Tìm kiếm Blog này

13 tháng 8, 2013

CÔ VẪN LUÔN BÊN TÔI



(Kính tặng cô giáo Hoàng Thị Bích Hiệp)

                                                                                                    Bài giải nhì - Cuộc thi viết và
                                                                                       Trại “Em tập viết văn làm thơ” lần thứ III/2013

- Alô, Trân à? – Giọng Mai lớp trưởng vang lên trong ống nghe.
- Ừ, tớ đây. Sao giọng câu hôm nay lạ thế? Cậu ốm à? – Tôi hơi lo.
- Cậu biết tin gì chưa? Tin về cô Hiệp dạy Sinh tụi mình năm lớp 9 ấy.
- Có chuyện gì thế? – Tôi càng thêm lo lắng.
- Cô …cô bị… ung thư xương… Nghe mẹ tớ nói thì cô vừa về nhà, kết thúc đợt điều trị và có lẽ sẽ… - Giọng Mai trầm hẳn, tôi không thể nghe được tin cuối cùng..
- Cái gì? Sao lại thế được – Tôi sửng sốt, không thể tin nổi vào những gì mình đang nghe.
- Bác sĩ nói cô …khó có thể …qua khỏi…trong tháng này – Mai vừa nói vừa nấc lên.
   Tôi  loạng choạng, mặt đất như đang chao đảo dưới chân…
 - Cậu còn nghe chứ, Trân? – Mai vẫn sụt sịt.
   Tôi im lặng.
 - Chiều nay, lớp mình đi thăm cô, cậu có đi không? Nếu đi thì hai giờ đến nhà tớ nha!
 - Ừ, tớ sẽ tới.
     Nói rồi, tôi cúp máy. Đôi chân không giữ vững tôi được nữa, tôi ngồi phịch xuống sàn, miệng lẩm bẩm như mê sảng: “ Không thể nào! Không thể như thế được…Không phải sự thật! Chỉ là mơ thôi…” Tôi cố không tin nhưng … “Á!”. Tay tôi va phải mảnh thủy tinh, đau nhói. “ Đừng chảy máu…!”.  Mắt tôi nhòa đi…
- Không, cô Hiệp sẽ không sao cả, chắc là nhầm lẫn gì đó thôi! - Tôi an ủi mình…
   Dù không được cô chủ nhiệm năm nào nhưng lớp tôi vẫn dành cho cô tình cảm rất đặc biệt. Mà cũng không riêng gì lớp tôi, tôi biết có nhiều thế hệ học trò yêu mến cô. Dễ hiểu thôi, cô là một giáo viên trẻ có gương mặt khả ái, cô cũng vui tính nên các tiết học cô dạy đều rất vui và ai cũng muốn học. Đặc biệt cô có giọng nói ngọt ngào nên đôi lúc chúng tôi tự hỏi sao cô không dạy Văn nhỉ?
  Chiều đến, hai giờ, tôi tới nhà Mai, các bạn tôi đã đến khá đủ, chỉ còn thiếu một, hai người ở xa. Ít phút sau, chúng tôi đến nhà cô. Mọi lần, khi đi với nhau, lớp tôi nói chuyện rôm rả lắm nhưng lần này, chẳng ai nói với ai câu nào. Đến nơi, tôi cảm thấy lần này nhà cô rất khác, hay là vì tâm trạng mà chúng tôi thấy điều đó? Đứng đợi một lát, mẹ cô ra mở cửa cho chúng tôi vào. Bà dẫn chúng tôi vào một căn phòng khá rộng. Cả lớp tôi ngơ ngác nhìn bà rồi nhìn nhau vì không ai thấy cô đâu. Bà tiến vào góc phòng, nhẹ nhàng vén rèm lên.
-  Cô…
 Mai bất ngờ chạy lại bên giường, ôm lấy cô – Sao cô lại như thế này hả cô? - Mai nghẹn ngào.
- Cô có sao đâu… - Cô thều thào
      Tôi nghe bên tai những tiếng sụt sịt của tụi con gái và nhìn thấy những cặp mắt đỏ hoe của lũ con trai. Tôi ngước lên trần nhà, cố không để những giọt nước mắt rơi ra lúc này, đơn giản vì tôi vẫn nhớ lời cô hồi nào.
 - Sao cả lớp mình đều đỏ mắt thế kia? – Không lẽ phòng cô bụi vậy à? – Cô cố nhẹ mỉm cười.
      Tôi nhận ra rằng, dù da cô không còn trắng hồng như trước mà đã đen sạm đi do những đợt xạ trị, dù tóc cô không còn đen óng ả như trước và dù khuôn mặt cô cũng không còn đầy đặn mà hốc hác chỉ còn da bọc xương thì tôi vẫn thấy đôi mắt và nụ cười của cô vẫn đẹp như xưa. Đôi mắt ấy vẫn sáng, vẫn đen và vẫn tràn đầy hi vọng. Nụ cười của cô vẫn duyên, vẫn tươi tắn. Rồi lớp tôi, từng người đến cầm tay cô và chúc cô mau khỏe, ai cũng nấc lên. Đến lượt tôi, tôi cố nắm chặt tay cô không muốn buông. Cô bất chợt hỏi tôi:
  - Trân, em còn giận cô không?
  - Cô… Giọng tôi lạc hẳn, giọt nước mắt đầu tiên của tôi bắt đầu rơi.
  -  Cô xin lỗi…Cô không nên làm thế, cô đã quá nóng tính..
  - Không cô ơi, là tại em…tại em đã sai…Tôi ôm lấy cô, nức nở    
  - Em xin lỗi cô, em xin lỗi…
       Tôi biết là cô đang nhắc đến lần đó, lần đầu tiên tôi bị đánh. Tôi là con một nên được cưng chiều từ nhỏ, cũng là học sinh chăm ngoan nên bạn bè và thầy cô quý mến. Nhưng lần đó, vì mải giảng cho bạn bài toán nên tôi không chú ý cô đã vào lớp từ bao giờ. Chuẩn bị vào bài mới mà vẫn còn nghe tiếng nói bên dưới, cô rất tức giận và mặc lời giải thích của đứa bạn ngồi cùng bàn, cô đã đánh tôi. Từ đó, tôi giận cô và cũng một phần vì thế mà không quan tâm nhiều đến môn của cô nữa. Tôi không ngờ, cô nhận ra điều đó.
  -  Đừng khóc nữa, cô đã bảo em rồi phải không, em cười đẹp lắm nên đừng khóc… Cô đưa tay, lau nước mắt cho tôi - Hay em quên lời cô dặn rồi?
   - Em nhớ mà, em không khóc đâu… Nước mắt tôi vẫn giàn giụa.
  - Các em cũng vậy nhé, cười lên đi, đừng lo cho cô… Cô sẽ ổn thôi mà. Lên trên kia, cô sẽ cầu Thượng Đế che chở, bảo vệ cho các em nhé! Cô vẫn mỉm cười, ánh mắt cô tràn đầy yêu thương.
      Cô nói nhỏ với tôi:
  - Lau nước mắt đi nào, cô sẽ thương em như ngày hôm qua được chứ? Nhưng em phải cười thật nhiều, cười thay cô em nhé! Cô tin ở em, bác sĩ nhỏ của cô!
      Rồi chúng tôi ra về. về đến nhà, tôi chỉ kịp chào bố mẹ rồi chạy thẳng lên phòng. Tôi không muốn cho bố mẹ biết tôi đang khóc. Vào phòng, tôi chốt cửa rồi ngồi gục đầu xuống bàn học. Nước mắt rơi, trang giấy trên bàn tôi ướt. Bất chợt, tôi nhận ra, đó là quyển lưu bút lớp 9 và đó chính là trang cô viết cho tôi. Và tôi nhận ra, trang giấy đó dày hơn bình thường. Đó là hai trang giấy. Nét chữ của cô: “ Trân à, cô xin lỗi vì đã đánh em. Hôm đó, cô biết tin mình không thể đứng lớp được nữa. Cô  mong em hiểu được. Cô vẫn yêu thương em như ngày hôm qua.”
          Tôi khóc, khóc rất nhiều và thiếp đi lúc nào không hay…
                                                      
                                                       Đào Thúy Ngà-Lớp: 9A - Năm học 2012- 2013
           Trường THCS Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội.


9 tháng 8, 2013

GIỚI THIỆU BÀI ĐOẠT GIẢI CUỘC THI VIẾT VÀ TRẠI "EM TẬP VIỆT VĂN LÀM THƠ" LẦN THỨ III/2013




TAO ƯỚC GÌ… MÀY Ạ!

                                                                       
                                                                          Bài giải ba - Cuộc thi viết và  
                                                         Trại “Em tập viết văn làm thơ” lần thứ III/2013



         Mặt trời đã vén bức màn đêm đen và đang bắt đầu dệt những tia nắng óng ả, thả qua cửa sổ phòng Lam như cố kéo con bé ra khỏi chiếc giường êm ấm. Nó cố giúi đầu vào gối và tiếp tục chìm trong mớ hỗn độn nửa thực nửa hư của tâm hồn mà tiếng chim trong trẻo bên thềm không thể nào phá vỡ. Đó là một buổi sáng đẹp tinh khôi, hẳn sẽ là một ngày đẹp tuyệt vời.
  Nhấc cặp kính đeo lên đeo cho đôi mắt tròn xoe ngây thơ nhưng cũng có phần tinh ranh. Đó là một con bé luôn lạc quan, yêu đời. Nhưng đôi khi nó lại quá thờ ơ với mọi việc. Thật lạ lùng nếu nó không bình minh vào lúc bảy rưỡi sáng, khi mà tiếng chuông nhà trường reo. Nó có tên trong quyển sổ của bác giám thị là chuyện bình thường, và nó cũng thây kệ, vì mẹ nó đâu có quan tâm đâu. Mẹ nó chỉ chú ý tới điểm số của nó thôi. 
 Bề ngoài nhìn dáng người nhỏ con, thấp bé của nó đi lừ lừ trên hành lang, cùng với cặp kính có vẻ mọt sách và chiếc mũ đội che trán, đầu cúi gằm thấy thật khó gần. Chỉ cho đến khi bước chân vào cửa lớp, bỏ chiếc túi đeo xuống chỗ ngồi và vẫy tay gọi bằng một giọng đầy hoan hỉ (đúng như mọi người vẫn nhận xét cách nó chuyện của nó giống như… lên đồng, thoải mái và say sưa):
- Tao chào mày, Chi!   
- Lan Chi là đứa bạn thân nhất của nó. Con bé cao hơn Lam chút xíu, có dáng người mảnh khảnh. Nó học giỏi nhất nhì lớp đấy.
- Sao mày suốt ngày đi muộn thế hả Lam?
- Mà mày ơi, mẹ tao không cho đi chơi Hòa Bình với lớp mày ạ!
- Chán nhỉ, sao mày không cố xin xỏ, năn nỉ đi với tao cho vui.
- Mày biết thừa mẹ tao rồi còn gì nữa, chẳng bao giờ đâu, xin xỏ thêm có mà…
- Có vẻ như Lam vẫn mặc kệ. Hẳn đối với nó đó là chuyện rất bình thường. Từ nhỏ đến giờ không biết nó đã bị lỡ bao nhiêu buổi đi chơi với bạn bè rồi.
- Hôm nay cô giáo trả bài kiểm tra Toán. Đó là một bài kiểm tra quan trọng, nó là chiếm một vai trò quan trọng để chọn lọc thành viên cho câu lạc bộ học sinh giỏi Toán của nhà trường. Cô đọc từng bài một lên trước lớp và nêu rõ lỗi của bài. Đến bài cái Lam, cô nói bằng một giọng đầy thất vọng và nghiêm khắc:
- Ngọc Lam, bài này con làm thực sự không tốt. Sai sót rất nhiều. Chưa bao giờ con được dưới điểm tám, mà bài này sáu rưỡi. Rất đáng buồn! 
 Cô đứng lên và bắt đầu chỉ lên bảng từng lỗi sai của nó. Cái Chi như một phản xạ vô điều kiện đánh mắt ngay sang đứa bạn thân nhất của nó bằng một cái nhìn thật sự là lo lắng. Nó hiểu Lam, mới được tám điểm thôi mà mẹ nó về nhà cũng đã chì chiết suốt cả ngày rồi. Vậy mà… Nhìn cái Lam kìa. Đôi mắt tròn xoe đáng yêu của nó giờ đây trợn to lên đang nhìn chằm chằm lên chiếc bảng. Thấy con ngươi trắng bệch vô hồn, khác với vẻ biểu cảm thường ngày của nó. Con ngươi chốc lại giật về phía tay cô giáo chỉ trên bảng, trông thật đáng sợ! Hai chữ “sáu rưỡi” như đã dội cho nó một gáo nước lạnh buốt. Toàn bộ người nó như thể đã đóng băng, không hề nhúc nhích được nữa. Dù ở xa nhưng cái Chi vẫn có thể cảm nhận thấy tiếng trống đập thình thịch trong lồng ngực đứa bạn chí cốt. Và cái âm thanh gấp rút đó như thúc giục Chi phải chạy đến ngay để cầm tay trấn an Lam vì trông Lam không ổn một chút nào. Nó bị sốc mạnh quá. “Mày tỉnh lại đi Lam ơi, đưa cái tay lên gãi trán hay gục đầu xuống bàn khóc cũng được, nhưng đừng có bất động như thế, tao sợ lắm.”, lòng cái Chi như lửa đốt. Đã là bạn bè với nhau được nửa thập kỉ mà chưa bao giờ nó thấy cái Lam trong tình trạng này. Nó chỉ thấy một Ngọc Lam phóng khoáng, tinh nghịch, nói chuyện mê man như… lên đồng, nhưng rất say sưa và tỉnh táo chứ không phải cái kiểu mê man như lúc này.
Cái Lam vẫn cứ bất động. Chi nhìn đồng hồ mà sốt sắng, đã ba phút rồi… năm phút… bảy phút… cái Lam chớp được mắt rồi. Một cái chớp… hai cái, mắt nó bắt đầu đong đưa, con mắt cộm nước… ba cái, đôi mắt đỏ hoe, nó gục đầu xuống bàn. Dù sao cũng cảm ơn Trời. Cái Chi chí ít cũng được thở phào nhẹ nhõm. Nó cứ ngỡ con bạn thân của nó sẽ phải vào viện luôn sau đó. Được một phen hết hồn! 
 Sau buổi học, hai đứa vẫn cùng nhau đi về như mọi hôm. Một nghịch cảnh, trời nắng chang chang nheo con mắt đưa nhìn con bé khóc như mưa. Ông trời thì ho ra lửa thiêu đốt còn cái Lam thì vẫn khóc nấc lên từng hồi. Mặc cho bạn nó bên cạnh cứ luôn miệng “Không sao đâu mà!”, mãi nó mới chịu cất lên tiếng, giọng nói rên rỉ không rõ thành lời:
- Chắc mai tao không còn gặp mày nữa rồi Chi ạ. Về chắc mẹ tao giết tao mất.
- Mày có bị làm sao không. Chỉ là… một cơ hội vào đội tuyển Toán thôi mà… 
  Hẳn là Chi đang cố an ủi bạn nó, thậm chí bằng những điều hiển nhiên sai nhất. Nó thừa hiểu rằng mẹ cái Lam rất quan trọng việc nó được vào đội tuyển Toán của trường.
 Mà đâu phải chỉ có mỗi bài kiểm tra này đâu mày, cô còn dựa trên cả quá trình học tập nữa cơ mà. Mà mày tưởng tao sung sướng lắm chắc. Tao cũng chỉ được có… tám.
- Chắc kì này tao trượt chắc rồi. Mà mày học giỏi rồi thôi khỏi nói. Mày đúng là dở hơi thật đấy. Bố mẹ mày đâu có bắt bẻ gì điểm số của mày đâu mà phải buồn với phiền. Tao mà không sợ mẹ tao thì tao cũng chả việc gì phải rầu rĩ cả! 
  Nói dứt xong, cái Lam đi thẳng luôn. Cũng không phải vì nó giận cái Chi đâu! Chẳng là đã quá giờ tan học gần ba mươi phút mà nó vẫn chưa đặt chân đến cửa nhà thì tội sẽ nặng gấp nhiều lần. Ngày hôm nay Chi đã nhìn thấy một Ngọc Lam biết… khóc. Nhưng nó vẫn nghe thấy cái lạc quan trong cuộc nói chuyện vừa rồi. Chỉ tiếc là sự lạc quan đó bị đè nén bởi cái nghiêm khắc, hay là kì vọng thái quá của bậc phụ huynh.
Tối hôm ấy, cái Chi đi ngang qua nhà Lam. Chợt nó thấy một ai đó đang ngồi trước cửa nhà Lam, đang gục mặt xuống đùi. Nhìn kìa, cái dáng nhỏ bé, mái tóc xù bông cá tính kia… đích thị là Lam rồi! Sao nó lại ở đây? Chi chạy vội tới, lay đầu con bé:
- Lam ơi, mày phải không? Sao mày lại ở đây thế này? Sao không vào nhà đi? 
 Con bé ngẩng đầu lên: một khuôn mặt bơ phờ, đôi mắt không mở tròn mà yếu ớt, đỏ hoe, sưng húp. Đúng là cái Lam rồi!
- Mẹ tao đuổi ra khỏi nhà rồi mày ạ.
Trời ạ! Cái Chi vẫn biết rằng mẹ nó là một người nghiêm khắc, nhưng không thể ngờ lại tói mức này.
- Thế mày đã ăn uống gì chưa? Hay đi với tao ăn cái gì đi!
- Tao chán đời quá… chả muốn ăn uống gì cả.
- Thế thì… đi chơi với tao cho vui cũng được.
- Không được đâu! Mẹ tao mà ra biết được là đi khỏi nhà mãi luôn đấy!
- Thôi đi đi! Đi với tao!
Cái Chi cố kéo tay Lam, mà cái Lam cứ thần người ra, ngập ngừng. Nó rất muốn đi, nhưng nghĩ đến hình ảnh mẹ nó đứng chờ trước cửa nhà với con mắt giận dữ… nó lại run người lên.
- Thôi đi với tao cho thư thái con người Lam ơi. Mày vẫn thường thờ ơ với mọi việc cơ mà!
- Thôi được rồi tao sẽ đi cùng mày.
Cuối cùng nó cũng đã quyết định buông xuôi tất cả. Mặc cho kết cục sẽ như thế nào, nhưng nếu nó không làm đầu óc thư thái thì sẽ nổ tung mất! Cái Chi mừng rỡ biết bao! Và hai đứa lại dắt tay nhau đi khắp phố phường, tung tăng như hai chú chim non được lần đầu thỏa sức bay nhảy ở một phương trời mới lạ. Mà đúng thế thật, đây là lần đầu tiên trong đời cái Lam đi chơi ngoài đường buổi tối với bạn nó, chứ không phải với bố mẹ. Cảm giác nó thật thoải mái. Chưa bao giờ nó lại thấy đường phố Hà Nội ban tối lại mang một vẻ đẹp quyến rũ như thế. Cho dù xe cộ vẫn nườm nượp bận rộn, nhưng làn gió vẫn có thể len lỏi thổi bay cái nóng bức của mùa hè, vờn trêu đùa cánh hoa nhỏ và lan tỏa một mùi thơm tuyệt diệu, đó là mùi của cỏ cây tinh khiết, hương hoa trong vắt và mùi hương của hơi thở bè bạn hòa quyện. Chưa có bao giờ Lam được cảm nhận những thứ ấy một cách trọn vẹn nhất, tinh tế nhất. Chưa bao giờ nó thấy mình thực sự tự do, không phải mảy may suy nghĩ, lo lắng điều gì, nhất là về điểm số, về học thêm và về mẹ… Và cho dù nó và Chi rất khác nhau về hoàn cảnh sống, nhưng lại có chung nhịp đập trái tim bè bạn vĩnh cửu.
- Chi ạ, đôi lúc tao muốn đổi chỗ cho mày, chỉ một ngày thôi, được thoải mái, không bị mẹ áp lực, quản thúc chặt chẽ thái quá. Mẹ sẽ lắng nghe lời tao nói, và không cho rằng tao sẽ bỏ đi chơi sau mỗi buổi học. Tao ước gì mẹ tao cũng có phương châm “lạt mềm buộc chặt” như mẹ mày.
- Tao cũng muốn đổi chỗ thử cho mày một lần, để thử được cảm giác bị áp lực như thế nào. Tao nghĩ sau chuyện này, tao đã biết quý trọng những gì mình có hơn.
- Trời ạ, mày có biết tại sao mẹ tao không cho đi Hòa Bình với lớp không? Bởi vì mẹ tao sợ ở đấy có… thổ phỉ, rồi thậm chí còn sợ tao… giẫm phải bơm kim tiêm trên đường nữa! Mày bảo có buồn cười không cơ chứ! Tao bắt đầu mường tượng ra được cảnh tượng cái ngày tao phải ngồi nhà đấy rồi: không đi chơi, không internet. Cả ngày ngồi nhà và đọc truyện với xem ti vi, cả… ăn với ngủ.
Cả hai đứa cười phá lên thật sảng khoái. Hai đứa cứ tào lao suốt một buổi tối mà chẳng thèm để ý tới giờ giấc…
Chết rồi, đã mười giờ rồi! Cái Lam hoảng hốt lao ngay về nhà. Nhà bật đèn sáng, chắc bố mẹ nó đang ngồi chờ ở phòng khách. Đi đến cửa, đầu gối nó run lẩy bẩy, mặt tái nhợt đi, mắt hoa cà hoa cải, đầu óc hoang mang lo sợ… Nó lấy tay đẩy nhẹ cánh cửa, ghé mắt nhìn vào “thám thính”… 
 Mẹ nó đã đứng chờ sẵn ở đó rồi. Nhưng kìa, thật là lạ, trông khuôn mặt mẹ chẳng có vẻ gì là tức giận cả, mà có vẻ đang rất lo lắng, bồn chồn. Bà cứ đi đi lại lại trong phòng. Liệu có phải bà đang lo lắng vì không thấy nó đâu, sợ nó gặp nguy, mà quên hết cả giận hay sao? Bao nhiêu câu hỏi cứ rối bời trong đầu nó, hỗn loạn, pha thêm những hoang mang, sợ sệt, khiến nó không còn ý thức nổi việc làm của mình và rón ren đẩy cảnh cửa vào một cách vô thức. Thấy nó, bà mẹ như thể trút bỏ được mọi nỗi bồn chồn. Bà liền lao ra ôm chầm lấy đứa con yêu, trong sự ngạc nhiên đến sững sờ của Lam:
- Ôi may quá, con đã về đây rồi à! Cô giáo vừa thông báo rằng con đã được vào đội tuyển Toán. Chúc mừng con!

                                                                      Huỳnh Mỹ Hiếu Kiên 
                                                                  Học sinh lớp 8A4 – THCS Thành Công