Tìm kiếm Blog này

26 tháng 8, 2011

CÂY NẾN ĐỎ (Tiếp theo)

Lê Hồng Vân
Lớp 6 I THCS Ngô Sĩ Liên
Quận Hoàn Kiếm
(Năm học 1998 -1999)

                                     AI LÀ NGƯỜI DŨNG CẢM
                                                          (GIẢI A)

        Những ngày hè này Thủy thường sang chơi với tôi. Nó thích chơi với tôi chỉ vì lẽ đơn giản: tôi hay có những trò chơi lạ. Còn tôi thích chơi với nó vì nó hiền lành dễ bắt nạt. Thực ra, Thủy không những hiền lành mà còn yếu hơn tôi nữa. Nó yếu vì có một chân bị tật. Bước đi của nó tuy không khó khăn nhưng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến dáng di. Nó chạy đua với tôi cầm chắc là thua dù tôi có chấp nó chạy trước một đoạn dài. Vì thế trước những trò chơi tôi bày ra, thủy luôn luôn chịu thua làm cho tôi càng thêm tự đắc, coi mình là nhất.
      Có những lúc trò chơi của tôi không được đáp ứng, tôi cảm thấy buồn. Chẳng hạn như một hôm tôi rủ nó chạy từ nhà đến Cung Thiếu nhi, nó thật thà nói:
     - Chạy xa như vậy thì em ở nhà thôi. Chạy mệt lắm chị ạ!
  Những lúc như vậy, tôi thường buồng một câu ngao ngán: 
-  Chơi với mày chán quá! Bây giờ thì chơi gì?
    Mọi hôm nghe tôi nói vậy Thủy chỉ cười. Nhưng hôm nay mắt nó chợt sáng lên:
-  Hay là mình chơi nhảy dây nhé! Em có một cái dây mới mua.
     Nói xong, nó chạy về nhà trước khi tôi có thể thay đổi quyết định. Một lúc sau, nó chạy ra, tay cầm một sợi dây mới cứng, nét mặt rặng rỡ:
-  Bây giờ mỗi người nhảy một lần. Ai nhảy được nhiều thì thắng nhé!
    Trò chơi kể ra cũng hấp dẫn. tôi gật đầu:
- Được rồi mày nhảy trước đi.
    Nó nhảy trước nhưng đến quả thứ mười thì chân bị vương vào dây. Đến lượt tôi nhảy thì nó cổ vũ hết lời:
- Chị nhảy hay quá! Năm mươi quả mới chết.
    Nghe nó khen, tôi hí hửng, nở to mũi. Thủy lại nhảy nhưng kết quả chẳng hơn gì lần đầu. bọn trẻ trong khu tập thể kéo đến xem thật đông. Tôi nổi hứng quay dây thật mạnh. Chẳng may day quật trúng phải đứa bé  đang đứng xem cạnh đó. Thằng bé khóc ầm lên ăn vạ. Nguy rồi tôi hốt hoảng chạy về phía cầu thang, nấp sau cánh cổng sắt gọi Thủy:
- Thủy ơi ! Chạy đi
     Cánh cổng gần như quá nhỏ bé đối với tôi nên tôi cố thu mình lại thật nhỏ. Tôi tưởng Thủy cũng phải cố tập tễnh cố chạy như tôi. Nhưng không, tôi đã lầm. Thủy vẫn bình tĩnh đứng đó, dịu dàng kéo vạt áo lau nước mắt cho thằng bé rồi dỗ dành:
-  Bé nín đi! chị xin lỗi nhé, không sao đâu. 
Có tiếng chân chạy thình thịch rồi một giọng người đàn bà chao chác:
-  Đứa nào bắt nạt con tao đấy?
     Thôi chết rồi! Bà Tư mẹ thằng bé đã tới. Trong khu tập thể này, ai lại không biết bà là người dữ dằn nóng tính. Tôi tưởng Thủy cũng bỏ chạy như tôi nhưng nó rất bình tĩnh dắt em bé tới trước mặt bà tư:
-  Thưa bác… cháu chơi nhảy dây… lỡ tay quật phải em. Cho cháu xin lỗi em và bác.
     Khi bà tư dắt thằng bé đi rồi tôi vẫn còn cảm thấy sợ. Đằng sau cánh cửa sắt, tôi nhìn Thủy đang tập tễnh nhặt cái dây lên mặt bỗng thấy dáng đi của nó thật chắc chắn, vững vàng. Và bỗng nhiên con người nó dường như to lớn hơn tôi đang cố thu mình thật nhỏ trong cánh cổng sắt kia, Và, bây giờ tôi đã biết giữa tôi và Thủy, ai là người dũng cảm.


  
  Đặng Hải Như
  Lớp 9E - THSC Nguyễn Trường Tộ
  Quận Đống Đa
  (Năm học 1998 -1999)
                                 MƯỚP 
                                  (GIẢI A)
    Chuyện đó sảy ra cách đây nhiều năm nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ. Hồi ấy, nhà tôi nuôi một con mèo. Theo hình dáng bên ngoài nên tôi đặt tên nó là Mướp. Mướp có bộ lông vằn vện như hổ, đôi mắt sáng quắc trông rất dữ dằn nhưng kỳ thực nó là một con mèo rất hiền lành. Nó thường lủi thủi một mình, không thích ai bế ẵm, mà nó cũng chẳng thích gây gổ với mấy con mèo hàng xóm. Bữa ăn tôi chỉ xẻn cho nó một ít cơm với mấy cọng rau.Nhưng, nó cũng chẳng  kêu la, xin xỏ thêm. Có những bữa trưa tôi nhìn thấy nó nằm sưởi nắng ngoài sân. Đôi mắt lim dim. Một con bướm đậu bên tai nó cũng chẳng thèm đuổi. tôi cứ nghĩ nó là con mèo lười nê chẳng bao giờ quan tâm đến nó. Thời gian cứ bình thản trôi như nó vốn có. Rồi một hôm, Mướp bỏ đi ba ngày. Tôi cũng chẳng cần biết nó đi đâu, làm gì. Ngày thứ tư thì nó về, gầy sọp đi còn một nửa. Nhưng nó đã có bụng. Rồi thì nó đẻ, nó đẻ non. Bốn con mèo chưa đủ lông, đỏ hon hỏn. Duy có một con cứng cáp nhưng xem chừng yếu ớt lắm, khó sống nổi. Mẹ tôi gói ba con kia lại, chép miệng tiếc rẻ: “Thôi đành vứt đi vậy”. Mướp cố giữ lại con cuối, nó ấp con vào lòng, liếm hết mình mẩy con mèo đang thoi thóp thở. Nhưng cái việc làm đó gần như là tuyệt vọng. Mẹ tôi gói nốt con kia vào rồi chôn ra sau vườn. hôm đó mướp bỏ ăn, nó kêu gào suốt. Đến đêm, tôi vẫn còn nghe tiếng gào dứt ruột của nó. Anh cả tôi nói: “Chắc nó nhớ con, tội nghiệp”. Từ dạo ấy, tôi bắt đầu chú ý đến nó hơn và từ dạo ấy, nó càng trở nên lầm lũi hơn. Nó chỉ quang quẩn xó bếp nhưng không bao giờ ăn vụng. Mỗi bữa, tôi cho nó ăn thêm một miếng thịt nhưng nó chỉ nhấm mấy cọng rau rồi lại bỏ ra vườn cào cào như lục tìm cái gì đó.
      Tháng ba, nhà tôi có thêm một con mèo nữa. Đó là một con mèo cái đen tuyền trông thích mắt. Khác với con Mướp, nó thường giụi đầu vào lòng hoặc quanh quẩn bên người để được âu yếm vuốt ve. Nó hay gậy sự với mấy con mèo hàng xóm rồi đánh nhau, có khi chảy cả máu. Bữa ăn nó thường lân la sang chỗ con Mướp để ăn tranh. Cú mỗi lần như thế, con Mướp lại rồi lặng lẽ ra khỏi bếp. Rồi cũng như Mướp, con Đen có chửa. Vì được cả nhà chăm sóc nên nó  “mẹ tròn, con vuông”. Mẹ con con mèo Đen ở trong một cái ổ rơm cạnh cửa bếp. Mỗi lần con Đen liếm láp âu yếm lũ mèo con, tôi lại thấy con Mướp đứng khép nép sau cánh cửa, nhìn với vẻ thèm thuồng. Một lần, con Đen ra ngoài sân sưởi nắng, con Mướp liền vào khẽ vào ổ, lén chăm sóc mèo con. Nhưng khi nó đang tận hưởng sự mặn mòi của tình mẫu tử thì mèo Đen xuất hiện. Mướp hốt hoảng nhảy vọt ra khỏi ổ rồi lao vút qua cửa sổ. Con Đen xù lông, mắt long lên vì tức giận, nhưng vài phút, nó lại dịu đi và vào ổ cho lũ mèo con bú.
      Thời kỳ đổi mới, xóm tôi rộ lên nạn bắt mèo.Những con mèo gầy giơ xương như của bà Phương, mà còn bị chúng nó câu bắt huống chi con Đen nhà tôi vừa béo, vừa đẹp lại là giống mèo quý thì không thoát khỏi. Con Đen mất rồi nhưng con Mướp vẫn còn. Tôi đã tưởng con Mướp từ nay sẽ được ung dung vào ổ. Thì bỗng một hôm, mẹ tuyên bố với cả nhà:
      - Lũ mèo giờ dã mở mắt có thể ăn cơm được, phiên chợ tới sẽ đem bán. Tôi giật mình, phần thì tiếc vì tôi vốn quý mèo con, phần thì thấy tội cho con Mướp. Tôi cố năn nỉ nhưng không thay đổi được quyết định của mẹ. Ngày mẹ đem lũ mèo đi bán, con Mướp lăn lộn khắp nhà. Nó lại kêu lại thét, lần này còn dữ dội hơn lần trước. tôi cũng thương nó lắm. Mấy hôm sau, không thấy nó đâu nữa . Không biết nó có bị bắt không? Hay nó đi xa nên bị lạc? Hay bão thế này, nó đã bị cây đè chết rồi? Mướp ơi!...
                                                
                                                                        *******************************
  
Trần Thu Vân
Lớp 8G - THCS Nguyễn Trường Tộ
Quận Đống Đa
(Năm học 1998 – 1999)
QUÊ NỘI



Con gửi nắng về quê nội
Tháng giêng, gió rét ngập đồng
Dập dìu làng mùa lễ hội
Hanh hao, một giọt nắng xuân.
                                                     
                                          Gửi nắng về rét tháng ba
                                          Vẩn vơ nội còn đan áo
                                          Gửi nắng thắp màu hoa gạo,
                                          Ngập ngừng, từng bước chân qua.
Con gửi gió về đêm trăng
Đưa hương cau khắp lối
Kẽo kẹt ngọn tre đưa võng
À ơi! Một tiếng ru hời…

                                             Gửi thương về một con đê
                                             Tháng tám – những ngày mưa lũ
                                             Lo âu vào trong giấc  ngủ
                                             Sớm hôm vai mẹ lại gầy.

Gió thương cho một cánh cò
Lẻ loi giữa đồng nắng gió
 “Người đi khắp bốn phương trời
Quê nội nghẹn ngào trong mắt…”




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét