Tìm kiếm Blog này

14 tháng 1, 2012

EM TẬP LÀM BÁO

BÀI VIẾT KHÓA III (2007 -2008)
PHẦN II

NHỮNG BƯỚC CHÂN TRẦN…


  “…Một điều ước tuy thật nhỏ bé, ta sẽ ước có nhau suốt đời. tình bạn sẽ mãi mãi không phai, không phai bạn ơi…”. Trời ơi chắc hẳn chúng nó nghĩ không còn cách nào khác để bộc lộ sự thích thú và sung sướng khi được đi cắm trại cùng với tập thể lớp, ngoài cách phô bày hết sức chất giọng “có sức công phá” vô cùng lớn của chúng nó ra. Còn chiếc xe buýt và bác tài xế đứng tuổi thì vẫn đang cố gắng, cặm cụi đưa những con quỷ nhỏ chúng tôi đến Đầm Long – nơi mà hôm nay trường chúng tôi sẽ cho học sinh cắm trại. Không biết có phải tại cái không khí tưng bừng đang diễn ra trong xe hay tại những cơn gió đầu hè mát mẻ thổi từ cách đồng xanh mướt mà chúng tôi đang đi qua dấy lên trong tôi một sự háo hức thú vị về chuyến đi này.
    Đến nơi ai nấy đều bắt tay vào công việc của mình. Sáu thằng con trai duy nhất của lớp lao vào dựng trại, mấy đứa con gái lo trang trí trại, còn mấy đưa khác thì giúp cô sơ chế những thức ăn mang theo để chuẩn bị bữa trưa. Tôi thích cái không khí mà tất cả mọi người trong lớp cùng hợp sức  cùng làm việc, cùng phấn đấu về mục tiêu nào đó, như lúc này chẳng hạn. Dần dần, cái trại mang tên “Mùa hoa nắng” do cô giáo chủ nhiệm chúng tôi đặt cho cuối cùng cũng được hoàn tất. Ai nấy đều thấy phấn khởi và tự hào. Cả lũ cứ tranh nhau vào trong trại hát hò, nhảy múa. Vừa giúp chúng nó vừa dán giấy, treo tranh, hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho thành quả ngày hôm nay, tôi vừa đáng mắt đi để ngắm nghía khu du lịch mà lần đầu tiên tôi đặt chân đến nơi này.
  Thiên nhiên nơi đây gợi cho tôi cái cảm giác mình đang được về quê vậy. Không gian thoáng đẵng, trong lành với những ngọn đồi choàng áo nhung màu xanh lá cây, nắng như tô thêm cho lớp cỏ rào rạt dưới chân những ngọn đồi một lớp nhũ bóng mượt mà, lung linh đầy sức sống. Xa xa chếch về hướng tay phải còn có một hồ nước với hai bức tượng thần mình người đuôi cá đối diện nhau trên bề mặt hồ cùng một cái cầu màu đỏ cong cong duyên dáng phía sau làm nên một khung cảnh rất thơ mộng. Bên trong còn có khu vườn sinh thái – căn nhà của nhiều loài động vật, thực vật phong phú, đa dạng. Và tất nhiên, ngoài những nét đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban tặng cho khu du lịch này thì con người cũng thổi vào đó thêm những nét sinh động như khu vui chơi, sân khấu, nhà sàn…Đặc biệt là hôm nay, hơn một nghìn học sinh chúng tôi đến đây góp phần làm cho không khí lại càng thêm náo nhiệt hơn. Tất cả làm nên điểm du lịch vừa thơ mộng, vừa nguyên sơ lại vừa sôi động và nhộn nhịp.
    Tuy nhiên, tôi tự hỏi lòng mình có phải tạo hóa đã ban quá nhiều đặc ân cho thiên nhiên, cây cỏ mà quên đi con người nơi dây chăng? Họ dường như không mang cái hồn của cảnh vật nơi mà họ sinh sống. Tôi đặc biệt chú ý đến những em bé ở đây. Mới nhìn thấy lần đầu nhưng trong đầu tôi đã hiện lên một sự hình dung, một sự so sánh với các em, với trẻ con trên thành phố. Nếu các bạn cũng có mặt ở đó cùng tôi, chắc hẳn bạn cũng sẽ suy nghĩ giống tôi mà thôi. Tre em nơi đây có nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng trong tôi cũng có một cảm giác: các em đang thiếu thốn trong cuộc sống, các em không được chăm lo chu đáo mà ít nhất là sự chăm lo cần thiết cho một đứa tre ở độ tuổi ấy, các em không được sự giáo dục như những đứa trẻ mà tôi vẫn hay gặp xung quanh mình. Do những đôi chân trần đang bước đi trước mặt tôi kia, do bộ quần áo mỏng manh cũ kĩ và vá lỗ chỗ kia, hay do thân hình gầy gò, xanh xao và nước da sạm đen kia, hay cũng có thể do khuôn mặt lạ lẫm, bâng khuâng có vẻ gì đó ngơ ngác không biết phải làm gì của những em bé đang đi qua trước mặt tôi khiến cho tôi có suy nghĩ như vậy. Trên các bãi cỏ, các em đang làm “nhiệm vụ” của mình, đó là nhặt nhạnh những vỏ lon bia, vỏ chai, thùng cát –tông, những thứ đồ mà người ta bỏ đi nhưng các em lại bán lấy tiền hay tận dụng để sử dụng lần thứ hai…Cứ thế, những đôi chân nhỏ bé vẫn bước đi…Nếu là những đứa tre trên thành thị, thì chúng đang vui cơi, chúng đang được dậy dỗ, được bảo vệ trong vòng tay của cha mẹ, thầy cô, trong những mái trường tiện nghi mà cha mẹ yên tâm gửi gắm vào đó. Đối lập hẳn với cuộc sống và công việc của những thiên thần nhỏ chốn này.. Thay vì được học và vui chơi thì các em lại phải giúp bố mẹ kiếm tiền bằng những công việc này. Không biết có một lúc nào đó, chúng nghĩ đến những mái trường khang trang, những lớp học rộng rãi với nhiều bạn bè, thầy cô hay đơn giản chỉ là niềm vui nho nhỏ mà các em đáng được hưởng như trẻ em trên thành phố chưa nhỉ? Tôi đoán là có, nhưng có lẽ chỉ thoáng qua như những mong ước đẹp mà thôi. Chính cuộc sống khó khăn, thiếu thốn ở vùng đất này đã bó hẹp trí tuệ, tâm hồn và cả những ước mơ của các em nhỏ. Chúng có lẽ chỉ nghĩ đến chuyện làm việc giúp bố mẹ để lo cho chính cuộc sống của mình trước đã. Điều kiện sống ở đây không cho phép những ước muốn xa xôi hơn…
  Và cuối cùng đã đến lúc chúng tôi phải ra về, tạm biệt một ngày vui chơi thoái mái, tạm biệt khu du lịch để về thành phố. Đứa nào cũng cảm thấy thời gian trôi thật nhanh và ai cũng chưa muốn về. Tôi cũng vậy! Tay cầm một khẩu súng phun nước vừa mới mua định mang về làm quà cho em, nhưng tôi chợt có một ý định, liền chạy đến một em nhỏ, nhẹ nhàng nói: “Cho em này”. Đứa bé trai nhìn tôi một giây rồi như giật lấy cái súng đồ chơi và chạy đi không nói một lời nào…
  Thoát ra khỏi những tiện nghi hiện đại của thành phố Hà Nội, lần này tôi mới có dịp hiểu thêm những vùng đất mới và đặc biệt là biết thêm về những cảnh ngộ của những đưa trẻ ngoại thành. Thật khó mà tưởng tượng ra tương lai của các em sau này. Chúng ta thật may mắn khi được sinh ra trong điều kiện đầy đủ, nên phải biết quý trọng nó. Nhưng cũng đừng quên giúp đỡ những mảnh đời  khóa khăn xung quanh ta. Nghĩ về những em nhỏ nơi đây, tôi rất mong mình có thể là gì đó để giúp các em có được cuộc sống tốt, một nền giáo dục tốt.
    Chuyến đi này để lại trong tôi một kỷ niệm khó quên, một kỷ niệm đẹp với tập thể lớp của mình. Và bên cạch đó, nó nuôi dưỡng trong tôi một ước mơ, một hy vọng tốt đẹp cho tương lai của mình  và những em nhỏ tương lai của những em nhỏ còn đang chịu thiệt thòi trên khắp đất nước này…
                                                                        TRƯƠNG ĐỨC HẠNH


NẮNG THÁNG NĂM

   Tháng năm lại đến rồi. Đây chắc là tháng năm đặc biệt nhất mà tôi đã từng trải qua. Vậy là tôi sắp phải chia tay bạn bè, thầy cô, mái trường thân yêu. Tôi đã quá quen lớp học này. Làm sao có thể quên đi những kỷ niệm đáng yêu, những khoảng khắc có một không hai với lớp học này? Từng khuôn mặt, từng giọng nói ấy đã khắc sâu vào trái tim tôi, làm sao tôi có thể quên được đây? Nhưng dù thế nào thì tôi cũng phải chia tay mái trường này đẻ bước vào cấp hai với bao điều hứa hẹn.
    Cả ngôi trường đều óng lên trong cái nắng nhẹ nhàng, chưa quá gay gắt của đầu mùa hạ. Ve kêu râm ran khắp những tán là xanh mát rượi. Qua khỏi tuần kiểm tra căng thẳng, lo âu, mái trường như rộng rãi hơn. Sắp nghỉ hè đến nơi nên ai cũng háo hức, kể cả đám học sinh cuối cấp chúng tôi. Nhưng những niềm vui đó chỉ giúp cho tôi đỡ buồn. Bao nhiêu kỷ niệm cả vui lẫn buồn đều đổ về.
    Nhớ lại lần đầu tiên đến lớp, có nhiều bạn khóc lóc đòi về. Tôi nhớ có lần tôi làm bài xong sớm, tôi lên nộp bài, cô giáo hỏi thăm vậy mà tôi cũng khóc. Rồi kỷ niệm về cô giáo tôi – một cô giáo dạy văn thật hay, thật truyền cảm, cô luôn làm tôi xúc động. Khi cô kể chuyện “Cô bé bán diêm”, một câu chuyện mà tôi đã biết, nhưng tôi vẫn không kìm nổi nước mắt. Tôi vẫn luôn mong những ngày tháng nghe cô kể chuyện còn dài mãi mãi. Chính nhờ có cô mà tôi yêu quý môn văn, coi đó như một phần trong tôi…Vô vàn những kỷ niệm đẹp đó đã làm tôi không sao quên được những năm tháng tiểu học này.
   Đi dưới hàng phượng vĩ đỏ rực, tôi nhớ những câu văn tả phượng của nhà văn Xuân Diệu: “Nhưng phượng càng đỏ, lá lại càng xanh.   Vừa buồn mà lại vừa vui mới là nỗi niềm bông phượng”. Đúng là như vậy, hiếm thấy những cây nào mà lại bộc lộ rõ tình cảm  của học sinh như thế, vậy hoa phượng mới được ví là hoa học trò. Đang đi, bỗng rơi xuống trước mặt tôi một bông phượng đỏ thắm, cánh hoa bay là là như con bướm đang quay tròn trên không rồi mới hạ xuống đất. Nắng tháng năm nhẹ nhàng chiếu vào từng kẽ lá, có lẽ sẽ không bao giờ tôi thấy lại được cảnh ấy và được về nơi đây nữa.
    Tôi sắp bước vào ngôi trường cấp hai với bao điều bỡ ngỡ, có bao điều tôi muốn biết nhưng chỉ trả lời được khi đã học thôi. Nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm với mái trường này. Gấp lại quyển lưu bút với bao điều luyến tiếc vì sắp phải xa bạn bè, thầy cô và ngôi trường tiểu học.
   Mãi nhớ về mái trường thân yêu.
                                                                     NGUYỄN LAN HƯƠNG


SÁCH VÀ ĐỜI SỐNG

     Trong thời đại ngày nay, công nghệ thông tin đang ngày càng trở nên phổ biến với mọi gia đình. Con người dần quên đi sở thích đọc sách, một thói quen có từ lâu đời. Để mọi người  thêm chăm chỉ đọc sách, Mác-xi Gooc-ki đã khuyên: “Hãy yêu sách. Nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.
    Từ ngàn đời xưa, người nguyên thủy đã biết ghi lại những hiện tượng kỳ lạ xung quanh, cách làm nông, đánh bắt cá…Họ đã khắc những chứ tượng hình trên vách đá, lên mặt đất, ở mọi nơi. Cho đến nay, giấy được sản xuất, con người đã được ghi những tri thức đó lên giấy. Các tập ghi tri thức được tích tụ dần dần rồi được đóng thành sách. Vậy sách là gì?
     Ta có thể hiểu nôm na là sách là sản phẩm tinh thần, là kho báu trí tuệ nhân loại. theo định nghĩa của khoa học, sách còn là kiến thức, những tư liệu đã được khám phá về sự sống của vạn vật xung quanh, về con người để truyền lại cho các thế hệ mai sau, tiếp nối và thừa hưởng.
     Sách là kiến thức, vậy kiến thức là gì?
     Kiến thức là những kỹ năng, kỹ xảo, những hiểu biết của con người được khám phá, tích lũy sau bao nhiêu năm sống và tồn tại.
     Nhiều người hiện nay vẫn yêu và giữ thói quen đọc sách. Phải chăng họ đọc sách để mở mang kiến thức, tìm hiểu nguồn kiến thức quý giá? Thật vậy, sách ẩn chứa một nguồn tri thức dồi dào, thông tin quý báu giúp ta hiểu thêm về con người, về thế giới xung quanh, tự nhiên xã hội. Nhờ sách mà con người tìm được chân lý thực sự. Những điều mà con người đã tìm tòi, khám phá trong quá khứ được ghi lại trong sách. Thế hệ sau này đọc sách tiếp tục phát huy, phát triển những tri thức này theo theo một chiều hướng mới, đúng đắn và xác thực hơn. Điều này làm mở ra một trang tri thức mới cho kho tàng kiến thức mênh mông. Sách như cầu nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai. Đọc sách cho ta hiểu biết rõ hơn về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, những mốc son vàng chói lọi của đất nước. Qua những trang sách, ta còn biết về nguồn gốc, giống nòi, về câu chuyện truyền thuyết Âu cơ – Lạc Long Quân, hay truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước bao đời nay của ông cha ta, để rồi ta có thể tự hào là “Con Rồng cháu tiên, “Con cháu Lạc Hồng”. Ta có thể học nhiều từ những trang sách, sách góp phần mở rộng tầm nhìn của con người, giúp nâng tầm hiểu biết của con người về địa lý, lịch sử.
     Đọc sách là cách giải trí lành mạnh, giúp hình thành nhân cách con người. Đọc sách ta như hào mình vào thế giới của  của những nhân vật đó. Đôi lúc, ta có thể nhận ra nhiều khi mình “Vội vàng” như Xuân Diệu, lắm khi cũng thơ mộng như Hàn Mạc Tử trong “Đây thôn Vĩ Dạ”, hay thỉnh thoảng  cũng gặp những người có số phận bi thảm như chị Dậu, Lão Hạc. Sách là công cụ giao tiếp giữa con người với con người, là người bạn trung thành. Một quyển sách hay có thể là một món quà rất ý nghĩa để tặng một người bạn trong ngày sinh nhật. Cha mẹ tặng con sách với mong muốn với mong muốn mở mang kiến thức để bổ trợ cho việc học; thầy cô tặng học sinh sách mong trò chuyên tâm vào con đường học hành.
     Đọc sách thật sự rất tốt, vậy làm thế nào để ta tiếp nhận trí thức một cách tốt nhất? Đây là câu hỏi bao người đã và đang đặt ra.
    Chúng ta nên chọn cuốn sách có nội dung hay, lành mạnh, tránh sách có nội dung xấu, gây hại cho bản thân. Khi đọc sách ta cần tập trung, gặp một câu văn hay, một ý thơ đẹp hay đôi khi là một mẹo vặt nhỏ cần thiết cho đời sống, ta nên ghi lại. Và đặc biệt, phải vận dụng những điều đã học vào thực thế một cách đúng đúng đắn, sáng tạo và linh hoạt. Để giữ cho sách luôn được bền, mới, ta phải bọc bìa cho0 sách, giữ sách cẩn thận, tránh gấp nếp,làm nhàu, quăn mép sách.
    Sách đống vai trò rất lớn trong cuộc sống của con người. Chúng ta hãy đọc nhiều sách để mở mang kiến thức. Nên nhớ: “ một cuốn sách hay có thể làm thay đổi con người. Cuốn sách mang nội dung xấu đủ làm hư hỏng người đọc, nhưng không ai thành công với chỉ một cuốn sách hay”.
                                                                                        VŨ LAN HƯƠNG

BỐN MÙA
     Mùa xuân
   Cái không khí lạnh và ẩm ướt, đặc trưng của xuân miền Bắc,  xuân về, thiên nhiên và cuộc sống thật đẹp. Mùa xuân còn được đón cái Tết có bánh trưng xanh “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”; có đào biếc mai vàng. Nhưng đối với nó mùa xuân chỉ là chuỗi dài lê thê, đắp đổi từ mùa đông sang mùa hạ. Mùa xuân nắng không, ấm không, mát mẻ cũng không. Rốt cuộc, mùa xuân chỉ biết khóc xuống những giọt mưa phùn. Đối với Nó cuộc sống không có mùa xuân cũng chẳng làm sao.
Mùa hạ
    Cái nóng ngột ngạt làm mọi người bí bách và khó thở. Mùa hạ phả ra những tia sáng, những quả cầu đỏ như bất tận. Nắng vàng, trời trong vắt và thăm thẳm. Cây xanh bóng dù không tươi như mùa xuân. Tàn đóm đỏ bắt đầu được khơi dậy trên những tán lá. Một cây, hai cây…ngập trường và ngập trời là cái nóng rực rỡ ấy.
Năm học sắp kết thúc, bài thi dồn dập kéo đến, nhanh như đi với vận tốc ánh sáng. Quay cuồng giữa hàng núi sách vở, bài tập, Nó bỗng mơ hồ nhận ra một điều gì đó khác lạ. Cái cảm giác xao xuyến, gờn gợn ấy không sao lý giải nổi. Một con bọ rùa hậu đậu(y như Nó vậy) vội vàng phi thẳng vào cốc nước của Nó. Nó giật mình lại nghĩ đến ngày mai.
    Ngày mai là ngày thi cuối. Ngày mai là lễ bế giảng. Ngày mai nó sẽ đi chơi với đám bạn. ngày mai nó sẽ đi bơi. Ngày mai…. nó lại đi học.
     Có chăng ngày mai là ngày cuối cùng, nó thấy cánh phượng rơi? Ngày mai là ngày nó cuối nó được cười với lũ bạn bè tinh nghịch quỷ quái? Hay đơn giản, mai chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác. Nó lại học, lại ôn bài, lại thi.
    Có một hạt bụi vương vào mắt nó, day dứt, khó chịu. Dường như hạt bụi ấy muốn đọng lại, vấn vương như lời nhắc nhở: “Ngày mai không bao giờ là ngày cuối. Dù sao đi nữa bầu trời vẫn xanh và hy vọng...”.
…Mùa thu
    Mùa lá vang xôn xao khơi gợi bao cam xu. Đối với nó, những ngày hạnh phúc nhất đã qua đi trong mùa này đây. Đi trên đường, mỗi khi có cơn gió vụt qua làm lá bay xào xạc, nó lại bâng khuâng đến nao lòng. Nó mong xiết bao được theo những chiếc lá ấy về nguồn cội, ngược dòng thời gian để trở về ngày xưa. Cái ngày tươi đẹp ấy…
     Cậu ấy có đôi mắt rất đẹp. Đẹp như ánh trăng tỏa sáng trong rừng, cái vẻ lung linh trên những con suối nhỏ. Cậu ấy đem lại sức sống mới cho trái tim buồn rầu của nó, đem lại tình yêu thương mà nó tưởng đâu đã đánh rơi mất, đem lại nụ cười nở mãi trên môi mọi người. Ai cũng yêu cậu ấy, bất cứ ai. Và dĩ nhiên cả nó nữa.
Hương hoa sữa đêm nay sâu lắng quá, quyện vào không gian và lòng người. Nơi xa ấy chắc không có cái vị nồng nà thế này đâu, ấy nhỉ…
     Mùa đông
    Cành khô trơ trụi, trông thật mảnh khảnh và quá đỗi yếu ớt. Lá rụng được gom vào rồi đốt mà chẳng biết để làm gì? Mùi khối hăng hăng, khen khét làm nó bỗng muốn khóc. Ngoài trời mưa lạnh , khói may mù mịt trắng xóa làm Nó đôi lúc tự hỏi mình có đang thực sự tồn tại không…
    Mùa đông ở đây không có tuyết, nhưng cái sự buốt cóng đến tê dại cũng đủ để trùm chăn bông kín ở nhà, chẳng muốn đi đâu. Trên ô cửa kính khu chung cư có bàn tay nghịch ngợm nào đó vẽ lên ngoằn nghèo.
    Lại một mùa đông vắng bóng cậu ấy. nhưng sao mùa đông năm nay lại qua nhanh thế nhỉ…
… Và mùa xuân.
     Sàn nhà nồm, “đổ mồ hôi” liên tục khiến nhà Nó đang sạch lại bẩn. Năm nay nhà Nó lại gói và luộc bánh trưng, giống năm ngoái.
      Quất lúc lỉu vàng cam, cây mai nhà Nó rụng trắng cả gốc, đào thì thắm ngọt, được cắm trên bàn thờ. Mùa xuân lại đến rồi, và Nó luôn nhớ, mai là ngày chia tay. Nhưng Nó chưa khóc, chưa buồn. Ít nhất là chưa. Bởi nó đã có bốn mùa để chuẩn bị, và sẽ có tám, mười sáu, hay tám mươi, và thậm chí là một trăm hai mùa nữa để nhớ, để hoài niệm lại ngày ấy.
                                                                        NGUYỄN KHÁNH CHÂU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét