Tìm kiếm Blog này

12 tháng 1, 2013

TỔ ẤM GIA ĐÌNH


     Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết được mình sinh ra ở đâu. Tôi chỉ nhớ rằng từ nhỏ tôi đã gắn bó với trại trẻ mồ côi. Mỗi khi nhìn thấy những đứa bạn cùng lứa với tôi được gia đình cho đi chơi đâu đó là tim tôi lại đau nhói. Tôi khao khát mình có một mái ấm như những đứa bạn cùng lứa, nhưng lại tự hỏi: “ Chẳng biết mình được sinh ra ở đâu nhỉ? Quê hương mình ở đâu? Bố mẹ mình như thế nào? Họ có nhớ đến tôi nữa không”. Đối với tôi đó là một câu hỏi khó. Tôi chẳng biết trả lời vì sao, từ nhỏ tôi đã bị bỏ rơi và được trại trẻ mồ côi đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng. Cách đây không lâu, tôi được một gia đình giàu có, nhưng lại hiếm con nhận về làm con nuôi. Từ khi bước chân theo họ về nhà, tôi lo lắng, mình có được hưởng tình yêu bố mẹ từ họ không?
 Từ khi về, tôi được thương yêu và chăm sóc chu đáo. Chỉ ít lâu, tôi đã bao bọc tình thương yêu của bố mẹ mà tôi ấp ủ bấy lâu. Trái lại, khi đã nhận được tình thương, tôi đã không cho bố mẹ tình yêu thương của người con mà còn làm phiền lòng cha mẹ. Cho đến một hôm, Tôi và các bạn đang chơi đá cầu, chẳng may cầu vướng phải một cành cây cao trên ngọn. Để chứng tỏ tài năng của mình, tôi trèo lên cây lấy cầu. Khi trèo lên gần ngọn, tôi giẫm lên một cành cây. Bỗng nhiên: “Rắc” – Tôi bổ nhào xuống đất bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy tôi mới biết mình nằm ở trong bệnh viện. Bên cạnh giường bệnh, của tôi là mẹ. Mẹ ngồi trầm lặng, mắt mẹ đẫm lệ. Tôi đã nhìn thấy trong mắt mẹ nỗi sợ hãi hoảng hốt. Đến khi tôi cầm bàn tay mẹ, mẹ biết tôi đã tỉnh. Mẹ nói: 
- Con có đau ở đâu không? Khổ thân con. Chắc con bị đau lắm? Thấy mẹ tôi hỏi:
- Bố đâu hả mẹ? Mẹ chưa kịp trả lời, nhìn sang bên tôi thấy bố nằm một giường khác. Khuôn mặt bố xanh xao. Tôi đã chợt hiểu ra mọi việc. Tôi hỏi mẹ, nước mắt giàn dụa. 
- Bố có sao không mẹ?
- Bố truyền máu cho con nên còn yếu. Nghỉ ngơi vài ngày lại khỏe hẳn lại thôi.
   Tôi thấy thương bố mẹ vô cùng. Dù không phải mang nặng đẻ đau sinh ra tôi, nhưng họ đã cho tôi hết tình thương yêu. Vậy tôi để bố mẹ thất vọng về tôi! Tôi rất hối hận. Nhưng tôi đã hiểu tình thương yêu cao cả  bố mẹ đã giành cho tôi. Tôi đã xin lỗi bố mẹ và hứa sẽ ngoan ngoãn học hành để được xứng đáng với tình yêu thương của bố mẹ.
   Bây giờ tôi đã đủ vững tin để trả lời với mọi người những câu hỏi khó mà tôi chưa giải đáp được. Tôi cảm ơn ông trời đã cho con một mái ấm. Mái ấm đã mang lại cho con những hạnh phúc khôn xiết, đắp vững nền móng cho con để con bước vào một tương lai tốt đẹp. Tôi cũng ước sao các bạn trẻ như tôi cũng gặp may mắn và cảm nhận được mái ấm gia đình như tôi.
                                                                                       
                                            Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                                             NGUYỄN VÂN ANH
                                                     NHÀ THIẾU NHI VIỆT ĐỨC
                                                          NĂM HỌC  2004 - 2005                                                                                                    
                                                                        
                                 
ĐÔI MẮT QUÊ HƯƠNG


      Hình ảnh quê hương trong trái tim tôi rất đẹp. Đó là nơi có con sông xanh biếc, đã cho tôi bao kỷ niệm trưa hè. Những con thuyền thấp thoáng xa xa. Những buổi chiều gió mát, lũ trẻ tung tăng những cánh diều với bao  ước mơ thơ mộng. Cái hình dáng quê hương thân yêu đó như bài ca vĩnh cửu. Liệu có ai tự hỏi:"Quê hương là gì nhỉ''? Quê hương chính là tất cả trong mỗi chúng ta. Chúng ta, ai cũng đều có quê hương của riêng mình dù là nhỏ bé. Nó là lời ru ầu ơ ngọt ngào của mẹ và là những câu truyện cổ tích của bà. Cứ như thế, hình ảnh quê hương đã đi vào lòng tôi thật nhẹ nhàng và sâu sắc. Chính nơi đây tôi đã cảm nhận được tình cảm giữa người với người, ở nơi đây tôi có ngoại – người tôi yêu thương nhất.
     Quê tôi là một vùng quê nghèo, nằm ven bờ sông Mã. Từ nhỏ tôi đã được ngoại dắt ra bờ sông hóng gió. Vào những đêm trăng thanh gió mát, ngoại thường kể cho tôi nghe những câu truyện cổ tích kì diệu. Sau mỗi câu truyện cổ tích ngoại kể, ngoại thường hỏi tôi: 
“Con học được gì sau câu truyện ngoại kể?”. Mỗi câu truyện của ngoại là một bài học cho tôi. Cứ dần dần như thế tình cảm giữa hai bà cháu ngày càng khăng khít. Nhưng vốn là một đứa bé ngang ngạnh, lại được cả nhà nương chiều nên tôi rất nghịch ngợm. Trò chơi nào càng nguy hiểm tôi càng có hứng tham gia. Tôi luôn là chủ nhân trong những trò nghịch dại như thế. Chính vì thế, chúng bạn đặt cho tôi cái biệt danh rất nghịch:'' Vua xứ quỷ''. Chỉ cần nghe là các bạn cũng biết tôi nghịch ngợm tới mức độ nào. Theo quy luật của tự nhiên” “Gieo nhân nào ắt nhận được quả ấy.” Sự nghịch ngợm của tôi đã làm hại chính tôi và ngoại. Tất cả đã chấm dứt từ hôm ấy…
-    Bà ơi! Bà ! ( tiếng cái Hà thất thanh gọi)
-    Có chuyện gì vậy cháu!
-    Bà…ơi…vua…vua…
-    Có chuyện gì cháu cứ nói bình tĩnh cho bà nghe nào.
-    Cái Nhị ( chính tôi đây) bị ngã xuống sông. Người ta đang đưa nó vào trạm xá xã.
-   Cháu… cháu bảo cái Nhị làm sao cơ?
-  Nó muốn vớt mấy cái phao trôi ngoài sông, những vì đường trơn nên nó bị trượt ngã xuống sông. May mà người ta đến kịp thời. Bà nhanh vào với nó đi ạ.
Thế rồi khi tôi tỉnh lại
-  Bà ơi! Cháu xin lỗi bà, cháu hứa từ nay sẽ không đi chơi lung tung và nghịch ngợm như thế nữa. Lúc ấy, tôi đâu có ăn năn đến vậy, tôi chỉ sợ bà đánh đòn mà thôi.
Nhưng tất cả lại đi ngược suy nghĩ của tôi…
-  Sao cháu dại thế? Nếu cháu có làm sao bà sống sao nổi.
     Vừa nói bà vừa nhìn tôi bằng ánh mắt thương xót nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Nhìn đôi mắt của bà, tôi cảm thấy ân hận và xấu hổ vô cùng. Nhưng cũng thật trớ trêu, những ngày tôi nằm trên giường bệnh cũng là những ngày khốc liệt nhất đối với nhà tôi, cũng như  bao nhà khác ở quê. Tất cả mọi người  đều phải chịu sự hoành hành của cơn lũ dữ dội. Ngày lũ về cùng là ngày bao cánh đồng lúa bị ngập úng trong mênh mông biển nước. Tôi đau đớn biết bao khi nghe từng tiếng thở dài của bà: “Thế là mùa này mất trắng rồi, không biết sống thế nào đây?”. Cả nhà đôn đáo chạy ngược, chạy xuôi để kiếm tiền chữa bệnh cho tôi (từ lần ngã ấy, bệnh viêm phế quản của tôi lại tái phát). Sau mấy ngày nhà tôi vẫn không vay được tiền, vì thế bà phải bán đi chiếc nhẫn vật kỷ niệm ngày cưới của ông bà đi để lấy tiền chạy chữa. Nhìn ngoại, tôi cảm thấy đau đớn vô cùng , tôi không thể tha thứ cho mình. Ngoại đã hi sinh cho tôi cũng bởi vì :''Ngoại thương tôi  - đứa cháu nghịch ngợm''. Sau chuyến ấy, tôi trở lên ngoan ngoãn. Tôi đã tự hứa với bản thân mình là sẽ không bao giờ để ngoại lo lắng, buồn phiền vì tôi. Tôi cảm ơn ngoại nhiều lắm!
     Giờ đây, tôi đã khôn lớn và tôi đã có thêm rất nhiều kỷ niệm. Những những kỷ niệm về bà không bị phai mờ theo thời gian. Cho đến hôm nay và mãi mãi về sau ánh mắt ngoại dành cho tôi sẽ không phai mờ, nó sẽ dõi theo từng bước đi của tôi. Ánh mắt ấy chính là sự dẫn dắt tôi trên bước đường đời, đôi mắt ấy chính là tất cả  tình cảm của bà dành cho tôi. Tôi yêu và thương ngoại nhiều lắm! Tôi muốn hét to lên rằng:
   “ Ngoại ơi! Con yêu ngoại!”
                                     
                                Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                            TRƯƠNG THỊ HUỆ
                                         LỚP 8A2 – THCS QUẢNG HƯNG – THANH HÓA
                                             NĂM HỌC  2004 - 2005    


                            NẮNG MỚI

Sớm nay em thức dậy
Thấy trời đã sáng rồi                               
Ông mặt trời đang ngồi
Cùng mây trên đinh núi
Vui sao màu nắng mới
Đương tìm về nắng mai
Nắng ghé vào cửa sổ
Nắng cùng em học bài
Để rồi cành hoa mai
Chan hòa trong ánh nắng
Để rồi trang giấy trắng
Xếp đầy dòng yêu thương
Nắng cùng với vầng dương
Đưa đường em xuống núi
Gọi mùa xuân tỉnh giấc
Nắng cùng em tới trường

                                           Bài tham dự cuộc thi “Việt Nam quê hương em”
                                              VƯƠNG THỊ HOA
                                               LỚP 9B – THCS TÂN THỊNH – YÊN BÁI
                                             NĂM HỌC  2004 - 2005   
                                                                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét