Tìm kiếm Blog này

31 tháng 8, 2011

EM TẬP LÀM BÁO


LỜI TỰA
       Chúng ta ai cũng có tuổi thơ kỳ diệu. Trong thế giới tuổi thơ kỳ diệu ấy có biết bao ước mơ, biết bao giấc mơ tuyệt đẹp, để rồi sau này khi ra khỏi thế giới của trẻ thơ ấy, có rất nhiều giấc mơ không thực hiện được, nhưng hương vị thần tiên của thế giới trẻ thơ sẽ mang theo mãi trong suốt cả cuộc đời mỗi người.
     Với mong muốn chắp cánh cho những ước mơ, giúp các em thiếu nhi tập làm“Nhà báo”. Hè năm 2005 bộ môn Văn học Cung Thiếu nhi mở lớp“Em tập làm báo” dành cho các em yêu thích nghề “Làm báo”. Có thể nói đây là sân chơi được đông đảo các em học sinh tham gia ngay từ khóa học đầu tiên. Cho đến nay, lớp "Em tập làm báo" đã được 7 khóa học và luôn dành được những tình cảm ưu ái đặc biệt của các bạn nhỏ yêu thích và muốn tìm hiểu nghề báo.  Được sự giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo của các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí tham gia giảng dạy, sau mỗi khóa học, các cô cậu bé “Những nhà báo nhí” có những tác phẩm đầu tay. Những tác phẩm tuy còn non nớt, ngây thơ nhưng nó chứa đựng sự hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ cùng với sự chắc chắn của những kiến thức đã học. Hy vọng và cầu mong  cho các em trưởng thành trong tương lai. Các bài viết sẽ là những kỷ niệm sâu sắc và thân thương của các em trong suốt cả cuộc đời.
    Xin gửi tới độc giả những trang viết của các em 7 khóa học lớp “Em tập làm báo”.



BÀI VIẾT KHÓA I (2005 -2006)

         Giờ này, năm ngoái,  tôi là học sinh lớp 7, mới vào lớp “Làm báo”. Giờ này, hôm nay, tôi sắp tốt nghiệp lớp “Làm báo”. Chưa một lớp học nào lại khiến tôi say mê như thế. Chưa một lớp học nào khiến tôi luôn nghĩ về nó và vui thích đến thế. Chưa một lớp học nào khiến tôi mong được học đến thế.
  Những ngày đầu tiên, tôi sợ. Sợ người lạ, sợ mình học kém, sợ phải tự học một mình, sợ không ai giúp đỡ. Tôi luôn sợ. Đến giờ tôi vẫn sợ. Báo chí thật sự là niềm đam mê của tôi, là ước mơ tôi luôn luôn hướng tới. Chưa bao giờ tôi giấu điều đó. Nhưng tôi luôn tự ti, luôn không thành công và luôn sợ. Liệu có bao giờ tôi trở thành nhà báo không?
    Cô Đoàn Hương, một người tôi luôn say mê những điều cô nói, chính ra lại không đáng sợ. Cô dạy tôi học văn theo kiểu làm báo, bố cục chặt chẽ rõ ràng. Cô luôn làm tôi vui thích bởi mỗi bài giảng. Sau buổi lên lớp, tôi đã có những khái niệm về văn hóa, phong tục, truyền thống mỗi quốc gia, tôi đã có những hiểu biết sơ khai về văn học nước mình, đất nước chưa bao giờ nghèo đói nhưng chưa bao giờ cạn niềm tin.
    Cô Trang giáo viên, không chính xác là một phong viên theo suốt quá tình học của tôi, là một người còn rất trẻ, khá vui tính và năng động. Ấn tượng đầu tiên về cô là cô rất xinh. Ấn tượng thứ hai là cô hiểu biết rất nhiều. Điều thứ ba tôi thấy tôi thấy là cô rất ghét sự tẻ nhạt thì phải. Cô luôn bảo chúng tôi phát biểu và thảo luận. Nhưng hình như kết quả thu lại không được khả quan cho lắm.
    Trong quá trình học, tôi rất thích. Đúng, rất say mê. Nhưng tôi thấy hơi buồn, buồn vì không có bạn, không có người để cùng cười, Những bạn học của tôi, hình như quá khép kín và trầm mặc. Họ rất tốt, nhưng khó gần. Họ ít nói cười, ít sôi nổi. Thấy vậy tôi cũng cuốn vào đó luôn. Tôi cũng ít sôi nổi, ít cười, ít nói. Các hoạt động trò chơi theo đó cũng không hào hứng. Các buổi học đáng ra phải nhộn nhịp lại lặng lẽ, đó là điều duy nhất tôi không hài lòng về lớp “Làm báo” này.
    Dù sao, tôi cũng đã biết “5W và 1H” là gì mặc dù tôi không biết tiếng Anh. Tôi biết rút titre dù còn vụng về. Biết cách viết tin, dù còn lóng ngóng. Ít nhất, tôi biết trái đất giống quả gì, trung tâm thành phố ở đâu, cách ăn tiệc như thế nào. Những gì tôi thu nhặt được ở lớp học này là những nền móng sơ khai tôi để xây và vươn tới ngôi nhà báo chí. Tôi sẽ bỏ tính sợ, bỏ ít nói ít người, bỏ sự lười trong cách suy nghí và thực hiện. tôi sẽ cố gắng. tôi sẽ cố gắng, và hi vọng, tôi sẽ thành công.
      Còn nữa, tôi thật sự muốn học lớp báo nâng cao để trao dồi kinh nhiệm. Nếu có lớp đó, hãy liên lạc với tôi nhé.
                                         NGUYỄN KHÁNH CHÂU

  

NHẬT KÝ CỦA MỘT HỌC SINH
   
  Chủ nhật, ngày….tháng 6 năm 2005.
    Ngày đầu tiên của lớp học. Cô Diệu Trang không như mình nghĩ. Hiện đại, bình tĩnh và có phong cách bất ngờ! Cô không giống những gì mình nghĩ về các phóng viên: vội vã, hay lăm lăm cái máy ghi âm. Buổi dạy thật vui.
  Chủ nhật, ngày….tháng 6….năm 2005.
    Tiến sĩ Đoàn Hương dạy về văn học và lịch sử báo chí. Phải chép khá nhiều. Nhưng những câu chuyện cô kể rất vui. Các bạn rất ấn tượng về cách nói và cách cười của cô nữa. Không có phút nào chúng tôi không cười.
 Chủ nhật, ngày….tháng ….năm 2005.
    Thầy dạy ảnh dạy mỗi hai buổi, ít quá! Chưa ai được thực hành cả. Quay trở lại với những câu chuyện cười của cô Đoàn Hương. Cá nhà báo ngày xưa thật tuyệt vời. Cả các nhà thơ của phong trào thơ mới nữa. Chẳng hiểu tại sao cô có thể làm cho cả lớp cười với chủ đề này nhỉ? Tài thật!
  Chủ nhật, ngày….tháng…. năm 2005.
     Cô Liên giảng về “công tác biên tập ảnh báo chí”. Ngược lại với những thầy cô giáo trước, bài giảng của cô khô khan và chán ngắt. Cảm tưởng duy nhất là giống như một giờ dạy văn vậy. Đa số các bạn muốn ngủ ngay trên lớp
  Chủ nhật, ngày….tháng…. năm 2005.
    Một cô (hay một chị) nào đó tên là Thảo ở báo tuổi trẻ đến khuyến khích cả lớp viết cho chuyên mục thiếu nhi. Nhưng tờ báo của chị ấy bị cô Trang phê bình mạnh tay. Chẳng còn ai muốn viết cho báo đó nữa.
  Chủ nhật, ngày….tháng…. năm 2005.
     Hôm nay một thầy học về báo chí Trung Quốc đến giảng về lịch sử báo chí Trung Quốc. Thật tiếc thầy chỉ dạy một buổi thôi.
   Chủ nhật, ngày….tháng…. năm 2005.
     Tuần trước đi Hạ Long. Địa danh làm mình ấn tượng nhất là khu công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh. Những bài giảng về ứng xử xã hội thật thú vị.                       
                                                            PHẠM LINH CHI


                                                                                                                                      
        Đối với em lớp “Em tập làm báo” quả thực là một sân chơi bổ ích. Trong một năm tham gia  lớp em đã nhận được nhiều kiến thức mới không những về báo chí truyền thông mà còn cả kiến thức xã hội tưởng chừng như đơn giản mà rất thú vị.
  Những giờ học bổ ích được bắt đầu từ tháng 6 năm 2005 đến tháng 6 năm 2006 đã đem lại cho em một kiến thức lớn. Còn nhớ những trò chơi náo nhiệt, hào hứng về báo chí truyền thông, những giờ học về lịch sử văn học Việt Nam và thế giới, những mẩu chuyện nhỏ rất vui của cô Đoàn Hương hay những kiến thức về xuất bản sách.
  Không chỉ là sân chơi, lớp học này còn như một cơ hội, giao lưu với những người đã hoạt động trong nghề báo. Các thầy cô đã truyền cho cả lớp những kinh nghiệm quý báu và một tình yêu với nghiệp báo. Sau mỗi buổi trao đổi, nói chuyện, em lại cảm nhận được một cách nghĩ, cách nhìn về cuộc sống nói chung và truyền thông nói riêng. Tuy nhiên về sau này khi sĩ số lớp ít đi thì những buổi học lại có vẻ thiếu lửa. Những dẫu sao đi nữa, lớp học này là một lớp học tốt. Dù chỉ hoạt động một tuần một buổi nhưng cơ hội để giao lưu, tiếp súc với các bạn trong lớp vẫn rất nhiều. Thế nhưng vẫn có một khoảng cách nào đó giữa các bạn trong lớp. Được biết lớp học kết thúc vào ngày 30/5/2006 em cảm thấy luyến tiếc. Em mong muốn lớp học được kéo dài hơn nữa! Bởi những kiến thức khác mà trong thời gian một năm vừa qua chưa giải quyết được
                                                       NGUYỄN MINH NAM

 
                                                                              
 -  Ngày 5/6/2005 : Lớp học ra đời
   -  Ngày 30/5/2006 : khóa học kết thúc 
   -  Vậy lớp học đó là lớp học gì?
    Đó là lớp học đặc biệt. Đặc biệt là bởi lần đầu tiên người ta mở lớp học này. Đặc biệt bởi những học sinh của lớp học này được trang bị những kiến thức về một lĩnh vực hoàn toàn mới. Đặc biệt bởi lớp học có sự tham gia của rất nhiều giáo viên, giảng dạy các chuyên môn rất phong phú và đa dạng. Đó là những người nổi tiếng nhưng khi đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh này họ trở nên thật gần gũi và thân quen.
   Vậy những học sinh ở đây thì sao? Phần lớn ở trong độ tuổi từ 11 đến 16 tuổi – thế hệ 9X. Họ đều là những học sinh giỏi, có đam mê lĩnh vực đang muốn theo đuổi, đó chính là con đường là đưa họ đến với lớp học này. Nếu bạn là học viên của lớp học này, bạn sẽ có cảm giác mình là người lớn vì cách dạy và học ở đây hoàn toàn khác so với ở trường. Nếu như ở trường học nặng nề, gượng ép về lý thuyết thì ở đây vừa lý thuyết vừa thực hành. Tuy nhiên, vì lớp học đầu tiên nên không thể không có thiếu xót. Một số buổi học còn chưa được ấn tượng. Đôi khi học sinh còn e dè, chưa hăng hái, nhiệt tình viết bài nên chưa cho ra sản phẩm riêng. 
  Kể đến đây cũng khá đủ về lớp học. Lớp học đó chính là lớp “Em tập làm báo” do Cung Thiếu nhi đầu tiên tổ chức nhằm trang bị cho học sinh các kiến thức về văn hóa – văn học báo chí – các lĩnh vực rất thú vị phải không các bạn? Vậy thì tại sao các bạn không nhanh ghi tên mình vào danh sách các học viên vào khóa tới nhỉ?                                                                                                                                                            ĐINH LÊ HỒNG NGỌC

 
    
        Đúng 8h sáng chủ nhật ngày 19/6/2005, tôi hộc tốc phóng xe đạp của mình thật nhanh đến Cung thiếu nhi Hà Nội để tham gia vào một lớp học lạ hoắc, khá mới mẻ về nội dung. Đây là lần đầu tiên tôi biết một lớp học mang tên “Em tập làm báo”.Với tính tò mò vốn có của mình, tôi chạy ngay vào một căn phong lớn, lúc đó có khoảng 40 bạn – một con số đáng nể về một lớp mà có lẽ mới chỉ có phần nào rất nhỏ biết đến. Theo như lời cô Hương(phụ trách lớp “Báo” khá đặc biệt nè) thì tôi là một học sinh “già” nhất lớp.. Buổi dầu vào lớp tôi chẳng biết gì về “báo”. Mặc dù là một fan khá thích đọc báo, nhất là Hoa HọcTrò, nhưng tôi không hề biết tí gì về các thể loại báo chí cũng như về sự phát triển của nó.
  Đã qua một thời có thể nói khá dài đủ để chúng tôi có một vốn kiến thức để viết được bài. Tính đến nay chúng tôi đã học được gần một năm(tính chi ly ra là 5 ngày nữa là tròn một năm). Buổi học cuối cùng 21/5/2006 ở tại phòng học “Cây mít”(tên gọi thân thương của lớp dành riêng cho nó) – căn cứ địa thứ hai của lớp Báo chúng tôi. Đã một năm rồi đâu phải ít, chúng tôi đã biết một phần nó đó về báo chí:
- Lịch sử phát triển báo chí
- Truyền thông đại chúng
- Văn hóa báo chí
- Tin, cách viết tin
- Ảnh báo chí
- Những tố chất của người làm báo
- Ngôn ngữ trên báo chí
   Đã gặp gỡ bao nhân vật có tiếng trong làng báo chí như cô Đoàn Hương, cô Diệu Trang, chú Đức Quang(báo Thiếu niên Tiền phong), cô Phương Liên(NXB Kim Đồng). Và đặc biệt là một nhà báo đang làm việc ở trung Quốc được 9 năm. Có thể do vô tình hay hữu ý thế nào mà tôi lại quên mất tên người đặc biệt nè. Bài nói của anh rất hay, rất ấn tượng, giúp tôi hiểu phần nào về đất nước bạn Trung Quốc.
    Cho đến phút này thì tôi chỉ cảm thấy một nhược điểm của lớp khá lớn mà không chút nào cho nhà báo tương lai đó là tính hơi lười. Nhưng thật ngại là hình như tình rạng này rất phổ biến trong lớp. tôi chỉ mong muốn là được đi thực té nhiều hơn ở các tòa soạn trong nước. Và mong muốn cao hơn là được làm nhà báo thực thụ. Tôi rất muốn học một lớp cao hơn.
                                                            TRẦN MINH PHƯƠNG


      Hôm nay ngày 21/5/2006, là buổi học cuối cùng của các bạn học sinh lớp “Em tập làm báo”. Trong ngày này, có rất nhiều ý kiến, cảm xúc khác nhau của các bạn học sinh, chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe bài phỏng vấn của phóng viên với bạn H – một học sinh của lớp :
- Chào bạn! Bạn có thể cho biết lớp học này bắt đầu từ khi nào? Lớp học những gì?
- Vâng, xin chào!! Chắc các anh cũng thấy lớp học “Em tập làm báo” này rồi phải không.Ở đây chúng tôi bắt đầu học từ tháng 6 năm 2005 và dự kiến sẽ kết thúc vào hôm nay, ngày21/5/2006. Tại lớp học này, chúng tôi đã được sinh hoạt suốt một năm qua. Chúng tôi được học tập,vui chơi, mở mang nhiều kiến thức thú vị.
- Ồ vậy sao? Vậy bạn có thể cho chúng tôi biết, bạn cảm nhận như thế nào về lớp học này? Về những thầy cô đã dạy bạn?
- Như tôi đã nói ở trên, học trong lớp báo này, tôi và các bạn khác cảm thấy rất thích thú. Chúng tôi có thể thoái  mái trao đổi với nhau mọi điều mà mình chưa biết. Còn về các thầy cô giáo ư? Thế nào nhỉ? Tôi thấy họ cũng vô cùng tốt. Các thầy cô lên lớp tận tình giảng dạy cho học sinh.
- Vâng! Từ nãy tôi chỉ thấy các bạn khen về lớp học đó. Vậy có điều gì bạn cảm thấy chưa hài lòng không ?
- (Suy nghĩ). Cũng có đấy anh ạ. Theo tôi điều chứ hài lòng lớn nhất là có lẽ không khí học tạp của lớp. Không khí lớp tôi luôn nặng nề. Các bạn chưa tích cực vào bài học(mà chỉ trú trọng nói chuyện). Còn đâu mọi việc khác của lớp đều OK anh ạ.
- Vâng. Bạn có thể cho tôi hỏi câu cuối được không?
- Vâng. Anh cứ tự nhiên.
- Hôm nay là ngày kết thúc lớp rồi. Sau buổi hôm nay, các bạn có dự định làm gì tiếp không?
- Có chứ! Sau đây, tôi sẽ đăng ký học tiếp khoa học nâng cao. Vì tôi muốn theo nghề này mà(cười)
- Vâng! Chào bạn. Tôi hy vọng lần sau chúng ta gặp nhau. Chúc bạn luôn thành công trong mọi việc.
- Vâng. Cảm ơn bạn. Chúng ta sẽ gặp nhau trong tương lai. Chào anh!!!
   Trên đây là bài phỏng vấn với một tee năng động của lớp Báo. Tôi nghĩ lớp “Em tập làm báo”là một mô hình học tập rất hay mà nhiều lớp học khác nên làm theo.
                                                              NGUYỄN SĨ HIẾU






26 tháng 8, 2011

CÂY NẾN ĐỎ (Tiếp theo)

Lê Hồng Vân
Lớp 6 I THCS Ngô Sĩ Liên
Quận Hoàn Kiếm
(Năm học 1998 -1999)

                                     AI LÀ NGƯỜI DŨNG CẢM
                                                          (GIẢI A)

        Những ngày hè này Thủy thường sang chơi với tôi. Nó thích chơi với tôi chỉ vì lẽ đơn giản: tôi hay có những trò chơi lạ. Còn tôi thích chơi với nó vì nó hiền lành dễ bắt nạt. Thực ra, Thủy không những hiền lành mà còn yếu hơn tôi nữa. Nó yếu vì có một chân bị tật. Bước đi của nó tuy không khó khăn nhưng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến dáng di. Nó chạy đua với tôi cầm chắc là thua dù tôi có chấp nó chạy trước một đoạn dài. Vì thế trước những trò chơi tôi bày ra, thủy luôn luôn chịu thua làm cho tôi càng thêm tự đắc, coi mình là nhất.
      Có những lúc trò chơi của tôi không được đáp ứng, tôi cảm thấy buồn. Chẳng hạn như một hôm tôi rủ nó chạy từ nhà đến Cung Thiếu nhi, nó thật thà nói:
     - Chạy xa như vậy thì em ở nhà thôi. Chạy mệt lắm chị ạ!
  Những lúc như vậy, tôi thường buồng một câu ngao ngán: 
-  Chơi với mày chán quá! Bây giờ thì chơi gì?
    Mọi hôm nghe tôi nói vậy Thủy chỉ cười. Nhưng hôm nay mắt nó chợt sáng lên:
-  Hay là mình chơi nhảy dây nhé! Em có một cái dây mới mua.
     Nói xong, nó chạy về nhà trước khi tôi có thể thay đổi quyết định. Một lúc sau, nó chạy ra, tay cầm một sợi dây mới cứng, nét mặt rặng rỡ:
-  Bây giờ mỗi người nhảy một lần. Ai nhảy được nhiều thì thắng nhé!
    Trò chơi kể ra cũng hấp dẫn. tôi gật đầu:
- Được rồi mày nhảy trước đi.
    Nó nhảy trước nhưng đến quả thứ mười thì chân bị vương vào dây. Đến lượt tôi nhảy thì nó cổ vũ hết lời:
- Chị nhảy hay quá! Năm mươi quả mới chết.
    Nghe nó khen, tôi hí hửng, nở to mũi. Thủy lại nhảy nhưng kết quả chẳng hơn gì lần đầu. bọn trẻ trong khu tập thể kéo đến xem thật đông. Tôi nổi hứng quay dây thật mạnh. Chẳng may day quật trúng phải đứa bé  đang đứng xem cạnh đó. Thằng bé khóc ầm lên ăn vạ. Nguy rồi tôi hốt hoảng chạy về phía cầu thang, nấp sau cánh cổng sắt gọi Thủy:
- Thủy ơi ! Chạy đi
     Cánh cổng gần như quá nhỏ bé đối với tôi nên tôi cố thu mình lại thật nhỏ. Tôi tưởng Thủy cũng phải cố tập tễnh cố chạy như tôi. Nhưng không, tôi đã lầm. Thủy vẫn bình tĩnh đứng đó, dịu dàng kéo vạt áo lau nước mắt cho thằng bé rồi dỗ dành:
-  Bé nín đi! chị xin lỗi nhé, không sao đâu. 
Có tiếng chân chạy thình thịch rồi một giọng người đàn bà chao chác:
-  Đứa nào bắt nạt con tao đấy?
     Thôi chết rồi! Bà Tư mẹ thằng bé đã tới. Trong khu tập thể này, ai lại không biết bà là người dữ dằn nóng tính. Tôi tưởng Thủy cũng bỏ chạy như tôi nhưng nó rất bình tĩnh dắt em bé tới trước mặt bà tư:
-  Thưa bác… cháu chơi nhảy dây… lỡ tay quật phải em. Cho cháu xin lỗi em và bác.
     Khi bà tư dắt thằng bé đi rồi tôi vẫn còn cảm thấy sợ. Đằng sau cánh cửa sắt, tôi nhìn Thủy đang tập tễnh nhặt cái dây lên mặt bỗng thấy dáng đi của nó thật chắc chắn, vững vàng. Và bỗng nhiên con người nó dường như to lớn hơn tôi đang cố thu mình thật nhỏ trong cánh cổng sắt kia, Và, bây giờ tôi đã biết giữa tôi và Thủy, ai là người dũng cảm.


  
  Đặng Hải Như
  Lớp 9E - THSC Nguyễn Trường Tộ
  Quận Đống Đa
  (Năm học 1998 -1999)
                                 MƯỚP 
                                  (GIẢI A)
    Chuyện đó sảy ra cách đây nhiều năm nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ. Hồi ấy, nhà tôi nuôi một con mèo. Theo hình dáng bên ngoài nên tôi đặt tên nó là Mướp. Mướp có bộ lông vằn vện như hổ, đôi mắt sáng quắc trông rất dữ dằn nhưng kỳ thực nó là một con mèo rất hiền lành. Nó thường lủi thủi một mình, không thích ai bế ẵm, mà nó cũng chẳng thích gây gổ với mấy con mèo hàng xóm. Bữa ăn tôi chỉ xẻn cho nó một ít cơm với mấy cọng rau.Nhưng, nó cũng chẳng  kêu la, xin xỏ thêm. Có những bữa trưa tôi nhìn thấy nó nằm sưởi nắng ngoài sân. Đôi mắt lim dim. Một con bướm đậu bên tai nó cũng chẳng thèm đuổi. tôi cứ nghĩ nó là con mèo lười nê chẳng bao giờ quan tâm đến nó. Thời gian cứ bình thản trôi như nó vốn có. Rồi một hôm, Mướp bỏ đi ba ngày. Tôi cũng chẳng cần biết nó đi đâu, làm gì. Ngày thứ tư thì nó về, gầy sọp đi còn một nửa. Nhưng nó đã có bụng. Rồi thì nó đẻ, nó đẻ non. Bốn con mèo chưa đủ lông, đỏ hon hỏn. Duy có một con cứng cáp nhưng xem chừng yếu ớt lắm, khó sống nổi. Mẹ tôi gói ba con kia lại, chép miệng tiếc rẻ: “Thôi đành vứt đi vậy”. Mướp cố giữ lại con cuối, nó ấp con vào lòng, liếm hết mình mẩy con mèo đang thoi thóp thở. Nhưng cái việc làm đó gần như là tuyệt vọng. Mẹ tôi gói nốt con kia vào rồi chôn ra sau vườn. hôm đó mướp bỏ ăn, nó kêu gào suốt. Đến đêm, tôi vẫn còn nghe tiếng gào dứt ruột của nó. Anh cả tôi nói: “Chắc nó nhớ con, tội nghiệp”. Từ dạo ấy, tôi bắt đầu chú ý đến nó hơn và từ dạo ấy, nó càng trở nên lầm lũi hơn. Nó chỉ quang quẩn xó bếp nhưng không bao giờ ăn vụng. Mỗi bữa, tôi cho nó ăn thêm một miếng thịt nhưng nó chỉ nhấm mấy cọng rau rồi lại bỏ ra vườn cào cào như lục tìm cái gì đó.
      Tháng ba, nhà tôi có thêm một con mèo nữa. Đó là một con mèo cái đen tuyền trông thích mắt. Khác với con Mướp, nó thường giụi đầu vào lòng hoặc quanh quẩn bên người để được âu yếm vuốt ve. Nó hay gậy sự với mấy con mèo hàng xóm rồi đánh nhau, có khi chảy cả máu. Bữa ăn nó thường lân la sang chỗ con Mướp để ăn tranh. Cú mỗi lần như thế, con Mướp lại rồi lặng lẽ ra khỏi bếp. Rồi cũng như Mướp, con Đen có chửa. Vì được cả nhà chăm sóc nên nó  “mẹ tròn, con vuông”. Mẹ con con mèo Đen ở trong một cái ổ rơm cạnh cửa bếp. Mỗi lần con Đen liếm láp âu yếm lũ mèo con, tôi lại thấy con Mướp đứng khép nép sau cánh cửa, nhìn với vẻ thèm thuồng. Một lần, con Đen ra ngoài sân sưởi nắng, con Mướp liền vào khẽ vào ổ, lén chăm sóc mèo con. Nhưng khi nó đang tận hưởng sự mặn mòi của tình mẫu tử thì mèo Đen xuất hiện. Mướp hốt hoảng nhảy vọt ra khỏi ổ rồi lao vút qua cửa sổ. Con Đen xù lông, mắt long lên vì tức giận, nhưng vài phút, nó lại dịu đi và vào ổ cho lũ mèo con bú.
      Thời kỳ đổi mới, xóm tôi rộ lên nạn bắt mèo.Những con mèo gầy giơ xương như của bà Phương, mà còn bị chúng nó câu bắt huống chi con Đen nhà tôi vừa béo, vừa đẹp lại là giống mèo quý thì không thoát khỏi. Con Đen mất rồi nhưng con Mướp vẫn còn. Tôi đã tưởng con Mướp từ nay sẽ được ung dung vào ổ. Thì bỗng một hôm, mẹ tuyên bố với cả nhà:
      - Lũ mèo giờ dã mở mắt có thể ăn cơm được, phiên chợ tới sẽ đem bán. Tôi giật mình, phần thì tiếc vì tôi vốn quý mèo con, phần thì thấy tội cho con Mướp. Tôi cố năn nỉ nhưng không thay đổi được quyết định của mẹ. Ngày mẹ đem lũ mèo đi bán, con Mướp lăn lộn khắp nhà. Nó lại kêu lại thét, lần này còn dữ dội hơn lần trước. tôi cũng thương nó lắm. Mấy hôm sau, không thấy nó đâu nữa . Không biết nó có bị bắt không? Hay nó đi xa nên bị lạc? Hay bão thế này, nó đã bị cây đè chết rồi? Mướp ơi!...
                                                
                                                                        *******************************
  
Trần Thu Vân
Lớp 8G - THCS Nguyễn Trường Tộ
Quận Đống Đa
(Năm học 1998 – 1999)
QUÊ NỘI



Con gửi nắng về quê nội
Tháng giêng, gió rét ngập đồng
Dập dìu làng mùa lễ hội
Hanh hao, một giọt nắng xuân.
                                                     
                                          Gửi nắng về rét tháng ba
                                          Vẩn vơ nội còn đan áo
                                          Gửi nắng thắp màu hoa gạo,
                                          Ngập ngừng, từng bước chân qua.
Con gửi gió về đêm trăng
Đưa hương cau khắp lối
Kẽo kẹt ngọn tre đưa võng
À ơi! Một tiếng ru hời…

                                             Gửi thương về một con đê
                                             Tháng tám – những ngày mưa lũ
                                             Lo âu vào trong giấc  ngủ
                                             Sớm hôm vai mẹ lại gầy.

Gió thương cho một cánh cò
Lẻ loi giữa đồng nắng gió
 “Người đi khắp bốn phương trời
Quê nội nghẹn ngào trong mắt…”




19 tháng 8, 2011

EM YÊU HÀ NỘI

     Năm 1975 đất nước đã được thống nhất , ngôi nhà Cung Thiếu nhi Hà Nội  được xây dựng khang trang. Bên cạnh phòng đọc sách, một Câu lạc bộ Văn học thiếu nhi ra đời. Nhiều nhà văn , nhà thơ tâm huyết với sự nghiệp văn học cho trẻ em đã tự nguyện tham gia sinh hoạt văn học với thế hệ trẻ Hà Nội. Từ các nhà văn lớn tuổi Như Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Ngọc Bình, Phạm Hổ, Hà Ân…. Đến các cây bút đàn em như Định Hải, Quang Huy, Nguyễn Thị Vân Anh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Phương Liên, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Hường Lý… đã là cộng tác viên thân thiết với Câu lạc bộ Văn học. Thời kỳ này nhiều hoạt động tham quan thực tế đã được Cung thiếu nhi chức: tham quan Tam Đảo, thăm các chú bộ đội cao xạ pháo bảo vệ Thủ Đô ở trận địa Gia Lâm, Thăm Trường thương binh hỏng mắt phố Nguyễn Thái Học, thăm khu “Nuôi dưỡng bố mẹ liệt sĩ cô đơn”… Dưới sự tận tâm đặc biệt của hai nhà thơ Phạm Hổ và Định Hải, nhiều bài thơ của các em đội viên đã như mầm xanh nảy nở để lại một dấu ấn  tươi mát ghi nhận bước đi đầu tiên của Câu lạc bộ văn học – Cung Thiếu nhi Hà Nội.
   Bước sang thời kỳ đổi mới, dưới ảnh hưởng của cơ chế thị trường, nhiều cơ sở công ích phục vụ thiếu nhi tưởng chừng không thể tồn tại được. Vượt qua khó khăn thử thách, Cung Thiếu nhi Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động văn học cho trẻ em. Các nhà văn, nhà thơ  nòng cốt của phong trào văn học thiếu nhi vẫn sát cánh cùng cán bộ phụ trách Câu lạc bộ văn học duy trì từng buổi sinh hoạt bổ ích. Với tầm nhìn vào tương lai, các nhà văn lớn ở vị trí lãnh đạo văn học nghệ thuật  đã thường xuyên quan tâm và dành thời gian cho thiếu nhi Hà Nội: Nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Hoàng trung Thông, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Trần Đăng Khoa…
    Liên tục những năm 1996, 1999 các cuộc thi sáng tác thơ văn của thiếu nhi Hà Nội được phát động. Mùa hè năm 1999, Trại sáng tác thiếu nhi Hà Nội được tổ chức tại khu nghỉ mát Quảng Bá. Các em đội viên văn học ngày ấy vô cùng sung sướng được gặp được gặp các nhà văn tiêu biểu cho Văn học Việt Nam.
   Bước sang những năm đầu thế kỷ 21, một lớp thiếu nhi mới sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trẻ em được chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất cũng như tinh thần. Từ năm 2000 đến 2004 số lượng các em thiếu nhi đến sinh hoạt câu lạc bộ văn học càng ngày càng tăng lên. Cuộc thi sáng tác “Em yêu Hà Nội” do Cung thiếu nhi Hà Nội phối hợp với báo Hà Nội mới tổ chức trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng thủ đô đã thành công tốt đẹp, thể hiện bước tiến bộ đáng kể của phong trào sáng tác  thiếu nhi Hà Nội. Mỗi sáng tác của các em thiếu nhi tuy còn mong manh non nớt, nhưng đều là kỷ niệm vô giá của từng em nhỏ, đều in bóng dáng của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã đến với Câu lạc bộ văn học trong bao nhiêu ngày mưa nắng đã qua.
   Năm mươi lăm năm, mấy thế hệ vun trồng, nay đã có một vườn xanh văn học tuổi thơ Hà Nội xin gửi tặng các bạn yêu thích thơ văn những bài văn, bài thơ được tuyển chọn từ trăm ngàn bài viết của các em thiếu nhi Hà Nội trong mấy chục năm qua .

                                                                                      PHẦN I

   CÂY NẾN ĐỎ

       TUYỂN TẬP CÁC BÀI VIẾT ĐẠT GIẢI 
         “EM TẬP VIẾT VĂN LÀM THƠ" NĂM 1999

             

  
Tạ Hương Nhi
Lớp 8G THCS Nguyễn Trường Tộ
Quận Đống Đa
(Năm học 1998-1999)

CÂY NẾN ĐỎ
(GIẢI A)
                              (Tặng Vũ – cô bạn gái, nhân vật thứ hai giấu mặt)
      Có một cô bé với một cây nến đỏ thường xuất hiện mỗi tối thứ bảy ở một chân cầu thang. Cô bé đánh một que diêm, châm vào ngọn nến và cây nến cháy bùng lên. Cô bé nhín cây nén, mắt cô bé cười. Sau trong ngọn lửa, cô bé thấy khuôn mặt người bạn trai mà cô mến, người bạn gái luôn đồng cảm với cô, ban nhạc yêu quý của cô, tập thể mà cô luôn gắn bó. Cô cười bởi cô được sống đầy đủ, có gia đình, có bạn bè  để cô yêu thương và những điều để cô mơ mộng. Cô châm vào ngọn lửa tất cả những gì cô có trong tay: một chiếc lá xanh, một cành lá úa, một sợi tóc, một mảnh giấy ghi những chuyện không vui…Trời nổi gió, nhưng ngọn nến không tắt vì cô đã choàng tay che cho nó. Cô tin tưởng một cách ngây thơ rằng nếu cô chỉ rời ngọn nến một giây thôi mà nó tắt, chính là cô đã để tắt đi những hy vọng của mình. Cô là một cô bé mơ mộng. Cô bé cười và tin rằng nụ cười của mình thật đẹp. Vì cuộc đời cô phẳng lặng và êm ả. Cô bé đã không thấy, ngon lửa đã không chỉ cho cô bé thấy những khó khăn của cuộc sống ngay sát bên cô. Đến bây giờ, cô mới chỉ biết hạnh phúc và hy vọng. Ngọn nến chảy mau dần, nhưng ánh phản chiếu trên nụ cười của cô bé vẫn không bớt phần vui vẻ.
   Từ cầu thang, một thanh niên đi xuống. Cô bé ngước nhìn, rồi lại đưa mắt đi ngay. Cô đã có một ngọn nến để quan tâm, chẳng có gì làm cô chú ý nữa rồi. Anh ta cất tiếng hỏi “ Sao hả, việc gì phải để cho cây nến tắt!” rồi chẳng đợi trả lời, anh ta vội vã bước đi. Cô bé mỉm cười nhủ thầm: “Nó sẽ không bao giờ tắt”.
     Một lát sau, lại một bác trung niên: “ Cẩn thận không bỏng đấy cháu”. Cô bé hơi dịch chân ra và mỉm cười, một nụ cười bao dung như khi  ta cười một đứa bé vẽ ông mặt trời đủ cả mắt mũi. Người lớn bao giờ cũng đánh giá những việc làm của trẻ con là “rất tre con” nhưng họ chẳng bao giờ hiểu được rằng trẻ con đánh giá họ thế nào? Tại sao lại có thể đề phòng chuyện bỏng hay cháy vài sợi tóc trước trán khi ngọn nến đem lại cho ta bao niềm vui? Cô bé nói thầm với cây nến: “ ABBA ơi, bây giờ ABBA đang làm gì? Có biết ở Việt Nam em đang nghĩ tới ABBA từng phút”. Còn một cái tên nữa, cô bé rất muốn nhưng lại ngại nói ra…Rồi ngọn lử cũng lụi đi. Cô bé lại mỉm cười, chìa tay với nhũng gì còn lại của cây nến với một niềm luyến tiếc rồi nhảy lên cầu thang, bóng cô ngả dài đầy thoải mái và vô tư lự. thoán chốc, cô bé đã biến mất sau bức tường đã ám khói.
     … Bẵng đi mấy tuần, cũng có thể là mấy tháng, không nhìn thấy ánh nến chập chờn mỗi chiều thứ bảy. Rồi bỗng chủ nhật ấy cô bé lại đến. Cũng một cây nến đỏ trong tay. Ngọn lửa lại lung linh chân cầu thang. Nhưng cô bé không nhìn ngọn lửa với vẻ sung sướng ngập tràn như trước nữa. Cái nhìn ấy đăm chiêu hơn, suy nghĩ hơn, và cũng buồn hơn – không, đừng hiểu lầm! Không phải cái buồn mà các cô bé ở tuổi này thường vướng phải đâu. Chỉ vì từ bấy đến nay, cô đã đọc nhiều và hiểu nhiều. Jack, London, Gocrki… tất cả đã đưa cô đến  một chân trời mới. Và không chỉ có thế. Có những điều mà dù muốn, cô bé cũng không thể làm ngơ… Bây giờ ngọn lửa, bên cạnh tập thể lớp đây gắn bó, người bạn gái thân thiết với cô, người bạn trai mà cô mến…Cô còn nhìn thấy những cụ già lạnh cóng chân, những em bé đi nhặt rác… Họ rét, và bao nhiêu ngọn lửa này họ cũng đang cần đến? Những ngọn lửa… Cô cũng không thể quên những ngôi nhà giờ này đang bốc cháy ở một nơi xa xôi nào đó trên đất nước Nam tư… Cả lần này nữa, ngọn nến cũng chỉ cho cô điều đó, nhưng bây giờ cô đã lớn hơn nhiều. Cô bé khẽ rùng mình, mặc dù cô đã mặc mấy chiếc áo len. Chiếc lá trên tay cô đã cháy gần hết, sức nóng làm cô giật mình và hất tay ra. Đốm lửa nhỏ lóng lánh rơi xuống đất. Đẹp thật cô bé nghĩ. Một đốm lửa giữa đêm. Cô bé lần lượt châm những mảnh lá vào ngọn nến và tung lên. Những “mảnh sao” lại liên tiếp rơi xuống. Mỗi đốm lửa là một điều ước, cô bé tự nói với mình. Và chợt tiếc tại sao không nghĩ ra sớm hơn. Nếu có điều ước thật thì mình sẽ ước gì nhỉ? Cô bé tưởng tượng một cô tiên sáng bừng hiện ra bên cạnh. Cô tiên mang gương mặt của Agenetha “Ta cho em một điều ước. Một và chỉ một mà thôi”. Ước gì? Cô bé đã từng mong được gặp ban nhạc của cô. Mong lắm. Nhưng cô không nói ra. Cô nói điều khác: “Ước cho mọi em bé trên đời này đều có những điều mà yêu mà mơ ước”. Cô tiên biến mất, chỉ có một con mèo hoang đang đi chơi đêm hoảng hốt chạy đi. Người ta bảo liên hệ được với phù thủy bởi chúng biết nhìn trong đêm. Có phù thủy thật không nhỉ? Và nói chung có những điều kỳ diệu hay không? Chắc là không bởi vì nếu có thì thế giới này đã khác. Ngọn lửa chậm chờn rồi tắt ngấm. Cây nến vẫn còn một phần ba. Cô bé đánh diêm châm nến, chợt nghĩ tới cô bé bán diêm. Rồi cô nghĩ tới nước
Đan Mạch. Đó là một một nước tư bản và xã hội chủ nghĩa. Hai điều đó mới khác nhau làm sao. Vậy mà dường như không còn danh giới. Vì ở nước Nga, ở Việt Nam hay ở Cu – ba vẫn có những chủ công ty giàu có, những công nhân nghèo khổ và những người thất nghiệp đó thôi? Cô suy nghĩ. Nghĩ về những điều cô bạn gái đã nói với cô. Và cô  mơ ước. Mơ ước đến một thế giới thực sự hòa bình. “Ý nghĩ này có vẻ sáo mòn quá hả?” Cô bé tự diễu mình. Nhưng dù sao, cô vẫn muốn có một ngày thế giới được thay đổi hoàn toàn. Ai sẽ là người làm việc ấy? Giá mà cô có thể làm được điều gì…Cô bé tự hỏi mình: “Việc gì mình phải lo lắng những điều ấy chứ? Đó là những chuyện của những người lớn. Còn mình, mình chỉ cần học giỏi, thế thôi”.
 Nhưng cô biết rằng cô không nghĩ vậy…” Tại sao con người không chỉ bằng lòng với đủ, mà bao giờ cũng muốn thừa? Của cải thừa thãi… Những cuộc chém giết…Giọng của ông mục sư già hàng đêm vẫn đều đều giảng kinh về đức cam chịu…Tất cả đều thật vô ích và vô nghĩa. Những nhà tư bản kêu rằng người cộng sản là kém đức tin. Còn họ, mỗi lần lên nhà thờ đều thề thốt trung thành với Chúa, với lời răn dạy chịu nghèo khổ, nhường phần sung sương cho kẻ khác để được lên nước trời. Nhưng, về đến nhà thì lại vắt óc ra mà nghĩ xem nên dùng thủ đoạn nào để đánh bại đối thủ…Thế thì cái gì là thật? Trong trí óc và cách nhìn non trẻ của cô, điều đó khó mà quan niệm được. Mười bốn tuổi, liệu đã đủ cho người ta nghĩ đến những điều “ cao cả” như thế chưa? Không, cô bé khẳng định, để suy nghĩ thì không có tuổi nào là sớm cả.
     Cô bé liếc nhìn ngọn nến. Nó đã gần tàn. Và chắc cũng như lần trước thoi, nó sẽ bị tắt lịm đi đúng vào lúc cô kể với nó những ước mơ của mình. Cô bé thở dài và đúng dậy. Mặc dù đây là lúc ngọn lửa sáng và đẹp nhất. Cô không muốn nhìn thấy kết thúc của ngọn nến. trước khi quay đi, cô thầm thì: “Cho một trái đất xanh hơn”.
    Cô bước lên cầu thang. Mái tóc dài không tung tẩy như mọi lần. Cái bóng đổ dài cũng không còn vẻ thoải mái và vô tư lự. Cô phải đi. Ngày mai là một tuần mới với những bài học mới. Không biết trong những bài học ấy, có câu trả lời cho mơ ước của cô không?
     Và sau khi cô bé bước đi một bước lâu, lâu lắm, ngọn lửa vẫn còn sáng mãi, lung linh.
  
                                                *******************
  
Trần Thu Vân                                           
Lớp 8G THCS Nguyễn Trường Tộ
Quận Đống Đa
(Năm học 1998 – 1999)
  
                                                NỖI BUỒN
                                             (GIẢI B)

Sao mọc đầy trên những mảng trời đêm
Trẻ con thì mở xem phim đọ kiếm
Sao thật nhiều mà chúng chẳng chịu đếm
Để sao buồn lặng lẽ sao rơi


                  Mảnh vườn nhà trăng sáng chẳng ai chơ
Con dế tủi một mình  tấm tức
               Nào ai hiểu nỗi buồn thiên nhiên được
                     Ngoài tuổi thơ còn có ánh mắt tâm hồn…

Trẻ con không chơi người ta dẹp mảnh vườn
Thay vào đó quán cà phê gốc liễu
Không ai hiểu được thiên nhiên, không ai hiểu…
Trẻ con thì vẫn dán mắt xem phim.
                                                                                                                                                                                    3/8/1997
                                                 ********************
   
                                             TIỄN BẠN 
Tiễn bạn ra phi trường                                      
Đường khuya sương ướt mắt                 
Mai về miền xa lắc
Bạn có gì vấn vướng?

 Tám năm làm bạn học
Kỷ niệm đầy giọt sao
   Cách nửa vòng trái đất
Có giọt nào hư hao?

Tám năm làm bạn học
Trừ một ngày chia tay
Trả lại thời học sinh
Bạn hóa thành mây bay


       Tám năm làm bạn học 
   Day dứt bài thơ này
    Cả hai cùng òa khóc
         Như hai nhà thơ say


************************

THÔNG BÁO LỊCH HỌC
LỚP NĂNG KHIẾU VĂN KỲ III/2011
CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI

    Từ ngày 15/8/2011 bộ môn Văn học - Cung Thiếu nhi xếp lịch học 
     kỳ III như sau ( Tháng 9 - 10 -11-12 )

TT
TÊN LỚP
GIỜ HỌC
NGÀY HỌC
HỌC PHÍ
1
Văn NK lớp 5
8h00 - 9h15

Thứ bảy

525.000đ/ 3,5tháng
(300.000/tháng)
Tuần 1 buổi

2
Văn NK lớp 4
9h45 - 11h15
3
Văn NK lớp 3A
14h00 - 15h30
4
Văn NK lớp 3B
15h45 -14h00
5
Làm báo K7
8h00 - 9h15





Chủ nhật
630.000đ/3,5 tháng
(180.000đ/tháng)
Tuần 1 buổi

6
Làm báo K6
9h45 - 11h15
7
Văn NK lớp 7
14h00 -17h15
1050.000đ/ 3,5tháng
2ca – tuần 1 buổi

8
Văn NK lớp 6
17h30 -19h00
525.000đ/ 3,5tháng
(300.000/tháng)
Tuần 1 buổi



 1/  Kỳ III bắt đầu học từ 15/9
 2/  Phụ huynh học sinh và các em đăng ký học kỳ III tại phòng 
      A 205(Tầng 2 Cung Thiếu nhi HN – 36 Lý Thái Tổ)
 3/  Học sinh có nhu cầu thi tuyển năng khiếu liên hệ trực tiếp gặp 
      cô Hương ĐT: 0989915738



                                                             BỘ MÔN VĂN HỌC