Tìm kiếm Blog này

31 tháng 8, 2012

CẦN QUAN TÂM ĐẾN VĂN HỌC THIẾU NHI


    Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không dám bàn về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả của mảng văn học thiếu nhi đối với sự hình thành nhân cách của con người; cũng như nhu cầu và thực trạng tình hình văn học thiếu nhi nước ta hiện nay.
    
     Tôi tham gia viết truyện cho thiếu nhi, trước nhất chỉ vì tôi có một tuổi thơ khá nhọc nhằn với quãng thời gian vừa đi học, vừa theo cha mẹ ra đồng. Bạn bè của tôi là những đứa trẻ chăn bò, ít học, suốt ngày lang thang trên những cánh đồng với những sinh hoạt rất đặc biệt mà tôi không thấy người ta đề cập tới trong sách báo… Người ta không viết thì tôi viết.
   Có người nghĩ rằng, viết cho thiếu nhi hay mấy cũng chỉ là “nhà văn trẻ con” nên chẳng mấy người thèm viết cho thiếu nhi. Có cái gì đó phũ phàng và thiếu bình đẳng khi nhìn nhận văn học thiếu nhi với các mảng văn học khác. Và, nghĩ như vậy không chỉ có lỗi với người viết cho thiếu nhi mà còn có tội với các em, với những thế hệ công Nam sau này.
   Bản thân tôi là người viết cho thiếu nhi cũng tự kiểm điểm bản thân mình và nhận ra có những thiếu sót cần rút kinh nghiệm.
   Thứ nhất, xuất phát từ động cơ viết để ghi lại kỷ niệm tuổi thơ của mình cho nên có lúc tôi quên chuyện bạn đọc nhỏ tuổi bây giờ có thích đọc chuyện ngày xưa, xưa như cổ tích của tôi viết hay không?
   Thứ hai, tôi chưa chú ý đến tâm sinh lý của thiếu nhi bây giờ khác tâm sinh lý tuổi thơ của tôi ngày xưa. Bây giờ, học sinh tiểu học đã viết thư tỏ tình gửi nhau, ngày xưa thì khác. Bây giờ, các em được theo người thân hay thầy cô đi rất nhiều nơi; mở ti vi, truy cập Internet, các em biết cả thế giới và biết nhiều thứ. Tôi phải viết sao để các em chịu đọc, không bỏ sách ngay từ trang đầu?
   Thứ ba, tôi nhận ra, bạn đọc bây giờ chả cần chú ý khi tôi tả tỉ mỉ chuyện thiếu nhi vùng nông thôn quê tôi với những đêm trăng ngồi bên cây rơm hát vọng cổ, tả những cánh đồng với từng cái lung, cái đìa; tả con kinh, cây cầu, con đò và tình người nơi miền quê nghèo khó… Hay nói cách khác, bạn đọc bây giờ thích đọc nhanh để biết cốt truyện, tò mò sự kiện với nhịp điệu nhanh nhanh vội vội và thiếu cảm xúc.
    Thứ tư, dù không cố ý nhưng hình như, trong truyện của tôi vẫn cứ phảng phất chất triết lý giáo dục và tự kiểm duyệt lấy cốt truyện, tình tiết, ngôn từ… nên dễ đi đến khô khan, thiếu dí dỏm, hài hước và thiếu sự sáng tạo, thiếu sự khơi gợi nên những tư duy tưởng tượng bay bổng mà lứa tuổi các em rất thích.
   Nói như vậy, không có nghĩa là người viết chúng ta phải chạy theo thị hiếu không lành mạnh của các em mà viết nên những tác phẩm làm vẩn đục tâm hồn các em hay phá hoại sự trong sáng tuyệt vời của tiếng Việt, kiểu sử dụng ngôn ngữ chat, pha tạp tiếng Việt với tiếng nước ngoài, tiếng lóng…
   Nếu như Nhà nước quan tâm đến văn học thiếu nhi, nên chăng đề ra chính sách đãi ngộ ở mảng văn học này bằng việc đầu tư đặt hàng cho tác giả, có chủ trương quảng bá khi phát hành; sẵn sàng tài trợ, bao tiêu; sách hay có thể liên kết với ngành giáo dục in số lượng lớn tặng cho thư viện các trường tiểu học và THCS… Hội Nhà văn có thể đặt hàng đầu tư cho tác giả và nêu cao trách nhiệm của NXB Hội Nhà văn đối với mảng đề tài này. Chủ trương mở trại sáng tác văn học thiếu nhi đã được Hội Nhà văn thực hiện, cần được mở rộng, nâng lên chất lượng, tạo điều kiện ưu đãi cho nhiều tác giả tham gia, nhiều tác phẩm được in ấn phục vụ các em. Có giải thưởng ở mảng đề tài thiếu nhi.
   Ngoài ra, Hội Nhà văn nên có một tờ báo dành cho các em, để thu hút nhiều tác giả tham gia, để cho các em có tờ báo riêng, mang tính chất văn học cao để đọc, để tham gia cộng tác…
                                                                             Mai Bửu Minh
                                                                         Nguồn : sggp.org.vn
 

NIỀM VUI

          Buổi sớm xôn xao
             Trong vườn cây lá
             Gió dưa niềm vui
             Có gì mới lạ!
         

Bé ra rửa mặt
                             Bờ tre thì thào                            
         Trời xanh trứng sáo
     Cao cao cao cao
         
            Tay cầm gáo múc
            Bé thấy lòng mình
            Lồng vào bóng nước
            Mủm mỉm cười xinh
          
    Bé nghiêng gáo rửa
     Nước trườn trên tay
 Một niềm vui mới
Hay hay hay hay
           
          Con gà đang bới
          Thoáng một tiếng chim
          Muôn ngàn cây lá
          Dịu êm, dịu êm
            
Niềm vui lạ quá
           Mà thật bình thường…
                                                                                     TRẦN THÁI THỊ MINH TÂM – 13 TUỔI

THU TAM ĐẢO

Nắng chia làm hai vệt
Thu đang ở lưng trời
Sáng Tam Đảo se lạnh
Nắng chợt lên sáng ngời
                
                                                   
Những đám mây xa vời
Như đàn cừu nằm nghỉ
Hay cừu chờ nắng nhỉ?
Chẳng buồn gặm cỏ xanh
                 
Ai bảo mây làm lành
Che mắt ta nhìn thấy
         Nhà như mảnh buồm trắng
  Lấp ló sau biển sương.
                                                                            
                                                                      NGUYỄN THANH MINH – 13 TUỔI
  

 MÃI MÃI MỘT TÌNH YÊU



        Bố mẹ sang nước ngoài làm việc đã được năm, sáu năm. Cũng bằng thời gian ấy, Thảo sống cùng bà nội và chưa phút giây nào là nguôi nhớ đến cha mẹ mình. Rồi một ngày kia…
    Hôm ấy, một sáng đầu thu, trời trong xanh và đẹp đến lạ kỳ. Như mọi ngày khác, Thảo dậy sớm tập thể dục rồi vào ăn sáng cùng ông bà. Chợt, có tiếng chuông vọng vào phòng bếp. Thảo vội chạy ra mở cửa. Nó không tin vào mắt mình nữa. Con bé đứng đó, yên lặng trong giây lát..
-  Thảo! Bố Minh, mẹ Mai đây mà con!
-  Bố…mẹ…Con…con chỉ sợ mình đã nhìn nhầm…Con sẽ vào báo với ông bà rằng bố mẹ đã về.
    Đã lâu lắm rồi gia đình Thảo mới có một bữa cơm ấm cúng như vậy. Ai cũng thấy hân hoan, phấn khởi. Nếu tính thật kỹ thì đã năm năm rưỡi bố mẹ Thảo mới trở về nhà. Không vui sao được!
  Đêm ấy trăng khuyết. Và dường như, niềm vui của Thảo cũng chưa được chọn vẹn. Con bé nằm bên mẹ mà cứ trằn trọc, thao thức mãi vẫn chưa ngủ được. Từ khi lên gường, nó không ngưng suy nghĩ về những lời nói của bố mẹ sau bữa cơm. Chỉ một tháng , một tháng nữa thôi là con bé đi sang Pháp cùng bố mẹ để tiếp tục học. Vậy Thảo sẽ sắp phải xa ông bà và những người bạn học thân thiết của mình thật sao? Con bé cố nhắm mắt nhưng giấc ngủ vẫn chưa tới với nó…
     Trong một tháng, đến ngày cuối tuần là Thảo được cha dẫn đi chơi công viên, còn mẹ thì đưa tới cửa hàng để mua những bộ quần áo mà nó vẫn hằng ao ước. Cả bố lẫn mẹ đều dành tình yêu thương cho co con gái. Nhưng dù thế nào thì “chuyện sang học ở Pháp” thỉnh thoảng vẫn cứ thoáng qua trong đầu Thảo. Lòng nó nặng trĩu khi nghĩ tới giây phút chia li…
  Thế rồi, ngày đó cũng đã đến. Lúc ngôi trong phòng chờ, bà nói với Thảo:
-  Bố mẹ đã phải làm việc vất vả thì mới có đủ điều kiện để đưa cháu sang Pháp học. Vì thế, cháu phải cố gắng học thật tốt. Học xong về Việt Nam làm việc. Đừng quên lời bà dặn…
  Cả hai bà cháu nắm chặt tay nhau, rơm rớm nước mắt… Và chiếc máy bay cất cánh, bắt đầu một chuỗi ngày dài đằng đẵng Thảo phải sống xa ông bà, bè bạn.
   Ở Pháp, mỗi lúc có thời gian, Thảo lại ngồi một mình đọc sách hoặc viết thư cho ông bà. Ngược lại, cứ gần hai tháng, ông bà lại gửi thư. Trong thư, lần nào ông bà cũng nhắc Thảo: “Cháu phải ăn thật nhiều để có sức khỏe mà học tập”.
…. Khi Thảo học năm thứ nhất đại học thì hay tin ông mất. Rồi không lâu sau, bà cũng ra đi. Thảo về Việt Nam chịu tang ông bà mà trái tim nó đau đớn tột cùng. Nhưng nhớ đến lời dặn của bà ở sân bay cách đây năm năm , khi sang Pháp lần thứ hai, Thảo đã cố gắng hết mình, chăm chỉ học tập để không phụ lòng tin của ông bà.
     Sáu năm sau Thảo trở về Việt Nam khi đã có trong tay tấm bằng thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh. Thảo mỉm cười hạnh phúc. Bởi lẽ, có một tình yêu Tổ quốc luôn luôn cháy bỏng trong tim Thảo, nồng nàn, không bao giờ có thể đổi thay…
                                   
                                           NGUYỄN THU HÀ
                        LỚP 7M – THCS TRƯƠNG VƯƠNGHÀ NỘI 
                                       NĂM HỌC  2004 - 2005                                                                                       

25 tháng 8, 2012

CÂY ĐÈN THẦN


  Mỗi khi vô tình chạm phải những vết sẹo dài và mảnh trên tay nội, con lại không kìm nổi những cảm giác xót xa mà thủa ấu thơ con không biết định nghĩa là gì, nhưng giờ thì con đã hiểu…Chuyện đã qua lâu lắm rồi, và giờ đây những vết thương cũng đã không còn làm nội đau nhức mỗi khi trái nắng trở trời. Nhưng đối với con đó mãi mãi vẫn là một kỷ niệm khó quên, mà nhờ nó con mới biết nội thương con đến nhường nào…

  
     Con còn nhớ, lúc con còn bé xíu thì tóc nội đã bạc phơ, da nội nhăn nheo mà hằn lên đó là những nốt đồi mồi. Mắt nội mờ đục, và một đôi chân gầy gò, kiết quệ, nội vẫn thường dắt con đến trường một cách khó nhọc. Nội không thể không cùng con nô đùa, chạy nhảy, cũng không thể nắn nót, sửa cho con từng nét chữ vụng dại của thủa thiếu thời. Bù lại, mỗi đêm nội vẫn ngồi bên gường con, đưa bàn tay run rẩy vuốt mái tóc khét nắng của con và kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích diệu kỳ. Nội đã mang thế giới đầy màu sắc rực rỡ và huyền thoại ấy khắc sâu vào tâm hồn con, với những người tốt sẽ luôn gặp những điều tốt lành, để rồi trong những giấc mơ ngô nghê của tuổi thơ, con vẫn thấy mình là cô bé lọ lem bé nhỏ và nhem nhuốc, rồi sẽ có một bà tiên tốt bụng đến với bao nhiêu phép màu kỳ diệu, hay một cô công chúa xinh đẹp ngủ trong khu rừng thơm ngon đầy hoa trái.
     Hơn hết thảy con vẫn mong ước có một cây đèn thần, có một vị thần trong đó có ban cho con thật nhiều điều ước… và trong niềm khao khát trẻ con ấy con tin rằng trong số những cây dầu trong nhà chắc chắn có một cây đèn thần.
   Vậy là cứ mỗi lần bố mẹ di làm, con lại lén với lấy cây đèn thần và cố sức miết lấy miết để chờ một vị thần xuất hiện. Không ăn thua, con lấy luôn cả vạt áo trắng mẹ mới mua để cọ vào cây đèn. Nhưng lần nào cũng vậy, con vẫn thất vọng trước cây đèn đã được chà  đến bóng láng. Thế rồi có một hôm, con chợt nhớ đến cây đèn trên bàn thờ. Cây đèn nhỏ, với cái bóng trong veo, lăn tăn những bọt thủy tinh xanh biếc “chắc chắn là thần đèn rồi”, con thầm nghĩ. Thế nhưng chiếc bàn thờ quá cao so với con, con lễ mễ chồng hai chiếc ghế lê nhau rồi cứ chênh vênh như thế mà trèo lên cố sức với cây đèn. Cùng lúc ấy, hai chiếc ghế tròng trành rồi đổ xuống, cây đèn vỡ vụn, còn con thì khóc thét lên vì đau và sợ hãi. Nội từ ngoài sân thì hớt hải chạy vào vấp ngã mấy lần vì cuống quýt lo âu. Khi đến được gần con, nội phải quỳ xuống đất, hai bàn tay nội bị những mảnh thủy tinh đâm rỉ máu, nhưng dường như nội chẳng thấy đau, “đừng sợ, đừng sợ, có nội đây rồi…” Nội ôm con vào lòng, hai bàn tay máu đã chảy thành vệt, hoen lên cả chiếc áo của con.
    Cho đến tận bây giờ con luôn trách mình rằng sao ngày đó con quá ngốc nghếch, phải chi lúc đó con chạy về phía nội thì tay nội sẽ không có nhiều vết sẹo như thế này…Tuổi thơ con đã trôi xa, những vết sẹo giờ chỉ còn những vết chỉ dài hằn trên tay nội. nhưng nội ơi, nội có biết không, không cần có một vị thần nào và những điều ước xa xôi nào cả, ngay từ khi còn bé thơ, nội đã thắp sáng ngọn đèn thần trong con bằng một thứ tốt đẹp và thiêng liêng – đó là tình yêu thương .
                           
                                       HỒ QUỲNH ANH  
                                         LỚP 8B - THSC TRƯNG NHỊ - HÀ NỘI  
                                                  NĂM HỌC  2004 - 2005                                                                                 
           

NGỌN KHÓI

Ngọn khói đến là nghịch
Thích lang thang mọi nơi
Bay tít tận bầu trời
Lạc vào trong mây trắng                 
                 *
Buổi chiều sắp tắt nắng
Mẹ nhóm lửa thổi cơm
Bay lên làn khói biếc
Nồi cơm mới thơm thơm
                 *
Khói như người ú tim
Mới mái nhà mỏng mảnh
Đã chân mây đậu xuống
Cứ như xa như gần
                 *
Cứ như có như không
Chỉ khi mẹ nhóm lửa
Là khói về trước cửa
Ngoan ngoãn trên mái nhà…
                                                                 
                                                                       TRẦN THÁI THỊ MINH TÂM – 13 TUỔI

                                         
XA TRƯỜNG


                                 Ôi lớp học lớp học
                                             Cái bàn, cái ghế, bụi phấn bảng đen
                                             Ngày ngày quấn quýt ở bên em
                                             Và tiếng bạn bè, lời cô giảng…
                                                                *
                                             Rồi mùa hè đến hoa bàng rơi
                                             Sân trường im ắng không tiếng hót
                                             Bầy chim sà xuống hót líu lo
                                             Em phải xa trường lưu luyến mãi
                                             Lớp học nhỏ bé mà thân thương
                                             Cái bàn, cái ghế, bụi phấn bảng
                                             Những lời cô giảng tiếng bạn bè
                                             Xa rồi trong đầu em vẫn nghe…
                                                                     
                                                                                               NGUYỄN BÍCH DIỆP – 13 TUỔI

18 tháng 8, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA BÚT MÀU


Cứ mỗi khi đêm xuống
Mặt trời đã ngủ say
Trăng sao cười nhấp nháy                    
Soi sáng thế gian này
Không gian mờ huyền ảo
Của những chuyện thần tiên
Giấc mơ hồng ngộ nghĩnh
Của nhũng bé ngoan hiền
Nhiều điều không có thật
Mà hiện lên bất ngờ
Hệt như có phép lạ
Trong tâm hồn trẻ thơ
  Tại một căn nhà nhỏ
  Khi mọi vật ngủ say
       Chợt có tiếng động khẽ
     Từ góc chiếc bàn mây
       Một hộp màu xinh xắn
     Chỉ nhỏ bằng bàn tay
Đang từ từ hé mở
      Điều kỳ diệu nào đây
          Những chiếc bút bé nhỏ
           Nhảy khỏi chỗ của mình
      Cùng nhau vui ca hát
            Và múa tròn xung quanh
       Chợt bút chì đen hỏi:
  “Đố các bạn nghĩ ra
      Ai trong số chúng ta
                                                               Là người quan trọng nhất?” 
 “Tôi đây! Còn phải hỏi?”
   Xanh lá cây trả lời
 “Rừng cây do tôi vẽ
   Sẽ xanh khắp mọi nơi
   Thử hỏi ở trên đời
   Có nơi nào thiếu
   Cây xanh - bạn con người
   Tôi mới là quan trọng.”
 “Đừng tinh vi anh bạn”

                                                              Màu nâu trả lời ngay
                                                             “Đời sẽ không có cây
         Nếu chỉ toàn là đá
   Vậy thì tôi sẽ vẽ
       Thật là nhiều đá to
       Thế là khỏi phải lo
                     Cây xanh không mọc nữa” 
  “Dù trái đất là đá
            Trải qua một thời gian
       Rồi cũng sẽ vỡ tan
          Và hóa thành cát bụi
        Vậy thì tôi cũng vẽ
                Những bãi cát vàng tươi
                  Ngay dưới ánh mặt trời”.


  Màu vàng ung dung nói
 “Chớ nghĩ mình quan trọng”
   Xanh nước biển nói luôn
 “cát vàng cũng sẽ buồn
   Nếu như không có biển
   Tôi vẽ nên biển cả
   Với sóng xanh diệu kỳ
   Lại thêm bao tấn cá
   Chả quan trọng là gì”
 “Biển không có mặt trời
   Như đời không tiếng hát
   Như trời xanh bát ngát
   Mà không một gợn mây
   Màu đỏ chính tôi đây
   Vẽ nên một mặt trời
   Đem lại bao sự sống
   Cuộc đời mới đẹp tươi”
 “Ta mới quan trọng nhất
                                                                     Màu đen chợt la lên
                                                                     Nếu muốn ta có thể
                                                                          Chờ đời toàn bóng đêm
  Đêm tới sẽ bao trùm”
       Màu đen đang cười ngất
  “Cây, đá, biển, mặt trời
       Cũng coi như biến mất”
  “Xin các bạn đừng lo”
        Màu trắng cười tươi nói
   “Trăng sao là của tôi
Sẽ xua đi đêm tối
       Ánh trăng sao dịu mát
        Lan tỏa khắp mọi nơi
                                                                                Nhấp nhánh trên bầu trời
                                                                             Mọi vật đều hiện rõ”

   Chẳng bút nào chịu nhịn
   Cứ cãi nhau ầm trời
   Ai cũng tự mình coi
   Là người quan trọng nhất
   Cuối cùng chì đen bảo:
 “Đừng cãi nhau bạn ơi
   Vừa tốn sức, tốn lời
   Lại vừa đều vô nghĩa
   Chúng ta đều quan trọng
   Mỗi người một vẻ riêng
   Những sắc màu thiêng liêng
   Tô đẹp cho cuộc sống

                 Hãy đoàn kết nhau lại
                   Mỗi người một phần thôi
                   Tạo dựng nên đất trời
                                               Đầy tiếng ca, tiếng hát.                       

                                                                             NGUYỄN MINH HIỀN
                                                                                                         LỚP 8A1 – THCS CHU VĂN AN
                                                                                                                 NĂM HỌC 1998 – 1999 

                                                                                 
MẸ ĐI CẤY

Mẹ đi cấy lúa
Từ sáng tinh mơ
Đến giữa buổi trưa
Mới xong một nửa                                                                        
                                                               Cái nắng đồng lúa
                                                               Làm mẹ rát lưng
                                                               Hai tay con bưng
                                                               Nước chè đặc sánh
Mời mẹ uống nhanh
Cho dịu cơn nóng
Cây ơi rộng bóng
Che cho mẹ giùm
                                                              Bàn tay con vẫy
                                                              Gió mát vào đồng
                                                              Con mương xanh trong
                                                              In trong mắt mẹ.
                                                                               
                                                             NGÔ MINH HẰNG – 12 TUỔI



KỶ NIỆM ĐÁNG NHỚ


    Tôi vẫn nhớ như in ngày thứ sáu, ngày 1 tháng 4. Đó cũng là ngày khủng khiếp nhất đời tôi…
   Hôm ấy là một ngày trời nắng. Tan học, tôi thong dong bước về ngôi nhà yêu thương của tôi mà tôi đã coi như người bạn tri kỷ. Từ lâu, tôi đã biết bố mẹ bán căn nhà này cho ông Khang – chủ một của hàng sản xuất giàu có. Bố mẹ tôi bảo: “Nhà này người ta sắp quy hoạch rồi. Mẹ sẽ mua ở Định Công Thượng một mảnh đất và xây căn nhà thật đẹp cho con!”. Nhưng tôi không muốn thế. Tôi đã cố gắng quên đi câu chuyện đau buồn để học, để được sống với thời gian  nơi mà tôi sinh ra và lớn lên…Vậy mà cái ngày kinh hoàng ấy cuối cùng cũng đã đến. Cánh cửa sắt vẫn mở để đón tôi như những ngày. Dường như nó cũng muốn khóc vì giờ đây, tôi chỉ là người chủ cũ. Tôi vù vào nhà:
-  Bà …ơ…! Chưa nói hết câu, tôi đã sững sờ vì cảnh tượng trước mắt. Gì thế kia? Căn nhà yêu dấu ngày nào giờ bỗng trở nên trống trải. Mọi đồ vật , bàn ghế, gường tủ đều được chuyển đến nhà mới. Chỉ còn bà họ tôi ở lại dọn dẹp. Không một dấu vết gì chứng minh rằng đây là nhà tôi. Một sự tĩnh lặng bao trùm lấy bốn phía. “Hỡi ôi nhà ơi! Chẳng lẽ mi đã thuộc  về chủ nhân mới sao?”. Cứ nghĩ đến đó, tôi không thể kìm được giọt nước mắt lăn dài trên má. Cánh cửa kêu cót két. Bố tôi cầm tay tôi dẫn đến nhà ông bà ngoại. Tôi gào lên: “Không con đi!”. Tôi ứa nước mắt nắm lấy cánh cửa. “Đừng khóc nữa con. Mau đi thôi!”
      Tôi nhìn lại căn nhà một thời gắn bó với tôi. Giờ đây, tôi phải xa nó mãi rồi. Nhưng ký ức sâu thẳm một thời đáng nhớ của tôi sẽ không không bao giờ bị vùi lấp trong dĩ vãng.
                                                                                      
                                                                                         ĐỖ TƯỜNG KHANH 
                                                                        LỚP 4A – TIỂU HỌC NGUYỄN TRÃI                                                                                                               NĂM HỌC 2010 – 2011
                   
                                                                                                                                                                                                         

12 tháng 8, 2012


        NGƯỜI TRUYỀN LỬA CHO VĂN HỌC

    THIẾU NHI HÔM NAY

      Vào những ngày cuối năm 2011, tôi được đọc cuốn Cô bé gan dạ, tập sách gồm những truyện do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sáng tác từ những năm 1940 trong Tủ sách Hoa Xuân vừa được sưu tầm, do Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và Nhà xuất bản Văn học cho ra mắt bạn đọc. Đọc những trang sách từ hơn 70 năm về trước và được nhìn tận mắt các bản chụp phim những trang sách in từ ngày xửa ngày xưa, lòng tôi không khỏi xúc động. 

  Phải chăng, từ những ngày xa xưa ấy, những nhà văn trẻ tuổi Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng mới khởi nghiệp những trang viết đầu đời của mình trong một dòng chảy văn học chữ quốc ngữ đang bạo phát sung mãn, đã khơi mạch ra một nhánh văn trong vắt như suối đầu nguồn: văn học dành cho trẻ em Việt Nam.

Nếu nhìn vào chiều sâu lịch sử của văn hóa dân tộc, chúng ta đều thấy rằng văn học dành cho trẻ em ở ta đã tồn tại từ lâu đời dưới dạng văn chương truyền miệng qua những bài hát đồng dao, trò chơi dân gian, truyện cổ tích, giai thoại và truyện dã sử về các nhân vật anh hùng... Khi công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ đã được các nhà văn hóa yêu nước Việt Nam dấy lên thành một phong trào rộng lớn, mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng là một thành viên tích cực của phong trào này, nhu cầu phổ biến văn hóa cho thế hệ trẻ có lẽ đã thúc đẩy sự ra đời một thể loại văn học mới, được hiện hình như một loại sách riêng: Tủ sách Truyền bá, Tủ sách Hoa Xuân, Tuổi Hồng, Tuổi Xanh... dành cho lứa tuổi thanh thiếu nhi, ra đời trong những năm 1940, 1941, 1942... Cũng chính từ đây, tác phẩm bất hủ Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài đã xuất hiện.
Trong lời giới thiệu tập Cô bé gan dạ, anh Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã cho bạn đọc biết, nhà văn trẻ khi ấy 27, 28 tuổi đời, đã hăng hái tham gia phong trào Hướng đạo, một tổ chức tập hợp những thanh thiếu niên giầu nhiệt huyết, yêu đời, tràn đầy lòng tự hào dân tộc... Từ sở trường riêng sớm xác định cho mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã hướng suy tư thẩm mĩ của mình vào việc tìm hiểu kho tàng truyện lịch sử và cổ tích của dân tộc. Không chỉ làm công việc sưu tầm “Kho tàng truyện cổ tích” như nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi, hay sưu tầm “Tục ngữ phong dao” như học giả Nguyễn Văn Ngọc, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với ý thức sáng tạo đã xuất phát từ truyện cổ tích sưu tầm ở dân gian như Cô bé gan dạ và sau này là Tìm mẹ, viết nên những truyện ngắn như huyền thoại, làm ra một bản sắc riêng trong văn học cho thiếu nhi.
Có thể nói rằng trong các tác phẩm xinh xắn này, dưới ngòi bút của nhà văn, tiếng Việt đã trở nên tinh xảo và sinh động, có sức gợi mở trí tưởng tượng cho người đọc. Ta hãy đọc đoạn mở đầu truyện Cô bé gan dạ: “Một buổi chiều thu. Mặt trời đã lặn, gió may thổi rợn người. Cách độ mươi bước về phía đầu làng Thần Quyết, dựa vào một cái hồ rộng thông ra sông, ngôi đền của làng ẩn trong một rừng cây um tùm, âm u, lạnh lẽo trong khói sương...”.
Có một điều lạ là, từ cách đây hơn 70 năm, khi mà tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn vô cùng nặng nề, thậm chí ngay cả tác giả khi ấy không biết đã nghe nói đến mấy chữ “văn học nữ quyền” chưa? Thế mà ông đã viết nên một truyện ngắn có thể nói là đầy khích lệ cho “phái yếu”: Truyện Cô bé gan dạ thể hiện hình ảnh một cô con gái liễu yếu đào tơ, dám liều mình nhận làm vật hiến sinh cho con quái vật, để rồi đối mặt chiến đấu với mãng xà và cuối cùng đã chiến thắng, diệt trừ được mối tai họa cho dân làng. Đọc câu chuyện này, tôi càng hiểu hơn ý thức, tấm lòng của Nguyễn Huy Tưởng khi ông tâm niệm: “Văn chương viết cho thiếu niên phải cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng bột bột, mà vẫn biết lẽ phải, và vẫn biết thương nhau”. Điều này sẽ còn được tác giả thể hiện rõ nét hơn, hào hùng hơn trong Lá cờ thêu sáu chữ vàng sau này.
Phải chăng tâm huyết về một dòng chảy văn học riêng cho trẻ em đã thôi thúc ông và nhà văn Tô Hoài cùng những người đồng chí khác sáng lập ra Tủ sách Kim Đồng trong những ngày kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc, và sau này khi hòa bình mới lập lại, ông là người đảm nhiệm chức vụ giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng, ra đời năm 1957 ở thủ đô Hà Nội.
Cuộc đời không dài của ông với biết bao công việc bề bộn cùng những đam mê sáng tạo các tác phẩm lớn như  Sống mãi với Thủ đô... khiến ông chưa có nhiều dịp để bày tỏ ý kiến của mình về văn học thiếu nhi. Tuy nhiên từ những tác phẩm ông để lại cho đời, từ những việc làm có ý nghĩa hệ trọng nhất của ông cho sự hình thành và phát triển nền văn học thiếu nhi Việt Nam, tất cả khiến cho những người làm công tác văn học thiếu nhi sau này luôn luôn nhớ đến ông.
Đã có nhiều bài nói về những tác phẩm viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng, những bài của đồng nghiệp, bạn bè, các nhà nghiên cứu như Tô Hoài, Vũ Ngọc Bình, Văn Hồng, Vân Thanh... Và cũng đã có nhiều cuộc hội thảo về sự nghiệp văn học của ông trong đó có phần sáng tác cho thiếu nhi. Nhưng hình như mỗi lần đọc lại tác phẩm của ông, ta lại thấy sáng ra một điều gì khác. Rõ ràng nhờ có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhờ có sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng mà ta mới có thể khẳng định được dòng chảy bền bỉ, thôi thúc của văn học thiếu nhi Việt Nam. Tìm đọc những sáng tác của ông, ta mới càng thấy việc viết cho thiếu nhi là một sự nghiệp đòi hỏi công phu, tinh tế và có ý nghĩa lâu dài, bởi nó tác động vào tâm hồn, tạo nên nhân cách văn hóa cho những con người còn măng tơ.
Tôi tin rằng, trong những lúc văn học thiếu nhi Việt Nam trải qua thăng trầm, có khi lúng túng về phương hướng, thậm chí đi đến bế tắc, việc đọc lại các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là điều hết sức có ý nghĩa. Con đường đến với tâm hồn trẻ em, đi sâu vào cội rễ văn hóa của dân tộc để tiếp tục sáng tạo ra cái mới cho hôm nay là một bài học chưa bao giờ cũ với công việc sáng tạo của các nhà văn, ngay cả khi đất nước đã hội nhập văn hóa với toàn nhân loại.
Kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng chính là một dịp để chúng ta tưởng nhớ đến ông và cũng là một dịp để chúng ta cùng đọc lại những tác phẩm của ông như một sự truyền lửa, một ngọn lửa ấm áp, tỏa sáng cho văn học thiếu nhi hôm nay.
 
                                                                               Tháng 3/2012
                                                                            Lê Phương Liên
                   


CHIẾC MŨ XINH
                                       
Chiếc mũ trắng bong
Quai hồng phơn phớt
                                                            
            Vành mũ lượn tròn
            Giữa ngày nắng gắt
            Tỏa một bóng tròn
            Che cho em mát
                         *
            Cùng em hàng ngày
            Mũ theo đi học
            Bài giảng của thầy
            Mũ cùng em đọc
                     
           Mũ sau lưng em
           Cùng em dạo phố
           Như người bạn thân
           Lặng im, bé nhỏ
                                                                 
                                                                              LÊ TUYẾT LAN – 12 TUỔI


CHÚ BÚP BÊ

  Chú búp bê
  Ở Đức về
  Người xứ lạnh
  Rất khỏe mạnh
          * 
  Chú mặc áo
  Thêu con sáo
  Bằng dạ xanh
        
                                           Em cũng thích
                                           Quỳnh rất chiều
                                            Hoa càng yêu
                                            Cất vào tủ
                                            Cho chú ngủ
                                            Trên đệm bông
                                            Đắp chăn hồng
                                            Trông càng đẹp
                                                                                       
                                                                                                 ĐẶNG DIỆU THÚY – 11 TUỔI


CÂY DỪA

Cây dừa nhà em
Lá dài xanh biếc
Như chiếc quạt mềm
Phe phẩy ngày đêm
           
                                  
                                    Quả dừa tròn trĩnh                                     
                                    Như đàn lợn con
                                    Ăn no bú mẹ
                                    Nằm ngủ quây tròn
                                                 *
                                    Thân dừa sừng sững
                                    Tựa chiếc cột đình
                                    Hoa dừa lung linh
                                    Như chòm sao sáng.