Tìm kiếm Blog này

27 tháng 9, 2013

MỘT MÙA VĂN MỚI NỞ HOA



  CUỘC THI "EM TẬP VIẾT VĂN LÀM THƠ"- LẦN THỨ III
 CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI - Hè 2013

                                                                                  
                                                                                                                                                                                                                        LÊ PHƯƠNG LIÊN                                                                                                                         
  Mùa hè năm 2013 , Cung thiếu nhi Hà Nội lại phát động cuộc thi "Em tập viết văn làm thơ" lần thứ III.Trong một thời gian ngắn số bài các em ở cả nội và ngoại thành Hà Nội gửi đến hưởng ứng cuộc thi đã đến con số hơn 11000 bài.Ban sơ khảo cuộc thi đã làm việc nỗ lực và cẩn trọng để lựa chọn vòng 1 với 2500 bài và sau đó chọn lọc vòng 2 để có hơn 100 bài vào chung khảo. Đến với cuộc thi , chúng tôi rất vui được gặp gỡ với các em và các anh chị phụ trách Cung thiếu nhi và còn vui hơn vì được hội ngộ những người bạn đồng hành suốt bao nhiêu năm với phong trào Văn học thiếu nhi Việt Nam, hôm nay lại cùng có mặt trong ban chung khảo: nhà thơ Định Hải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Nguyễn Đức Quang, và cuối cùng là tôi (Lê Phương Liên). Trong bao nhiêu cuộc vật đổi sao dời hình như Cung thiếu nhi Hà Nội vẫn giữ được nếp xưa. Cái mới là ở trên nét mặt, dáng đi của lớp thiếu nhi bây giờ và cái mới hiện hình trong bài viết của mùa văn năm nay.

  Có thể nói rằng văn thơ các em thiếu nhi ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 này đã khác với thế kỷ cũ. Những mảng mầu của cuộc sống phần sáng phần tối  phong phú và đa dạng dưới cách nhìn của tuổi thơ đã ùa vào trang viết của các em. Ở thời hiện đại con người sống vớí máy móc động cơ khói bụi, với những dụng cụ điều khiển từ xa, với kỹ thuật số... , tưởng rằng mọi tình cảm của tuổi thơ cũng sẽ bị số hóa, bị khô kiệt với những ký hiệu, ngôn từ tiếng Việt của các em sẽ bị ô nhiễm với những lối dùng từ kỳ quặc được gọi là ngôn ngữ thời @. Không hoàn toàn bi quan như thế,có thể nói rằng phần trong sáng , phần tốt đẹp của các em vẫn rất dồi dào nếu người lớn biết quan tâm và gợi mở.Cuộc thi "Em tập viết văn làm thơ", thật sự là một sáng kiến đẹp, một quyết tâm lớn của Cung thiếu nhi Hà Nội.

   Như chúng tôi cũng đã có lần phát biểu , các em tham gia viết văn, làm thơ hôm nay không phải chỉ đơn thuần là tập theo nghề văn chương, mà điều lớn hơn là các em tập hướng những cảm xúc của mình đến với cái thiện, cái đẹp và sự chân thực.  Làm văn không chỉ để "làm văn" mà là để trẻ thơ lớn lên về trí tuệ , tâm hồn và nhân cách.Chúng tôi vui mừng nhận thấy một số nét tiến bộ của các bài dự thi năm nay.Các bài viết đã biết hướng ánh mặt nhìn, sự quan tâm của mình không chỉ thu gọn dưới mái trường, dưới mái nhà của mình, các em biết thương yêu cả những số phận thua thiệt bên ngoài xã hội. Các em không chỉ có vốn sống đời học sinh với sách vở, với những giờ học và những nỗi vui buồn điểm số thấp cao, các em đã biết đến cỏ cây hoa lá, biết mùi vị của những món ăn đặc sản dân tộc, biết những phong tục giỗ chạp hương thôn...( truyện ngắn Những củ riềng của em Bùi Thị Bích Duyên, lớp 6C, trường THCS Cổ Loa- Đông Anh).Các em biết thông cảm và suy ngẫm về những số phận bất hạnh như những cụ già, em nhỏ sống lang thang nơi xó chợ đầu đường trong (truyện ngắn Người xấu, người tốt  của em Hồ Thiên Hương, lớp 7A1, trường THCS Thành Công, Ba Đình )

  Điều nổi bật nhất của những bài dự thi có thể nói trong một chữ : chữ "tình" là chữ khởi đầu. Rất nhiều những trang viết xúc động về tình cảm với thầy giáo, cô giáo như truyện ngắn Cô vẫn luôn bên tôi ( của Đào Thúy Ngà- lớp 9A, trường THCS Cổ Loa- Đông Anh).Có thể nói rằng đây là một truyện ngắn có giọng kể chuyện lưu loát và cái kết có dư âm...Văn của các em bây giờ tuy vẫn là lối văn truyền thống nhưng chất hiện đại đã khá rõ.Tình bạn vẫn là đề tài được nhiều em thể hiện hơn cả, truyện ngắn Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò ( của Trương Quỳnh Anh, lớp 8A, trường THCS Cổ Loa- Đông Anh) đã thể hiện một tình cảm tươi vui, nghịch ngợm mà cũng đã pha một chút bâng khuâng giữa một bạn trai và một bạn gái cùng lớp.Đây là một lối viết khá là mạnh dạn mà vẫn gìn giữ được cái duyên dáng kín đáo tế nhị của một em gái vùng quê. Cũng viết về tình bạn những truyện ngắn Nắng và Mưa ( của Hồ Vân Anh, lớp 8A3, trường THSC Phù Lỗ- Sóc Sơn) lại đi sâu thể hiện tình cảm của hai người bạn gái có tính nết trái ngược nhau như Mưa với Nắng...Tưởng chừng như sự khác biệt đó sẽ là một cái hố ngăn cách không thể lấp đầy...Rồi cũng thật bất ngờ với câu nói của nhân vật trong truyện :"Sự khác biệt tạo nên đẳng cấp" để rồi các cô bé có "cái tôi" khá là to, đã bỗng nhiên phát hiện ra cái thú vị của nhau , các em đã hòa hợp để cho Nắng với Mưa bỗng hóa Cầu Vồng. Tính hiện đại trong văn của các em đã không chỉ ở mạch văn,  mà còn là sự  bộc lộ cá tính trong tâm hồn một lớp trẻ mới mẻ ý thức được bản ngã của mình. Với một tâm lý sớm có ý thức, các em đã nhận ra cả mặt trái trong tình yêu thương của các bậc sinh thành. Truyện ngắn "Tao ước gì...mày " (của Huỳnh Mỹ Hiếu Kiên lớp 8A4, trường THCS Thành Công- Ba Đình) đã mạnh dạn phác họa chân dung một bà mẹ quá chú trọng vào điểm số học tập của con mà ngăn cản con tham gia những sinh hoạt vui chơi thông thường đến nỗi nhân vật cô bé học trò trong chuyện đã sa vào một tâm lý đau khổ thất vọng sợ hãi không dám gặp mẹ vì sợ mẹ trách móc do làm bài kém, có thể bị trượt vào "đội tuyển toán" của trường...Tôi thiết nghĩ, nếu đọc truyện ngắn này, các vị phụ huynh sẽ có dịp suy nghĩ lại về những áp lực , những tham vọng của mình đối với con cái.Chúng tôi cũng đã bắt gặp khá nhiều truyện ngắn và cả thơ của các em viết về nỗi buồn, nỗi khổ khi cha mẹ chia tay...Phải chăng đó cũng là một hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội hôm nay? Trẻ em sẽ là nạn nhân chịu những thương tổn tâm lý nặng nề nhất nếu các em phải sống trong một gia đình tan vỡ.

 Nếu ở phần Văn các em đã có nhiều tiến bộ mới thì ở phần Thơ tình hình khá là ảm đạm. Ban giám khảo hầu hết là các nhà thơ hàng đầu chuyên viết cho thiếu nhi đã thật sự không chọn nổi một bài thơ hay. Đáng buồn hơn là hiện tượng chép thơ của người khác để dự thi vẫn còn tồn tại. Để động viên sự cố gắng của các em,  giải thưởng phần thơ không có giải nhất và giải nhì, chỉ có giải ba và giải khuyến khích.Làm sao để có "thơ thiếu nhi" của thế kỷ mới, có lẽ đó là một việc lớn của ngành giáo dục, của mọi gia đình và của toàn xã hội.

 Qua tâm sự trò chuyện với các em, chúng tôi cũng đã được biết để đi đến những bài viết đạt giải thưởng hôm nay, nhiều cô giáo , thầy giáo và nhà trường đã quan tâm, bồi dưỡng, gợi ý và chăm chút câu chữ cho các bài dự thi. Có nhiều truyện các em sáng tác bắt nguồn từ việc đọc Facebook của người chị gái ( truyện ngắn Cô vẫn luôn bên tôi ). Có truyện các em lại bắt đầu từ việc nghe cô giáo kể chuyện, ấn tượng của câu chuyện quá xúc động, nên các em đã thể hiện lại thành truyện ngắn của mình ( truyện ngắn Những củ riềng). Tuy nhiên cũng có khá nhiều truyện ngắn hoàn toàn là những suy nghĩ trăn trở độc lập của các em như các truyện "Tao ước gì ...mày ạ" và "Người tốt, người xấu", ở những bài dự thi này các em chưa đạt tới sự hoàn thiện, cách viết còn nhiều mộc mạc ngây ngô, nhưng với con đường sáng tạo dài lâu,chắc các em sẽ còn tiếp tục với nhiều cảm hứng... Đạt giải thưởng cao chưa phải là cái đích duy nhất của việc viết văn làm thơ. "Văn chương thiên cổ sự"Văn chương là chuyện ngàn năm...(*) nên con đường viết văn làm thơ là một con đường dài đầy thử thách.

  Khép lại một cuộc thi, một trại sáng tác HÈ 2013 đầy kỷ niệm thương yêu, những kỷ niệm cùng với thời gian là những ấn tượng quý giá lưu giữ mãi mãi trong ký ức tuổi thơ của các em. Xin chúc mừng các em được giải thưởng cuộc thi "Em tập viết văn làm thơ" lần thứ III của Cung thiếu nhi Hà Nội, Xin chúc mừng các nhà trường cũng các thày cô giáo , các vị phụ huynh đã âm thầm làm "bệ đỡ" cho những sáng tác tuổi thơ. Xin trân trọng cám ơn các nhà văn, nhà thơ đã nhiệt tình tâm huyết và đày trách nhiệm với các em nhỏ.Xin trân trọng cám ơn Cung thiếu nhi Hà Nội, một trung tâm văn học thiếu nhi có bề dầy lịch sử đáng tự hào đã một lần nữa thành công trong sự nghiệp bồi dưỡng các tài năng trẻ cho đất nước.
                                                                                                  16/7/2013.  L. P. L

 (*) Thơ Đỗ Phủ 
 Văn chương thiên cổ sự
Đắc thất thốn tâm tri
Tác gia giai thù biệt
Thanh danh khởi lãng thùy
                                     
   HÌNH ẢNH LỄ TỔNG KẾT VÀ TRAO GIẢI
  CUỘC THI "EM TẬP VIẾT VĂN LÀM THƠ"- LẦN THỨ III/2013
 CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI