Tìm kiếm Blog này

1 tháng 12, 2012

XƯƠNG RỒNG CÓ GAI


  
     Như bao ngôi nhà nằm ven bờ biển Quảng Bình gió lào cát trắng, chỉ khác là nó ọp ẹp, xiêu vẹo và bên trong trống trải. Cái mà mẹ con nó gọi là nhà chẳng khác nào một cái chòi lẻo khẻo trông dưa
   Ngày trước, gia đình nó khá giả lắm chứ. Nó còn nhớ loáng thoáng gương mặt ba nó làm con ngựa cho nó cưỡi, nhăn nhó nhưng hớn hở. Nó nhìn ra biển xa và gọi ba nó trong tiếng nấc thổn thức. Cái gò cát mà nó ngồi đã có từ lâu cùng mấy bông hoa tím lởm chởm giữa cái nóng khát khô của mảnh đất miền Trung này. Cái gò mà mẹ nó ngày xưa ngồi trông ba giữa cơn bão táp điên cuồng. Nó len lén nhoài người bên mẹ khóc réo rắt trong cơn mưa tầm tã và gió rít lạnh buốt sống lưng. Lúc đó nó mới thật sự biết rằng ba nó vĩnh viễn không về để  lại cho mẹ nó nỗi đau lớn lao và khuân mặt đen ngòm nhỏ bé của nó - con bé làng chài và món nợ mà khi còn sống ba nó vay sắm con tàu đi đánh cá. Nó còn nhớ như in cái cảnh mẹ nó vật vã giữa cơn đau lòng buồn khổ tưởng chừng như không thể đứng lên nổi trong ngôi nhà sẽ là nơi nó ở sau này và mãi mãi. Mẹ nó bán hết nhà để gán nợ…Từ đó cuộc sống của mẹ con nó cứ bấp bênh như cái bẹ chuối muốn vượt qua đại dương xa xôi. Nó không có bạn bè dựa dẫm lúc buồn, vui. Không biết họ xa lánh nó hay chính nó tự tránh né họ. Nó chỉ có cái gò đất là “ người bạn tri kỷ”. Tất cả… tất cả mọi thứ tốt đẹp đều chào nó rồi “ cuốn gói” vĩnh viễn ra đi. “ Đứa bạn tri kỷ” của nó ngày nào cũng phải nghe nó than thở đến nỗi mấy bông hoa tím cứ lởm chởm như bông gà chọi chứ chẳng xum xuê tí nào. Mẹ nó ngày ngày nhập cá từ các tầu rồi đem lên chợ bán. Có lẽ vì vậy nên “ cái mà người ta thường gọi là nhà của nó”  cứ hum hủm mùi tanh. Nhưng nó chịu được tất , miễn là nó vẫn cảm thấy : dù sao đó cũng là cái hạnh phúc còn lại mà cuộc sống ban tặng cho mẹ con nó và nó cứ tự nhe cái hàm răng trên chín dưới mười mà tự cười một mình với bạn: “tri âm tri kỷ” của nó cho bõ tức. Xung quanh cái gò nó chơi vẫn là mấy cây xương rồng đầy gai góc thấy phát ghét . Trên bãi cát trắng này chỉ có xương rồng với cây hoa tím là tranh nhau ngự trị. Mỗi khi  một làn gió nào đó hờ hững lướt qua trên đám lá hoa tím là y như rằng nó nghe thấy tiếng than vãn đầy bất công là những cái gai xương rồng  hằm hè bắt nạt chúng, ngay cả nó đôi khi sơ ý cũng bị gai đâm đau ơi là đau. Nó lại thì thầm với mấy bông hoa lởm chởm: “ Các bạn đẹp lắm chỉ có xương rồng la ác độc” . Đôi lúc một ý nghỉ chớt thoáng qua rằng tại sao nó cứ ác cảm với loài cây gai góc đó. Nó đọc sách thấy xương rồng mọc trên cát , khí hậu nóng nên lá của nó biến thành gai để ngăn sự bốc hơi nước ra ngoài. Nó thấy cây xương rồng cực khổ quá- cũng giống nó vậy nó ghét xương rồng lắm. Rồi một hôm nó quyết định làm xương rồng trở lên hiền lành và dễ gần hơn. Kiếm được ở gò cát cây xương rồng nhỏ nhắn, xinh xắn nhất, nó liền mang trồng vào cái máng sứt mẻ. Có lẽ vì không muốn thấy nó như chính mình trong bộ quần áo đen đúa bẩn thỉu nên nó dùng kéo cắt phăng mấy cái xương xẩu nhọn hoắt đó. Ngày ngày, nó tưới nước đều cho xương rồng “ không gai”. Xương rồng vẫn xanh tươi cho đến ngày thứ ba thì “ bệnh nhẹ”. Nó cảm thấy hơi buồn vì mẹ nó an ủi là một ngày nào đó  sẽ kiếm nhiều tiền mua hẳn một cây xương rồng nhiều màu trong tiệm kiểng cho nó. Nhưng nó không thích. Nó ra sức tưới nước và ra sức cắt bỏ hết tất cả những cái gai mà nó tình nghi là gai. Ngày thứ tư rồi thứ năm cây xương rồng “ bệnh nặng” và rồi xương rồng gục xuống, ủ rũ héo hon và rồi bỏ nó một mình giữa căn nhà heo hút. Căn nhà vốn rất chật hẹp nhưng hôm nay nó lại thấy trống trải và rộng đến kỳ lạ. Xương rồng ra đi ngay trước mắt nó. Nó cảm thấy đau đơn y như khi ba nó qua đời. Nó cứ khóc hoài. Mẹ nó biết nó đang thiu thỉu trong góc nhà. Nó ngước đôi mắt đỏ hoe lên và bắt gặp ánh mắt sầu sầu của mẹ. Thường ngày mẹ không có vẻ âu yếm nó. Có lẽ vì mẹ là một phụ nữ làng chài quen nắng gió lên lòng mẹ cũng khô khan như làn da trên đôi bàn tay chai sạn quen cát nóng và hơi muối mặn nồng của biển. Nhưng nhình như đó chỉ là cái cảm nhận về bề ngoài thô thô của mẹ bởi vì hôm nay, mẹ đã đánh gục vẻ cứng cỏi và cái nhìn buồn buồn mọi ngày để đến bên ôm nó vào lòng:
     - Con răng (sao) mà ngốc rứa (thế)?Cuộc đời đã ban tặng cho mỗi người một số phận, chỉ khác là có những cuộc đời trải dài một cách bằng phẳng nhưng cũng có cái hắn (nó) gồ ghề như con đường rứa (vậy) đó. Cây xương rồng hẳn cũng có một quy luật tự nhiên là sống giữa nắng nóng và tồn tại cùng những cái gai mà cuộc sống ban cho, tuy nhiên nó khó chịu lắm chớ! Nhưng chúng ta không nên làm trái với quy luật của cuộc sống. Cây xương rồng có gai để sống được cả những nơi khô cằn, nóng bỏng nhất. Con ạ! Căn nhà lá này cũng sẽ là nơi giúp con vượt qua những khó khăn trước mắt. Mẹ thì không được học hành nhưng mẹ vẫn hiểu được cái sự thật đó là: đường đời hết sức vất vả và gian khổ, muốn đạt được thành công trước tiên chúng ta phải vượt qua được chính bản thân mình và khó khăn thách thức trước mắt. Đừng bao giờ luyện mình trưởng thành trong sự sung sướng để rồi lười biếng, hèn nhát, chọn con đường bằng phẳng nhất mà đi thì rồi cũng sẽ có số phận như vậy xương rồng không gai đó. Con hãy nhớ mấy lời mẹ nói nhé! Xương sồng có gai của mẹ! Phải cứng rắn lên!
  - Nó chợt hiểu ra rằng tự làm cho xương rồng không gai là sự sai lầm. Nó bỗng yêu cây xương rồng ngoài gió cát xiết bao. Nó tin chắc rằng khi nó vượt hết tất cả mọi khó khăn thì thế giới tươi đẹp sẽ hiện ra vẫy chào mẹ con nó. Nhưng việc trước tiên nó phải làm là luyện mình thành một người cứng cỏi như mẹ- cây xương rồng có gai.
                                          Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                         VÕ THỊ MINH TÂM
                                                               CLBPVN – NHÀ THIẾU NHI QUẢNG BÌNH
                                                                               NĂM HỌC  2004 – 2005


LÁ THƯỜNG XUÂN CỦA CỤ BƠ MEN


         Nó - một kẻ bất hạnh. Nó - một thằng bé mồ côi. Nó - một đứa ăn cắp. Tiềm thức của gia đình đối với nó đơn giản là một dấu chấm hỏi màu đen to tướng, xám xịt. Nhưng rồi cuộc đời của nó đã rẽ qua một hướng mới khi gặp bà.
    Bà đối với nó còn khó hiểu hơn cả cái “tiềm thức” về gia đình kia. Nhưng có một điều nó rất hiểu đó là tình thương của bà dành chó nó…Nó sống cùng với bà trong trong một căn gác xép tận tít tầng tám của một khu dân cư. Cũng được đi học, cũng có cơm ăn áo mặc chỉ khác mỗi lần nó và bà một thứ quà gì đấy thì thay vào đó nó sẽ được tiếp tục nghe một câu chuyện cổ tích mang cái tựa đề ngồ ngộ: “Chiếc lá cuối cùng”. Không hiểu sao, đối với bà câu chuyện này có sức hấp dẫn đến thế! Còn nó tuy đã học bài này cùng với cô với thầy, cũng đã hiểu giá trị nhân văn, nghệ thuật của câu truyện. Nhưng nó cũng chẳng thấy câu truyện đẹp vì cái gì và đẹp ở chỗ nào. Nhìn thấy lũ bạn kháo nhau muốn có một cái lá thường xuân. Nó bĩu môi, trong đầu gạt phắt ý tưởng ấy cho dù không nói ra sợ bị chê là kẻ khô khan và tối dạ. Nó nghĩ sao ư? Đơn giản, chiếc lá, là chiếc lá làm sao có thể là một linh hồn là tình thương "tuyệt vời” cơ chứ? Cũng giống như một là một và hai là hai. Nó tự nhủ: “ Chao ôi! Ăn với mặc thì chưa đủ chớ ngồi mà mơ tưởng, tốn thời gian.”Cũng có lẽ do “ác cảm” với môn Văn mà nó cho là “thiếu thực tế” chẳng khác gì “ mía ngọt bị nhai đi chỉ còn cái bã đắng ngắt”nên nó tu tâm học theo cho kì được môn Toán. Xem vậy, mà nó luôn đứng đầu lớp về môn Toán còn môn Văn thì luôn chót bảng vì bài nào liên quan đến “ Bơ men, Giôn xì” là nó lại bỏ giấy trắng kèm theo một câu triết lý của chính mình: “ một là một và hai là hai”. Mỗi ngày chủ nhật nó lại cùng bà  làm mọi việc và ngồi nghe câu chuyện cụ Bơ men cứu sống Giôn xì chỉ bằng một chiếc lá. Mỗi lần hình dung về chiếc lá thường xuân thì hẳn trong đầu nó là một hình thù màu đen ngoạch ngoạc.Nhưng để chiều lòng bà nó vẫn tiếp tục nghe và tiếp tục ngái ngủ. Nó tham gia vào đội tuyển toán của toàn trường để thi tỉnh và ngồi mong mỏi sẽ có giải để “ theo đuổi” “ môn Toán thực tế” của quốc gia. Rồi, bất chợt nó được chọn vào đội tuyển tỉnh. Nó mừng lắm! Bà cũng vui theo! Bà lên chợ tỉnh sắm cho nó ít áo quần mới và mấy quyển sách nó vòi tư lâu gói gém cẩn thận trong cái ba lô to đùng cho nó. Cái ngày nó đi luyện thi tới gần. Nó ôm chầm lấy bà. Lúc này nó mới thấy những giọt nước mắt nóng hổi của bà chảy dài trên gò má. Nó an ủi: “Bà à! Cháu đi thì sẽ đem giải cao về cho bà mà!” Bà vẫn mỉm cười, đôi mắt sâu thẳm nhìn nó. Rồi nó lên xe và vẫy tay chào bà…Mấy tháng sau, nó trở về, gương mặt hớn hở vì ẵm được giải nhì, nó định khoe với bà đầu tiên. Về nhà, nó không thể ngờ rằng bà đã mất do bị nhồi máu cơ tim. Ai cũng bảo bà không cho người nào báo cho nó biết khi họ thấy bà đang ngã vật xuống đường nếu không bà chết chẳng thể nhắm mắt. Nó chạy vụt lên căn hộ của mình. Mọi thứ vẫn còn đó riêng bà không còn. Rồi nó thấy trên bàn là một bức thư của bà đã sơn màu chắc bà viết từ lâu. Nó đọc và nó khóc. Nó ngồi sụp xuống và bắt đầu vẽ…Đến bên mộ bà,nó đào bới một lớp đất trong tiếng ncs và chôn vào đó một tờ giấy, không ai biết nó đã vẽ vào đó một chiếc lá thường xuân màu hồng. Trời mưa, nó vẫn ngồi đấy, bên cạnh mộ bà, mưa làm nhòa nước mắt trên mặt nó. Đối với nó bây giờ hình ảnh bà lại hiện lên với câu chuyện của Giôn Xi và cụ Bơ Men. Nó thèm muốn. Nó ao ước một lần nhìn thấy bà, chỉ một lần thôi cũng được. Mưa cứ tí tách rơi nhưng nó chẳng hề thấy lạnh, nó chỉ thấy xót xa sao mỗi lần bà kể chuyện nó lại ngái ngủ…Xót thay! Đau đớn thay! Nó lại ghét cụ Bơ Men và Giôn  Xi. Nhưng bây giờ ngay tại mộ bà thì hoàn toàn khác, đối với nó một vẫn là một hai vẫn là hai nhưng chiếc lá không chỉ còn là chiếc lá. Mà là tình thương, là sự sẽ chia, là hi sinh vì nhau. Với nó, chiếc lá thường xuân của cụ Bơ Men đang được nhuộm một màu mới – màu hồng…

                         Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                          TRẦN KHÁNH TRANG
                                        CLBPVN NHÀ THIẾU NHI QUẢNG BÌNH
                                                        NĂM HỌC  2004 – 2005


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét