Tìm kiếm Blog này

30 tháng 9, 2012

VĂN TUỔI THƠ VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CẢM THỤ VÀ SÁNG TÁC THƠ CHO THIẾU NHI



   Tuổi thơ là một giai đoạn quan trọng của quá trình hình thành năng lực văn học, trong đó có năng lực cảm thụ và sáng tác thơ cho mỗi người. Muốn tạo nên một nền tảng vững vàng cho sự phát triển năng lực đó ở các giai đoạn tiếp theo, không lúc nào tốt hơn khi vào giai đoạn này, những người có trách nhiệm và tâm huyết phải tiến hành các biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển năng lực cảm thụ và sáng tác thơ cho thiếu nhi.
     Tại sao chúng tôi đặt vấn đề cảm thụ trước sáng tác? Bởi muốn sáng tác được, trước hết người sáng tác phải biết cảm thụ. Có thể chưa thật rành rẽ, nhưng ngay từ khi được tiếp xúc với thơ ca, các em cần nhận biết được (có thể chấp nhận ở mức cảm tính) rằng đâu là những câu thơ mình yêu thích, vì sao mình thích. Chúng ta cũng cần xác định rõ hơn mối quan hệ tương hỗ, biện chứng giữa cảm thụ và sáng tác. Phát triển năng lực cảm thụ thơ cho học sinh tức là tạo ra một công chúng thơ ca rộng rãi và có tri thức, có nhu cầu và yêu cầu thẩm mĩ cao. Lực lượng công chúng thơ ca có số lượng lớn và chất lượng cao ấy sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ thúc đẩy lực lượng sáng tác phải luôn luôn cố gắng sáng tạo, cách tân hình thức thể hiện. Ngược lại, phát triển năng lực sáng tác thơ cho thiếu nhi cũng tức là đào tạo nhằm có được những nhà thơ lớn trong tương lai, có khả năng làm thay đổi diện mạo của nền thơ ca dân tộc, khẳng định rõ hơn vị trí của thơ ca dân tộc trong các nền thơ ca lớn trên thế giới.
Để phát triển năng lực cảm thụ thơ cho thiếu nhi, chúng tôi đã đưa ra những định hướng tổ chức nội dung sau:
Thứ nhất, khai thác vẻ đẹp của những áng thơ hay trong chương trình - sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học. Điều này vừa thiết thực - giúp học sinh nắm tốt hơn giá trị nghệ thuật của những tác phẩm văn chương trong chương trình - sách giáo khoa. Có thể có người đặt câu hỏi: Điều đó có khác gì với bài giảng của giáo viên tiểu học trên lớp? Thơ ca nói riêng, văn học nói chung bao giờ cũng lấp lánh nhiều tầng nghĩa. Chúng tôi mang đến cho các em những cách cảm nhận mới. Hơn thế, cách tạo nên hiệu quả cảm nhận mà chúng tôi tiến hành không phải là một sự áp đặt, mà được dẫn giải, gợi ý bởi những nhà thơ, nhà giáo có uy tín.
    Thứ hai, giới thiệu với các em những áng thơ hay dành cho thiếu nhi không có hoặc đã từng có trong chương trình - sách giáo khoa tiểu học. Việc giới thiệu này cũng được thể hiện dưới một hình thức hấp dẫn.
    Thứ ba, chúng tôi tổ chức những bài viết khai thác sự kì thú của ngôn ngữ trong những bài thơ hay qua những hình thức như chọn từ cùng nhà thơ, so sánh cùng nhà thơ, vẽ tranh cùng nhà thơ… Không diễn giải dài dòng, trọng tâm của những bài này là chỉ đi vào những điểm sáng nhất về ngôn ngữ thơ. Có lẽ vì thế, mỗi bài viết như thế này luôn được hàng trăm em gửi bài trả lời tham dự hoặc nói lên sự thích thú của mình. Các thầy cô giáo cũng từ đó có thêm tư liệu trong việc hướng dẫn các em học phần thơ tốt  hơn        
      Thứ tư, chúng tôi tổ chức cho các em tập làm các nhà phê bình bằng cách gợi dẫn cho các em viết những bài viết ngắn với nội dung nhận xét, bình luận các bài thơ của các nhà thơ cũng như của các bạn học sinh được giới thiệu trên Văn tuổi thơ.
     Thứ năm, chúng tôi tổ chức các bài viết nói về thành tựu sáng tác của các nhà thơ viết cho thiếu nhi hoặc kể nhiều giai thoại về cuộc đời các nhà thơ nổi tiếng. Từ đó các em thêm yêu mến nhà thơ, yêu thơ ca hơn.
     Để phát triển năng lực sáng tác cho thiếu nhi, chúng tôi chủ trương:  
      Thứ nhất, đăng tải những sáng tác thơ hay của học sinh tiểu học. Thông qua nguồn bài vở do giáo viên các trường tiểu học cung cấp cũng như qua con đường thư từ các em học sinh tự gửi. Được biết, hiệu quả từ việc giới thiệu sáng tác thơ của thiếu nhi như thế này rất cao. Các em có bài được đăng vô cùng hào hứng, thích thú; các em chưa có bài đăng lại coi đó là một mục tiêu để mình phấn đấu. Có thể nhận thấy, từ khi ra đời, Văn tuổi thơ đã tạo nên được một động lực, một phong trào sáng tác thơ hết sức sôi nổi trong học sinh các trường tiểu học.  
      Thứ hai, chúng tôi đã mời những nhà thơ nổi tiếng có kinh nghiệm sáng tác viết những bài hướng dẫn các em cách làm thơ với những thao tác cụ thể như: tìm tứ thơ ra sao, chọn từ thế nào, đặt câu, tạo vần thế nào cho nhuần nhuyễn, uyển chuyển... Điều thuận lợi là, trong chương trình sách giáo khoa hiện nay cũng có phần hướng dẫn các em làm thơ. Với mảng nội dung này, Văn tuổi thơ đã cung cấp một cơ sở khoa học quan trọng giúp cho những em có năng khiếu có phương tiện tư duy, phát triển khả năng sáng tác của mình. 
   Người Việt Nam vốn có truyền thống làm thơ, yêu thơ. Chúng ta lại có không ít các nhà thơ lớn được bạn đọc nhiều nước trên thế giới biết đến. Tuy nhiên, cũng không thể không nhận thấy rằng, các dòng thơ lớn của chúng ta đều đi sau các dòng thơ có khởi phát từ các nền văn học trên thế giới. Thơ Mới với thơ Pháp, thơ phương Tây và thơ Đường hồi đầu thế kỉ XX là một ví dụ. Chính bởi thế, chúng ta cần tập trung bồi dưỡng nhiều hơn nữa năng lực cảm thụ và sáng tác thơ ca cho thế hệ trẻ ngày hôm nay, để chúng ta có thể hi vọng, tin tưởng nhiều hơn về một nền thơ ca hiện đại, sánh bước cùng các nền thơ ca lớn trên thế giới. 
                                                           TS. Nguyễn Văn Tùng
                               (Nguồn: Trích tham luận tại Hội thảo Thơ thiếu nhi hiện nay)

 
HOA DẠ HƯƠNG

Đêm nay lắng sâu không gian                
Vòm sao xanh nhấp nháy
Bỗng như vừa thức dậy
Cùng lời ca dạ hương

                                                      Hương không là âm thanh
                                                      Mà làm im tiếng dế
                                                      Mà lại dừng nhịp thở
                                                      Âm thanh của đất trời

Hương không là màu sắc
Mà êm dịu trắng trong
Mà làm xanh cảnh vật
Trong ánh trăng ánh vàng

                                                      Hương bay từ vườn ai
                                                      Lặng lẽ theo gió chờ
                                                      Đọng nụ cười môi nở
                                                      Mơ ngủ giữa sao đêm

Hương bay từ vườn ai
Mà giữa đêm tăng tỏ
Chưa một lần gặp gỡ
Bỗng thấy tràn sắc hoa…
                                                                             NGÔ HUY NAM THÁI – 13 TUỔI


CHƠI ĐỒ HÀNG

Hôm nay bé ốm
Bé nghỉ ở nhà
Trán như lửa đốt
Nóng bỏng hơi người

                                                                Chị muốn em vui
                                                                Làm nàng công chúa
                                                                Mang trái ngọt thơm
                                                                Em ăn cho mát
Chị làm ô tô
Pin pin qua nhà
Chở bé về nhà
Vui mừng ăn Tết

                                                                Mắt em mở tròn
                                                                Môi cười khúc khích
                                                                Vẫy tay em nói
                                                                Pin pin pin pin

Chị làm cô giải phóng
Em làm thương bệnh binh
Bế em lên gường nằm
Đeo ống nghe khám bệnh

                                                        Em giả nghiến răng chịu
                                                       Trán nóng hơi lửa bỏng
                                                  Lấm tấm hạt mồ hôi
                                                    Trong cơn mê em vẫy
                                                  Pin pin – ô tô phà…
                                                              
                                                                                       HUỲNH PHƯỢNG HOÀNG – 12 TUỔI



NGƯỜI BẠN MỚI

     Đầu học kỳ II, lớp tôi có một người bạn mới.. Cậu ấy tên là Nam, từ quê lên, bước chân chân vào lớp, Nam đã thấy tứ phía nổi lên tiếng xì xào. Lũ con gái cười khúc khích, trong đó có tôi. Mọi người thì thầm chê Nam hết mọi khoản: mái tóc xù mì xơ xác, cháy đen; người khẳng khiu như cây củi. Không ai chịu cho cậu ấy ngồi cùng bàn. Cuối cùng, Nam phải ngồi một mình ở cuối lớp.

    Thật trùng hợp, Nam sống cùng tập thể với tôi. Nhà cậu ở ngay dưới căn nhà tôi đang ở. Việc chạm mặt với cậu ta hàng ngày làm tôi bực mình và tôi bắt đầu ghét Nam mặc dù cậu ta chẳng động gì đến tôi. Nam chỉ sống trong vỏ ốc của riêng mình, ít khi nói chuyện với người khác, ai hỏi gì cũng ậm ừ cho qua. Tôi bắt đầu nghĩ chọc tức Nam cho bõ ghét. Nhiều lần tôi đã thấy mình thật quá quắt nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt tối thui của cậu ấy, tôi lại thấy ghét. Mỗi lần tôi ra lan can phơi quần áo. Nam cũng thò đầu ra lan can nhà mình để với chiếc lồng chim sáo. Nhìn thấy Nam, tôi chạy vội vào trong nhà, bê nguyên chậu nước giặt đồ trút xuống. Bị bất ngờ, Nam buông lồng chim ra, chú chim nhỏ cùng chiếc lồng rơi xuống sân. Tôi giả vờ vô tình xin lỗi rối rít rồi quay vào, cười hỉ hả trong bụng với sự “vô tình” ác ý của mình mà không thèm để ý nạn nhân ra sao. Hôm sau, hôm sau nữa không thấy nam đi học, tôi bắt đầu lo lắng về trò đùa của mình. Tròn bữa cơm trưa, ba chợt nói:
- Tội nghiệp  thằng bé ở nhà dưới, nó mới từ quê lên. Mới tí tuổi đầu đã mồ côi cha mẹ. Chú nó thương tình nên đưa lên dạy nuôi. Suốt ngày chỉ quanh quẩn với con chim sáo chú nó bảo thế! Mà con chim sao bỗng dưng lại chết, chỉ ngã một cái đấy thôi. Thằng bé buồn phát ốm, phát sốt đùng đùng…
   Tôi chợt giật mình. Thì ra tôi đã làm một việc ngu xuẩn. Tôi làm chết con sáo, người bạn duy nhất của cậu ấy. Đã vậy ở lớp tôi còn hắt hủi, nói xấu cậu ấy. Bây giờ tôi thấy hối hận vô cùng.
    Hai ngày sau, Nam đi học lại. Cậu ấy vụt nhanh qua chỗ tôi, đôi mắt sợ sệt nhìn xuống dưới đất. Cuối giờ, tôi đến bên Nam rụt rè:
- Nam này!
   Thế là Nam giật mình đánh rơi cái chổi, quay lại lắp bắp:
- Mình xin lỗi…
    Tôi nói:
- Sao Nam lại phải xin lỗi! hòa mới là người phải xin lỗi Nam, Hòa đã đùa thật ác ý….
    Nam nhìn tôi ngạc nhiên, sung sướng:
- Không sao mà!
    Tôi cảm ơn Nam và thầm hứa sẽ là người bạn tốt thay con sáo nhỏ đáng thương, an ủi giúp đỡ Nam. Con người có thể nào sống mà không có tình thương yêu? Nhất là tình thương yêu bạn bè…

                                                                TRẦN THỊ MỸ HẠNH   
                                                                         LỚP 7/2  – THCS LÊ QUÝ ĐÔN TP. HẢI DƯƠNG
                                                                                            NĂM HỌC  2004 - 2005    

29 tháng 9, 2012

THƯ GỬI BỐ


                                                               Hà nội, ngày 20 tháng 5 năm 2005

                                                           Gửi bố yêu quý của con!
Bố ơi, thế là con đã 19 tuổi rồi! Đã bốn năm qua con sống xa bố. Con nhớ bố lắm mà không sao tả xiết được, con chỉ biết ngồi một mình nhớ lại mười lăm năm về những kỷ niệm có bố. Khi mới sinh ra, từ đầu tiên con gọi là “Bố”, vì con không có mẹ. Bố cũng như mẹ của con vậy. Con còn nhớ những năm học cấp I, cứ mỗi sáng thức dạy, bố lại chuẩn bị quần áo, bữa sáng cho con, rồi bố lại đưa con đến trường và đón về bằng chiếc xe đạp Nhật mà bố mua khi mới lấy mẹ. Bố còn biết nấu cơm, lau nhà, giặt quần áo, không khác gì những người phụ nữ. Để nuôi con lớn được như hôm nay là biết bao đêm không ngủ của bố. Khi thành phố lên đèn, cũng là khi con chìm trong giấc ngủ, thì bố của con lại đi dọc những con phố vắng cùng với chiếc xe rác nặng nề, lũ bạn của con luôn chế giễu con, chúng bảo con không có mẹ, còn bố thì quét rác. Nhưng con không thấy ngượng vì điều đó. Tuy con không có mẹ, không được sự yêu thương của mẹ, nhưng con có bố với tất cả những gì bố dành cho con. Và con rất hãnh diện về công việc của bố. Nhờ có bố mà thành phố trở nên sạch, đẹp.
   Vào lần sinh nhật, khi con 15 tuổi, với một cô gái tuổi trưởng thành, thì rất muốn nhiều thứ: nào là quần áo đẹp, trang sức, mỹ phẩm… tất cả đều là những món đồ đắt tiền. Tối hôm đó, bố cho con một hộp quà và nói: “Chúc mừng sinh nhật con gái yêu của bố”. Con thấy rất vui khi nhận được nó, nhưng đến khi mở hộp quà ra thì con thấy là một đồng xu cũ, nó trái ngược hoàn toàn so với những gì mà con mong muốn. Con đã vứt nó xuống đất và nói điều không phải với bố: “Một đồng xu như vậy bố nghĩ con sẽ làm được gì? Bố cầm lại món quà của bố đi, con không cần. Con ghét bố lắm”. Sáng hôm sau khi thức dậy, con thấy đồng xu đó được đặt lên bàn cùng với một tờ giấy mà bố đã viết:  “ Bố xin lỗi con gái. Vì món quà đó mà bố làm con gái mất vui, bố xin lỗi. Bố biết con thích những món đồ đắt tiền, những món đồ đó bố không thể mua được vì… vì bố không đủ tiền, nên chỉ có thể tặng con được đồng xu đó thôi, con thông cảm cho bố nhé. Đó là đồng xu may mắn của bố, và bố tặng cho con chỉ vì muốn may mắn đến với con, bởi vì bố yêu con, con gái của bố à! Bố vẫn sẽ tặng món quà đó cho con, nếu con không thích thì có thể trả lại bố.”Đọc xong những dòng chữ đó mà nước mắt con không kìm được. Con hiểu rồi bố à, tất cả những giá trị vật chất đều không đáng quý. Đối với con, thứ đáng quý nhất là tình thương yêu của bố dành cho con và con trân trọng nó. Mỗi khi nhìn thấy nó, con lại nhớ đến bố, nhớ đến cái hôm con tròn 15 tuổi. Cho đến bây giờ, đồng xu đó đã theo con đến lớp, theo con vào những dòng văn về bố, nhờ có nó mà măm nay con đã thi đỗ đại học – một điều mà bố mong muốn đến với con.
   Những lúc con buồn, người duy nhất con nghĩ đến là bố, bởi bố luôn biết an ủi, dỗ dành con. Khi con vui, con thường chia sẻ với bố. Bố cũng vậy, mỗi khi có chuyện vui, bố lại nói với con. Còn chuyện buồn thì giữ lại trong lòng vì bố không muốn con phải lo lắng, nhưng con biết, vì chúng hiện lên trên đôi mắt trĩu nặng của bố. Con rất thông cảm cho sự vất vả của bố, vì bố không chỉ là bố mà bố con là mẹ nữa. Cảm ơn ông trời đã cho con một người bố tốt. Bố đã hi sinh cho con biết bao nhiêu điều. Chưa bao giờ con nói yêu bố, vì con quá yêu bố, nhưng lớn sao nổi bằng tình yêu bố dành cho con. Bốn năm không có bố bên cạnh quả là dài. Bốn năm qua, con đã sống thật tốt để xứng đáng với sự hi vọng của bố trong con. Tình cảm thiêng liêng ấy cùng với con người cao cả đó sẽ in sâu trong trái tim con. Khi ở bên cạnh bố, có biết bao điều con không nói được, nhưng giờ đây, tuy đã quá muộn để nói điều này bởi vì khi con viết những dòng này thì bố đã không còn, nhưng con vẫn sẽ nói: ‘Bố ơi, con rất yêu bố!”
                                                                Con gái của bố
                                                                               
                                                                              ĐỖ LAN HƯƠNG                                                     
                                                      LỚP 7M – THCS TRƯƠNG VƯƠNG HÀ NỘI
                                                                               NĂM HỌC  2004 - 2005    


 TÌM

 
                                  Sáng ra nắng đến tìm hoa
                                               Dòng sông tìm đến biển xa bồi hồi
                                               Gió tìm buồm lộng ra khơi
                                               Màu xanh tìm đến mây trời bao la
                                               Phượng đỏ tìm đến nhạc ve
                                               Còn em tìm đến bài thơ đang làm
                                                                               
                                                                                               NGÔ HUY NAM THÁI – 13 TUỔI


ANH ĐI RỒI

Anh đi học xa rồi
Em chẳng còn bị anh “bắt nạt”
Đang từ “con hai”
Em bỗng là “con một”
Góc học tập kia em được ngồi một mình
Gường của anh, em nằm rộng thênh
Thế thì thích thật!
(Các bạn em cũng nói thích thật)
 Nhưng anh đi rồi
Em chẳng có ai chơi
Chẳng ai làm cho búp bê, xe tăng, ngựa gỗ
Chẳng có ai giúp em giải bài toán khó
Chẳng có ai kể chuyện em nghe
Chẳng được ngồi xem anh làm thơ về
em và con gà, con vịt!
Thế thì chán thật
(Nhưng các bạn em chưa biết điều này đâu).
                                                  
                                                                                 NGÔ HUY NAM THÁI – 13 TUỔI



22 tháng 9, 2012

ĐÔNG



                           Một sắc xuân trong bông hoa nở muộn
                                     Một chút hạ với cơn mưa đầu mùa
                                     Một mùa thu khua đêm đông thức giấc
                                     Trong tiếng lá bàng chao đảo xuống sân sau.

                                     Ôi, xuân, hạ, thu trong mùa đông rét buốt
                                     Mà vẫn hiên ngang giữ chút sắc cho mình
                                     Một góc nhỏ chỉ một chút nhỏ thôi
                                     Trong mùa đông bao la lộng gió.
                                     Mặc cho bầu trời xám ngoét, xầm xì,
                                     Mùa xuân ơi, vẫn cho đời tia nắng nhỏ!
                                     Mặc cho mùa xuân dầm dề dai dẳng,
                                     Mưa mùa hạ vẫn thấm đất quê hương.
       
                                    Mặc cho những trận cuồng phong rầm rộ
                                    Mùa thu vẫn chút gió nhẹ nhàng
                                    Đóng tham lam nên sao hiểu nổi.
                                    Một mình thôi đã chiếm chọn bốn mùa
                                                                               
                                                                                                                      TRẦN ÁNH PHƯƠNG 
                                                                                                                  LỚP 9E – THCS KIM LIÊN
                                                                                                                     NĂM HỌC 1998 – 1999                                                                                                           


TRỒNG TRỨNG
Có một cậu bé con
Đem trồng trứng trong vườn
Và tưới nước luôn luôn
Cho trứng lên thật chóng              
Ngày mai – chú bé nghĩ
Gà sẽ mọc trong vườn
Đủ cho bọn trẻ con
Một chú gà, mỗi đứa
Và thế là bọn trẻ
Sẽ hết lời khen mình
Là tài giỏi thông minh
Biết làm điều thật tuyệt
Cậu bé ngồi chờ đợi
Một ngày rồi hai ngày
Chẳng chú gà nào mọc
Một đêm rồi hai đêm
Trong mơ cũng không thấy!
Chúng ta cùng chờ xem
Bao giờ gà mọc vậy!
                                                                             NGÔ HUY NAM THÁI – 13 TUỔI


NHỮNG NGÔI SAO HY VỌNG


    Thời gian chẳng bao giờ ngừng trôi. Mỗi phút, mỗi giây, mỗi khoảnh khắc một khi đã qua đi là chẳng thể nào quay lại. Nhưng, điều gì đã trở thành một kỷ niệm, một ký ức đẹp thì vẫn sẽ mãi mãi nằm sâu trong tâm hồn mỗi con người. Có lẽ suốt cả cuộc đời này và cả kiếp sau nữa, nếu như có thể thì Thương vẫn sẽ không quên những tháng năm ấy – những tháng năm của một tuổi thơ nghèo bất hạnh và cũng là những tháng năm tràn đầy tình yêu thương, lòng vị tha, nhân ái, những tháng năm đã thay đổi cả cuộc đời một con người….
    Ngay từ khi còn bé, Thương đã không được số phận ưu ái. Có lẽ chính vì thế mà vừa mới sinh ra cô bé không còn có cha, không còn có chỗ dựa tinh thần, không còn có mái nhà để che mưa nắng, che sóng gió của cuộc đời vốn khắc nghiệt và tàn nhẫn không cho cô một tuổi thơ êm đềm.
   Mẹ của Thương, tuy vẫn ở bên cạnh các con nhưng lại luôn đau ốm. Nếu người ta cho gia đình là kho báu quý giá.Thì có lẽ Thương chỉ là một kẻ nghèo hèn trôi dạt giữa dòng đời. Đã bao lâu Thương lặng lẽ khóc một mình trong bóng tối. Đã bao lần cô tự hỏi tại sao trên đôi vai nhỏ bé của cô không phải là chiếc cặp để tung tăng đến trường cùng bè bạn mà lại là một gánh nặng gia đình quá lớn….Bây giờ Thương còn có thể oán trách ai  nữa đây? Số phận đã buộc cô phải có trách nhiệm với gia đình này. Vì người mẹ ốm đau luôn cần thuốc để có thể trên cuộc đời, vì đàn em thơ ngây phải được học hành, phải có tri tức để xây dựng lại gia đình, phải khác cô, khác một đứa con của kiếp phôi pha sầu muộn. Thương buộc phải tới Hà Nội, buộc phải một mình bươn chải giữa dòng đời đầy sóng gió, buộc phải sống lang thang….Tất cả là vì GIA ĐÌNH.
   Thương nghiễm nhiên trở nên một đứa trẻ lang thang đất Hà thành. Cô sống bằng nghề bán vé số. Tuy cuộc sống rất khó khăn, nhưng ít nhất Thương cũng có đôi chút để gửi về cho gia đình. Thế rồi Thương bỗng nhận ra rằng cái công việc tạm gọi là buôn bán của cô càng kém thuận lợi, số tiền mà cô trang trải cho cuộc sống tại Hà Nội và gửi về quê theo đó ngày càng vơi đi. Thương bắt buộc phải chuyển nhà trọ đang ở bởi không có tiền để trả nợ. Bà chủ nhà trọ đã không tiếc lời mắng chửi, nguyền rủa, để khiến cho Thương đau đớn bởi thân phận nghèo hèn. Biết mình kiếp lang thang, Thương đành cắn răng chịu đựng. Cất bước ra đi mà mắt cô nhòa lệ, trái tim bé nhỏ của cô bị vỡ vụn thành từng mảnh….
    Sau vài hôm sống vất vưởng thương cũng tìm được chỗ rẻ hơn. Dường như nơi này được sinh ra là để dành cho những số phận bất hạnh như thậm chí còn hơn cả Thương. Cô yêu nơi đây, yêu những con người nơi đây – những con người sống để giúp đỡ, hy sinh cho nhau. Cuộc sống của Thương càng ngày càng ổn định. Tới lúc sắp đủ tiền gửi về cho gia đình thì cô bỗng nhận được một bức thư. Đứa duy nhất biết chữ đọc cho cả xóm nghe. Từng từ trong bức thư như đang xoáy sâu, bóp nát, làm vỡ vụn con tim đang thổn thức trong lồng ngực bé nhỏ của Thương: “Mẹ cháu đã qua đời do không có tiền thuốc thang. Bác đã bảo bà ấy gửi thư lên cho cháu nhưng mẹ cháu không chịu bởi bà không muốn làm cháu phải khổ, không muốn trở thành gánh nặng gia đình thêm một giờ, một phút nào nữa. Thay mặt những người hàng xóm bác chỉ nhắn như vậy. Cháu mau về chịu tang mẹ!”.
    Nghe xong bức thư, Thương vội vàng bỏ chạy trong trong đêm tối. Cô gào thét, cấu xé mình. Cô oán hận thực sự, oán hận cuộc đời. Chỗ dựa duy nhất của cuộc đời cô giờ cũng đã không còn. Thương khổ tột cùng. Lẽ nào cô thực sự được sinh ra để để chịu mọi sóng gió, ngang trái do bàn tay tàn nhẫn của số phận tạo nên?
   Sáng hôm sau, Thương về nhà trọ trong tâm trạng hoàn toàn tuyệt vọng. Vừa bước vào, Thương bỗng nhận ra các bạn trong xóm đã chờ sẵn tự bao giờ. Thủ lĩnh của cả hội bước lên, giúi vào tay Thương một cái bọc và một chiếc hộp bên trong có rất nhiều ngôi sao nhỏ.
-  Thương! Bọn mình biết khi mất mẹ , cậu rất đau khổ. Trong chúng tớ, không phải là không có người nào đã từng giống như cậu. Thế nhưng, điều quan trọng là họ đã biết đứng lên mà mỉm cười với cuộc sống. Đây là số tiền bọn mình đã góp được để cậu làm đám tang cho mẹ. Còn những ngôi sao bọn mình đã gấp đêm qua. Chúng mình mong rằng cậu sẽ có niềm tin, có hy vọng, sẽ biết đứng lên khi gục ngã. Cố lên nhé! Chúng mình tin ở cậu!
  Thương không nói được thêm lời. Sau khi lo đám tang cho mẹ xong, cô lại lên Hà Nội, lại kiên cường chấp nhận mọi khó khăn, lại sống những tháng ngày lang thang khắp nơi vì đàn em ngây thơ, vì GIA ĐÌNH….
   Và thời gian trôi đi. Mười năm sau, không ai có thể ngờ rằng gia đình Thương đã chẳng bao giờ còn phải lo lắng chuyện cơm áo. Các em của Thương không để cho cô phải thất vọng. Tuy sống trong hoàn cảnh đầy đủ, nhưng chưa một lần Thương  quên những người bạn thuở hàn vi. Bất chợt, Thương nâng chiếc hộp ngôi sao năm xưa – chiếc hộp mà mười năm qua cô luôn coi là một báu vật thiêng liêng: “Các bạn ơi tôi sẽ mài không bao giờ quên các bạn, quên một tuổi thơ nghèo đầy bất hạnh. Tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay đều là do các bạn mang lại. Giờ đây mỗi đưa một phương, tôi biết tìm các bạn ở nơi đâu  - hỡi những người cùng sinh ra  có hoàn cảnh giống như tôi, cùng là anh em của tôi. Các bạn ở nơi đâu?...”
                                                                     
                                                                                 PHẠM THẢO HÀ
                                                           LỚP 7M – THCS TRƯƠNG VƯƠNG HÀ NỘI
                                                                               NĂM HỌC  2004 - 2005                           

15 tháng 9, 2012

KHÁCH HÀNG ĐẶC BIỆT


                                                     
   Hồi tôi chừng 10 tuổi, mẹ tôi mở một cửa hiệu nhỏ, chuyên bán các loại bút, thước, tẩy, đề - can, tranh, ảnh,….Buổi chiều tôi ngồi chễm chệ sau quầy tủ kính, bán hàng và thu tiền. Những món đồ dùng mới lạ, độc đáo mà tôi mang vào lớp dùng trước nhất luôn làm bạn bè thích thú, ngưỡng mộ. Không ít bạn dành dụm để có được  những món đồ xinh xắn như thế.

    Ở lớp tôi có một bạn tên là Nam. Môi cậu ta bị sứt, nói chuyện khó nghe, phát âm đơn đớt. Nhà Nam nghèo, quanh năm cậu ta mặc cái áo sờn cổ, đồ dùng học tập cũ mèm, sứt sẹo. Giờ học môn văn, cả lớp khoái chí cười rộ khi cậu đọc to bài thơ hay đoạn trích bằng cái giọng ngọng nghịu. Mỗi khi bị tôi kiếm chuyện, cậu ta lấy quyển sách che nửa mặt dưới ngó tôi bằng đôi mắt nể sợ.
    Các bạn trong lớp đều là khách hàng của cửa tiệm nhà tôi, trừ Nam. Một lần khi cậu ta rụt rè hỏi mượn hộp bút chì màu, tôi tiếp thị: sao mày không mua mà dùng. Chiều, Nam lò dò tới cửa hàng, Nam nói thật nhanh: Vi lấy cho tôi hộp bút màu nào rẻ nhất ấy. Nam lí nhí : cho thiếu nợ được không? Còn 5 nghìn, mai mốt tôi trả nốt. Nói rồi, cậu ta thả lên quầy nắm tiền lẻ, tôi đành gật đầu.
   Lâu lâu Nam lại ra cửa hàng, bao giờ cũng chọn mua thứ ít tiền nhất. Và bao giờ, cậu ta cũng ghi nợ. Cột nợ ngày càng dài.
   Thỉnh thoảng, ngồi canh cửa tiệm, tôi lại thấy Nam cưỡi xe đạp vụt qua. Phía sau yên là cây nước đá. Cuối tuần, cậu ta vào trả bớt số nợ, nhưng lại mau thêm vài thứ đồ chơi lặt vặt khác, thấy vậy tôi thắc mắc: không biết Nam mua đồ chơi nhiều như vậy để làm gì?. Tôi quyết định đến nhà Nam, một ngôi nhà nhỏ xíu cuối xóm chợ, cửa nhà Nam không khóa, tôi đẩy cửa vào nhà, bên trong chỉ có một cậu bé gầy nhom, liệt chân, nằm xoài trên sàn gạch dang lúi húi vẽ tranh bằng mấy cây bút chì màu. Chiều hôm đó, tôi lẳng lặng lấy tiền tiết kiệm bù vào khoản nợ và tôi cảm thấy mình bên cạnh người bạn lặng lẽ, rụt rè.

                                                                               NGUYỄN SƠN TÙNG
                                                           LỚP 7I – THCS TRƯƠNG NHỊHÀ NỘI
                                                                               NĂM HỌC  2004 - 2005   



TIẾNG ĐÀN DẾ

Tiếng đàn dế nho nhỏ
Phía góc nhà đêm khuya             
Sương nghe ngỡ nắng rọi
Vội đọng trên cành me
             
             Bạn hãy lắng tai nghe
             Tiếng dế đàn nho nhỏ
              Sẽ thấy đêm bớt buồn
         Có dế cùng tâm sự
                                                                                           

                                                                                                              ĐỖ ANH THƯ – 12 TUỔI

MÀU ÁO XANH

Màu áo chú bộ đội
Sao mà đẹp lạ lùng
Mang sắc mà biên giới
Màu xanh của lá rừng                      
                
Cháu yêu màu lá ấy
    Màu áo của mùa xuân
 Lá xanh đưa tay vẫy
           Trên đường chú hành quân
                
Chú bao nhiêu miền đất
Mang màu áo thân thương
Áo chú có mùi hương
Của hồ sen làng cháu
                                                                            ĐỖ ANH THƯ – 12 TUỔI