Tìm kiếm Blog này

30 tháng 6, 2012

VĂN HỌC THIẾU NHI HÔM NAY


      Tôi xin được mở đầu bài viết này bằng những thông tin nóng hổi từ phong trào sáng tác của thiếu nhi mùa hè 2011. Năm nay, lần đầu tiên Giải thưởng “Cây bút Tuổi hồng” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do Hội đồng Trung ương Đội TNTP Hồ Chí Minh và Báo Thiếu niên tiền phong phối hợp thực hiện đã được tổ chức trao giải, cũng năm 2011 này cuộc thi “Em tập viết văn làm thơ” lần thứ II do Cung thiếu nhi Hà Nội cũng vừa kết thúc thành công.
Được tham gia đọc các bài viết của các em trong hai cuộc chung khảo tôi bỗng hiểu thêm về trẻ em hôm nay. Hóa ra hiện nay không phải tất cả trẻ em đều thờ ơ với văn học. Vẫn có không ít các em thích được sáng tác văn thơ, có nhiều em còn đam mê viết đến cả trăm bài được đăng báo như em Đỗ Tú Cường (TP Hồ Chí Minh), nhiều em là cộng tác viên thường xuyên của Báo Nhi đồng như em Nguyễn Đan Thi (Hà Nội), có em mới 13 tuổi đã cầm bút viết thử vài chương tiểu thuyết…
Những bài viết nổi bật nhất của trẻ em hôm nay lại là những bài viết về tình cảm gia đình.Trong cuộc sống ở thế kỷ XXI, những tiện nghi hiện đại đã thâm nhập và chi phối sinh hoạt của từng gia đình, công cuộc “đô thị hóa” đã làm co hẹp nông thôn, làng quê thân thương ngàn đời với các gia đình Việt Nam.Trong nhịp sống gấp gáp của xã hội mối liên hệ tình cảm gia đình đã trở nên mong manh trong làn sóng lối sống vô cảm ích kỷ càng ngày càng nhiễm vào tâm hồn thơ trẻ. Cuộc sống sum vầy ông bà, con cháu càng ngày càng xa, càng nhạt… Chính vì thế sự xuất hiện dồn dập những bài văn về Người ông nội của tôi (Phạm Bảo Ngọc- Hà Nội), Ông ngoại con (Thiều Ngọc Trâm- Hà Nội), bài thơ Ông em (Đỗ Hoàng Quân- Hà Nội)… là sự thể hiện nỗi niềm khát khao của trẻ em hiện nay. Hình ảnh “người ông” của các em nhỏ hôm nay là hình ảnh người ông cựu chiến binh, là anh bộ đội của ngày xưa. Hình ảnh người ông dậy sớm tập thể dục, ông kể chuyện chiến đấu ngày xưa, ông yêu vườn cây và dặn dò cháu giữ lấy vườn cây, ông “dấm” quả hồng xiêm cho cháu, ông tiết kiệm và giản dị giữ gìn từ cái mũ cũ đến thích các món ăn quê nhà… Tất cả những chi tiết đời thường ấy đã trở thành quý giá, trở thành vô giá trong đà phát triển ào ạt của cuộc sống hiện đại khiến người với người nói năng, ứng xử với nhau trong quan hệ hàng hóa, mua bán, khiến tình người thành “lạnh giá như đồng”…Trẻ thơ cần tình cảm biết bao, các em cần tình người trong từng cử chỉ, ánh mắt, lời nói ấm áp… có lẽ vì thế hình ảnh người già đã được các em khắc đậm trong tâm trí và hiện ra rõ mồn một trong văn thơ của các em. Phải chăng “người già” đang giữ lại bản sắc tình cảm Việt muôn đời trong tâm hồn trẻ thơ hôm nay.
Các tác giả nhỏ tuổi hôm nay có vốn đọc phong phú và đa dạng hơn các thế hệ cầm bút trước đây. Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh và tôi cũng đã thử hỏi ý kiến các em tham gia Trại sáng tác của Trung ương Đoàn và của Cung thiếu nhi Hà Nội về “Nhân vật nào em yêu thích nhất?”. Kết quả thu được thật phong phú: Từ Doraemon (Nhật Bản) đến Nhật ký Đặng Thùy Trâm, từ Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài) đến Pipi tất dài (Thụy Điển), từ bé Remi trong Không gia đình (Pháp) đến Kínhvạn hoa (Nguyễn Nhật Ánh), từ Truyện cổ Andersen (Đan Mạch) đến Harry Potter (Anh)…
Chính vì có vốn đọc phong phú: vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa hiện thực vừa giả tưởng, vừa rung động chan chứa với lòng yêu nước lại vừa mở rộng sự cảm thông với trẻ em trên thế giới nên cách viết của các em bây giờ đã thể hiện một cách nhìn thẳng vào bản thân mình với tất cả phần hay, dở, sáng, tối…Ở đây tôi muốn nói sâu thêm về truyện ngắn Những chiếc kẹo trong đêm mưa của em Huỳnh Mỹ Hiếu Kiên (Hà Nội). Đây là một truyện ngắn có nhân vật chính không phải là “người già” mà là một câu bé và em trai nhỏ của cậu ta. Cậu bé (nhân vật chính) khi mở đầu câu chuyện ở tình huống mẹ đẻ thêm em bé, như vậy tình cảm của em đã bị chia sẻ .Cậu bé (nhân vật chính) đã thể hiện một tâm trạng ích kỷ, bực dọc, ghen ghét với em ruột mỗi khi em tỏ ra “đáng yêu” và được người lớn yêu chiều hơn mình.Tác giả nhỏ tuổi này đã chân thành giãi bày tâm lý bản năng tự nhiên của trẻ nhỏ. Chính sự chân thành đó đã khiến cho đoạn kết của câu chuyện thật cảm động , đầy sức thuyết phục. Việc chia sẻ cái kẹo của em bé rất ngây thơ trong đêm mưa với người anh đã làm cho người đọc thêm tin yêu rằng dù xã hội có hiện đại đến đâu tình em anh ruột, tình huyết thống vẫn bền chặt, vẫn gắn bó, vẫn là vĩnh viễn trong tình người Việt Nam.
 Các em thiếu nhi hiện nay đã tìm được cách thể hiện tình cảm, tâm hồn mình bằng những bài văn xuôi,nhưng các em đang gặp khó khăn với việc thử tập làm thơ.
Trong đời sống tình cảm gia đình, các em thiếu nhi thời hiện đại đã bị thiếu hụt vốn sống văn hóa dân gian. Các em đang thiếu những lời ru mộc mạc, thiếu những câu hát đồng dao, những câu tục ngữ “cửa miệng” của những người thân trong gia đình. Nếu thiếu đi cái nôi văn hóa dân gian thì làm sao những bài thơ hai chữ, ba chữ, bốn chữ , năm chữ hồn nhiên kỳ diệu của tuổi thơ Trần Đăng Khoa, của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, của các nhà thơ Định Hải, Võ Quảng, Phạm Hổ… lại có thể xuất thần ra đời và sống mãi trong đời sống tâm hồn các thế hệ?
Là những người đã sống nhiều năm trong phong trào Văn học thiếu nhi, chúng tôi luôn tự hiểu rằng việc tổ chức ra các cuộc thi sáng tác thiếu nhi chưa hẳn là để phát hiện một tác giả nào. Các em tập viết văn làm thơ hôm nay có lẽ chưa phải là việc các em đến với một “nghề”. Các em viết để tâm hồn mình đẹp hơn, chân thật hơn và thiện tâm hơn.
Việc đọc các sáng tác của trẻ em lại việc rất có ích với người lớn, trước hết là với các bậc cha mẹ, để hiểu con mình hơn, với các nhà văn,là để hiểu đối tượng mà mình đang hướng đến. Và, với các nhà nghiên cứu là để “bắt mạch” được “nhịp tim non nớt” của thời đại mà mình đang sống.
Ngay từ khi bắt đầu có phong trào văn học thiếu nhi ở Việt Nam, các nhà văn đi tiên phong như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Vũ Tú Nam... cùng các nhà lý luận Văn học thiếu nhi như Vũ Ngọc Bình, Văn Hồng, Vân Thanh…đều rất coi trọng sứ mệnh của văn học thiếu nhi. Đó là văn học nhằm để bồi dưỡng nhân cách, xây dựng tâm hồn tình cảm trong sáng lành mạnh cho trẻ em. Nói một cách rõ ràng hơn, văn học thiếu nhi thời kỳ mở đầu rất coi trọng tính giáo dục. Ta còn nhớ có nhiều năm tháng Nhà xuất bản Kim Đồng chủ yếu là in các loại sách “Người tốt việc tốt”, “người thực việc thực”, được gọi chung là tủ sách Việc nhỏ nghĩa lớn. Loại sách đáng quý này đã góp phần xây dựng nhân cách cho cả một thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cũng trong dòng sách này đã có những tác giả đi sâu hơn vào tâm lý tuổi học trò, giãi bày được tâm tư tình cảm của lứa tuổi nhạy cảm này trong một cảm hứng lãng mạn. Những cuốn sách như vậy đã có sức sống với thời gian. Sức mạnh nghệ thuật của Nhật ký Đặng Thùy Trâm chính là chất lửa chân thành của thời đại lịch sử ấy.
Tuy nhiên, khi không khí xã hội thay đổi, những hình ảnh “Đạo đức giả” đập vào ánh mắt và tâm hồn trẻ thơ,việc trình bày các nhân cách tốt theo kiểu sáo mòn,khiên cưỡng. giả tạo, lặp đi lặp lại những bài học khuôn sáo đã mất đi sự thiêng liêng, khiến bạn đọc chán ngán,và văn học thiếu nhi đã chững lại .
Tính giải trí của văn học thiếu nhi đã bắt đầu được chú ý trong thời kỳ Đổi mới. Việc du nhập ồ ạt các tác phẩm dịch khiến “hàng ngoại”, đặc biệt là truyện tranh- một sản phẩm sách của thời đại nghe nhìn- chiếm lĩnh thị trường sách trẻ em. Việc trẻ em được “mở cửa” đọc nhiều và rộng như vậy là một xu hướng tất yếu trong công cuộc phát triển của đất nước. Có những bộ truyện tranh có ý nghĩa bồi dưỡng nhân cách cho trẻ em rất thú vị và hấp dẫn như Doraemon (Nhật Bản). Tuy nhiên sức tưởng tượng và sự thăng hoa của các tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài đã khiến nhiều tác giả văn học thiếu nhi “nội” đuối sức và lúng túng trong việc tìm hướng phát triển .
Vượt qua tất cả những khó khăn, trong mười lăm hai mươi năm đổi mới vừa qua, văn học thiếu nhi đã có những tác phẩm thu hút được bạn đọc, có những tác giả mới xuất hiện với những phong cách mới. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với bộ sách Kính vạn hoa và hàng loạt các tác phẩm Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ... đã liên tiếp tạo nên những sự kiện sách trong công chúng đồng thời cũng được giới chuyên môn ghi nhận bằng các giải thưởng lớn. Tác giả Nguyễn Ngọc Thuần với Vừa nhăm mắt vừa mở cửa sổ đã đem lại cho văn học thiếu nhi Việt Nam một cách viết hoàn toàn mới, tác phẩm này cũng là một bước tiến ra ngoài thế giới sau những dư âm của Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài và thơ Trần Đăng Khoa.
Hàng loạt các cuộc vận động sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, cùng Dự án hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch (do Hội Nhà văn Đan Mạch và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức với sự tài trợ của chính phủ Đan Mạch) đã là nguồn khích lệ những tác giả xuất hiện. Đội ngũ tác giả viết cho trẻ em đã có những tên tuổi mới: Nguyên Hương (Đắk Lắk), Lưu Thị Lương, Phương Trinh , Nguyễn Thị Bích Nga (TP Hồ Chí Minh), Quế Hương (Đà Nẵng)... đều là những tác giả có cả chục đầu sách và đạt những giải thưởng cao trong nhiều cuộc thi.
Gần đây với sự nỗ lực của đội ngũ biên tập trẻ, các tác phẩm nóng hổi hơi thở cuộc sống hiện nay của các tác giả trẻ đã xuất hiện: Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa của Nguyễn Xuân Thủy, Nhật ký sẻ đồng của Phong Điệp, Tí chổi của Trang Thanh... Bên cạnh các tác giả trẻ có cả những nhà hoạt động văn Hóa trẻ tuổi đi vào việc hướng dẫn trẻ em đọc sách như tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh với Câu lạc bộ Đọc sách cùng con...
Chúng ta ai ai cũng có thể nhận ra rằng: Văn học thiếu nhi Việt Nam đã và đang luôn luôn đứng trước những thách thức lớn. Làm thế nào để hấp dẫn, lôi cuốn trẻ em trở về say sưa với những trang văn thấm đẫm chất Việt mang sức sống của thời hiện đại?
Ở đây một lần nữa nhận thức về ý nghĩa của văn học trẻ em được đặt ra. Xin quay lại với những sáng tác của các em hiện nay. Dẫu đời sống xã hội hiện nay có nhiều tiện nghi hiện đại hơn, dẫu trẻ em hiện nay có rất nhiều cơ hội để vượt qua “lũy tre làng”, vượt qua cả biên giới lãnh thổ của đất nước, vượt ra biển lớn, đi vòng quanh cả thế giới chăng nữa thì các em vẫn là những đứa con “máu đỏ da vàng” của dân tộc. Các em vẫn nhớ ông, nhớ bà, nhớ cha, nhớ mẹ, các em vẫn cần tình anh, tình chị, tình em… Dẫu trẻ em ngày nay có quen thuộc với bánh ga tô, kẹo socola, bánh pizza, gà rán KFC, nước cocacola… các em vẫn thèm nhất là bát cơm thơm dẻo do bàn tay người mẹ, người cha chăm sóc.Tình thương yêu, sự cảm thông chia sẻ vẫn là điều trẻ em cần nhất, phải chăng đó chính là điều mong muốn của bạn đọc với các nhà văn, các nghệ sĩ hiện nay. Sự đổi mới văn học thiếu nhi không hoàn toàn chỉ là sự đổi mới về kỹ năng, kỹ xảo, là viết hiện thực hay viết giả tưởng…Trẻ em đang cần những lời mới nhất về những điều muôn thủa.
   Nhà văn Võ Quảng đã có lần nhận xét về một tác giả đại ý rằng: người ấy có văn bởi vì người ấy có tâm. Văn học trẻ em hiện nay đang rất mong mỏi các tác giả tâm huyết và chung thủy để làm rường cột cho một phong trào lớn.
                                            Tháng 7/2011                                                                              Lê Phương Liên                                                                

  BÀI VIẾT CỦA HỌC SINH CLB VĂN HỌC KHÓA II (phầnIV)                                                        


   GỌI MÙA HÈ

            Tiếng ve ra rả
               Phượng về ngợp trời
               Tiếng ve như khơi
               Niềm vui náo nức
               Lòng em rạo rực
               Chào đón hè về
               Cảm ơn chú ve
                                                                   *
                                                             Cảm ơn chú ve…

                                                                              NGUYỄN QUỲNH ANH - 11TUỔI


SAO ĐÊM HÈ

                                 
                                               Đêm hè sao nhiều thế
                                               Từ nắm tay một người vô hình
                                               Sao được tung ra
                                               Bay chớp chới
                                               Rồi đậu hiền lành trên bầu trời cao
                                               Bỗng nhiên
                                               Cả bầu trời nghiêng đi
                                               Sao trôi vào đáy nước
                                               Nhưng sao trên trời vẫn không
                                                                     thể nào hết được
                                               Ôi !
                                               Bầu trời cao
                                              Ánh mắt sao
                                              Con người bay với ngàn sao
                                                                     NGUYỄN QUỲNH MAI - 13 TUỔI


GỐI ĐẦU TAY MẸ

Đêm nay một đêm hè                   
Con gối đầu tay mẹ
Ôi cánh tay mẹ mát
Như ngàn giọt sương đêm

                                  Mẹ ơi trăng lên rồi
                                  Trăng gối đầu trên mây
                                  Con còn sướng hơn mây
                                  Gối đầu trên tay mẹ.
                                                              NGUYỄN QUỲNH MAI - 13 TUỔI



ĐÁM MÂY

Đám mây hồng nho nhỏ
Trông như là chú thỏ
Tung tăng bước đến trường
Cùng vui đùa với gió
                                   
                                                                                                                                   NGUYỄN VIỆT HÙNG – 11TUỔI

23 tháng 6, 2012

Bài viết của học sinh CLB văn học khóa II (Phần III)


      
THỬ THÁCH ĐẦU ĐỜI


        Ánh nắng mặt trời chan chứa khắp nơi, sưởi ấm cho mẹ con cây hồng tú cầu, mầm non ríu rít bên mẹ.
- Mẹ ơi! Ông mặt trời tốt bụng quá, cuộc sống thật tuyệt vời mẹ nhỉ!
    Mẹ mầm non xoa đầu nó dịu dàng:
- Đó là những ngày đẹp trời thôi con ạ, còn những ngày mưa bão thì khủng khiếp lắm. Mẹ biết mẹ sắp phải xa con, khi không có mẹ bên cạnh con hãy tin rằng mẹ mãi ở bên con, hãy biết vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên mà sống!
    Mầm non ngước nhìn những chiếc lá úa vàng dần của mẹ, khuôn mặt mẹ ngày một tiều tụy không còn rực rỡ như mấy ngày trước.
    Ứa nước mắt, nó nói với mẹ:
- Mẹ đừng bỏ con đi nhé, con hứa sẽ ghi nhớ lời mẹ dạy.
    Một ngày kia, mầm non tỉnh dậy không thấy mẹ đâu nữa, nó ngơ ngác nhìn khoảng đất lúc trước mẹ đứng bị lật tung lên. Rồi chợt hiểu, nó òa khóc. Thân nó rũ xuống, trong đầu nó hiện lên hình ảnh mẹ, mẹ nó mới đẹp làm sao, mặt mẹ nó tròn, điểm những viên phấn vàng lấp lánh dưới nắng. Mẹ xoa đầu nó. Cứ thế những hình ảnh về mẹ hiện lên và nó không để ý đến sự thay đổi của thời tiết. Chỉ đến khi trời xầm tối, bão tố kéo đến ầm ầm thì nó mới thực sự sợ hãi. Mưa nặng hạt và xối xả, gió giật mạnh, chớp xé ngang trời. Mầm non ngả nghiêng, chao đảo, chới với. Nó bám chặt vào đất, dựa lưng vào tường nhưng chẳng ăn thua gì. Nó bỗng nhớ tới mẹ, nhớ những đêm mưa được mẹ chở che dưới tán lá của mẹ. Nó bật khóc, chẳng ai dỗ nó. Mưa ngày càng dữ dội, những hạt mưa như những làn doi quất mạnh vào người mầm non. Nó còn quá nhỏ. Mầm non tưởng như mình sắp ngã quỵ xuống vì mệt mỏi và đớn đau. Bỗng nó nghe đâu đây tong bóng đêm lạnh lùng tiếng mẹ ấm áp lạ kì
-  Hãy cố lên con của mẹ, con nhớ gì con đã hứa với mẹ chứ?
-  Vâng, vâng thưa mẹ,  con biết con phải làm gì rồi.
    Như có một nguồn sức mạnh truyền vào người mầm non đứng thẳng dậy hiên ngang trước gió. Nó không còn yếu đuối và mệt mỏi nữa vì nó tin rằng mẹ mãi ở bên nó, trong trái tim thổn thức vì yêu thương của nó. Đến sáng thì bão tan, ông mặt trời lại tung xuống mặt đất những sợi nắng váng óng ả. Chim hót líu lo, bầu trời cao và trong xanh. Mầm non hòa mình vào khung cảnh tươi vui đó. Nó như muốn thốt lên. Mẹ ơi con đã vượt qua được thử thách đầu tiên  khi vắng mẹ. Con tin con sẽ vượt qua được khó khăn, thử thách vì mẹ mãi ở bên con phải không mẹ?

                                                                                                   TRẦN CẨM TÚ
                                                                                                         LỚP 6I - THCS CHU VĂN AN
                                                                                                                 NĂM HỌC 1998 – 1999                                                                                                                    
                        
SỰ SỐNG

      Mưa xuân lất phất và dai dẳng, dường như đang rắc xuống thế gian hàng triệu hạt long lanh. Không gian ngập tràn sức sống. Trên mặt đất, hay trên các nhành cây. Mầm non nhú lên, xanh mướt. Ngay cả cả những cây cỏ vô danh mọc dại bên đường cũng đã trổ hoa. Trong góc vườn nhỏ, tối tăm, một cây bàng khô quắt, khẳng khiu vươn những cành trần trụi lên trời như ai oán.


   Con bé ngắm sự thay đổi của vạn vật, qua khung cửa nhỏ. Mười lăm tuổi, cái tuổi hồn nhiên nhất, trong sáng nhất và cũng dễ tổn thương nhất của học trò. Đáng lẽ con bé phải được đến trường, phải được hưởng cái hạnh phúc tưởng chừng như đương nhiên ấy, nhưng tạo hóa thật vô tình, tạo hóa sinh ra nó, ban cho nó sự sống, cũng chính tạo hóa đã cướp đi của nó đôi chân. Con bé tủi thân, sự tủi thân của bé tật nguyền kể sao cho xiết. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, nó đã ý thức được sự kinh miệt của người đời đối với bé “một con què”. Đau đớn thay, xót xa thay, suốt 15 năm nó nung nấu trong lòng mình ý nghĩ chết chóc. Hôm nay, cái ngày định mệnh ngày mà nó chào đời cũng là ngày nó ra đi. Nhưng bé vẫn phân vân, vì mẹ nó sợi dây mong manh cuối cùng nối nó với sự sống. Bà sẽ đau khổ biết bao, nếu nó chết. Một đời tần tảo nuôi con, bà chỉ ước ao nó trở thành “cô giáo”.
    Con bé vẫn ngồi đó, trên chiếc xe lăn nó đưa mắt liếc nhìn khu vườn và khoảng không gian tự do duy nhất của nó, nơi che chở nó trước ánh mắt duy nhất của người đời. Con bé dừng lại cạnh cây bàng khô héo, cái cây gầy guộc này dường như đã lớn lên cùng nó, những cái rễ yếu ớt kia cũng giống như đôi chân tật nguyền của nó. Con bé khóc, nó ôm chặt lấy thân cây – người bạn thân đã chia sẻ với nó bao nỗi niềm tâm sự. Con bé ngước lên, vuốt ve từng cành khẳng khiu, bất giác nó nhìn thấy một mầm non nhú lên yếu ớt. “Phải rồi! Mình phải sống…!”con bé lẩm bẩm “Phải sống để thực hiện ước mơ của mẹ”…” con bé nghĩ “Phải… sống…” giống cây bàng kia. Trong lòng nó mầm xanh sự sống bón rễ đâm chồi.
                                                                                
                                                                                            TRẦN LÊ HÀ MAI
                                                                                                          LỚP 8G - THCS LÊ NGỌC HÂN
                                                                                                                 NĂM HỌC 1998 – 1999           


HOA CAU

Hoa cau lạ lắm
Mọc ở cổ tay                                         
Như chòm râu trắng
Rung rinh chân mây

Đêm khuya thế này
Hoa cau vẫn thức
Đất trời náo nức
Đợi hương cau bay

Gió thu như say
Trong hương ngào ngạt
Trộn vào dào dạt
Tiếng hát của ai

Lặng lẽ sao mai
Nép mình trời thẳm
Hương cau thoang thoảng
Trở mình đêm thâu
                                                                      NGUYỄN THU HIỀN  -  13TUỔI



HẠT MỒ HÔI

Hạt mồ hôi vàng nghệ
Thánh thót rơi trên đồng
Mặn mà như lòng mẹ                      
Đất nồng nỗi lo toan

                                      
                                                             Hạt mồ hôi sáng trong
                                                             Mang bao lời gửi gắm
            Đọng bao niềm thân thương
Đất nảy lên sự sống

Ngày mùa đi trên đường
Hạt thóc vàng ngơ ngác
Giống như hạt mồ hôi
Trên đồng rơi thánh thót.
                                                                            NGUYỄN THU HIỀN  -  13TUỔI



MẶT TRỜI

Sáng sớm
Mặt trời
Vung tay ném từng đám nắng
Những nắm thóc rực vàng
Bay tới tấp xuống trần gian
Nắng đậu trên đôi mắt
Hòa vào ánh mắt thân thương
Nắng ngời trên mái tóc
Óng ánh sắc cầu vồng
Nắng rắc trên cánh đồng
Ruộng lúa xanh thành biển vàng
                                   cuộn sóng…
Ôi mặt trời, mặt trời
                                                    Và nắng…
                                                    Xa xôi
                                                    Mà gần lắm!

                                                                            ĐỖ QUỲNH MAI – 13 TUỔI

16 tháng 6, 2012

Bài viết của học sinh CLB văn học khóa II (phần II)


    
                   NIỀM TIN
  
     Thư biết mình bị máu trắng, căn bệnh vô phương cứu chữa. Ba mẹ cứ giấu nhưng rồi nó cũng biết. Mấy ngày nay, Thư không ăn uống. Sắp chết  thì còn bồi bổ làm gì cơ chứ? Đầu tiên thư khóc sưng cả mắt, nhưng bây giờ nó đã quen rồi. Điều làm nó khiếp đảm nhất là phải xa cha mẹ, thầy cô, bạn bè để nằm ở chiếc hòm gỗ, chôn sâu trong lớp đất dá lạnh lẽo kia. Tay nó run lên, đầu óc quay cuồng. Thư muốn cảm nhận chút hơi ấm của mùa xuân, nhưng nó hoàn toàn bất lực. Nó tuyệt vọng nhìn chút ánh nắng yếu ớt trong phòng. Khác với cô bé Thư vui vẻ, vô tư thời ấy, nay nó đã trở thành đứa trẻ trầm tư, âu sầu. Cuộc sống trôi qua theo từng tiếng đồng hồ khắc khoải. Nó đâu có ngờ rằng nó tìm thấy sự lạc quan là nhờ Chi, cô bạn mới quen. Lúc đầu nó chưa để ý tới Chi, nó chỉ biết Chi mắc một căn bệnh hiểm nghèo thôi. Sao Thư cảm thấy khó chịu bởi vì Chi hay cười quá!. Vào một buổi chiều nọ, Chi đến bên Thư tâm sự. Đang buồn nên Thư cũng nói qua loa vài câu. Cứ thế, cứ thế mà Thư nào có hay nó đã thân với Chi từ khi nào. Thư biết chỉ còn sống được một thời gian ngắn nữa, nó buông mình xuống vực đen tuyệt vọng. Đêm ấy, Thư bật khóc. Nó úp mặt vào gối mà Chi vẫn biết . Chi khẽ húng hắng ho:
  - Thực ra cuộc sống sẽ có những điều mình không mong đợi. Nhưng nếu bạn không hoảng loạn, cố gắng  yêu đời thì sẽ tự tin lên nhiều. Vui lên một chút, hãy chọn niềm tin cho mình.
  Không gian trở lại sự yên lặng cố hữu xưa và nay. Thư giật mình  nhĩ bâng quơ: “Niềm tin ư? Niềm tin là gì vậy nhỉ?” Thư thở nhè nhẹ ra. Sáng tinh mơ hôm sau, Thư mạnh dạn sang rủ Chi đi dạo.  Đôi bạn rụt rè nằm tay nhau, lòng chợt dạo lên một khúc ca yêu đời tha thiết.
  Từ đó trong bệnh viện, hai cô bé chăm chú cắt những mẩu giấy để ghép lại thành hình một thành phố lạ lùng: thành phố thần tiên. Ở đó lá cây toàn là vàng bạc, suối là sữa còn núi là bánh kem. Chúng trang trí cho căn nhà của mình thật đẹp để có thể yên tâm đợi người thân đến. Chi kể thế và Thư tin. Thời gian trôi qua, Thư và Chi không còn trên cõi đời này nữa. Hai thiên thần nhỏ bé ấy đã bay đến thế giói ước mơ để lại ngôi nhà ghép nhỏ bé nhưng đang tỏa sáng bởi niềm tin…

                                                                                         LÊ THU NGỌC
                                                                                                        LỚP 6I - THCS NGÔ SĨ LIÊN
                                                                                                              NĂM HỌC 1998 – 1999


KỶ NIỆM

-      Linh ơi, con dọn phòng đi nhé, bừa bãi quá!
- Dạ , vâng ạ!. Trời ơi, sao mà bừa thế nhỉ, dọn đến nào đây?
    …keng…
-  Cái gì thế nhỉ? Một cái hoa tai à? Trông nó quen quá – tim mình bỗng rộn lên – thôi đúng rồi. Ôi, Liên ơi, đã lâu quá rồi…
                                         *
                                 *                *
  Câu chuyện xảy ra khi mình học lớp năm. Hồi ấy, mình với Hồng Linh và Liên. Đó là một tình bạn đẹp và mình đã duy trì tình bạn ấy trong suốt ba năm, từ lớp ba đến lớp năm. Nhưng rồi đến giữa học kỳ  một của lớp năm, Liên chuyển sang lớp A, lớp mình hồi ấy là lớp “5D” mà. Cùng với việc chuyển lớp của Liên là sự rạn nứt của tình bạn . Hồi đó cũng tại mình và Hồng Linh quá ích kỷ. Liên chuyển lớp, Liên có quyền thêm bạn mới, vậy mà mình và Hồng Linh  lại muốn Liên thu mình lại và chỉ chơi với mình và Linh thôi, đáng ra khi ấy mình phải hiểu điều đó chứ. Và rồi khi bắt gặp Liên chơi với một người bạn khác mình và Hồng Linh đã giận Liên và bỏ Liên luôn. Mình nhớ cái hôm bọn mình tuyên bố bỏ Liên, Liên đã khóc thế nào, Liên chạy theo xin lỗi bọn mình, nhưng khi ấy không hiểu là vì cái gì mà mình với Hồng Linh cứ bỏ đi, bỏ mặc Liên như vậy. Cứ thế, ngày nào đi học mình cũng thấy Liên lặng lẽ, lúc ấy cũng thấy thương Liên lắm, chỉ muốn quay lại, xin lỗi Liên, nhưng lại sợ Hồng Linh sẽ giận, mình lại không muốn mất Linh cũng như Liên không muốn mất bọn mình. Mình và Hồng Linh dần dần quên Liên, không để ý đến Liên nữa. Bẵng đi một thời gian, mình không thấy Liên đến lớp, mình tuy lo nhưng cũng mặc kệ. Rồi mùa hè đã đến, có lẽ mình sẽ quên đi người bạn ấy nếu trong dịp sinh nhật, mẹ không nhắc mình mời Liên. Và mình đến nhà Liên, cả nhà đi vắng, khi mình hỏi người hàng xóm, mình mới biết , Liên nằm viện đã được gần hai tháng. Mình quay về không thể tin được, mình vô tâm quá. Sau hôm ấy, mình thường qua nhà Liên nhưng đều không ai ở nhà cả . Mãi đến một hôm, mẹ chở mình đến đó thì gặp bà của Liên, bà hỏi sao không thấy đến thăm Liên, Liên thường nhắc đến tên mình luôn. Liên bị ung thư máu. Thật không thể tin được, Liên đã sang Mỹ điều trị rồi, phải mất hai năm mới trở về. Tại sao lại thế! Liên vốn tốt bụng, khỏe mạnh như thế thì làm sao có thể mắc căn bệnh ấy được. Liên ơi, mình thật có lỗi với Liên, tha lỗi cho mình Liên nhé.
                                                    *        *
                         *     
    Vậy mà mình cũng đã quên Liên, đâu phải vì bận học mà là do vô tâm. Có lẽ Liên đã quên mình, nhưng dù thế nào mình cũng sẽ đến nhà Liên. Nếu Liên về mình sẽ  xin lỗi Liên , còn nếu chưa  thì mình sẽ đợi, Liên sẽ mãi mãi là bạn mình, sẽ không bao giờ thay đổi.
                                                                                       
                                                                                                                    ỨNG THÙY LINH
                                                                                                         LỚP 7A – THCS BẾ VĂN ĐÀN    
                                                                                                                 NĂM HỌC 1998 – 1999
                       

GIÓ

Gió ơi, từ đâu đến
Rong chơi suốt tháng ngày
Rào rào trong vườn cây
Hây hây bên hồ nước                            

Lúa chín thơm trĩu hạt
Gọi gió về đây chơi
Hoa nặng hạt sương rơi
Gọi gió về múa hát

   Giữa cánh đồng bát ngát
   Gió đang chạy đuổi mây
Mây dỗi nước mắt đầy
        Rơi thành mưa tưới ruộng.
                                                                                                           VŨ THÚY PHƯƠNG  -  11 TUỔI 



MÀU XANH

Màu xanh của mơ ước
Màu xanh của quê hương
Màu xanh của tình thương

  Màu xanh của biển cả                                
  Màu xanh của hoa lá
  Màu xanh đồng làng ta
  Màu xanh chân trời xa
  Ôi !màu xanh đẹp thế!
                                              
                                                      PHẠM BÍCH THỦY – 11 TUỔI

               ĐÔI MẮT CHÚ THƯƠNG BINH

Cháu đến thăm chú
Thương chú làm sao                 
Chú không còn thấy
Bao nhiêu sắc màu

    Lúa vàng, tre xanh
    Hoa hồng, hoa cúc
  Sắc màu đất nước
Có chú góp công

      Chú cho chúng cháu
        Đôi mắt sáng trong…
                                                              
                                                                                       PHẠM BÍCH THỦY – 11 TUỔI



9 tháng 6, 2012

Bài viết của học sinh CLB văn học khóa II (phần I)

                                                                              
                                                                          
                                                     CÓ MỘT ĐÔI BẠN

      Trước đây Tâm là một học sinh giỏi toàn diện. Nhưng sau vụ tai nạn lần đó, chiếc xe tải đã đã cướp đi cái chân trái của Tâm, cậu học hành sút hẳn đi. Tâm không còn là học sinh giỏi nữa. Cậu rất mặc cảm với cái chân của mình. Lúc tan học, Tâm thường lẩn thẩn bên bờ sông như người mất hồn. Hải là người bạn rất tốt của Tâm, cậu đã khuyên Tâm nhiều lần nhưng không kết quả. Một hôm, vừa lúc mẹ đưa Tâm đi học thì Hải đến: 

    -  Bác ơi, bác để cháu đưa Tâm đi học, bác đi là đi cho kịp.
- Cảm ơn cháu, vậy thì bác đi nhé.
  Rồi Hải quay lại hỏi Tâm:
- Tâm này một tuần nay sao cậu không nói gì với tớ? Cậu ghét tớ hả
- Không phải, Tâm trả lời.
- Tớ biết cậu buồn lắm, nhưng cậu là học sinh giỏi, phải biết cố gắng chứ. Sau này, cậu làm nhà khoa học nhỡ chữa được thì sao? Tớ là bệnh nhân đầu tiên của cậu.
   Tâm có vẻ tươi tỉnh hơn, cậu nói:
- Thế cậu chữa gì?
Hải ngớ ra:
-  Ờ…ờ…À chữa óc!
      Rồi cả hai phì cười.
       Từ hôm đó Tâm đã lạc quan hơn, bài vở đã trở về với điểm chín, mười. Chiều nào hai bạn cũng ra bờ sông ngồi học bài, cả hai bù đắp cho nhau những chỗ hổng của kiến thức. Tối tối, Tâm sang nhà Hải học thêm môn Anh văn. Cứ thế hai tháng rồi ba tháng, Tâm đã khá hơn và học giỏi hơn trước rất nhiều. Thấm thoát mà đã hết năm học. Lễ bế giảng đã đến. Hôm đó, lớp Tâm có hai học sinh giỏi. Mọi người ngơ ngác: “Ơ chỉ có Tâm thôi mà”, rồi thầy hiệu trưởng đọc to tên:
-   Mời em Nguyễn Văn Tâm và Đinh Văn Hải lên nhận quà.
   Tâm vô cùng sung sướng, tay cầm gói quà mà mặt đỏ tưng bừng: “Cảm ơn Hải, cảm ơn cậu lắm”.
      Thế là Tâm đã vượt qua chính bản thân mình. Nhờ có câu chuyện này mà tôi thực hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim”
                                                                                      MAI TẤT ĐẠT
                                                                                               LỚP 5B – THDL ĐOÀN THỊ ĐIỂM
                                                                                                         NĂM HỌC 1998 -1999                    -          


CÂY PHƯỢNG


   Thế là một mùa hè đã đến. Cái nắng tháng năm oi bức dội xuống sân trường bỏng rát. Sân trường thật im ắng, chỉ có tiếng giảng bài của các thầy cô giáo . Cuối góc sân, một cây phượng già đứng yên lặng như muốn cùng chúng em nghe giảng, thỉnh thoảng lác đác tán lá ra vẻ đồng ý điều gì đó.
      Cây phượng này hẳn có từ lâu, vì khi vào lớp một học đã thấy cây đứng đó bên cạnh lớp em. Dưới bầu trời trong xanh, cây phượng như một gã khổng lồ đứng sừng sững. Khi ánh nắng buổi sáng bắt đầu gắt thì cũng là lúc phượng lấy những chiếc lá mảnh dẻ của mình che nắng cho lớp em, tình cảm của em với phượng cũng bắt đầu từ đó. Phượng có cái lưng thật thẳng, to hơn một vòng tay của em. Cái lưng đó được phủ lên bằng một một chiếc áo nâu xù xì, sờ tay vào cứ ran rát. Trên cành cây, những chiếc lá đan vào nhau tạo thành một chiếc ô xanh khổng lồ. Mỗi giờ ra chơi, biết bao trò chơi diễn ra dưới bóng mát của cây. Những chiếc lá phượng nhỏ như những chiếc lông chim xanh mượt, vẫy vẫy như muốn chung vui cùng chúng em.
    Cứ vào mùa hè, hoa phượng lại nở đỏ chói một góc trường. Em thường gọi là hoa học trò, vì màu hoa giống như những điểm mười của em. Rồi tiếng ve cất lên râm ran cất lên từ cây phượng báo một hè đã đến.. Em ngắm nhìn cây phượng, lại nhìn những bông hoa và thấy như có sự đổi mới của một lớp bốn sắp đến với em năm lớp bốn.
     Cây phượng vẫn đứng ở góc trường, xanh tươi, mát mẻ làm em yêu và gắn bó với cây phượng.

                                                                                                                 NGUYỄN THÙY LINH
                                                                                                      LỚP 4B- THDL ĐOÀN THỊ ĐIỂM
                                                                                                                    NĂM HỌC 1998 -1999                                                                                                                                                                                                                                     


CHÂN MÂY


         Trời đêm nay vui quá                        
          Sao dắt mây đi chăn
          Từng đàn mây tung tăng
          Bé nhìn sao bé vẫy
          Bé cũng đi chăn đấy
          Cây vườn là mây xanh

                                                                                                                                                                                                                          VŨ KIM OANH – 10 TUỔI
              

EM VẼ

Em vẽ ông mặt trời
Tỏa ánh sáng nơi nơi
Em vẽ chiếc thuyền nhỏ           
Đang vượt sóng ra khơi
Em vẽ chú chim non
Đang nhảy hót trên cành
Em vẽ nhiều, em vẽ
Bao ước mơ hiện lên…

                                                     BÙI THU THẢO – 12 TUỔI


CHÚ HÀNH QUÂN TRONG MƯA

        Mưa rơi, mưa rơi
           Lộp bộp, lộp bộp
           Áo dù đẫm ướt
           Vẫn đi, vẫn đi

 
   Đường ra biên giới
    Còn dài, kể chi!
    Chân dồn nhịp bước
    Vẫn đi, vẫn đi…

  VŨ THÚY PHƯƠNG – 11 TUỔI