Tìm kiếm Blog này

10 tháng 12, 2011

EM YÊU HÀ NỘI (Tiếp theo)

PHẦN VIII

CHUA CAY BÁNH GỐI


    Bính bong…. Bính bong…”, tiếng chuông nhà thờ điểm năm giờ cưa ngân dài, vang mãi. Bóng chiều rơi. Vắt mình lên cảnh vật. tiếng lục tục xếp ghế ra về sau buổi cầu nguyện chiều của những con chiên ngoan đạo hư báo hiệu sự kết thúc của một ngày như bao ngày khác - êm đềm và bình lặng. Vừa tan học là tôi vội vã chạy như bay tới nơi quán hàng đặc biệt thân thương, nằm nép mình thân thương, nằm nép mình bên hông nhà thờ lớn Hà nội. Quán giản dị, đơn sơ, nhưng cũng hấp dẫn đến mộc mạc, y như thức quán bán - ấy là bánh gối…

   Có lẽ đấy là cái quán bán hàng nhoe nhất mà tôi từng thấy. Nó dè dặt đặt chân vào ô đất nhỏ xíu, nép mình như tìm sự che trở dưới vòng tay vững chắc của cây đa già lưng còng. Nằm trên cùng một một con phố ngắn với những nếp nhà xưa cũ, ngói còn son nhưng tường đã rêu phong, trông quán hàng ấy bí ẩn hơn và cũng hấp dẫn hơn. Trong tâm hồn thơ ngây của tôi, đó là nét khiến tôi ấn tượng và cứ háo hức muốn tìm hiểu mãi…Những thực khách khó tính khác, chắc cũng chung cảm giác như tôi, nên lúc nào họ cũng tấp nập lui tới. Mùa nóng cũng như mùa rét, những vị khách kiên nhẫn xếp thành hàng dài đợi lấy bánh, có thể khiến bất cứ một chủ quán nào khác cũng phải ao ước.
   Tôi thấy lưu luyến quán hàng này không chỉ vì vẻ hấp dẫn của bánh, của cửa hàng, mà còn vì bà chủ cửa hàng nữa. Tính bà xởi lởi, nhưng không hề chèo kéo giành giật khách. Qua ánh mắt và nụ cười ấm áp bà gửi cho khách, tôi cũng hiểu bà tin tưởng và tự hào về cái tài làm bánh có một không hai của mình…
   Chăm lui tới quán, rồi chúng tôi cũng khiến bà hàng để ý. Thấy chúng tôi là học trò nghèo, lúc nào cũng thập thò nhìn quán hàng của bà với ánh mắt háo hức, bà thấy thương nên quyết định chiêu đãi chúng tôi một bữa no nê. Bà âu yếm nhìn chúng tôi ăn, xoa đầu từng đứa như một người bà thực sự. Chúng tôi vui quá, nên quyết định sẽ tôi quán nhiều hơn, giúp bà dọn dẹp, quét tước. Thế là từ ấy, một cách nhẹ nhàng không ai hay, chúng tôi dần trở thành người bạn thân quen ở nơi ấy.
     Từ ngày có chúng tôi, bà rảnh rỗi nhiều hơn. Khi nào chiều muộn, ít khách, bà hay tỉ tê hỏi chuyện chúng tôi, tự kể chuyện mình, và dạy chúng tôi làm bánh. Công thức cũng thật đơn giản: một chiếc vỏ bánh lấm tấm bột như phấn mịn, để dưới cùng, ta khẽ xoa đều một chút lòng trứng cho dính nhân. Rồi miến trắng từng sợi, lạp sườn đỏ tươi, tôm nõn hồng hào, thịt nạc săn chắc làm bạn với mộc nhĩ thơm lừng, thế là chiếc bánh gối sắp hoàn thiện rồi đấy! Và với bàn tay nhẹ nhàng, khéo léo, thật nâng niu gói vỏ bánh sao cho nhân cuộn tròn bên trong, và chiếc bánh cong hình bán nguyệt. Khẽ khàng uốn mép vào trong cho quyện vào nhau như những  đợt sóng lăn tăn, rồi ta thả bánh vào chảo mỡ đang vui vẻ reo sôi sùng sục kia. Chiếc bánh vàng dần, cong lên một cách kiêu kỳ, quyến rũ nhưng cũng e thẹn như vầng trăng non mới ló. Mới chỉ nhìn thôi, mà tưởng như hương thơm đặc trưng, hấp dẫn tuyệt vời ấy đã cuốn chặt mọi giác quan. Lưỡi nhanh chóng cảm thấy vị ngọt, thơm của nhân, và trong miệng, từng miếng vỏ bánh giòn tan vỡ ra lốp bốp. Lúc ấy mà có bát nước chấm pha dấm đường, ngọt ngọt chua chua, đi kèm với bát đu đủ xanh thái lát mỏng, trắng xanh như đá cẩm thạch, từng lát ớt đỏ tươi quyến rũ và chút rau sống xanh non mỡ màng thì còn gì tuyệt hơn. Bằng đôi tay vàng khéo léo và trái tim căng tràn nhiệt huyết, bà chủ hàng dần truyền cho chúng tôi mọi bí quyết nhà nghề. Và khi lần đầu tiên được thưởng thức những miếng bánh do chính mình làm ra, ngoài niềm vui và sự háo hức con trẻ, tràn đầy tim tôi còn là sự tự hào và niềm kiêu hãnh nữa…
      …. Chắc nếu không có tin buồn ấy, tôi sẽ không bao giờ bị kéo ra khỏi một giấc mơ đẹp, một giấc mơ tuyệt vời như ở xứ sở thần tiên. Tôi sẽ phải cùng bố mẹ chuyển đi đâu đó, nhưng chắc là xa lắm. Bữa tiệc chia tay chúng tôi quyết định sẽ hẹn gặp nhau ở quán hàng ấy. Bọn tôi ngồi quây thành vòng tròn, ríu ran nói cười, song ai cúng cố nuốt nỗi buồn vào trong. Tôi ngồi yên,ngẩn ngơ nhìn phố vắng, chăm chú quan sát, như muốn in hằn hình ảnh những nếp nhà cổ Hà Nội vào tâm tư. Lắng tai nghe tiếng quay đều đều và chậm rãi từ một chiếc xích lô không có khách, và từng chiếc lá đa già rụng xuống, khô khốc dưới chân, chạm đất bằng chiếc vòng xoay kỳ lạ, y như những trái tim vàng bay. Tôi không thể tin đực, chuyện buồn ấy lại xảy đến với mình. Tôi bàng hoàng nhận ra, chỉ tới đây thôi, không lâu nữa, tôi sẽ để tuột khỏi tay tất cả, tất cả kỷ niệm về một thời t5how ấu tuyệt đẹp, êm đềm như một giấc mơ. Bà hàng ngồi xuống cạch tôi âu yếm nhìn, xoa đầu tôi, rồi như không muốn tỏ ra yếu đuối, bà bật dậy, chạy xa xa, vội vã giấu đi những giọt nước mắt. tôi ngước lên bầu trời trong veo, với những đám mây lững lờ trôi, hoàn toàn vô tình với nỗi buồn của tôi. Bất giác tôi tự hỏi – mảng kỷ niệm của tôi với bạn bè, với bà hàng, với bánh gối và lớn hơn nữa, với Hà Nội thân yêu, sẽ trôi dạt về đâu?...
                                                                                        
                                                                                        NGUYỄN THU HÀ
  
  
SẮC MÀU HÀ NỘI

Hà nội xanh Hồ Gươm
Hàng cây xanh bóng mát
Liễu rủ xanh mái tóc
Nắng xuân sáng mặt hồ
                                                                             
Hè, Hà nội nắng đỏ
Trái chín đỏ vườn cây
Phượng thổi lửa đỏ cháy
Nóng bỏng đỏ nắng hè.

Hà Nội vàng hoa cúc
Vàng lây nắng mùa thu
Nắng mùa thu nhuộm lá
Nhuộm vàng cả lối đi

Hà nội nhạt mùa đông
Lạnh lẽo và yên lặng
Nhạt chùm lên cảnh vật
Lắng chìm đợi mùa xuân.
                                                             TRỊNH ANH THƯ


CHUYỆN PHỐ TÔI

     Gia đình cô Mai mới chuyển đến ngôi nhà cũ của ông Tuấn có ba người. Cô Mai , chú Long và con gái của hai cô chú năm nay mới được năm tuổi.
     Chú Long và cô Mai đều hiền, mà cũng rất tốt. Nhà của cô chú cạnh quán phở của bà Thường nên đôi lúc cô Mai cũng rất khó chịu.

     Một hôm, cô Mai đi làm về, tay cầm giỏ thức ăn, mặt mày trông vẻ thật bực bội. Lúc sau chú Long đi làm về, vừa cất đồ dùng và thay quần áo xong, thấy mặt cô Mai rất bực, chú liền hỏi thật nhẹ nhàng:
-  Có chuyện gì mà trông em hôm nay không được dễ chịu cho lắm?
Cô Mai trả lời cau có:
- Em chán lắm, sao mà cuộc sống nó lại mệt mỏi đến như thế này? Hôm nay, ở công ty thì làm biết bao nhiêu là việc. Lúc đi mua cá thì gặp phải bà cân điêu, đã thế lại còn bán đắt cơ chứ. Cái Phương lại bị đau bụng. – Cô lại nói tiếp. – Lại còn bà hàng xóm bên kia nữa chứ, hôm nào cũng quạt bếp lò làm khói bay mù mịt sang bên này, độc ơi là độc. Đêm nào cũng bán hàng ầm ĩ, không để người ta ngủ yên.
Chú Long nhẹ nhàng khuyên nhủ:
- Thôi! Em ạ. Đó cũng là để người ta kiếm được đồng tiền còn nuôi con, chứ có ai muốn làm phiền mình đâu. Cứ từ từ rồi sang nói với họ.
    Thế là mấy ngày sau đó, cô Mai chẳng thèm nói chuyện với bà hàng xóm, dù khi cô đi làm về, bà Thường vui vẻ chào hỏi thì cô lầm lì đi vào nhà không thèm để ý đến xung quanh. Dạo này bà Thường còn bán hàng cả buổi trưa và đêm làm cô Mai càng thêm bực tức.
    Một buổi trưa nóng nực, khi bà Thường đang ngồi thái rau để buổi chiều bán hàng, bà bỗng thấy một cô gái đi xe máy đến trước cửa nhà cô Mai, bấm chuông liên tục. Bà Thường chạy lại hỏi thì cô gái trả lời:
- Thưa bác, cháu là cô giáo của bé phương. Hôm nay, sau khi ngủ dậy, cháu thấy bé Phương người nóng ran, mệt mỏi, cháu gọi điện cho mẹ của bé nhưng không ai nghe máy, cháu đưa bé Phương về nhà nhưng không gặp mẹ bé. Bà thường vồn vã nói:
- Cô giáo đưa cháu vào nhà để tôi trông  cháu bé cho, bố mẹ bé đi công tác từ hôm kia, hôm nay mới về, bó mẹ đưa bé lên bà ngoại.
    Cô giáo đưa Phương vào nhà bà thường, rồi cô xin phép về lớp dạy. Bà thường lấy thuốc hạ sốt cho bé Phương uống, rồi cho bé nằm nghỉ trên gường. Khi bé tỉnh dậy, bà cho bé ăn uống để chóng lại sức…
    Năm giờ chiều, cô Mai và chú Long đi công tác về. Cô Mai định hôm nay sẽ sang nói chuyện với “bà hàng xóm tốt bụng” của mình, nhưng cô vừa đến gần nhà thì thoáng thấy ai như như con gái của cô đang ngồi cạch bà Thường. Cô dừng lại trước cửa nhà. Bà Thường dắt Phương chạy ra, kể rõ sự việc. Nghe xong cô Mai rất áy náy về chuyện mình đã nghĩ xấu về bà Thường. Rồi bà nói tiếp:
- Tôi biết rằng đã làm phiền cho gia đình cô rất nhiều, tôi đã lợp tấm mái ở đằng sau để khói không sang nhà cô rồi. tôi rất xin lỗi cô chân thành.
   Lúc này, cô Mai mới hiểu được tấm lòng tốt của bà Thường. Thật đúng là không gì quý hơn tình hàng xóm.

                                                                               NGUYỄN MỸ LINH

HOA SỮA

Hoa như giọt mưa thu
Rung rinh trong vòm lá
Nắng trên hoa lấp lóa
Rủ ong đến từng bầy


Nhớ mùa thu Hà Nội
Hương sữa dậy trời đêm
Dưới ngọn đèn chưa ngủ
Hoa sữa thơm sách em.
                                                                                            

                             NGUYỄN DIỆU HƯƠNG












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét