơi! Búp bê gì mà xấu như quỷ ấy! Ông cầm lấy đi, cháu chẳng cần đâu.
     Ông sững sờ. Nét mặt ông  trở nên buồn bã, ông lặng lẽ đi về phòng.
- Mai! sao con hỗn với ông thế hả!
    Thế là hôm ấy(kể cả là ba mươi Tết), tôi cũng bị bố cho một trận nên thân. Và từ ấy, mặc dù tôi đã hết lời xin lỗi ông nhưng chẳng bao giờ tôi thấy ông cười nữa. Và con búp bê từ ấy cũng mất luôn.
     Ba tháng sau ông mất…
     Còn tôi. Tôi đã cố gắng tìm lại con búp bê ấy, vì giờ đây tôi mới hiểu được giá trị thực sự của nó. Tuy nó đơn xơ, giản dị thế nhưng nó chưa đựng cả tấm lòng yêu thương của ông dành cho tôi. Cứ nghĩ tới cảnh ông hì hục đục đẽo con búp bê, vừa làm, ông vừa lau những giọt mồ hôi chỉ để làm vui đứa cháu nhỏ của mình. Vậy mà, chẳng những tôi không cám ơn ông mà còn vô tình xúc phạm đến ông. Mỗi lần nghĩ tới, tim tôi lại đau nhói… 
 Tôi lấy cán chổi khều khúc gỗ ấy ra mà lòng hồi hộp. Nhưng đó… chỉ là một chiếc chân gường bị gãy.
                                                          
                                                                          BÙI LAN PHƯƠNG
                                   
MÙA XUÂN

 Mưa xuân nhẹ lướt
 Trên mái tóc em
 Như bàn tay mẹ
 Tặng em kẹo mềm
 Mưa xuân nhẹ lướt
 Trên cánh đồng xanh
  Có bàn tay mẹ
  Lúa lên hàng hàng
             
                    Mưa xuân nhẹ lướt
                    Muôn ngàn cánh hoa
                    Mưa xuân nhẹ lướt
                    Như giọng hát xa
                                                                                VŨ THANH HƯƠNG


CÂY MÍT NHÀ EM

                Cây mít nhà em
                      Tán tỏa bóng tròn
                      Ơ kìa mít con
                      Quây quần vui quá!
                      Chơi trò ú tim
                      Trong từng chùm lá

                                                                           NGUYỄN MINH HƯƠNG


BẠN TÔI


-  Nhưng… em thưa cô…
-  Thôi, không phải bàn cãi gì nữa, các em hãy lấy sách vở ra học bài.
    Tôi ấm ức ngồi xuống, quên không nhìn xem bản mặt khó chịu của thằng Duy nó hả hê đến cỡ nào, thật không thể tưởng tượng nổi. Một giọng hát mà sấm sét của thiên lôi cũng phải kính nể lại lọt vào đội văn nghệ? Mặc dù chúng tôi phản đối kịch liệt nhưng nó vẫn khăng khăng đòi vào và cô giáo lại đồng ý với nó. Ôi! Thế là bao nhiêu hy vọng đoạt giải của chúng tôi bây giờ chỉ là một sợi chỉ mỏng manh. Tôi quay qua thằng Duy, nó định toét miệng cười nhưng chạm phải ánh mắt “thù định” của tôi, nó xỉu xuống.
    Các buổi tập hát diễn ra liên tục làm chúng tôi mệt bở hơi tai. Chúng tôi cứ thay nhau nghỉ - hôm nay đứa này, ngày mai đứa nọ, nhưng chỉ riêng nó rất nhiệt tình và đi rất đúng giờ, không bỏ một buổi nào. Và vì thế sau mỗi buổi tập, chúng tôi đã mệt lại càng mệt thêm vì giọng hát của nó. Ôi! cực hình!
    Hôm nay là buổi tập cuối cùng. Quả thật, sau mấy tháng, giọng thằng duy có khá hơn, nhưng để giành giải nhất, nó còn phải tập thêm mấy chục năm nữa. Đã vậy, trước khi ra về, nó còn hùng hổ:
- Chắc chắn lớp mình sẽ đoạt giải nhất!
   Nếu nó không nằm trong đội văn nghệ thì chúng tôi rất vui mừng trước lời tốt đẹp đó, đằng này…Sau khi bọn nó ra về, chỉ còn tôi, Lan, Phong và Nam ở lại, Lan chợt nói:
- Tại sao Duy nó thích vào đội văn nghệ lớp mình thế nhỉ?
   Phong gật đầu:
- Kể cũng lạ! phải công nhận thằng Duy hát hay hơn hồi trước, chắc là mỗi ngày nó phải tập mấy tiếng.
   Tôi gạt phăng:
- Thôi ông ơi! Đừng có đoán mò! Mẹ nó mất, bố nó đi làm từ sớm đến tối mới về, mọi công việc trong nhà đều đến tay nó cả, lại còn trông em nữa chứ! Thì giờ học chưa chắc đã đủ lại còn tập với chả tành.
  Nam phụ họa:
-  Thằng Tuấn nói chí lý! Nhưng tớ thật lạ ở một điểm, từ trước đến nay, thằng Duy chưa bao giờ thích hát, bởi vì nó biết cái giọng nó không hay ho gì cho lắm. Nhưng đùng một cái, nó lại xin vào đội văn nghệ với thái đội hồ hởi, mừng rỡ. Đáng nghi lắm!
    Ừ nhỉ! Đáng nghi lắm! Chúng tôi thần người ra suy nghĩ, bỗng Phong thầm thì:
  - Chắc chắn tối nay nó sẽ tập đi tập lại bài hát. Hay mình đến nhà nó xem cái bộ mặt háo hức của nó để mai kể cho bọn bạn nghe! Chắc tức cười lắm.
Nhỡ Duy phát hiện ra thì sao? Tôi băn khoăn.
- Phát hiện thế quái nào được! Phải kín đáo chứ.
Lan phản đối
-  Bọn con trai các cậu thật vớ vẩn! Ai lại làm như thế
   Nam kết thúc câu chuyện
- Thôi thôi! Ai không đi thì ở nhà!
   Còn ai đi thì 8h tối nay có mặt ở cổng nhà thằng Duy. OK?
    Tám giờ tối, tôi đang lớ ngớ trước cổng nhà Duy thì:
- Này sao đứng đây?
   Giật mình tôi hét toáng lên!
-  Ôi ôi! Tôi có ăn trộm gì đâu!
   Một bàn tay bỗng bóp chặt miệng tôi:
    Im! Đi rình nhà người ta mà gào to thế?
  Tôi trố mắt, thì ra cái thằng bạn giời ơi đất hỡi. Tôi đang định “chửi” bọn nó, bỗng:
-  Két…két…
    Tiếng kẹt cửa lại làm tôi giật mình.
   Một bóng người bước ra và đi nhanh ra cổng thằng Duy! Quái! Sao nó lại đi theo hướng ra nghĩa trang nhỉ? Chúng tôi âm thầm bám sát cái bóng của nó, lòng vô cùng hồi hộp. Len lỏi qua các ngôi mộ, Duy bỗng quỳ xuống trước ngôi mộ cỏ chưa kịp lên xanh:
- Mẹ! Con đến thăm mẹ đây! Con nhớ mẹ lắm!
   Nó bật khóc:
   -  Mẹ! Ngày mai lớp con đi thi rồi! Con hồi hộp lắm! Con biết mẹ mông muốn con trở thành ca sĩ và con cũng biết mình hát rất dở. Mẹ ơi, con không thể làm gì hơn để mẹ vui lòng. Mẹ ơi.
                                                 
                                                                 *
                                                       *                     *
-  Xin mời em Phạm Quang Huy, lớp 8A lên sân khấu.
Nhìn Duy run run cầm micro lên sân khấu, chúng tôi không khỏi xúc động, tiếng ai đó vang lên:
- Tao biết thằng này rồi! Hát như bò rống mà cũng đòi đi hát! Lại còn hát bài “lòng mẹ” nữa chứ. Bài đó khó lắm.
   Giọng nó tỏ vẻ am hiểu.
-  Kỳ này 8A thua là cái chắc!
   Chúng tôi chẳng nghe thấy gì, ngoài tiếng hát tha thiết của Duy vang lên, chưa bao giờ chúng tôi thấy Duy hát hay như vậy, chưa bao giờ…
                                                                                     CHU MINH PHƯƠNG