Tìm kiếm Blog này

7 tháng 4, 2012

   BÀI VIẾT CỦA CÁC EM HỌC SINH 
CÂU LẠC BỘ VĂN HỌC CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI 
                                           NĂM 1995 - 1997                                                
(PHẦN IV)


                           KỶ VẬT
 
        Mai  đã là ba mươi Tết, gia đình tôi náo nức dọn nhà để chuẩn bị cho năm mới. Nhanh thật ! ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết một năm. Và chỉ tối mai thôi đã hết một năm với biết bao kỷ niệm vui buồn. Nghĩ tới đó, quên bẵng tính lười biếng thường ngày.
-   Mẹ có cần con giúp gì không? 
    Mẹ tròn xoe mắt rồi chợt mỉm cười.
-     Được, con quét phòng con đi
   - Hừ - tôi giận dỗi. Lần nào cũng vậy, hễ tôi “đột xuất” là mẹ lại bắt tôi dọn phòng. Nào! đầu tiên là moi hết rác trong gầm gường ra đã. Dễ đến cả năm rồi tôi chưa quét dọn. Chà! Nào giấy, nào rác, nào hạt na…túa mồ hôi. Tôi “mới” “moi” được đầy một xô rác, tôi cúi đầu một vòng xem còn tí rác nào không. Ơ! Hình như tít sâu trong gầm gường có một khúc gỗ. Một khúc gỗ nhỏ. Hay là… tôi lặng lẽ nhìn lên bàn thờ.
   Câu chuyện xảy ra cách đây ba năm. Hồi tôi mới bảy tuổi, nhưng vẫn còn nhớ như in. Hôm đó là đêm giao thừa sau khi chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng, gia đình tôi “cụng ly” đón mừng năm mới. Mẹ cười tươi:
- Năm mới mẹ chúc con gái học giỏi, ngoan ngoãn!
  Rồi mẹ mở tủ lấy ra một gói giấy bóng kính. Tôi mở ra. Ồ! Một chiếc áo khoác hồng. Đẹp quá!
   Tôi chưa hết ngạc nhiên bố đã mở túi xách, lấy ra chiếc ba lô vàng có in hình chú chuột Míc- ki đang “đá lông nheo”.
- Đây ! Phần thưởng của bố cho con gái rượu đây!
- Bố!
   Tôi reo lên và ôm choàng lấy cổ bố. tôi chợt nhìn sang ông. Ông mỉm cười trìu mến.
- Úm ba la! Úm ba la! Búp bê đâu hiện ra!
    Ôi !Con búp bê !Có phải con búp bê cô dâu ở cửa hàng mà lần trước mình chỉ cho ông xem không nhỉ ?
    - Đây quà của ông đây! Ông biết cháu thích búp bê nên tặng cháu đấy! Ông định mua cho cháu cô búp bê cửa hàng nhưng không đủ tiền nên đẽo cho cháu cô búp bê này đây.
    Ông cười và đưa cho tôi một cô búp bê bằng gỗ xấu xí, đen xì, chẳng có váy vủng gì cả. 
      Tôi hậm hực:
-  Trời ơi! Búp bê gì mà xấu như quỷ ấy! Ông cầm lấy đi, cháu chẳng cần đâu.
     Ông sững sờ. Nét mặt ông  trở nên buồn bã, ông lặng lẽ đi về phòng.
- Mai! sao con hỗn với ông thế hả!
    Thế là hôm ấy(kể cả là ba mươi Tết), tôi cũng bị bố cho một trận nên thân. Và từ ấy, mặc dù tôi đã hết lời xin lỗi ông nhưng chẳng bao giờ tôi thấy ông cười nữa. Và con búp bê từ ấy cũng mất luôn.
     Ba tháng sau ông mất…
     Còn tôi. Tôi đã cố gắng tìm lại con búp bê ấy, vì giờ đây tôi mới hiểu được giá trị thực sự của nó. Tuy nó đơn xơ, giản dị thế nhưng nó chưa đựng cả tấm lòng yêu thương của ông dành cho tôi. Cứ nghĩ tới cảnh ông hì hục đục đẽo con búp bê, vừa làm, ông vừa lau những giọt mồ hôi chỉ để làm vui đứa cháu nhỏ của mình. Vậy mà, chẳng những tôi không cám ơn ông mà còn vô tình xúc phạm đến ông. Mỗi lần nghĩ tới, tim tôi lại đau nhói… 
 Tôi lấy cán chổi khều khúc gỗ ấy ra mà lòng hồi hộp. Nhưng đó… chỉ là một chiếc chân gường bị gãy.
                                                          
                                                                          BÙI LAN PHƯƠNG
                                   
MÙA XUÂN

 Mưa xuân nhẹ lướt
 Trên mái tóc em
 Như bàn tay mẹ
 Tặng em kẹo mềm
 Mưa xuân nhẹ lướt
 Trên cánh đồng xanh
  Có bàn tay mẹ
  Lúa lên hàng hàng
             
                    Mưa xuân nhẹ lướt
                    Muôn ngàn cánh hoa
                    Mưa xuân nhẹ lướt
                    Như giọng hát xa
                                                                                VŨ THANH HƯƠNG


CÂY MÍT NHÀ EM

                Cây mít nhà em
                      Tán tỏa bóng tròn
                      Ơ kìa mít con
                      Quây quần vui quá!
                      Chơi trò ú tim
                      Trong từng chùm lá

                                                                           NGUYỄN MINH HƯƠNG


BẠN TÔI


-  Nhưng… em thưa cô…
-  Thôi, không phải bàn cãi gì nữa, các em hãy lấy sách vở ra học bài.
    Tôi ấm ức ngồi xuống, quên không nhìn xem bản mặt khó chịu của thằng Duy nó hả hê đến cỡ nào, thật không thể tưởng tượng nổi. Một giọng hát mà sấm sét của thiên lôi cũng phải kính nể lại lọt vào đội văn nghệ? Mặc dù chúng tôi phản đối kịch liệt nhưng nó vẫn khăng khăng đòi vào và cô giáo lại đồng ý với nó. Ôi! Thế là bao nhiêu hy vọng đoạt giải của chúng tôi bây giờ chỉ là một sợi chỉ mỏng manh. Tôi quay qua thằng Duy, nó định toét miệng cười nhưng chạm phải ánh mắt “thù định” của tôi, nó xỉu xuống.
    Các buổi tập hát diễn ra liên tục làm chúng tôi mệt bở hơi tai. Chúng tôi cứ thay nhau nghỉ - hôm nay đứa này, ngày mai đứa nọ, nhưng chỉ riêng nó rất nhiệt tình và đi rất đúng giờ, không bỏ một buổi nào. Và vì thế sau mỗi buổi tập, chúng tôi đã mệt lại càng mệt thêm vì giọng hát của nó. Ôi! cực hình!
    Hôm nay là buổi tập cuối cùng. Quả thật, sau mấy tháng, giọng thằng duy có khá hơn, nhưng để giành giải nhất, nó còn phải tập thêm mấy chục năm nữa. Đã vậy, trước khi ra về, nó còn hùng hổ:
- Chắc chắn lớp mình sẽ đoạt giải nhất!
   Nếu nó không nằm trong đội văn nghệ thì chúng tôi rất vui mừng trước lời tốt đẹp đó, đằng này…Sau khi bọn nó ra về, chỉ còn tôi, Lan, Phong và Nam ở lại, Lan chợt nói:
- Tại sao Duy nó thích vào đội văn nghệ lớp mình thế nhỉ?
   Phong gật đầu:
- Kể cũng lạ! phải công nhận thằng Duy hát hay hơn hồi trước, chắc là mỗi ngày nó phải tập mấy tiếng.
   Tôi gạt phăng:
- Thôi ông ơi! Đừng có đoán mò! Mẹ nó mất, bố nó đi làm từ sớm đến tối mới về, mọi công việc trong nhà đều đến tay nó cả, lại còn trông em nữa chứ! Thì giờ học chưa chắc đã đủ lại còn tập với chả tành.
  Nam phụ họa:
-  Thằng Tuấn nói chí lý! Nhưng tớ thật lạ ở một điểm, từ trước đến nay, thằng Duy chưa bao giờ thích hát, bởi vì nó biết cái giọng nó không hay ho gì cho lắm. Nhưng đùng một cái, nó lại xin vào đội văn nghệ với thái đội hồ hởi, mừng rỡ. Đáng nghi lắm!
    Ừ nhỉ! Đáng nghi lắm! Chúng tôi thần người ra suy nghĩ, bỗng Phong thầm thì:
  - Chắc chắn tối nay nó sẽ tập đi tập lại bài hát. Hay mình đến nhà nó xem cái bộ mặt háo hức của nó để mai kể cho bọn bạn nghe! Chắc tức cười lắm.
Nhỡ Duy phát hiện ra thì sao? Tôi băn khoăn.
- Phát hiện thế quái nào được! Phải kín đáo chứ.
Lan phản đối
-  Bọn con trai các cậu thật vớ vẩn! Ai lại làm như thế
   Nam kết thúc câu chuyện
- Thôi thôi! Ai không đi thì ở nhà!
   Còn ai đi thì 8h tối nay có mặt ở cổng nhà thằng Duy. OK?
    Tám giờ tối, tôi đang lớ ngớ trước cổng nhà Duy thì:
- Này sao đứng đây?
   Giật mình tôi hét toáng lên!
-  Ôi ôi! Tôi có ăn trộm gì đâu!
   Một bàn tay bỗng bóp chặt miệng tôi:
    Im! Đi rình nhà người ta mà gào to thế?
  Tôi trố mắt, thì ra cái thằng bạn giời ơi đất hỡi. Tôi đang định “chửi” bọn nó, bỗng:
-  Két…két…
    Tiếng kẹt cửa lại làm tôi giật mình.
   Một bóng người bước ra và đi nhanh ra cổng thằng Duy! Quái! Sao nó lại đi theo hướng ra nghĩa trang nhỉ? Chúng tôi âm thầm bám sát cái bóng của nó, lòng vô cùng hồi hộp. Len lỏi qua các ngôi mộ, Duy bỗng quỳ xuống trước ngôi mộ cỏ chưa kịp lên xanh:
- Mẹ! Con đến thăm mẹ đây! Con nhớ mẹ lắm!
   Nó bật khóc:
   -  Mẹ! Ngày mai lớp con đi thi rồi! Con hồi hộp lắm! Con biết mẹ mông muốn con trở thành ca sĩ và con cũng biết mình hát rất dở. Mẹ ơi, con không thể làm gì hơn để mẹ vui lòng. Mẹ ơi.
                                                 
                                                                 *
                                                       *                     *
-  Xin mời em Phạm Quang Huy, lớp 8A lên sân khấu.
Nhìn Duy run run cầm micro lên sân khấu, chúng tôi không khỏi xúc động, tiếng ai đó vang lên:
- Tao biết thằng này rồi! Hát như bò rống mà cũng đòi đi hát! Lại còn hát bài “lòng mẹ” nữa chứ. Bài đó khó lắm.
   Giọng nó tỏ vẻ am hiểu.
-  Kỳ này 8A thua là cái chắc!
   Chúng tôi chẳng nghe thấy gì, ngoài tiếng hát tha thiết của Duy vang lên, chưa bao giờ chúng tôi thấy Duy hát hay như vậy, chưa bao giờ…
                                                                                     CHU MINH PHƯƠNG







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét